Chương 29: Lo Chuyện Bao Đồng(5)

Biết anh cũng là người nhà thầy Lữ, vị chủ nhà tỏ vẻ thân thiện với anh, nhưng bà khá lo lắng vì anh nói muốn đón Bảo Thanh đi ngay, bà nắm tay cô:

- Con có chắc là lừa đảo không con? Mấy chuyện đầu tư này có nghe cô cũng không hiểu, mà con gái cô nó tin tưởng lắm, bạn bè thân thiết của nó rủ làm chung nên nó về nói với cô cho nó mượn trước rồi mai mốt có lời nó trả lại chứ cô có biết gì đâu. Con là học trò thầy Lữ, nên cô biết con là người đàng hoàng, nghe con nói cô cũng thấy sợ nhưng mà cô đâu có rành, sao mà khuyên nó được con! Hay con ráng giải thích thêm cho nó nghe giùm cô đi!

- Có nói em ấy cũng không nghe, lúc nãy cô thấy rồi mà! – Bảo Thanh lắc đầu, vẻ mặt bất lực nhìn về phía cửa chính căn nhà, ghìm giọng mình xuống nói thật nhanh – Cách duy nhất là cô nhất định phải giữ tiền thật chặt, không được cho em ấy mượn, không được để em ấy đi mượn của những người khác, tìm cách hạn chế em ấy tiếp xúc với những người đang cố lôi kéo, nếu cô tìm được ai đó mà em ấy tin và có hiểu biết để khuyên thì tốt, phải thuyết phục con gái cô đừng vội vàng ra tiền, những mánh lới kiểu này cũng không phải mới mẻ gì nếu chịu khó đi tìm hiểu thông tin trên báo đài, chịu bình tĩnh suy nghĩ thì sẽ phát hiện nó rất giống với vài mô hình lừa đảo đã bị phanh phui, trường hợp may mắn em ấy nhận ra ngay thì xem như ổn, nếu không thì coi như cô trì hoãn thời gian càng lâu càng tốt, sớm muộn gì mấy chiêu lừa gạt này cũng đến lúc đổ bể thôi.

- Ôi trời ơi, không biết có cản nổi nó tới lúc đó không, con nhỏ này cứng đầu lắm. Miệng cô không nói lại miệng nó đâu – Người phụ nữ khựng lại, dường như suy nghĩ đột nhiên rẽ sang một hướng khác – có chắc là lừa gạt không con, chứ người rủ là bạn thân của con Thi từ cấp hai tới giờ, con nhỏ cũng dễ thương lanh lợi lắm, đâu có ăn chơi quậy phá gì, qua nhà cô chơi suốt mà, không lẽ lừa gạt nhà cô làm chi! Con Thi nói bạn của nó bỏ tiền ra rồi, cũng nhận tiền lãi mấy tháng rồi mà, người ta trả đúng cam kết đàng hoàng. Có khi nào con nhầm không, bây giờ người ta có nhiều kiểu kinh doanh mới mà mình không biết…

Có tiếng gọi lớn đến từ trong nhà, một âm thanh hơi cao và gắt gỏng. Rồi một cô gái mặc áo sơ mi khoác ngoài một chiếc áo thun màu vàng bó sát, kèm thêm quần đùi cũng bó không kém, đứng tựa vào một bên cửa, nói vọng ra:

- Mẹ! Mẹ đóng cửa đi rồi còn nấu cơm, sắp chiều rồi kìa! Người lạ mà mẹ nói gì nói miết! Chuyện mình mình biết chứ người ta có biết gì đâu! – rồi trước khi bỏ vào nhà, cô nàng lại thêm một câu, không hề suy giảm âm lượng mà đanh lạnh như hắt ra một xô nước đá – Người gì mà tài lanh nhiều chuyện thấy sợ, nghe hóng hớt rồi bày đặt nói tùm lum tùm la!

Bảo Thanh lấy tay vuốt qua gò má, cứ như là đang vuốt xuống thứ nước vô hình chẳng dễ chịu gì vừa dội vào cô. Mặt cô hơi đỏ rồi trắng và mắt cô có vẻ tối lại, trông cô như bóng sắp xì hết hơi. Dù vậy, khi người phụ nữ nói xin lỗi vì sự khó chịu của con gái, và lặp lại lần nữa về chuyện cô bạn thân nào đó đã nhận được tiền lãi như cam kết thì Bảo Thanh dường như vẫn cố gom góp số hơi còn sót lại của mình để giải thích gì đó. Nhưng Thuận Thiên đã ngăn cô khi anh nói, nhẹ nhàng nhưng cương quyết:

- Mình phải đi ngay thôi, trễ lắm rồi! Còn chỗ khác phải đưa thuốc nữa.

Không đợi cô có ý kiến gì thêm, anh quay sang chào tạm biệt chủ nhà và đón lấy túi thuốc trong tay Bảo Thanh. Cô chạm nhẹ cánh tay người phụ nữ:

- Con không nghĩ là con hiểu nhầm đâu nên cô ráng cẩn thận. Con về!

Rồi cô bước qua cánh cổng thấp.

Sau khi xe đã lăn trên đường, Thuận Thiên mới nói câu đầu tiên giữa riêng hai người:

- Nói thật, nếu tôi mà hành xử thô lỗ, sỗ sàng, bất lịch sự bằng một phần của cô con gái của nhà đó thôi, tôi chắc chắn là em sẽ nghiêm mặt lại, ngẩng cao đầu rồi bước đi mà không thèm nói thêm một tiếng. Vậy mà với nhà họ thì em chắc còn định nói tới nói lui thêm nữa, nếu mà tôi không hối thúc em! Em đúng là kiểu thích đối xử tệ với người tốt, rồi lại đi đối xử tốt với mấy người tệ! Không biết đó có phải là một dạng bệnh tâm lý hay không!

Bảo Thanh ôm ba lô con cóc trong lòng chặt hơn, liếc sang và ‘hừ” một tiếng nhưng thay vì đốp chát lại là chú thì tốt được bao nhiêu, cô tựa đầu vào ghế, vẻ mặt tư lự:

- Nếu không phải vì người mẹ, tôi sẽ không thèm nói tiếng nào đâu. Tôi hiểu là không thể luôn ngăn được mọi người phạm sai lầm, có khi phải để người trẻ phạm một sai lầm thật đau thì mới tỉnh ngộ và khôn ra được, nhưng không phải là với tuổi già, họ không có thời gian nữa, một khoản tiền bị mất có khi là khoản tiền cả đời của họ. Nếu như tôi không thấy thì thôi, nhưng đằng này là người ta bị gạt tiền sờ sờ trước mắt, làm sao mà không nói cho được.