Chương 5: Giao Nhiệm Vụ

- Cha thầy thứ tư trong nhà, thầy là con cả của cha còn Thuận Thiên là con trai út của bác ba. Cha thầy lấy vợ, sinh con sớm còn bác ba thì lấy vợ trễ hơn nhiều. Hai vợ chồng bác bị hiếm muộn, cực khổ lắm mới sinh được một cô con gái, mất gần chục năm sau mới sinh ra Thuận Thiên, nên hai anh em thầy cách tuổi rất xa. Ừ thì nhỏ tuổi hơn nhưng mà tính vai vế thì Thuận Thiên là anh họ, lớn hơn thầy.

- Vậy là thuộc loại con cầu con khẩn, giờ thì hiểu rồi! – Bảo Thanh tự lẩm bẩm kết luận mà cô mới rút ra.

- Ờ, thì cũng có cầu có khẩn chứ, nhưng cầu được con ngoan chứ không phải con hư - thầy Lữ cười. Giọng thầy khi cười nghe hiền lành và rất ấm, thầy có cái vẻ thoải mái rộng lượng mà bất kỳ người trẻ nào cũng muốn nhìn thấy ở người lớn tuổi trong nhà. Nó làm cho họ cảm thấy mình không phải đang đứng trước một bức tường cổ rêu phong cao vòi vọi, có mắt nhìn và biết trò chuyện nhưng không có tai để nghe.

- Lúc nãy cậu ấy hơi bực bội – thầy lại rót thêm trà cho mình và cho cô – chuyện này cũng không phải lạ, nếu đột ngột lên trại không báo trước thì thường là tâm trạng kiểu này. Công việc của gia đình cũng mệt mỏi lắm! Thuận Thiên bị bệnh từ nhỏ nên mỗi năm vẫn lên đây vài đợt để thầy khám rồi hốt thuốc cho người khỏe khoắn. Giờ con cũng thành thạo rồi, thầy định kỳ này nhờ con trông chừng thuốc thang cho cậu ấy, tại sắp tới thầy bận lắm. Được không?

- Dạ…sao thầy không giao chị Linh?

Cô cúi đầu nhìn ly trà, tự dưng thấy trong bụng no ngang.

- Thầy giao chuyện khác, khó hơn cho Linh. Bệnh của cậu ấy ổn rồi, thuốc thì chỉ cần coi kỹ theo đơn, không phải theo dõi điều chỉnh gì hết, con dễ làm hơn.

- Dạ, con biết rồi! – cô cầm ly trà, cắm cúi uống hết, không phải vì khát mà vì miệng cô thiệt tình muốn nói là không thích làm, nhưng thầy Lữ đã nói không biết bao lần đã làm việc thuốc thang thì đừng kén chọn bệnh nhân, nên dù cô có phản đối ra mặt thì cũng chỉ bị thầy dạy dỗ chứ chẳng có ích gì đâu. Mà phản đối kiểu đó cũng rất thiếu tính chuyên nghiệp vì ngoại trừ trừng mắt nhìn cô thì anh ta cũng chưa làm chuyện gì sai.

- À! – thầy vỗ nhẹ tay cô rồi đưa thêm yêu cầu cuối – Dù sao cũng là anh họ thầy nên con gọi bằng chú cho tôn trọng!

-Dạ? Gọi chú thì con không ngại, chỉ ngại người ta bắt bẻ con thôi! – Bảo Thanh gãi đầu, nhớ lại dáng vẻ lịch lãm hào nhoáng của anh ta, tự tính tuổi ra cũng không già hơn cô là mấy, nên nghĩ có khi cô gọi chú lại bị người ta khinh khỉnh cho là mình giả vờ còn trẻ cũng nên.

- Không sao! Gọi cho tôn trọng thì dễ đối xử tôn trọng, trao đổi cũng dễ dàng hơn, nghe con!

Rồi thầy vỗ bàn tay nhăn nheo mà rất ấm áp của thầy lên tay cô, như động viên lần nữa. Vậy là kể từ hôm đó, cô có nhiệm vụ mang cơm và thuốc sang cho ông “chú,” cái con người trông hết sức khỏe khoắn, tay chân rắn chắc, mặt mũi hồng hào, mắt thì lúc nào cũng sáng quắc như muốn xuyên thủng bụng dạ người ta, không phải lúc nào cũng mở miệng ra mà khi muốn thì cũng khiến cô phải dè chừng. Theo cô, anh ta đâu có giống bệnh nhân chỗ nào. Mỗi ngày ba bữa sáng trưa chiều đều đặn, nghe nói ở nhà Lam luôn luôn có sẵn quần áo để mặc, anh ta giống đến để nghỉ dưỡng thì đúng hơn. Và điều làm cô phát bực là trong khi chẳng thiếu gì tiền để đi nghỉ dưỡng nơi khác, những nơi mà có bao nhiêu người luôn rất sẵn lòng đón tiếp phục vụ và mong mỏi khách ở lại thật lâu, thì anh ta lại cứ thích đến nơi mà người ta vốn đã bận rộn với chuyện thuốc thang vườn tược, rồi lại đòi mình được chăm sóc như ở khách sạn năm sao một cách rất không biết điều.

Vào lúc Bảo Thanh đang nghĩ một thôi một hồi tới nỗi quên trời quên đất, thì tiếng thầy Lữ gọi lớn làm cô giật mình:

- Thanh ơi, con làm gì đó. Thuốc sắc lắm rồi còn chưa đem xuống!

Cô xấu hổ lật đật nhấc siêu thuốc, rót thuốc ra chén, đúng là mùi đã hơi nồng!

Khi Bảo Thanh mang theo thuốc và cơm đi rồi. Thầy Lữ đổ thêm nước vào nồi nấu cao, chầm chậm khuấy, tai lắng nghe xem có âm thanh gì ồn ào ở ngoài kia không. Khi thấy mọi thứ im lìm, ông ngồi xuống ghế đẩu thấp, nhìn ra ngoài sân. Trăng đang lên rồi, chắc đã đến đầu ngọn cây giáng hương ở phía sau, và nghe rất rõ gió đang rộn ràng giữa đám lá cây. Trời khô ráo mà ra ngoài thì khá dễ chịu, dù chưa phải đêm trăng tròn! Bảo Thanh thường hớn hở nói với ông rằng nơi này có cái gì đó thiêng liêng đặc biệt lắm, chỗ mà người ta không nên nói những lời khó nghe, không hành xử quá quắt, dù cho bản tính của họ có tệ theo kiểu nào, rằng nguồn năng lượng dồi dào mà êm ả của nơi này sẽ khuất phục được những kẻ ngang bướng nhất. Đương nhiên chuyện đó cũng có căn cứ, chỉ có điều, sự thuần hóa này không phải lúc nào cũng diễn ra theo mức độ mong muốn mà thôi.