Chương 4: Lần Đầu Gặp Mặt

Lần đầu tiên cô nhìn thấy Thuận Thiên, là lúc anh ta vừa ra khỏi chiếc xe Ford màu bạc. Khách đến nông trại khá thường xuyên nên tiếng xe thường không làm cho cô quan tâm nhiều. Nhưng lý do mà cô ngẩng đầu lên nhìn là vì cô nghe thấy một âm thanh gắt gỏng làm cho cô phải chú ý.

“Đưa xe vào nhanh, rồi cậu đi bộ ra ngoài đón xe về!

Một giọng khác đáp lại hiền lành:

- Dạ? Anh không cần em ở lại để chở anh đi sao anh?

- Không! Ở lại chỉ phiền thêm thôi! Nhìn cậu là nghĩ tới công ty.

Người tài xế ấp úng:

- Dạ, vậy em… có thể xin anh…nghỉ vài ngày lo chút chuyện riêng không anh?

- Không được! Ở nhà còn có chị Hai, biết đâu chị tôi sẽ cần. Đi làm đừng có suốt ngày đòi nghỉ để lo chuyện riêng. Công việc đã lương cao, có nhiều phúc lợi mà cậu còn trông đợi lúc nào cũng thoải mái tự do?

- Dạ, em biết rồi, em chỉ định hỏi vậy thôi…

- Đừng hỏi mấy câu không có ích gì, chỉ làm chủ không thích! Về đi! Nhớ phải trông chừng điện thoại, có khi tôi sẽ gọi lên đột xuất!”

Hôm đó, Thuận Thiên mặc áo sơ mi trắng đến lóa mắt, rất vừa vặn, thẳng thớm. Tay áo được xắn lên cẩn thận, cũng như chiếc quần âu màu xám xanh ủi xếp li bén ngót, cùng màu với áo vest được vắt trên tay. Mái tóc vuốt keo phong cách, gương mặt cũng dễ nhìn. Bảo Thanh lập tức liên tưởng đến mấy con ma nơ canh trong các cửa hàng âu phục cao cấp cho nam, ngoại trừ việc da của chúng không thể rám nắng vừa đủ như thế mà chỉ trắng nhợt hoặc đen sì sì. Tuy nhiên, chúng đem tới cảm giác yên tĩnh và dễ chịu hơn, vì chúng không có gương mặt cau có và miệng không phát ra những âm thanh khó nghe. Một tay cầm điện thoại, trên tay kia là túi xách đựng laptop thời trang. Đúng hình mẫu đàn ông thành đạt chói sáng khiến các cô gái phải trụy tim vì ngưỡng mộ như trong các bộ phim hay quảng cáo nhan nhản trên truyền hình. Bảo Thanh tự dưng thấy mắc cười. Trong đời thực, nếu các nàng thôi chiêm ngưỡng đối tượng từ xa mà đến đủ gần để chứng kiến tất cả những lời lẽ và hành vi khó ưa mà các quý ông này đổ xuống những người quanh mình, tim họ chắc sẽ sớm khỏe lại thôi.

Tiếp theo, tiếng chuông điện thoại réo lên du dương, anh ta nhìn màn hình, nét mặt rắn lại như đá, làm như người gọi là kẻ giành mất hũ gạo trong nhà:

“Em nghe! Chị đừng gọi nữa, em lên trại rồi.

… Khi nào muốn về thì về!

… Tự nấu thì cứ tự ăn, em có nói là em muốn ăn đâu, tự dưng nấu xong rồi lại bắt người khác phải nuốt!

… Em bận rồi, không nói nữa.”

Bảo Thanh đứng rất im lìm, tuy cảm thấy là mặt cô cũng đang rắn lại với mỗi lời cô nghe. Nhưng cô không hiểu làm sao mà anh ta lại biết cô đang nhìn? Dừng bước trên những bậc thang bằng gạch đỏ, mọc lấm tấm rêu xanh, vị khách đột nhiên quay đầu về phía sân phơi, không phải kiểu nhìn vội vàng lướt qua quang cảnh mà là một cái nhìn rõ ràng, có chủ đích tìm kiếm và nó dừng lại ở chỗ cô. Ánh mắt đanh, lạnh, hơi ngạc nhiên nhưng khó chịu cũng hệt như cách nói năng của anh ta. Bảo Thanh im lặng đón lấy nó, không chịu thua cho đến khi cô cảm thấy việc đứng yên giữa sân phơi đang rộn ràng người qua lại để nhìn chòng chọc về một hướng thiệt là kỳ cục nên mới chậm rãi tránh đi, làm tiếp công việc của mình.

Dù vậy, cô vẫn biết vị khách đang đi thẳng đến ngôi nhà nhỏ đứng riêng một mình, thường được gọi là nhà Lam vì màu sơn của nó. Anh ta không đến chào thầy Lữ trước, mà ông Hai Nghĩa quản vườn đã nói chỗ đó chỉ dành cho khách rất thân thôi. Cô kết luận người này có lẽ là con bệnh lâu năm của thầy Lữ, mà người bệnh lâu năm thì thường bị bệnh tật ảnh hưởng ít nhiều đến tính tình, nếu có chút ẩm ương khó thương dễ ghét thì cũng không lạ, nên cô dặn mình phải mở lòng thông cảm hơn.

Nhưng lòng thông cảm đó cũng không kéo dài lâu lắm, chỉ một lát sau, cô được thầy Lữ gọi vào nhà lớn. Thường khi muốn dặn dò điều gì, nếu ở gần, thầy sẽ chỉ ghé qua chỗ cô đang làm rồi nói nhanh thôi, vì cô cũng thạo việc rồi. Nhưng gọi đến, chỉ cho cô ngồi xuống chiếc bàn trà thầy thường tiếp khách vãng lai và rót trà cho cô nữa thì chắc chắn không phải là chuyện công việc hằng ngày.

Thầy nhìn cô cười.

- Lúc nãy con mới thấy khách của thầy rồi hen?

- Dạ? Người vừa đến chỗ nhà Lam hả thầy?

- Ờ, đó là Thuận Thiên, anh họ của thầy.

Thầy Lữ ngừng lại, làm mặt cô hơi nóng lên, cô không có thói quen nhìn chằm chằm người khác một cách thiếu lịch sự, chỉ là lúc đó cô bị bất ngờ với cách hành xử của vị khách thôi.