Chương 3: Những Con Người Kỳ Lạ.

Bây giờ, khi anh thay quần áo và đã ngồi yên ổn lúc lâu trong chiếc ghế mây ở sân trước, khi những ngọn đèn trong vườn bắt đầu được thắp lên, Thuận Thiên có thể nghe thấy tiếng bước chân lạo xạo vọng tới từ con đường chính, chỗ mà anh đã lái xe qua. Dù tầm nhìn bị chia cắt bởi đám cây to, anh vẫn thấy cô đi rất chậm rãi, tận hưởng và đầy vẻ hài lòng với thế giới này. Cô đang vui vẻ chào hỏi mấy con mèo, hai con chó Bông và Béo, cả lũ ếch nhái và cây cối ven đường nữa, dù bằng giọng rì rầm hơn. Cô thường làm chuyện ngớ ngẩn đó một cách tự nhiên đến nỗi việc đó có vẻ bớt ngớ ngẩn hẳn đi, tuy vậy, vẫn ý thức được sự kỳ quặc của mình, cô thường không hành động như thế trước mắt những người lạ. Và người lạ là những người không ở trong khu nhà chính, bao gồm cả anh, nhưng thói quen đó dường như ăn sâu đến nỗi cô thường biểu hiện chúng ra một cách vô thức và chỉ cần chú ý một chút sẽ nhận ra ngay.

Thuận Thiên đi bật ngọn đèn trong sân của anh rồi cầm tách trà lá sen trở lại. Bảo Thanh nhận ra sự thay đổi ánh sáng, cô nhìn sang và giật mình vì thấy anh ở đó. Có lẽ cô nghĩ anh sẽ xuất hiện vào ngày mai chứ không phải hôm nay mà cái cách anh nhìn cô thì thẳng thắn và không che giấu thông điệp rằng:”Tôi đã trông thấy em làm chuyện đó rồi.”

Cô lập tức im lặng, và nhanh chóng giấu mình phía sau cánh cổng đầy dây leo. Kế tiếp, Thuận Thiên nghe thấy tiếng cô Thu nấu bếp réo cô nhanh vào ăn cơm cùng.

Ở đây mọi người thường ăn cơm vào lúc bảy giờ và thầy Lữ vẫn khuyến khích anh ăn chung với họ. Các món hầu hết từ rau củ, các loại quả, đậu, cũng như tàu hũ và nấm. Với anh món ăn không phải là vấn đề nhưng vần đề là có nhiều người quá trong bữa ăn thường làm anh thấy không thoải mái.

Anh nghĩ bữa ăn là điều gì đó rất riêng tư, người ta xây dựng mối quan hệ với nhau qua bữa cơm, đặc biệt là những bữa cơm gần gũi thay vì xã giao lịch sự. Và cũng có thể thấu hiểu một người bằng cách liên tục quan sát cách mà họ dùng bữa, cách họ chọn lựa rồi gắp thức ăn, âm thanh và tốc độ khi người ta ăn, cách mà họ đối xử với thức ăn còn thừa trên đĩa. Mà khi đã ăn cùng nhau nhiều lần, một cách vô thức người ta khó mà không cảm thấy một mối liên hệ nào đó với đối phương. Anh thì không thích bị gắn bó theo kiểu bị động như thế. Nên Thuận Thiên ngồi yên ở đó, mở laptop, bình tĩnh xem các báo cáo gửi tới trong ngày và chờ cho đến khi thức ăn và thuốc của mình được mang đến.

….

Bảo Thanh đẩy mấy thanh củi sắp cháy tàn vào trong lò, giữa trời đêm lành lạnh, đứng cạnh bếp lửa khiến cô thấy ấm cúng lạ lùng. Nó có một nét thi vị riêng khó tả và gợi nhớ những gì cũ kỹ xa xưa. Giờ thì người ta vẫn có ấm sắc thuốc bằng điện nhưng thầy Lữ muốn cô và chị Linh phải biết nấu thuốc bằng bếp củi: biết giữ độ lửa sao cho đúng đến ngửi mùi thuốc mà áng chừng khi nào thì vừa. Thầy thường hay trích dẫn lời của nhà triết học và kinh tế học Ấn Độ J.C. Kumarappa rằng:”Nếu bản chất của lao động được đánh giá và thực hiện đúng đắn, nó sẽ có quan hệ đối với tài năng như thức ăn đối với cơ thể. Nó nuôi dưỡng và làm phấn chấn con người, giục giã con người cống hiền điều tốt đẹp nhất theo khả năng của mình.” Thầy nói công việc nhỏ nhặt có thể mang lại cho con người nhiều thứ hơn so với những gì người ta có thể tưởng tượng. Mỗi người có thể sử dụng những công cụ thường ngày như dao, cuốc, búa, xẻng để phát triển các giác quan của mình trở nên điêu luyện, để rèn giũa cho tâm hồn mình trở nên thuần thục, sâu sắc và nhạy bén hơn chẳng khác gì một tay kiếm sĩ hay một nghệ sĩ đánh đàn.

Bảo Thanh rất vui vẻ làm công việc này, trừ chuyện lát nữa phải mang thuốc sang bên nhà Lam. Cô thường nghĩ lẽ ra Thuận Thiên nên tự đến mà lấy đi vì thuốc thường được sắc xong đúng giờ mỗi ngày. “Nói đúng ra thì người đó nên đến đây, ăn cơm chung, tự lấy thuốc của mình, vì anh ta rất khỏe mạnh đến mức có thể chạy lăng quăng khắp thành phố mà ăn uống với bạn bè kia kìa!” Cô vừa đẩy củi vừa tự làu bàu.

Nhưng dù sao thì Thuận Thiên không bao giờ làm vậy. Nên cách duy nhất để cô tự thuyết phục mình khi nổi cơn bực bội là tự nhủ rằng: anh ta là kiểu người đã quá quen với chuyện được phục vụ từng li từng tí rồi, mà muốn kiểu người này thay đổi thì sẽ mệt mỏi và tốn công sức gấp trăm lần so với chuyện mang thuốc và cơm sang. Cuối cùng cô tự an ủi: mệt ít vẫn tốt hơn là mệt nhiều.

Nhưng điều Bảo Thanh không hiểu nhất là tại sao thầy Lữ lại thương anh ta đến thế. Thầy thương anh ta như thương đứa con trai ruột của mình, và chăm sóc như anh ta là một bệnh nhân đáng được quan tâm nhất. Lúc nào thầy cũng nhìn anh ta bằng cái nhìn khoan dung và thông cảm. Thầy không nghiêm khắc với anh ta như khi thầy dạy học trò. Thầy giải thích và biện minh cho những thói xấu của anh ta nhiều hơn là muốn chỉnh sửa nó, đến mức làm cho cô có khi cũng phải bực mình.