Chương 13: Cấp cứu bệnh nhân mukbang

(Chương này có những tình tiết có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Độc giả vui lòng cân nhắc và không nên vừa đọc vừa ăn).

-0-

16h30, bệnh viện Nhân Đức Tâm số 3 tiếp nhận một người bệnh vốn đang nổi tiếng trên mạng. Đây là một nam talent chuyên livestream các khẩu phần khổng lồ, vừa ăn vừa trò chuyện với người xem.

Bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau bụng khi gần kết thúc livestream trưa nay nhưng vẫn cố gắng ăn hết. Sau đó bụng bệnh nhân bắt đầu co thắt từng cơn, triệu chứng tiếp theo đó là nôn ói và tiêu chảy.

Đến khi được ekip đưa vào bệnh viện, người này đã lơ mơ mất ý thức.

-0-

Ca cấp cứu này do đích thân thầy của Minh Phương là Phó Giáo sư Hoàng Thông- Trưởng khoa Ngoại tổng hợp phụ trách. Thầy chỉ định cô lấy thông tin từ ekip của bệnh nhân.

Người này đã trực tiếp cảnh chế biến Goong Ten (1), món tép nhảy tươi sống kiểu Thái.

Minh Phương ngay lập tức nhận thấy có 3 vấn đề: Người này ăn tới 4 ký tép sống và để tăng độ thách thức, lượng tỏi ớt cũng lên tới gần 2 ký, chưa kể lượng nước chanh làm sốt. Điều thứ hai, quan trọng hơn cả là từ khi chế biến đến khi ăn xong, thời gian kéo dài đến gần 4 tiếng. Điểm thứ 3 là bệnh nhân ăn ngoài sân vườn, không phải trong phòng máy lạnh.

-0-

Thu thập đủ thông tin, dặn ekip quay về nhà lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm xong, cô bàn giao lại cho y tá trực và ngay lập tức thay đồ vào phòng cấp cứu.

Thầy cô đã chỉ định đặt sonde dạ dày (2). Dịch dạ dày đã được lấy xong, chuẩn bị truyền dung dịch kích nôn.

“4 tiếng!”.

Minh Phương nghe thầy mình thốt lên hai chữ rồi lắc đầu. Ông tiếp tục chỉ đạo xử lý.

Với khoảng thời gian ăn của bệnh nhân, cùng với nhiệt độ sân vườn cuối tháng 3, khả năng cao là thực phẩm đã bị hư hỏng.

-0-

Cấp cứu bệnh nhân có vấn đề về tiêu hóa là một trong những loại cấp cứu ghê rợn nhất.

Bệnh nhân liên tục được “dội” dung dịch kích nôn vào dạ dày. Như đúng tên gọi, việc này nhằm đẩy nhanh lượng thức ăn còn ứ đọng trong cơ thể ra ngoài theo cách nhanh nhất, nhằm giảm áp lực cho các cơ quan, cũng như ngăn độc tố ngấm thêm vào cơ thể người bệnh.

Không những vậy, tiếng phản ứng của cơ thể bệnh nhân, cộng với mùi hôi trong hệ tiêu hóa của bệnh nhân cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bác sĩ.

Rửa dạ dày cho bệnh nhân là một thử thách thật sự cho bất kỳ bác sĩ nào.

Bao nhiêu năm làm nghề, Minh Phương từng nhiều lần rửa dạ dày cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, và cả những người uống thuốc quá liều để tự tử. Nhưng cấp cứu cho bệnh nhân ăn nhiều đến vậy, thì đây là lần đầu tiên.

Người này ăn gấp 10 lần bình thường.

Tép, tỏi ớt hòa cùng dịch vị và axit dạ dày tạo thành một hỗn hợp nhầy nhụa đỏ rực, lại tanh tưởi khó ngửi khiến các bác sĩ choáng váng mà không thể ra khỏi phòng cấp cứu.

Bác sỹ gây mê hồi sức liên tục quan sát sinh hiệu (3) trên màn hình.

-0-

Kết quả xét nghiệm dịch vị cho thấy sự tồn tại của ba loại khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường tìm thấy trong hải sản bị ươn, kèm với đó là chỉ số acid cao vượt ngưỡng.

Lúc này, lượng thức ăn trong dạ dày bệnh nhân đã được tháo một phần qua đường nôn. Nhưng triệu chứng ngộ độc thức ăn bắt đầu tăng lên.

Trưởng khoa Ngoại tổng Hoàng Thông vẫn đang bình tĩnh để chỉ đạo cho êkip cấp cứu.

-0-

Bệnh nhân được cấp cứu đã tạm qua cơn nguy kịch. Bằng cách nào đó, các báo đài và các nhóm chuyên đưa tin trên mạng đã biết được tin này và đổ về bệnh viện.

Theo đúng nguyên tắc, bệnh viện chỉ tiếp những người có thẻ hành nghề phóng viên. Đám đông tụ tập trước cổng bệnh viện gây ảnh hưởng đến xe cấp cứu ra vào, đã bị công an phường đến giải tán bớt.

Trưởng khoa Hoàng Thông gọi Minh Phương đến trả lời phỏng vấn cùng mình.

Để không mất quá nhiều thời gian của các bác sĩ, ban Quan hệ công chúng của bệnh viện cũng đã soạn sẵn thông cáo báo chí để nhà báo có thể nắm trọng điểm và có tư liệu đưa tin.

-0-

Trong vòng 15 phút, Minh Phương cùng thầy của mình tóm gọn lại tình trạng của bệnh nhân gồm ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa và phát hiện thêm viêm loét dạ dày.

Ca rửa dạ dày kéo dài cả mấy tiếng, Minh Phương cảm thấy rất khó chịu dù đã vệ sinh sạch sẽ.

Cứ có cảm giác nhợn nhợn.

-0-

“Bác sĩ khuyên là chúng ta chỉ nên ăn hải sản sống khi còn tươi và nguồn gốc rõ ràng”- Phó Giáo sư Hoàng Thông ôn tồn.

Sau đó là các câu hỏi dồn của phóng viên về thói quen ăn thùng uống vại và trào lưu mukbang đang ngày càng được nhiều người trẻ tuổi theo đuổi.

Phóng viên muốn nghe từ Minh Phương trẻ tuổi hơn là Trưởng khoa Hoàng Thông lão luyện.

“Mong mọi người có thể lắng nghe nhu cầu của cơ thể để tự bảo vệ sức khỏe”- Minh Phương cố gắng ngắn gọn.

Cô muốn buổi phỏng vấn ghi hình này kết thúc sớm. Ánh đèn máy quay phim quá chói mắt. Cả đèn flash của máy chụp hình nữa.

-0-

Lúc ra khỏi phòng họp báo, thầy Hoàng Thông gọi Minh Phương lại và khuyên cô nên cởi mở hơn khi tiếp xúc với các phóng viên.

Nhìn khuôn mặt tai tái của cô học trò cưng, Trưởng khoa Ngoại tổng nghiêm túc dặn dò thêm vài câu, rồi tặc lưỡi nói về nghỉ ngơi đi.

Minh Phương gọi xe ôm công nghệ về.

Cô không nghĩ mình có thể lái xe nổi.

Giờ này cũng tối nên chắc đỡ kẹt xe, đi xe ôm hít thở khí trời cho thoải mái.

-0-

Lúc trở về căn hộ tầng 22, Minh Phương vẫn còn cảm giác nhợn sau ca trực.

Cô đang cảm thấy rất đói, tay run lên. Mắt cô mờ dần đi. Thiếu oxy nên cơ thể vô thức ngáp một cái. Đây là triệu chứng hạ đường huyết. Nhưng cô không muốn ngậm viên kẹo đang nằm trong giỏ xách.

Minh Phương kéo khẩu trang xuống, hít thở đều.

Lúc cô áp ngón cái lên ổ khóa thông minh thì cửa căn hộ xéo bên kia mở ra.

-0-

Thỏ con đang đeo tạp dề màu hồng có in hình thỏ chibi. Tay cô ấy đang cầm một cái túi rác.

“Ôiii. Chị ở đây hả?”.

Nghe mùi hải sản, Minh Phương không nói không rằng, vội gạt tay nắm cửa rồi lao vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo.

Bỏ lại thỏ con đang ngơ ngác không hiểu vì sao mình lại bị chị bác sĩ sập cửa vào mặt.

-0-

(1) “Goong Ten” (tiếng Anh là “Dancing shrimps”) là tên gọi một món ăn có xuất xứ từ Thái Lan. Những con tép sông còn sống được vớt từ trong hồ ra và lắc với một loại nước sốt chua cay. Khi bị lắc, những con tép sẽ bất tỉnh, không còn quẫy mạnh nữa và người ăn có thể thưởng thức món này sống hoàn toàn.

(2) “Đặt sonde dạ dày” hay còn gọi là đặt ống thông dạ dày, được dùng để lấy dịch dạ dày để xét nghiệm, cũng như xử lý các ca ngộ độc thực phẩm.

(3) “Sinh hiệu” hay “Dấu hiệu sống” (tiếng Anh là “Vital signs”- số nhiều) bao gồm 4 chỉ số chính là Thân nhiệt, Nhịp thở, Mạch, và Huyết áp. Độ bão hòa oxy trong máu (tức “chỉ số SpO2”) cũng được xem là sinh hiệu.