Chương 9: Bạn Cùng Phòng

Ba ngày sau người ta tìm được Thuận Thiên: bất tỉnh, người đầy thương tích, nhưng vẫn còn sống. Đó đúng là một phép màu vì các vết thương rất nặng. Người ta nói đó hẳn phải là dấu tích của những trận đòn thù, và gia đình nên cảm thấy may mắn vì kẻ thủ ác đã dừng tay mà không đi đến bước cuối. Rồi cơ quan điều tra cũng bắt được thủ phạm, một đối tác trong kinh doanh của bác Ba muốn trút giận lên con trai của kẻ mà hắn cho là đã lừa gạt và khiến mình rơi vào cảnh khốn cùng.

Vụ việc đã khép lại, nhưng sau đó, Thuận Thiên được chẩn đoán bị mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Một căn bệnh thời đó còn ít người biết. May nhờ điều kiện gia đình thuận lợi, Thuận Thiên đã được một bác sĩ tâm lý người Anh chữa trị và hầu như bình phục sau khoảng hai năm. Dù vậy, lo con trai sẽ chịu những ảnh hưởng về sau, người bác đã nhiều lần gửi gắm ông hãy để ý trông nom sức khỏe cho cậu. Mà không cần lời gửi gắm đó, ông cũng tự thấy phải có trách nhiệm quan tâm đến cậu bằng tình thương của một người cha, người anh lẫn người thầy thuốc.

Và cũng vì một điều cứ luôn gợn lên trong ông. Mặc dù phương pháp chữa trị kết hợp thuốc tây với hỗ trợ tư vấn tâm lý từ chuyên gia, đã cho thấy kết quả rõ ràng; nhưng bằng trực giác của một người thầy thuốc lẫn một người thân thiết trong gia đình, ông luôn cảm thấy như thể có cái gì đó bên trong Thuận Thiên vẫn chưa mở ra được, giống như một mẩu bụi bặm bẩn thỉu tàn dư còn rơi rớt lại, chui vào thật sâu mà không thể lấy ra hay làm sạch hoàn toàn. Một cái gì đó rất mơ hồ, chưa thể chứng minh luôn khiến ông nghi ngờ và phân vân liệu mình có lo lắng thái quá hay không.

Nhưng gần đây, bằng chứng cho mối lo ngại của ông dường như đã xuất hiện. Theo những gì ông quan sát, Thuận Thiên lên trại Cỏ Xước lần này có thể vì bị một cảm giác lo âu và sợ hãi đột nhiên xâm chiếm mà không thể giải thích được, và ở mức độ tự mình không xử lý nổi. Đó chắc chắn không phải là một tình huống thông thường, nếu xét theo tính cách và khả năng làm chủ tình huống thường ngày của Thuận Thiên.

Nếu đây là sự thật, ông biết Thuận Thiên cần phải đối mặt với vấn đề càng sớm càng tốt, gặp gỡ bác sĩ tâm lý trở lại cũng là một cách nên làm. Nhưng ông tự hỏi, nếu căn bệnh đột nhiên xuất hiện lại sau rất nhiều năm, vậy thì tác nhân trực tiếp của nó là gì: do áp lực công việc đã nặng nề đến mức làm con người ta phải suy sụp, hay là điều gì khác? Ông thấy cần phải tìm ra. Hiển nhiên đó không phải là chuyện dễ dàng. Những thứ như ký ức vốn rất khó chạm tới, vì chỉ tồn tại trong tâm trí riêng mỗi người. Chúng dường như vô hình và mong manh hơn hết thảy. Nhưng đó cũng là thứ mạnh mẽ và đáng sợ nhất nếu người mang ký ức không chịu để chúng lộ ra dưới ánh sáng và soi xét chúng với một cái nhìn thật thấu đáo và khoan dung.



Lúc này là hơn mười giờ, Bảo Thanh đang ngồi ở đầu giường, bên ánh sáng của ngọn đèn bàn, tay cầm quyển Khu Vườn Findhorn mà cô rất ưa thích, với một cái nhìn mờ mịt xa xăm mà hiếm khi mới bắt gặp.

Trong nhà, ông Hai Nghĩa thường ngủ hẳn ở chiếc giường nhỏ kê ngay trong khu bếp lớn hoặc thậm chí có lúc cứ nằm ngả lưng trên chiếc võng dày mà đong đưa cho mát mẻ, cũng để tiện đi tới lui và dòm ngó khu vườn dù đôi lúc ông cũng cười khà khà mà thừa nhận rằng vườn rộng mà ông thì đã quá già để có thể đuổi theo nếu có tên ăn trộm nào lẻn vào. Anh Minh tài xế kiêm chạy việc vặt ngủ ở một phòng nhỏ cạnh phòng thầy Lữ, để lỡ khi thầy cần vào lúc giữa đêm.

Chỗ ngủ cho cô và Hà Linh là căn phòng cuối cùng ở dãy bên trái, nằm ngăn cách giữa phòng cô Thu và phòng chứa sách của thầy Lữ. Nó có một chiếc giường lớn cho hai người, bốn chân giường cách điệu hình cây được một bệnh nhân cũ làm nghề thợ mộc đặc biệt gửi tặng. Một chiếc tủ gỗ nhỏ đầu giường, chỗ mà Bảo Thanh dùng đặt mấy quyển sách cô vẫn thường đọc tới đọc lui đến mức mà Hà Linh ví là người yêu muôn thuở của cô; có nhiều sổ ghi chép đã viết chi chít hoặc vẫn còn trắng tinh; đủ loại bút viết, bút màu mà cô hay dùng để tự làm những bản vẽ mind map mà cô thích rồi kẹp chúng với nhau thành một xấp dày như hồ sơ; những thứ linh tinh như dây cột tóc, kẹp, băng đô của Hà Linh; mấy chiếc túi rút bằng vải đủ kiểu được quấn thành từng cuộn và những quyển album phủ đầy lá khô và hoa khô của chị; bên trên có một chiếc đèn nến xông tinh dầu; một chiếc đèn bàn với phần chụp đèn bằng gỗ uốn lượn rất dễ thương.