Chương 25: Giáo bá

Lúc Tại Dã ôm Dư Thiên vào phòng học, trong lớp chỉ có lác đác vài người, là phụ huynh hoặc học sinh.

Cậu đặt cô bé vào ghế của mình, rồi ngồi bên cạnh lột trứng luộc, lột xong thì đưa cho cô bé, nhìn cô bé ăn một miếng trứng uống một ngụm sữa. Chỗ ngồi của cậu là vị trí rất cổ điển - ở cuối lớp và kế bên cửa sổ, có thể ngồi ngắm mấy học sinh đang tụ tập ngoài sân thể dục.

Dư Thiên thong thả ăn sáng, nhưng vẫn dành ra một tay để sờ sờ cái bàn sạch sẽ này. So với những bàn khác chất đầy sách vở, bài thi và các kiểu tài liệu, thì bàn này trống trải hơn nhiều, sách cũng mới tinh. Sau khi tuần tra xong mặt bàn, cô bé bắt đầu khám phá ngăn bàn, suýt nữa thì chui đầu vào đó luôn.

Tại Dã túm cổ áo cô bé: “Ăn cho đàng hoàng, con nhìn gì đó?”

Dư Thiên nhúc nhích vài cái, lấy được một bao thuốc lá từ trong ngăn bàn. Tại Dã lập tức cầm lấy bao thuốc rồi ném thẳng vào thùng rác ở cuối lớp.

Dư Thiên tiếp tục táy máy, thấy một lá thư màu xanh lam nhô ra từ góc một quyển sách, cô bé rút nó ra. Tại Dã nheo mắt giật lấy lá thư, vò thành một cục rồi ném vào thùng rác.

Dư Thiên lại lấy tiếp một bộ bài Tây từ trong ngăn bàn. Lần này không cần Tại Dã ra tay, cô bé tự giác ném bộ bài vào thùng rác.

Tại Dã: “...”

Cậu tùy tiện lấy một quyển sách ra đặt trước mặt con gái, hy vọng có thể dời đi lực chú ý của cô bé, để cô bé đừng lục lọi ngăn bàn của cậu nữa.

Cô bé mở sách ra, lấy cây bút duy nhất trên mặt bàn, hí hoáy vẽ hoa lên sách của cậu để gϊếŧ thời gian. Từng bông hoa màu đen xuất hiện, khiến Tại Dã nhớ đến mấy cái phiếu bé ngoan có hình hoa đỏ trong vở của cô bé, mí mắt cậu giật giật.

Nhiều phụ huynh lần lượt bước vào phòng học, ai cũng tò mò liếc nhìn bọn họ một cái.

Cuối cùng thì thầy chủ nhiệm lớp cũng đến. Thầy ấy là một người thầy truyền thống, mặc áo sơ mi sọc ca rô, đeo đồng hồ, tay luôn luôn cầm một cái cốc giữ nhiệt. Thầy ấy nhìn cô bé đang ngồi kế bên Tại Dã, hỏi: “Tại Dã, người nhà em tới chưa?”

Tại Dã đặt tay lên đầu cô bé: “Chỉ có nhóc này tới thôi thầy.”

Thầy chủ nhiệm lớp: “... Em kêu em gái em đi họp phụ huynh cho em hả? Đi đi đi, dẫn cô bé ra ngoài chơi đi.”

Tại Dã thật ra cũng chỉ muốn tìm một chỗ cho con gái mình ngồi ăn sáng thôi, bây giờ dù sao cũng ăn xong rồi. Trong ánh mắt của những phụ huynh khác, cậu bình thản ôm Dư Thiên đi ra ngoài từ cửa sau phòng học.

Tại Dã bế cô bé đến sân thể dục, ở đó có một đám đàn em đang nói chuyện phiếm.

Đã đến nông nỗi này rồi, bọn họ cùi không sợ lở, phó mặc cho số phận. Lát nữa bị phụ huynh mắng thế nào cũng được, trong lòng bọn họ chỉ mong chờ đến lúc tổ chức đại hội thể thao mà thôi.

Lần này trường tổ chức đại hội thể thao ngay sau khi họp phụ huynh, không biết vị lãnh đạo nào của nhà trường có mạch não thần kỳ đến vậy, nói là muốn các phụ huynh cũng có mặt để xem tinh thần thể thao của con cái họ.

Vì đại hội thể thao bắt đầu ngay sau khi họp phụ huynh, nên Tại Dã - người vốn không hề có ý định tham dự - cũng bị thầy chủ nhiệm lớp “ân cần khuyên nhủ” ở lại trường. Thầy ấy rất chú trọng “cảm giác nghi thức”, khăng khăng cho rằng trong buổi lễ khai mạc đại hội thể thao thì lớp thầy không thể vắng mặt bất cứ ai.

Dư Thiên được Tại Dã ôm trong lòng, lập tức bị mười mấy nam sinh nhìn chăm chú.

“Ủa? Đây là em gái của anh Dã đúng không, sao anh lại đưa em gái tới?”

Tại Dã không trả lời, mà chỉ nói với hai nam sinh đang hút thuốc: “Dập thuốc đi.”

Hai người lập tức dập thuốc, rồi hùa theo mấy nam sinh kia xúm lại gần Dư Thiên, nói chuyện với cô bé: “Em gái ơi, bọn anh là bạn của anh trai em nè, gọi “anh” xem nào!”

“Em ấy biết nói chưa? Gọi “anh”, gọi “anh” đi nào!”

Tại Dã nhìn cả đám đàn em đang cười ngu này, bỗng nhiên nhếch khóe môi, nói với Dư Thiên: “Gọi bọn họ là “anh” đi.”

May mà cái áo bông nhỏ bị lọt gió* này của cậu rất nể mặt cậu, ngoan ngoãn gọi “anh” hết một lượt.

(*) bên Trung Quốc thường ví con gái như cái áo bông nhỏ tri kỷ của cha mẹ

Sau khi cô bé gọi xong, thấy sắc mặt ai cũng hớn hở, Tại Dã mới thong thả giới thiệu: “Đây là Tại Thiên, con gái của tôi.”

Các đàn em: “...”

“Đậu má, anh Dã, anh lợi dụng thời cơ để leo lên đầu bọn em!”

“Móa, không ai chơi lại anh hết á!”

Một đám nam sinh cười đùa ầm ĩ, chẳng ai tin lời Tại Dã mà chỉ cho rằng cậu đang giỡn thôi. Dù sao thì bình thường bọn họ cũng hay leo lên đầu bạn bè mình lắm, cứ đòi người ta gọi mình là “ba”.

Tại Dã: “Không giỡn đâu, thật sự là con gái tôi.”

Đám đàn em vẫn còn cười: “Ha ha ha! Vậy em gái nhỏ không thể gọi bọn mình là “anh”, phải gọi là “chú” mới đúng!”

“Ừa ừa, tôi không ngại nghe em gái gọi tôi là “chú” đâu!”

Tay Dư Thiên vẫn túm lấy vai áo của Tại Dã, dù bọn họ có trêu ghẹo thế nào, cô bé cũng chỉ kiên trì gọi họ là “anh”.

Sau khi cười giỡn một hồi, có mấy nữ sinh cũng thấy náo nhiệt nên xúm lại, thế là Dư Thiên lại tiếp tục gọi “chị” hết một lượt.

Tại Dã: “...”

Tự nhiên cậu có bối phận cao quá trời.

Họp phụ huynh xong, các thầy cô giáo bắt đầu tập hợp học sinh lớp mình để diễu hành trên sân trường.

Thầy chủ nhiệm lớp cầm cốc giữ nhiệt đến vị trí xếp hàng của lớp mình, muốn điểm danh xem có thiếu ai hay không, nào ngờ đếm xong thì thấy không những không thiếu mà còn dư ra một người.

“Tại Dã, đừng nói là lát nữa em sẽ bế em gái đi diễu hành đấy nhé?”

“Cô bé có thể tự đi đó thầy.”

Chủ nhiệm lớp ngẫm nghĩ vài giây: “Cũng có lý.”

Trong đại hội thể thao lần này, lãnh đạo nhà trường yêu cầu học sinh không được mặc trang phục lố lăng mà phải mặc đồng phục cho thống nhất, nên lúc diễu hành thì cực kỳ nhàm chán vì lớp nào cũng giống y hệt nhau.

Sau đó đột nhiên có một lớp rất khác biệt, hấp dẫn sự chú ý của toàn trường. Thường thì mỗi lớp sẽ cử ra một người, có thể là cán bộ lớp hoặc học sinh có bề ngoài ưa nhìn nhất, người đó sẽ cầm bảng tên lớp dẫn đầu đội hình. Nhưng cái lớp này rất lạ, người đi trước đội hình là một đứa nhóc nhỏ xíu.

Cô bé ôm bảng tên lớp, nhìn y như bé vịt con đi lạc vào giữa bầy ngỗng, chân đi về phía trước nhưng đầu thì thỉnh thoảng ngoái ra sau. Cô bé nhìn dáo dác khắp xung quanh với vẻ mặt hoang mang, nhưng vẫn cố gắng dẫn đường cho đội hình của lớp.

Phía trước có đội hình của lớp khác, những học sinh đứng hàng cuối của lớp đó không nhịn được nên cứ ngoái đầu lại nhìn cô bé, vừa nhìn vừa xì xào bàn tán.

Bọn họ đi ngang qua sân khấu, trên đó có lãnh đạo nhà trường và các thầy cô, trên khán đài cũng có phụ huynh đang nhìn lên sân khấu. Tất cả mọi người đều nhìn đứa nhóc này, nhưng không ai có ý kiến gì, chỉ trơ mắt nhìn cô bé đi ngang qua.

Thậm chí, khi cô bé ngước nhìn bàn đại biểu trên sân khấu, không chú ý dưới chân nên lảo đảo suýt té ngã, thì mấy vị phụ huynh ngồi trên khán đài còn hoảng hồn kêu lên.

Đi một hồi, cô bé suýt nữa thì đi theo lớp phía trước, vào vị trí ngồi của người ta luôn, phải nhờ một học sinh của lớp phía sau tiến lên dắt cô bé về đúng chỗ, khiến người xung quanh cười rộ lên.

Đây chỉ là một nốt nhạc đệm trong buổi lễ khai mạc đại hội. Sau khi Dư Thiên giơ bảng tên đi diễu hành thì được các học sinh trong lớp thay phiên nhau trông chừng. Vì Tại Dã cần đi thi đấu nên Dư Thiên được các học sinh còn lại đưa đến khán đài.

Lần đầu tiên Tại Dã chạy ngang qua khán đài, thấy xung quanh Dư Thiên có rất nhiều nữ sinh đang cầm quạt mini chạy bằng pin để quạt mát cho cô bé.

Lần thứ hai Tại Dã đi ngang qua khán đài, phát hiện mấy nữ sinh trong lớp đang chia sẻ đồ ăn vặt với cô bé.

“Tại Thiên! Không được ăn quá nhiều đồ ăn vặt!” Người “cha già” ở bên dưới hô to.

Cô bé liếc nhìn cậu từ xa xa, rồi lập tức che miệng, xoay người giấu cái miệng mình đi, giống như nếu làm vậy thì cậu sẽ không nhìn thấy, không khác gì bịt tai trộm chuông.

Lần thứ ba chạy ngang qua khán đài, Tại Dã phát hiện con gái mình không ngồi ở đó nữa. Một nữ sinh đang chuẩn bị thi đấu chỉ tay về một hướng, giải thích: “Ở bên kia kìa, bọn tôi sắp phải chạy tiếp sức rồi, nên nhờ thầy chủ nhiệm trông chừng cô bé một lát.”

Bấy giờ, Tại Dã mới phát hiện cô bé đang ngồi trên sân khấu, sau mấy cái bàn đại biểu. Vì mặt bàn quá cao nên đã che khuất toàn thân cô bé, chỉ có cái đầu nhô lên. Cùng lúc đó, thầy chủ nhiệm lớp đang đưa cái bình nước nhỏ cho Dư Thiên, chắc là thầy ấy vừa đi rót nước cho cô bé.

Lúc Tại Dã thi đấu xong xuôi quay về đón Dư Thiên, cậu thấy cô bé vừa ôm cái bình nước trống không của mình vừa cảm thán: “Mệt mỏi quá đi.”

Tại Dã: “Con vẫn luôn ngồi trên này xem ba và mọi người chạy, con mệt cái gì?”

Cô bé ngồi xổm xuống ngay tại chỗ, duỗi tay đòi ôm.

Tại Dã - người thật sự mệt mỏi cả ngày - cúi xuống bế cô bé lên.

Ngày thứ hai của đại hội thể thao, Tại Dã vẫn đưa con gái đi cùng, nhưng đã biết đề phòng hành vi ăn vặt mất kiểm soát của cô bé. Cậu mặc cho cô bé cái áo thun có dòng chữ “cấm đút đồ ăn”, hy vọng có thể khiến mọi người hạn chế đút đồ ăn cho con gái mình.

Sau khi kết thúc đại hội thể thao, tất cả bạn bè trong lớp đều biết đại ca trường Tại Dã có một đứa em gái rất đáng yêu, thế nên mỗi khi cậu lên Taobao mua sắm đồ dùng cho con nít, hoặc cầm di động hỏi người khác xem chiếc váy nào đẹp hơn, thì mọi người đều không thắc mắc gì.

Còn đàn em của Tại Dã, mỗi khi lướt mạng thấy món đồ thú vị nào đó cho trẻ con, bọn họ đều sẽ đưa cho cậu nhìn thử, rồi xúi giục cậu mua cho cô bé.

Dù sao cũng là năm cuối cấp ba, hiếm có dịp được thư giãn như đại hội thể thao, hầu hết thời gian đều là học và học, dù là Tại Dã cũng không ngoại lệ. Nhưng trong hoàn cảnh đầy áp lực này, Tại Dã vẫn duy trì trạng thái như lúc trước, ngồi trong lớp chơi game, thỉnh thoảng đi trễ về sớm đón con gái, hết sức kiên định với lối sống tự do tự tại của mình.

Một học kỳ đã kết thúc, học sinh được nghỉ đông vài ngày, dù kết quả thi có thế nào thì cũng phải về nhà ăn tết trước đã.

Tại Dã định sẽ không về giống năm ngoái, nhưng năm nay cậu có thêm một đứa con gái, nên Tại Diên không thể vờ như cậu không tồn tại. Từ lúc cậu bắt đầu nghỉ đông, ông ta đã gọi điện thoại tới, yêu cầu cậu phải đưa cháu gái về nhà ăn tết. Ông ta gọi liên tục đến tận đêm 30, thậm chí đến ngày đó còn phái người lái xe tới đón cậu.

Lúc xe lái đến dưới lầu, một lớn một nhỏ đang ngồi đối diện trên bàn ăn, bốn mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn mớ sủi cảo bị rách da trên bàn do Tại Dã nấu.

“Con có ăn không?” Tại Dã hỏi.

Cô bé lắc đầu.

“Con nói sủi cảo bị lạt, ba đã thêm muối rồi mà?”

“Không ăn được ạ.” Cô bé đặt tay lên bàn, chôn mặt vào khuỷu tay, dùng hành động để tỏ rõ quyết tâm của mình.

Năm ngoái Tại Dã chỉ có một mình, tùy tiện nấu sủi cảo đông lạnh là đủ no rồi, nhưng năm nay thì khác. Đã là đêm 30, các siêu thị lớn khắp thành phố này đều đóng cửa hết rồi, các quán ăn cũng vậy, mà cậu thì lại không mua đủ sủi cảo để nấu lại nồi khác. Không còn cách nào khác, vì không muốn con gái chết đói nên cậu đành phải ôm con lên xe, chuẩn bị đi ăn chực.

Sau khi đến nhà Tại Diên, hai cha con vừa thấy mặt nhau thì đã “chào hỏi” bằng một trận cãi vã.

Chủ yếu là vì việc học của Tại Dã.

Tại Diên vốn đã không còn chờ mong gì vào việc học của đứa con ngỗ nghịch này rồi, ông ta chỉ kêu cậu chuẩn bị ra nước ngoài du học.

Mấy đứa con nhà giàu mà học dốt thường sẽ chọn đi du học để mạ vàng cho sơ yếu lý lịch của bản thân, chỉ cần có tiền hoặc có mối quan hệ thì không khó để vào các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Nhưng ở trong nước thì khác, nếu thành tích quá kém thì khó mà đút lót để vào được mấy trường đại học tốt.

“Không đi.” Tại Dã thậm chí còn không thèm nhấc mắt, thẳng thắn từ chối đề nghị đưa cậu đi du học của Tại Diên.

“Không đi? Không đi thì với cái thành tích này, con tính vào mấy trường đại học hạn chót ở trong nước à? Có khi còn không đậu đại học luôn ấy chứ, ba đâu có dư mặt mũi để cho con bôi tro trát trấu vào?!” Tại Diên hừ lạnh.

Tại Dã trả lời đầy mỉa mai: “Tôi biết bản thân muốn làm gì, ba không cần phí hơi sức lo cho tôi.”

Hai cha con vì vấn đề này mà tạm biệt nhau trong sự hậm hực.

Người lớn cãi vã không liên quan gì đến con nít, Dư Thiên chỉ biết hôm nay mình được ăn một bữa cơm tất niên rất phong phú. Cô bé vừa được ăn no nê vừa được nhận rất nhiều bao lì xì.

Đêm 30 của năm kia, Tại Dã không ăn cơm tất niên mà chỉ nằm chơi game rồi ngủ, không khác gì những ngày bình thường.

Đêm 30 của năm ngoái, Tại Dã lái xe lên núi, đứng một mình trên đỉnh núi cả đêm, sau đó còn có tuyết rơi, thời tiết lạnh hơn bình thường rất nhiều.

Còn đêm 30 năm nay, cậu nằm chen chúc với con gái trong căn phòng chứa đầy thú bông, cả hai cùng xem tivi. Trong phòng khách còn có quà tết của Lý Tụ và mấy người anh em khác, cậu và con gái chỉ mới khui vài món, vẫn còn hơn phân nửa số quà chồng chất trong góc.

Sở dĩ chỉ khui vài món là vì mấy thứ bọn họ tặng đều rất… khó tả. Ví dụ như một con robot cao đến hông Dư Thiên, trong tay nó cầm hai quả cầu phát sáng, chỉ cần nhấn nút khởi động là nó sẽ bắt đầu uốn éo tới lui, hai quả cầu trong tay nó cũng sẽ xoay tròn đổi màu liên tục, thậm chí nó còn biết hát nữa.

Sau khi Tại Dã phát hiện con gái mình bắt chước uốn éo theo thứ này, cậu lập tức tắt nó đi rồi giấu vào ngăn tủ.

Có người còn tặng hai con ba ba còn sống, Tại Dã nhìn cả buổi vẫn không biết nên xử lý kiểu gì, đành phải bỏ chúng nó vào một cái xô, rồi bưng đến bàn trà cho con gái chơi đùa.

Ngoài ra còn có một bộ đồ đôi cho cha và con, đều có màu đỏ chót. Tại Dã nhìn hai bộ đồ này, cảm thấy nếu mặc ra ngoài vào buổi tối thì chắc là có thể hù chết ít nhất mười người qua đường.

Mấy món quà linh tinh được dẹp hết qua một bên, đêm nay bọn họ tạm thời không kiêng uống Coca nữa. Dư Thiên rót đầy nước ngọt vào cái cốc nhỏ có hình vịt vàng của mình, rồi lại rót đầy cái ly màu vàng của Tại Dã.

“Cụng ly!”

Năm nay là năm đầu tiên bọn họ sống cùng nhau.