Chương 26: Lo Chuyện Bao Đồng(2)

Mặc dù yêu cầu của bà Châu hơi kỳ lạ, và không có lý chút nào, anh có thể thông cảm với những đòi hỏi thất thường của người già. Điều làm anh bực mình là Bảo Thanh hoàn toàn có đủ lý do để từ chối và ra về một cách nhã nhặn khi hôm nay cô và anh đều còn những việc khác phải làm. Và dù cô có rảnh rỗi đến mức thừa hơi đi chăng nữa thì cũng không nên làm một việc vốn phải thuộc về những người khác. Nhưng Bảo Thanh quá dễ xiêu lòng và đồng ý giúp đỡ nhanh đến mức anh thậm chí còn không kịp can thiệp lời nào.

. Nhưng điều đó cũng không gây khó chịu bằng sự hăng hái của cô lúc này khi cô nói:

- Tôi định giúp bà cụ dọn qua khu vườn một chút, chú đợi tôi nha!

- Rồi em định bao giờ mới làm xong chuyện dọn dẹp này, em còn hai chỗ phải đi nữa, không muốn về nhà nghỉ sớm hay sao.

Thuận Thiên nhìn quanh khoảng sân rộng. Nó chẳng giống vườn mà giống một bãi phế thải cây cối nhiều hơn. Ở một góc rậm rạp và ẩm ướt có đủ thứ cỏ dại nhân cơ hội mọc lên lổm ngổm dưới mặt sân hoặc ở nhờ rậm rì trong mấy cái chậu cây mà chính chủ hoặc còi cọc xác xơ hoặc đang lừa thừa cành nhánh. Lá rụng xuống thành lớp dày, bị tưới đẫm rất ẩm ướt và dơ bẩn. Còn ở chỗ góc sân phía xa, nơi nắng chiếu đến có vẻ gay gắt và thường xuyên nhất, những cái cây bị phơi một phần rễ ra, đứng héo hắt và liêu xiêu tàn tạ như là chúng đã sẵn sàng ngã lăn ra mà chết ngay tức thì.

- Nếu là chuyện tôi không biết làm thì tôi đã đi rồi, nhưng đằng này tôi biết mà – cô nhỏ nhẹ - Chú coi nè, mấy cái cây không ai chăm nhìn thảm quá chừng. Người lớn tuổi đã nhờ không lẽ lại giả lơ bỏ đi!

- Chà, em tôn trọng người lớn tuổi vậy sao? Tôi có khi nào được hưởng ưu đãi này đâu, em trả lời với tôi từng câu một mà!

- Nếu chú ngay lập tức già hơn hai chục tuổi thì cái gì tôi cũng nhường nhịn chú hết! – Cô lườm anh – Mà chú nghĩ lại đi, bình thường dù tôi có tranh luận với chú thì tôi vẫn làm những gì chú yêu cầu mà, có khi nào làm ngơ đâu.

- À, vậy mà giờ tôi mới biết! – anh hừ mũi – Tóm lại là em nhất định làm đúng không?

- Ừm! tôi tranh thủ làm là sẽ xong nhanh lắm – cô ngập ngừng rồi dường như nhớ lại lý do hôm nay mình được đi nhờ xe, cũng như thấy thái độ không hề tán thành của anh, cô nói – Chú có việc mà, hay chú cứ đi đi, để thuốc lại, lát nữa tôi làm xong sẽ đón xe buýt tới những chỗ khác!

- Không, tôi sẽ ngồi đây chờ em – Anh ngồi xuống một chiếc ghế đẩu chân thấp đứng cạnh cửa dẫn ra sân thượng – để xem em làm nhanh đến mức nào.

Nét mặt cô giãn ra, cô chỉ vào một chậu cây lớn nằm trơ trọi một góc:

- Nếu chú ở lại, vậy chú có thể….

- Đừng có nghĩ tới chuyện đó! Tôi sẽ không giúp đỡ gì đâu – Anh cúi xuống màn hình điện thoại – Tự em muốn chuốc mệt vào người mà, em dại thì cứ dại một mình đi!

- Được thôi! Người thông minh như chú ngồi ở đó chờ đi, đừng làm vướng chân tôi là được.

Cô xua tay không thèm, rồi xắn tay áo lên cao, trông gương mặt chẳng có vẻ gì bị khung cảnh bừa bộn xung quanh làm cho nản lòng hay chán ngán. Cô lấy chổi cứng, gom hết mớ lá rơi rụng bừa bãi, dùng cái bay nhỏ xúc tất cả đất đã rửa trôi xuống quanh chân chậu đem đắp cho mấy cái cây bị tưới tẩm thô bạo đến mức rễ con cũng trồi lên mất. Cô tóm lũ cỏ dại, cắt chúng thành đoạn nhỏ rồi đem phơi cho héo trước khi phủ quanh mấy gốc cây nơi bị nắng chiếu gắt. Cô tỉa những nhánh già cỗi bị trơ khô héo hoặc xén tỉa những chỗ đã quá um tùm, cẩn thận để lại những cành đã được đeo băng tang, chỉnh lại vị trí để mỗi chậu đều có không gian thông thoáng. Dáng đi của cô nhanh nhẹn, hành động gọn gàng và trong khi làm việc cô vẫn thế, rì rầm với lũ cây những lời không nghe rõ nhưng hẳn là rất có tính an ủi và động viên, như thể đó là việc hiển nhiên cần làm để đám cây cối có thể kiên cường chống chọi với nắng mưa thời tiết. Dáng vẻ cô vẫn như mọi ngày làm việc ở trại Cỏ Xước, chăm chỉ và tỉ mẩn, cứ như cô là người vốn vẫn chăm sóc khoảng sân này chứ không phải là vị khách tạm ghé qua. Từng chậu một, từng góc một trong mớ hỗn độn đó, cô khiến nó trông sáng sủa hẳn ra…

Giờ thì cô đang bắt đầu xoay xở với mấy chậu cây có vẻ hơi to so với bàn tay nhỏ và gầy của cô. Cây được trồng trong đó đã chết khô và cô muốn dùng chúng để làm chậu mới cho những cây khác đang thời kỳ phát triển. Sau khi xoay trở thử sức nặng của nó, cô bắt đầu loay hoay dỡ đất bên trong ra, bằng chiếc bay nhỏ của mình.

- Thiệt chướng mắt! Em làm cặm cụi kiểu đó bao giờ mới xong!

Thuận Thiên sấn tới nhưng Bảo Thanh phủi tay anh ra khỏi chiếc chậu cứ như anh cũng là mớ bụi đất bám quanh.