Chương 21: Cúng đồ nóng

"Khụ khụ...” Ông Quý ho khan một tiếng, niết mấy bức hình trong tay, không trực tiếp dùng thân phận của mình để ép mọi người đừng tranh cãi nữa mà chỉ nói: “Tối hôm qua, Tiểu Đàm theo chúng tôi xuống mộ, đây là ảnh chụp văn vật chúng tôi mới rửa sáng nay. Chúng rất đặc biệt, chưa từng được nhìn thấy ở trong những lăng mộ khác.”

Đàm Tiêu nhìn qua những bức hình: “Là trống Phượng Điểu này, ừm nó là nhạc cụ đặc biệt chỉ nước Sở mới có.”

Cậu còn gõ nó ở dưới mộ cơ, nghĩ tới là phấn khích rồi, đây là văn vật cổ đại đó.

Học trò giáo sư Mạc nín họng.

Lời ông Quý nói tiết lộ hai điều. Thứ nhất là, lúc trước bọn họ không dám xuống mộ nhưng sau khi Đàm Tiêu theo bọn họ xuống dưới, hôm nay bọn họ đã bắt đầu khai quật lần nữa. Không cần nói thẳng ra cũng biết điều này có nghĩa là gì.

Thứ hai, Đàm Tiêu có thể chỉ rõ nguồn gốc tên tuổi văn vật mà ông Quý tùy tiện đưa ra, chỉ riêng điểm này, bọn họ đã thua rồi. Bọn họ không thể làm được nếu không tra cứu thông tin.

Mục Phỉ huých tay Đàm Tiêu, nói cậu đừng quan tâm làm gì, làm tốt việc của mình là được.

Đàm Tiêu định đứng im chờ bọn họ tiếp tục tra hỏi, dù sao bản thân cậu cũng không dám nắm chắc. Bị Mục Phỉ huých một cái mới bắt đầu lôi nhang, đèn, tiền giấy này nọ từ trong cặp ra.

Đàm Tiêu mượn một số vật dụng chôn cùng vua Sở để hỗ trợ, nhưng bây giờ muốn phá giải bùa chú trên người giáo sư Mạc vẫn cần phải thực hiện hết bộ kinh Bát Nhã.

Anh Từ vừa ngửi thấy mùi nhang kia liền khen: “Phong hương!”

Anh ta là kẻ cuồng nhang hương, tất nhiên lập tức đoán ra đây là loại minh hương tốt nhất, được làm từ cây bột của cây phong hương, cháy rất lâu, khói tỏa ra còn có máu xanh lam, ngắn nhưng không tầm thường, người trong ngành đều gọi nó là ‘âm hỏa’.

Anh ta hào hứng ngắm nghía nén nhang trên tay Đàm Tiêu, hỏi: “Tinh xảo như thế, cậu tự nắn hả?”

Đàm Tiêu: “Đưa công thức, nhà máy làm á.”

Anh Từ: “...”

“Còn một thứ nữa.” Đàm Tiêu lầm bầm rồi lôi một cái túi nhựa dưới đáy cặp ra, bên trong có một con cá chép. Cậu tiếp tục lôi đồ ra, thậm chí còn có cả măng khô, nấm hương linh tinh. Cậu ngẩng đầu giải thích: “Đây là tế phẩm, linh sư chúng tôi quen dùng đồ mới ra lò rồi, còn nóng hôi hổi.”

Đúng là hiếm thấy, bây giờ nhà nào cũng dùng món lạnh để cúng bái.

Ông Quý trầm ngầm: “Tế phẩm cũng dần dần biến hóa. Từ việc hiến tế thịt sống thời xa xưa cho đến việc cúng bái đồ chín, mùi thơm thoang thoảng sau này. Người ta tin là các vị thần cũng thích đồ ăn nóng, hoặc nói cách khác, người ta phải hiến tế những thứ tốt nhất của mình quỷ thần. Xem ra, các linh sư bảo vệ phong tục truyền thống rất tốt.”

Đàm Tiêu nghe vậy thì yếu ớt nói: "Ờm... cháu không nghĩ được nhiều như thế, trước đây chúng cháu cũng dùng đồ lạnh nhưng vì biểu diễn xong phải phát tế phẩm cho du khách ăn, người ta ý kiến á.”

Mọi người: “...”

Ghê gớm, còn kinh doanh cả quán cơm vu sư đúng không?

Đàm Tiêu muốn chuẩn bị tế phẩm nên kéo hẳn bếp trại đến.

Dâng thức ăn cho thần linh là một phần quan trọng trong lễ hiến tế của người cổ đại, món xào, món hầm, thịt thà không thiếu thứ nào, thức ăn và tế lễ không thể tách rời.

Mà cá chép thường được thấy trên bàn thờ.

Chỉ thấy Đàm Tiêu lưu loát làm sạch cá chép, tìm được sởi chỉ tanh, cắt một dao,. Cậu không cần dùng nhíp, chỉ dùng ngón tay để len vào trong bụng cá, nội tạng trắng bên trong bị rút ra vô cùng hoàn hảo, động tác nhanh gọn lẹ.

Cậu cắt con cá ra thành hai nửa, loại bỏ xương sống, ướp với rượu gạo và muối tinh, đồng thời chuẩn bị các món ăn kèm như nấm băm, giăm bông và măng khô.

Chỉ trong vài phút, con cá đã thấm gia vị. Sau đó, cậu lăn qua trứng, lăn qua bột rồi thả vào trong chảo dầu nóng, đuôi cá dần nhấc lên, dần dần biến thành màu vàng hấp dẫn. Dưới nhiệt độ cực nóng của dầu, da cá giòn tan, ngay cả xương cũng giòn rụm, tỏa ra mùi thơm đậm đà. Chỉ nhìn màu sắc món ăn thôi cũng đủ để tưởng tượng ra bên ngoài giòn tan, bên trong mềm mại mọng nước.

Sau khi bày hai miếng cá được chiên giòn ra đĩa, hai bên trái phải lần lượt đặt nước sốt đỏ và trắng, một bên là giăm bông, nấm hương, gừng,... bên còn lại là măng, hành baro.

Nước sốt nóng hổi rưới lên thân cá giòn tan, phát tiếng tanh tách.

Mọi người đồng loạt nuốt nước miếng.