Chương 24: Đi Nhờ Xe(3)

Nghe thấy tiếng cô cười khúc khích, anh gắt:

- Em cười cái gì?

- Không phải cười chú! Chỉ là tôi nghĩ nếu thông báo về sự học của chú lên mạng, chắc thế nào cũng sẽ có dân mạng bình luận ở dưới là: khi bạn có ước mơ làm quân nhân nhưng bị gia đình bắt làm kinh doanh!

- Cái đầu nhỏ của em cái gì cũng nghĩ ra được! Tôi học những kỹ năng này đơn giản vì thực tế đã trực tiếp chỉ cho tôi thấy là con người sẽ không bao giờ đoán được khi nào mình có thể rơi vào một rắc rối ghê gớm đâu, nên hãy chuẩn bị trước thì hơn.

- Chú đã gặp chuyện gì sao? – cô xoay hẳn người sang phía anh.

- Gặp một con thiên nga đen vào năm tôi mười lăm tuổi!

- Tức là gặp một biến cố bất ngờ, không thể lường trước nhưng mà… hậu quả nặng nề, đúng không?

- Nói với người cùng ngành, đúng là dễ hiểu nhau thật! Tôi bị bắt cóc ba ngày, suýt nữa thì chết, nhưng mà trời thương nên vẫn còn sống đến giờ để ngồi cùng xe với em.

Mặt cô nghiêm túc:

- Vậy chú… có vết thương cũ hay là di chứng gì không?

- Bị đánh khá nặng, nhưng mà đã lành hết rồi, nếu nói di chứng thì nó không ở trên người mà ở trong lòng. Tôi từng mắc chứng PTSD, đã được chữa rồi, nhưng mà đến giờ, hình như những cơn lo âu vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Đôi lúc chúng sẽ gợn lên theo cách mà tôi không thể hiểu được, và khiến tâm trạng của tôi khá tệ.

- Thầy không nói cho tôi biết – Cô ngập ngừng – nếu chú nói sớm, tôi sẽ thông cảm hơn nhiều nếu chú tự nhiên xấu tính.

- Đâu có! Từ hôm lên trại Cỏ Xước đến giờ, tâm trạng của tôi khá ổn. Tôi xấu tính với em là vì cách em nhìn và lời em nói khiến tôi phải xấu tính, vậy thôi!

- Chú lại nói chuyện theo kiểu không thể ưa được nữa rồi!

- Vậy em nghĩ những khi em nói móc người khác thì em dễ ưa lắm sao! Nhưng em tệ nhất chính là lúc em nhìn người ta như nhìn tà thần mà cứ im lìm đó! Nhiều lúc thật muốn cạy răng em ra!

Thuận Thiên cẩn thận tránh một chiếc xe cùng chiều muốn vượt lên, không nghe thấy cô trả lời, anh giục:

- Nè, chúng ta đang trao đổi để học cách giao tiếp với nhau hiệu quả hơn mà! Em không thể nổi giận và bỏ dở giữa chừng như vậy được.

- Không, tôi đang nhìn. Chú nhìn kìa, đó có phải là ngôi nhà mà chúng ta cần ghé không? Dừng xe, dừng xe!

Bảo Thanh đang nghiêng đầu nhìn qua cửa kính, rối rít khi thấy số nhà trên tờ giấy ghi chú vừa mới trôi qua. May là chỉ chạy vượt qua một chút nên Thuận Thiên chầm chậm cho xe lùi lại.

- Chú phải tập trung khi lái xe chứ! – Bảo Thanh đeo ba lô con cóc lên vai, lên giọng nhắc nhở.

- Em là nguyên nhân khiến tôi mất tập trung nên đừng có nói chuyện như là mình không có liên can gì!

Thuận Thiên đáp lại lạnh tanh rồi anh dừng xe, bước xuống mở cửa cho cô và lấy mấy túi thuốc. Vì bị buộc tội liên can nên Bảo Thanh vừa bấm chuông cửa vừa làu bàu với anh rằng:

- Sau này ở trên xe có lẽ tôi không nên nói chuyện với chú!

- Đừng có nghĩ tới chuyện đó! – Anh gạt phắt đi – Chở một bức tượng đá ngay ghế trước thì càng khó lái xe hơn!

Đây là một ngôi nhà ba tầng, với một khoảng sân nho nhỏ, ở một góc sân có một cây mận lớn vươn cao, còn gốc của nó thì được vây quanh bởi bụi hoa nhài thơm ngát, không xa lắm là búp sen hồng đang chớm nở đứng xen với những cây trạch tả ra hoa trắng trong mấy chiếc lu thấp. Một hàng trúc quân tử vươn phần chỏm đầu xanh ngắt khỏi các bức tường rào.

Cửa cổng mở rất nhanh, khi tiếng chuông đầu vừa dứt, có lẽ chủ nhà đang chờ ai đó khác, vì người phụ nữ tầm ngoài năm mươi ra đón họ có vẻ ngạc nhiên.

Nhưng khi biết cô là học trò thầy Lữ, cô giúp việc nhanh nhẹn mở rộng cửa để Thuận Thiên đưa xe vào sân, rồi nhiệt tình đưa Bảo Thanh đến gặp chủ nhà.

Đó là một cụ bà tóc đã bạc trắng, mặc bộ quần áo lụa màu vàng nhạt đang ngồi trên xe lăn với gương mặt hiền lành. Sau khi chào hỏi và giới thiệu mình xong, Bảo Thanh bắt đầu hỏi han tình hình sức khỏe của bà. Mặc dù hầu hết câu hỏi đều phải nhờ cô giúp việc trả lời thêm cho rõ nhưng bà có vẻ lắng nghe cô một cách chú tâm chứ không lơ đãng. Sắc mặt bà khá tốt, nhất là ánh mắt nhìn cô trông rất sáng tỏ và có sự hứng thú rõ ràng. Chân bà yếu và thường phải dùng xe lăn. Những ngày đẹp trời, bà có thể được cô giúp việc đưa ra sân trước và đi bộ thật chậm quanh gốc cây mận già. Dù người hơi gầy và cử động chậm chạp, bà không lờ đờ hay buồn chán, cũng không gắt gỏng than vãn như một số người lớn tuổi đã bệnh lâu năm. Chỉ là thỉnh thoảng bà sẽ đan hai bàn tay vào nhau, hướng về phía cửa như đang trông ngóng.