Chương 6: Có Chuyện Không Ổn

- Thầy để cho tôi đem cơm với thuốc qua đó, có phải đỡ lo hơn không? - Ông Hai Nghĩa, người trông vườn cũng đã gần sáu mươi, đang nằm trên võng chợt ngồi dậy, tay phe phẩy quạt – Dù sao tôi cũng làm quen bao nhiêu năm rồi! Ngoài thầy ra thì tôi ở đây lâu nhất, tuổi tôi cũng chỉ thua tuổi thầy một chút nên cậu ấy nể, trừ lúc hồi còn mười mấy đôi mươi, trước giờ cậu Thiên đâu có trở chứng khó khăn với tôi!

- Nhưng mà nó cũng không thể trò chuyện với ông. Nó cứ lành lạnh im im, một mình một cõi, đến ở rồi về, làm như nhà Lam chính là cái cốc tu luyện của nó!

- Có sao đâu thầy, một mình yên ổn, suy nghĩ chín chắn thôi mà!

- Biết vậy, nhưng mà thay đổi một chút, biết đâu lại hay! Ông cũng lớn rồi, phải nghỉ ngơi chứ. Bảo Thanh thì cần học nhiều, cứ để con nhỏ học đi!

- Con nhỏ là dân tài chính, lại bỏ công việc văn phòng sung sướиɠ nhẹ nhàng, lang thang đi học vườn tược, rồi theo thầy làm Đông Y, tuổi trẻ bây giờ cũng lạ!

- Có gì lạ đâu! Đâu phải thất bại thì mới chuyển ngành, thành công cũng chuyển được mà. Chỉ cần làm gì, thì làm hết lòng, sẽ không hối hận được đâu. Con người phải luôn cởi mở để học, càng học, càng biết mình chưa biết nhiều, vậy thì mới khôn ngoan ra – Thầy Lữ nhận ly trà nhàu từ chỗ ông Hai Nghĩa, vừa nói vừa tủm tỉm cười – Bảo Thanh là người suy nghĩ độc lập, nó không dễ bị người xung quanh ảnh hưởng đâu nên mới để nó đi đưa cơm thuốc. Nếu để cho Linh thì không yên tâm, con nhỏ vui vẻ tươi tắn, nhưng mà hiền quá, hay bị dao động, sợ nó không chịu nổi cái người bên ngôi nhà kia.

- Hà hà…dạ phải! Bảo Thanh thì trông lặng lẽ im lìm vậy thôi, nhưng mà bản tính của nó cứng cỏi, chịu khó, đầu óc lanh lợi sáng sủa dữ lắm, nó mà đã muốn tranh luận với ai, thì người đó cũng hơi mệt!

- Cho nên tôi mới kêu nó gọi Thuận Thiên là chú, tạo khoảng cách vai vế một chút, có lớn có nhỏ thì nó sẽ giữ chừng mực được và kiên nhẫn với cái mớ tâm trạng hỗn độn của cậu ấy hơn. Chứ sau cái hôm con nhỏ ở sân phơi nghe ngóng thì Thuận Thiên coi bộ đã bị nó liệt vào loại kiêu hãnh ngạo mạn, tự coi mình là trên hết rồi. Tôi với ông thì thấy quen nhưng mà Bảo Thanh mới là lần đầu tiên. Cả mấy tháng trời con nhỏ ở đây, nó chỉ thấy bệnh nhân ốm yếu đến nhờ giúp đỡ. Trường hợp tốt nhất là nó thấy người ta tươi tỉnh trở lại để báo cho biết đã khỏe hơn như thế nào. Có là kiểu gì thì họ cũng đến một cách thành khẩn và lễ phép, hoặc ít ra cũng cố gắng lịch sự và tôn trọng bầu không khí của khu trại. Nhưng cái kiểu vừa thiếu hòa nhã vừa xem như đang ở nhà mình của thuận Thiên, chắc là làm con nhỏ ngạc nhiên và hơi sốc!

- Cậu ấy vẫn thường nói chuyện với thầy từ lúc lên trại mà chưa kể gì hết sao? – Ông Hai Nghĩa ngoái đầu, thấy cô Thu và Hà Linh đang dọn dẹp mấy thứ lặt vặt ở gian bếp trước khi về phòng, liền nhỏ giọng.

-Tôi có hỏi chứ, nhưng Thuận Thiên không bao giờ lập tức bày tỏ những vấn đề khó khăn của mình đâu. Cậu ấy thường xin lời khuyên một cách gián tiếp hơn, mà có làm theo những lời khuyên ấy hay không, và làm bằng cách nào thì tôi cũng không biết, chỉ biết cậu ấy vẫn lên đều đặn là mừng. Có lần Thuận Thiên nói: khi lớn rồi mới thấy, ở đây trong trẻo thanh bình quá, đem những việc phức tạp dưới kia ra nói giống như đang đổ rác rến bụi bặm xuống chỗ này nên cậu ấy không thích. Tôi cười rồi nói là không cần cẩn thận như vậy, trại Cỏ Xước này đâu phải là vườn địa đàng hay đền thờ to tát gì đâu mà tôi cũng chưa bao giờ định biến nó thành ra như vậy. Nó chỉ là một mảnh vườn thôi, mà một mảnh vườn thì có thể chứa được bất kỳ ai muốn nương náu, đâu có phân biệt trần tục hay là thanh cao.

- Vậy rồi cậu ấy nói sao?

- Nó nói là muốn tự xoay xở trước đã, khi nào khó quá, mới nhờ đến tôi.

- Cậu ấy nói vậy cũng đúng mà! Người ta nói phải biết “chung sống” nhưng mà cũng phải biết “một mình” thì mới đứng vững trên đời chứ!

- Biết vậy, nhưng thời điểm này mà cậu ấy lên trại, thì tôi nghĩ chuyện rất không ổn rồi. Tôi không biết là chuyện gì, cũng chưa dám dò hỏi nhiều. Mà cứ để mặc thì sợ cậu ấy bị mắc kẹt rồi cứ xoay vòng vòng. Cái vấn đề nó không teo tóp đi mà nó phình to ra thì biết làm sao!

Nói xong thầy Lữ lại hướng về phía nhà Lam, rồi nhìn chiếc đồng hồ con lắc kiểu cổ vẫn đang gõ nhịp đều đặn trên bức tường nhà.