Chương 26: Giáo bá

Qua năm mới, Tại Diên liên tục nhắc lại chuyện đi du học, đồng thời yêu cầu Tại Dã phải đưa Dư Thiên về nhà ông ta, nhưng Tại Dã chỉ phớt lờ ông ta.

Nói chính xác hơn là cậu chọc tức ông ta một phen rồi mới chặn tin nhắn của ông ta.

Ngoại trừ việc Tại Diên thỉnh thoảng ló mặt ra để chứng minh sự tồn tại của ông ta, thì cuộc sống của Tại Dã khá yên bình, cậu cũng dần dần thích nghi với việc chăm sóc Dư Thiên, càng làm càng quen tay.

.

Cấp ba là giai đoạn mông lung nhất của rất nhiều thiếu niên thiếu nữ, không biết mình sẽ đi về đâu, để tâm đến mỗi một điểm số, tưởng tượng ra mỗi một viễn cảnh trong tương lai. Không khí trong phòng học rất nặng nề, nhất là sau khi các thầy cô phê bình học sinh vì làm bài thi bị điểm kém, thỉnh thoảng sẽ nghe được tiếng khóc nghẹn ngào của ai đó trong lớp.

Trong bầu không khí này, đại ca trường bọn họ - anh Dã - luôn là người đặc biệt nhất.

Hôm nay cậu cũng đi học khá trễ, hơn nữa trong tay cậu còn cầm hai túi cam lớn.

Hai túi cam nặng trĩu đặt lên bàn, đám đàn em xung quanh rất tự giác thò tay lấy.

“Cảm ơn anh Dã!”

“Cảm ơn anh Dã, sao hôm nay lại đem cam tới cho bọn em ăn vậy?”

“Anh Dã, để em chia phần giúp anh!”

Tại Dã ngăn cản bọn họ: “Khoan đã.”

“Mấy cậu biết làm đèn quả cam* không?” Cậu hỏi.

(*) đèn quả cam: giữ lại vỏ cam gần như nguyên vẹn sau khi ăn rồi khoét như khoét bí ngô, sau đó bỏ nến hoặc bóng đèn vào trong

Các đàn em: “?”

Chuyện này bắt nguồn từ nhà trẻ của Dư Thiên.

Nhà trẻ chưa có chương trình học gì, nhưng họ sẽ cố gắng bồi dưỡng khả năng tự lập cho tụi nhỏ, thế nên thầy cô sẽ giao một ít bài tập thủ công đơn giản, ví dụ như làm đèn quả cam.

Nói chung, kiểu bài tập thủ công này thường sẽ cần người lớn trong nhà cùng làm với đứa trẻ, như vậy cũng có thể bồi dưỡng sự thân thiết giữa cha mẹ và con cái, tạo điều kiện cho cha mẹ dành thời gian bầu bạn cùng con mình.

Mục đích ban đầu thì rất tốt, nhưng kiểu hoạt động này đúng là làm khó phụ huynh, nhất là những vị phụ huynh tay chân vụng về.

Sau khi nghe Dư Thiên nói có bài tập làm đèn quả cam, Tại Dã cũng không để tâm lắm, chỉ đi mua một túi cam nhỏ, chuẩn bị tự làm rồi báo cáo kết quả công tác cho con gái cậu. Kết quả là cô bé đã ăn cam no nê rồi mà cậu vẫn chưa làm được cái đèn nào ra hồn.

Chắc là do mua nhầm loại cam.

Thế là cậu lại mua thêm hai túi cam lớn nữa rồi đem vào trường, chuẩn bị hợp sức với đàn em trong lớp… Kiểu gì cũng phải làm được một cái đèn hoàn chỉnh chứ, đúng không?

Hôm nay, cả phòng học ngập tràn mùi cam. Có nữ sinh đã khóc suốt một tiết vì bài thi bị điểm kém, cô ấy được bọn họ đưa cho hai quả cam.

Lúc thầy chủ nhiệm bước vào thì phát hiện hầu như cả lớp đều đang ngồi khoét vỏ cam. Một thời gian dài sau đó, hầu như mỗi bàn học đều có một cái đèn quả cam. Về phần Tại Dã thì ngay ngày hôm đó, cậu đã chọn cái đèn quả cam đẹp nhất để đem về nhà nộp cho con gái.

Nhưng bài tập thủ công không chỉ có cái này.

Lần thứ hai là dùng đất sét màu để tạo thành một bức tranh*.

(*) kiểu như vầy, không phải nặn đất sét thành cái gì đó mà là dán đất sét lên một bức tranh

Đứa con gái ngỗ nghịch của cậu chỉ lo chơi đất sét màu, căn bản không thèm gắn đất sét lên bức tranh, sau đó cô bé dứt khoát giao luôn trọng trách làm bài tập cho cậu. Tại Dã cau mày làm thử một hồi, quyết định tìm sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trong lớp cậu có rất nhiều học sinh, chẳng mấy chốc đã làm ra thành quả. Cả lớp chung tay dùng đất sét màu tạo ra bức tranh nhân vật “Điêu Thuyền”, được phỏng theo hình ảnh trong một tựa game.

Sau khi Dư Thiên giao bài tập, vì quá mức xuất sắc nên rõ ràng không phải tác phẩm mà một đứa nhóc có thể làm ra, cô giáo nhà trẻ đã gọi cho Tại Dã, uyển chuyển nhắc nhở rằng “Phụ huynh không thể làm bài tập giùm cho bé, phải để bé tham gia vào quá trình này nữa.”

Lần thứ ba là vẽ tranh bằng lá cây*.

(*) ví dụ như này

“Lần này con phải tự làm bài tập rồi đấy nhé?” Tại Dã ngồi nhìn Dư Thiên đang nằm dài trên sô pha.

Tại Dã thật sự không ngờ sẽ có lúc cậu phải thúc giục người khác làm bài tập.

Dư Thiên thở dài đầy miễn cưỡng, bò đến trước bàn, cầm mấy chiếc lá cây lên, lúc bôi keo lên thì sơ ý để keo dính vào tay mình.

Xem ra cả hai cha con đều không giỏi thủ công.

Tại Dã rửa sạch keo dính trên tay con gái mình, rồi đẩy cô bé qua một bên, tự mình hoàn thành bài tập lần này.

Từ trước đến nay, cậu chưa bao giờ nghiêm túc làm bài tập đến mức đó.

Sau khi Dư Thiên đem bài tập đến nhà trẻ, Tại Dã lại một lần nữa bị cô giáo nhắc nhở.

“Tuy lần trước tôi đã nói phụ huynh không thể hoàn toàn làm bài thay cho bé, nhưng thật ra cũng không thể để bé tự tay làm hết. Vì bài tập lần này quá sơ sài nên lúc cả lớp bình chọn thì bài của bé không nhận được bất cứ một trái tim nào, như vậy sẽ khiến lòng tự trọng của bé bị tổn thương.”

Tại Dã: “...”

Lòng tự trọng của bé không bị tổn thương đâu, chỉ có cậu bị tổn thương thôi.

Cô ấy nói thế là có ý gì? Ý là tác phẩm của cậu kém đến mức không được một phiếu bầu nào hết, một người lớn như cậu mà lại không bằng một đám con nít ư?

Anh Dã đã bị khơi dậy ý chí chiến đấu ở một lĩnh vực khá kỳ lạ.

Dần dần, các bạn học của Tại Dã cũng quen với việc đại ca trường thường xuyên đem một vài nguyên liệu tới trường chia cho mọi người, nhờ mọi người cùng nhau hỗ trợ làm thủ công. Đây xem như một thú vui nho nhỏ trong năm học cuối cấp đầy căng thẳng của bọn họ.

Hôm nay anh Dã lại đem theo một cái túi, trong túi là một tấm thiệp, đàn em ngồi cạnh cậu thấy vậy thì lập tức hiểu ý, biết sắp có nhiệm vụ cần làm, quen đường quen nẻo hỏi: “Anh Dã, hôm nay là bài tập gì thế?”

Tại Dã: “Hôm nay không có bài tập gì đâu.”

“Vậy tấm thiệp này là…?”

“Thiên làm thiệp cảm ơn tôi.” Tại Dã giơ tấm thiệp xấu quá trời quá đất lên cho đàn em xem.

Bài tập lần này yêu cầu bé tự tay làm một tấm thiệp thể hiện tình yêu dành cho cha mẹ. Từ tối hôm qua nhận được tấm thiệp xấu hoắc này, Tại Dã đã nhìn rất nhiều lần, lần này vẫn không nhịn được mở ra nhìn tiếp.

Bìa thiệp rất xấu, nhưng bên trong lại dán đầy hoa đỏ - đó vốn là mấy bông hoa trong phiếu bé ngoan của Dư Thiên. Cô bé cắt hết chúng ra rồi dán lên thiệp tặng cho cậu.

Tại Dã vừa nhìn tấm thiệp vừa cười tủm tỉm.

Trong nhà trẻ, ngoài mấy bài tập thủ công thì còn có các hoạt động đặc biệt.

“Chơi cùng thú cưng?” Tại Dã nhíu mày nhìn thông báo trên di động.

Cô giáo nhà trẻ bảo rằng nhà bé nào có nuôi thú cưng thì có thể đưa thú cưng đến trường một ngày, khoe nó với các bạn khác, mục đích là để các bé có thể học cách trân trọng sinh mệnh và biết chịu trách nhiệm với mạng sống của những sinh vật nhỏ khác.

Tại Dã nuôi một đứa trẻ thôi còn thấy khó, may mà cô bé có khả năng tự chăm sóc bản thân khá tốt nên cậu đỡ cực, bởi vậy cậu chưa từng suy xét đến việc nuôi thú cưng. Nhưng nếu mấy đứa nhóc khác đều có thú cưng, mà con gái cậu lại không có, thế thì cô bé có bị xa lánh không, có cảm thấy xấu hổ vì thua kém bạn bè không?

Băn khoăn thật lâu, cuối cùng Tại Dã hạ quyết tâm hỏi cô bé: “Con muốn nuôi loại thú cưng nào? Chọn con gì dễ nuôi ấy.”

Dư Thiên chớp chớp mắt, nói: “Thú cưng, con có!”

“Con có à? Sao ba lại không biết, ý con là thú cưng trong quán bar của chú Tụ hả?” Tại Dã hỏi.

Dư Thiên vươn ngón tay ngắn cũn của mình ra, chỉ vào không khí bên cạnh mình: “Ở đây nè, thú cưng!”

Hệ thống 65 mới vừa ríu rít bên tai cô bé lập tức ngậm miệng. Tuy nó biết trong thế giới này, ngoại trừ ký chủ thì chẳng ai thấy được nó, nhưng nó vẫn rất căng thẳng.

[Ký chủ! Nhóc không thể nói với người khác về sự tồn tại của tôi!]

Dư Thiên gập ngón tay lại, không hiểu lắm.

Tại Dã nhìn không khí: “Cái gì…”

Một con ruồi bay qua trước mặt cậu.

Tại Dã nhìn con gái mình, rồi lại nhìn con ruồi kia. Ruồi ở đâu ra vậy? Tầng lầu này cao như vậy, sao lại có ruồi được? Không lẽ là do cô bé đem nó về đây? Sao con gái cậu lại xem một con ruồi là thú cưng?

Tại Dã bỗng nhớ ra, có rất nhiều lần cậu thấy con gái mình đứng trên sô pha huơ tay múa chân, lúc ấy cậu cho rằng cô bé đang tự nói chuyện với không khí, nhưng bây giờ ngẫm lại, chẳng lẽ đó là vì cô bé đang nói chuyện với con “thú cưng” này?

Trẻ con rất ngây ngô, có lẽ cô bé vẫn chưa biết rằng mấy sinh vật như ruồi bọ thì không thể đem về làm thú cưng, chắc là cô bé nghĩ ruồi cũng như bướm. Tại Dã tự nhắc nhở mình không thể dùng tư duy của người lớn để phán xét con nít.

Tại Dã: “Cô giáo bảo con đem thú cưng đến trường, con định đem con này đi hả? Nó có biết nghe lời con rồi đi theo con không?”

Dư Thiên nhìn đốm sáng xanh lam lập lòe bên cạnh mình, gật đầu: “Ngày nào con cũng đem nó đến trường.”

Ngày nào cũng đem một con ruồi vào trường học, có phải là hơi ảo rồi không?

Đối với yêu cầu của cô bé, dù nó có ảo tới mức nào, Tại Dã cũng chỉ có thể nghĩ cách giúp con gái mình thực hiện.

Sau khi cô bé đi ngủ, Tại Dã đi loanh quanh trong phòng, muốn tìm cho bằng được con ruồi kia. Cậu tìm cả buổi, cuối cùng cũng thành công nhốt con ruồi đó vào chai nước khoáng.

Sáng hôm sau, cậu đưa chai nước khoáng đựng con ruồi cho Dư Thiên: “Thú cưng của con đây, đem vào trường đi.”

Dư Thiên nắm cái quai đeo cặp của mình, nhìn khuôn mặt thâm quầng vì không ngủ đủ giấc của Tại Dã, nghiêm túc nói: “Không phải con này ạ, là con màu xanh lam, biết phát sáng.”

Ruồi mà cũng có nhiều màu nữa ư? Tại Dã cũng không ngờ cô bé có thể phân biệt được những con ruồi khác nhau.

Nghĩ đến công sức tìm con “thú cưng” này vào tối hôm qua, Tại Dã sa sầm mặt: “Chính là con này, con đem nó đến trường cho ba!”

Dư Thiên khẽ thở dài lắc lắc đầu, dáng vẻ kiểu như “bó tay với ba”, rồi vươn tay nhận lấy chai nước khoáng kia.

“Vâng ạ.”

Cô bé cầm chai nước khoáng đựng con ruồi vào nhà trẻ, bạn nhỏ ở bên cạnh đang triển lãm một con rùa đen. Cô giáo nói chuyện với bạn ấy một lát, rồi đến trước mặt Dư Thiên.

“Bé Thiên à, con có đem thú cưng theo không?”

“Có ạ.”

“Ủa, con có hả? Phụ huynh của con không thông báo với cô. Đó là con gì vậy, có thể cho cô và các bạn xem thử không?”

Dư Thiên giơ chai nước khoáng lên.

Nụ cười hoàn hảo của cô giáo bị xịt keo cứng ngắc: “Đây là… Đây là? Ruồi…? Hả con…?”

Dư Thiên: “Là thú cưng mà ba bắt cho con.”

Cô giáo: “Ha ha, vậy à, con thú cưng này đặc biệt lắm.” Vị phụ huynh này làm ba kiểu gì vậy?

Nghe cô giáo nói thế, mấy đứa nhóc khác đều xúm lại đây. Không phải vì mọi người chưa từng thấy con ruồi, mà là vì chưa bao giờ thấy có ai nhốt con ruồi vào chai kiểu này.

Một đám nhóc đứng nhìn con ruồi, rồi đứa nhóc đem theo rùa đen đột nhiên hỏi: “Rùa của tớ có thể bơi lội trong nước, rùa của cậu có bơi được không?”

Một đứa nhóc khác nói: “Nó bay được, chắc chắn cũng sẽ bơi được!”

“Vậy đổ nước vào xem thử.”

.

Tối hôm đó, Tại Dã nhận được tin nhắn của cô giáo. Tuy lời khiển trách rất hàm súc nhưng cậu vẫn hiểu, cô giáo không tán đồng với việc cậu bắt một con ruồi để làm thú cưng cho con gái cậu, đồng thời cô giáo còn khuyên cậu đừng nên qua loa có lệ với cô bé.

Tại Dã: “...”

Oan cho cậu quá.

Con gái cậu - cái đứa mà hôm qua chỉ vào con ruồi rồi kêu là thú cưng - thì vẫn vô tư như vậy, ném cặp sách qua một bên, bỏ chai nước trong tay xuống, chạy đi tìm đồ ăn vặt.

Tại Dã cầm di động cạn lời ngồi trên sô pha.

Sau khi nhắn tin trả lời cô giáo, cậu thuận tay lấy chai nước khoáng chỉ còn một nửa trên bàn, vặn nắp uống một ngụm.

Dư Thiên cầm một lọ sữa chua lại gần, Tại Dã liếc cô bé một cái: “Thú cưng của con đâu rồi, có đem về không?”

Cô bé nhìn chằm chằm vào tay cậu.

Tại Dã: “?”

Cậu có dự cảm không lành, từ từ quay sang nhìn chai nước khoáng mình đang uống, phát hiện có con ruồi đang nằm im dưới đáy chai.

Dư Thiên hút một ngụm sữa chua, lúng búng nói: “Ba uống con ruồi.”

Sắc mặt Tại Dã xanh mét, cậu vội vọt vào phòng vệ sinh.