Chương 25: Lo Chuyện Bao Đồng(1)

Khi đã hoàn thành xong tất cả những việc mà chị Linh đã dặn, giao thuốc cho cô Sáu giúp việc cùng vài lời nhắc nhở ngắn gọn, Bảo Thanh sẵn sàng để chuẩn bị ra về. Nhận ra điều đó, bà Châu đột nhiên nắm bàn tay cô, rồi lại hỏi:

- Con là học trò của thầy Lữ hả?

- Dạ! – Cô cười, đáp lại lần thứ ba, cảm thấy có vẻ không phải bà Châu quên mình đã hỏi, mà vì bà muốn chắc chắn hơn. Nghe xong, bà chăm chú nhìn cô.

- Con làm ở Trại Cỏ Xước mấy tháng rồi hả?

- Dạ!

- Bà muốn nhờ con một chuyện!

- Dạ! Có chuyện gì về thuốc thang thì bà cứ nói. Con học thầy chưa lâu nên con vẫn chưa biết nhiều nhưng ở nhà còn có chị Linh, con có thể hỏi chị. Nếu không, tụi con gọi điện hỏi thầy cũng được.

- Không phải là chuyện thuốc thang mà là chuyện riêng trong nhà – Bà kéo bàn tay cô và ấp nó trong hai bàn tay nhăn nheo, xương xương nhưng ấm của mình – Mấy cái cây trên sân thượng nhà bà không ai chăm hết, sắp chết rồi, con giúp bà xem tụi nó với!

- Khổ ghê! Để tôi tranh thủ làm xong việc rồi tôi làm cho – cô Sáu đứng gần đó ngửa đầu kêu trời - Người ta là khách mà, sao bà đi nhờ người ta làm được!

- Thôi! Thôi! bà cụ nhăn mặt, lắc đầu một cách quả quyết, rồi lại chà mấy ngón tay nhăn nheo lên bàn tay Bảo Thanh, thì thầm – Cái cô Sáu này, cổ hổng có tay chăm cây, hôm trước làm chết hết mấy chậu cây đẹp ơi là đẹp của thằng Khang tặng bà!

- Tại tụi nó cứ tự lăn ra chết chứ có ai làm gì đâu! – cô Sáu vỗ nhè nhẹ vào lưng bà, giọng dụ dỗ - Mình chờ cậu Khang về đi, tôi nhắn cho cậu ấy rồi mà!

Nhưng bà cụ có vẻ không hề bị lay chuyển vì bà lại hỏi Bảo Thanh thêm lần nữa:

- Con là học trò thầy Lữ đúng không?

Và gật gù khi nghe cô xác nhận:

- Được mà! Học trò của thầy giỏi lắm… là người quen… quen thân mà. Nhờ được! Giúp bà nha con, chờ thằng Khang về chắc tụi nó khô héo hết – Rồi mặc kệ cho cô Sáu ở bên làu bàu rằng ngày nào cũng ráng đi tưới nước ít nhất một bận, bà lúc lắc mái đầu bạc trắng – Cổ hổng biết gì hết, cổ hổng có thương mấy cái cây! Không có con Hai, không ai thương tụi nó hết, tội nghiệp lắm! Bà không đi nổi lên đó! Chăm cây đâu phải cứ tưới nước tràn lan ra là được, hả con. Cái cây nó ở trong chậu, không có ở gần mẹ đất của nó là mình phải thương nó hơn để bù qua chứ! Chỉ có mấy cái cây thôi mà, có cực khổ gì đâu! - Bà già vỗ mạnh vào tay Bảo Thanh, vẻ giận dỗi - Tôi mà khỏe là tự leo lên đó làm rồi!

Cô Sáu giúp việc níu vai Bảo Thanh, mặt mày nhăn nhó.

- Thôi! Thôi! Cô về đi, bà ấy lại lẫn nữa đó. Lâu lâu gặp người lạ tự nhiên lại kêu người ta đi chăm cây này nọ, khổ lắm. May là cũng nhìn mặt người, thường mấy người mặt hiền hiền như cô thì mới lên tiếng nhờ thôi, chứ gặp mấy bà hàng xóm hung dữ qua là không khi nào níu tay níu chân nhờ vả đâu, nếu không chắc bị người ta cằn nhằn dữ lắm. Khu vườn đó hồi trước là của con gái lớn của bà, cô hổng có lập gia đình nên sống ở đây với bà từ trước tới giờ, năm ngoái cổ mới mất vì bệnh. Bà thương con gái nên cứ lẩn thẩn lo cho mấy cái cây vậy đó. Tôi một mình lăng xăng trong ngoài làm không xuể, tại không dám bỏ bà một mình lâu, mà tôi cũng có rành bông hoa cây cối gì đâu. Có cậu Khang cháu nội bà là biết chăm nom chút ít, nhưng mà cậu cũng bận đi làm suốt, ít khi ghé qua lắm. Đợt này cậu lâu ghé, bà sốt ruột nên sáng giờ cứ thúc tôi gọi mà máy cậu bận hoài, rồi bà ngồi trông ngóng cằn nhằn làm tôi cũng nóng ruột theo luôn. Hồi nãy nghe tiếng chuông tôi cứ tưởng cậu Khang nên chạy ra liền mà thấy cô tới, tôi vừa trông bà có khách để nói chuyện một hồi cho quên, mà cũng sợ bà tiếp khách một hồi lại nhờ vả tùm lum nữa, ai dè sợ đâu là có đó thiệt!

- Để con lên coi thử con làm được gì nha! – Bảo Thanh nói với bà Châu. Mà chắc cũng chỉ có vậy thì bà mới thôi giữ tay cô, dù chỉ bằng một sức lực yếu ớt, nhưng cách mà bà vuốt ve và vỗ về nó khiến cô cảm thấy khó mà giằng ra một cách lạnh lùng được. Mà cũng vì bị nắm trực tiếp như thế, cô cảm nhận rõ được sự trông mong và nhờ cậy của một người già là như thế nào, chỉ vì một việc rất nhỏ nhặt thôi.

Bảo Thanh theo chân cô Sáu lên sân thượng rồi nhờ cô giúp việc lấy cho bất kỳ dụng cụ hoặc nguyên vật liệu nào hiện đang có sẵn cho khu vườn, và một chiếc áo khoác rộng. Còn đang đứng lơ ngơ nhìn ngó một hồi cô đã bị giật mình bởi tiếng nói đanh gọn phía sau:

- Em chuyển từ tài chính sang đông y rồi bây giờ trở thành người dọn vườn sao?

Nhìn vẻ mặt ngớ ra của cô thì Thuận Thiên biết là cô đã quên mất người đi cùng xe như anh rồi. Cả buổi anh vẫn ngồi ở chiếc ghế gỗ nâu đặt hơi tách biệt cạnh cửa ra vào, anh đoán nó là chỗ bà cụ có thể nhận ánh nắng sớm chiếu xiên qua khoảng trống giữa tán cây mận, và làn hương ngọt ngào từ bụi nhài điểm đầy hoa trắng mà không cần bước ra sân. Trong khi uống nước và lướt điện thoại để xem tin nhắn, anh vẫn nghe được cuộc trò chuyện của cô với những người trong nhà.