Chương 37: Phiên ngoại về cuộc đời của lão Quốc công (Phần 5)

Mông nhi thừa hưởng tính cách điềm tĩnh và lãnh đạm của ta, đồng thời có cả sự kiên cường của Khưu Băng. Chẳng qua là lão tử ta có vẻ bề ngoài không được đẹp đẽ cho lắm, thế cho nên bị người ta nói là "chất phác kiệm lời", còn thằng nhóc đó trời sinh đã tuấn tú nên được cho là "khiêm tốn, nho nhã" có "phong thái của một vị nhân tài".

Không hiểu đánh giá kiểu quái gì nữa!

Mông nhi thay đổi từng ngày, sau khi thành hôn, thằng nhóc này ngày càng nổi bật hơn. Trương thị có tính cách nhiệt tình, hoạt bát, khiến cho tính tình của Lý Mông cũng dần dần thoải mái hơn. Phải biết rằng từ nhỏ thằng nhóc này đã trưởng thành sớm, cả ngày cứ như ông cụ non, đây có thể coi là tiến bộ vượt bậc luôn đấy.

Cưới người con dâu này quả là quyết định sáng suốt!

Lúc ta thực sự cảm thấy Lý Mông đã trưởng thành đến mức có thể kề vai sát cánh với ta là vào năm tấn công tòa thành trì cuối cùng của người Hồ.

Khi đó ta và Sở Duyệt đều đã gần năm mươi tuổi rồi, người Hồ đã chiếm đóng tòa thành này được gần hai năm. Người Hồ đã cai trị chúng ta sáu mươi năm ròng, tất cả mọi vật tư mà bọn chúng cướp được ở Trung Nguyên và các nước nhỏ xung quanh đều được cất giữ ở đây, các khí giới thủ thành do người Sắc Mục ở Tây Vực cung cấp cũng khiến chúng ta nhiều lần thất bại trở về.

Lương thực bên trong thành đủ để cho bọn chúng ăn mấy chục năm, vây thành ư?

Chúng ta không trụ được lâu như thế.

Vào mùa xuân, trời mưa không ngớt, việc công thành càng khó khăn. Trong quân doanh lại đột phát bệnh dịch, càng khiến cho thiệt hại nặng nề hơn. Trận dịch đó đã lan ra toàn bộ quân đội nhà Sở, ngay cả đứa con út của ta cũng không may mắn tránh được.

Ta là người đã quyết định mang thê tử và hài tử theo cùng, và một lần nữa ta cảm thấy vô cùng thất bại. Kể từ khi người Hồ tàn sát thôn làng lần trước, dù có để bọn họ ở đâu ta cũng không an lòng, vì thế ta tình nguyện mang theo bọn họ vào doanh trại với ta, ai có nói gì cũng không nghe. Chỉ có để bọn họ ngay trước mắt, ta mới tin không ai có thể làm hại đến bọn họ.

Đúng là không ai có thể làm hại bọn họ, nhưng thứ làm hại bọn họ lần này lại không phải là người.

Nhìn khuôn mặt đờ ra rơi lệ của Khưu Băng mà ta chỉ hận không thể đào ngay một cái hố rồi chôn mình xuống. Nhi tử nhỏ nhất của ta có vẻ bề ngoài và thần thái giống y hệt đệ đệ của Khưu Băng, cả hai thằng nhóc đều nhỏ con và dễ xấu hổ.

Việc này có khác gì gϊếŧ hai đứa trẻ trước mặt nàng ấy đâu cơ chứ!

Ta ôm lấy Khưu Băng khóc cả đêm, nếu như nàng ấy không thể gào khóc thật to, vậy thì hãy để ta rơi lệ thay cho nàng.

Sau trận dịch, quân số của doanh trại giảm đi phân nửa. Mộng nhi quyết định đi tìm một đám tử sĩ, đào xác những người lính đã chết vì bệnh dịch lên, rồi dùng máy bắn đá ném những cái xác này vào trong thành.

Nó định để bệnh dịch cũng lây lan trong tòa thành kia, người Hồ đến từ Nội Mông, một khi bệnh dịch lan tràn, khả năng bọn chúng sống sót được sẽ càng thấp hơn…

Nhưng trong tòa thành đó còn có cả người Hán nữa!

Vào lúc ta không biết, Mộng nhi đã trở thành loại người giống Quân sư và Sở Duyệt rồi ư?

Việc này không khác gì một đả kích với ta.

Chiến tranh chết tiệt!

Ta cật lực phản đối cách làm của nhi tử, đây là lần đầu tiên chúng ta cãi nhau quyết liệt vì một chuyện gì đó. Nếu như thật sự chiếm lại được thành Chu Tước theo cách này, coi như thắng lợi thì cũng để lại một hạt giống nghi ngờ trong lòng dân chúng. Bây giờ có thể vì thắng lợi mà vứt bỏ bọn họ, về sau cũng có thể vì cái khác mà coi bọn họ như cỏ rác.

Nếu là như vậy, thì việc chinh phục được giang sơn này có còn nghĩa lý gì nữa? Chẳng qua chỉ là đổi một nhóm người lên thống trị coi mạng dân chúng như súc sinh mà thôi.

Mông nhi thuyết phục Quân sư và Sở Duyệt, thậm chí ngay cả Sở Duệ, người luôn giữ giữ thái độ khiêm tốn cũng tán thành với cách làm này. Vì thế ta đã chứng kiến hàng ngàn chiếc áo choàng cũ nát bị ném vào trong thành như những chiếc bao tải rách rưới trong sự bất đắc dĩ và tức giận.