Chương 20: Vua Sở khóc thét cho xem

Ăn sáng xong, Mục Phỉ chở Đàm Tiêu về nhà. Nhà Đàm Tiêu là một tòa nhà cổ hai tầng trong thành cổ, lúc này trên mái hiên vẫn còn đọng từng giọt nước, phản chiếu ánh sáng mặt trời chói chang.

Vừa đi vào ngõ đã có thể nhìn thấy những khẩu hiệu chống lừa đảo, chống mê tín dị đoan màu đỏ được dán trên tường, hai bên cửa ở tầng một có rất đủ loại biển hiệu, từ ‘Gia đình văn minh’ đến ‘Địa điểm trình diễn du lịch văn hóa dân gian’.

Mục Phỉ nhớ đến chuyện Đàm Tiêu kể về thu nhập từ việc tiếp đãi khách du lịch, cười ha hả nói: “Thường có khách du lịch đến tham quan nhà em à?”

Thảo nào Đàm Tiêu lại thực hiện nghi lễ tế bái thuần thục, không chút luống cuống nào, không thua bất cứ đại pháp sư nào hết. Hóa ra là dân có kinh nghiệm.

“Vâng, tạm thời không tiếp khách nữa, dù sao thì mùa du lịch cũng qua rồi. Mẹ em muốn chuẩn bị kỹ càng cho kịch múa mới nên mới ra ngoài tìm kiếm thêm tư liệu đấy chứ.” Dứt lời, một bà lão đi ngang qua chào hỏi Đàm Tiêu.

“Tiêu Tiêu à, ai thế?”

“Cháu chào bà.” Đàm Tiêu đoán người này là bà Mễ hàng xóm, cậu chào một tiếng rồi nói thẳng: “Người ta đến nhờ mẹ cháu làm phép.”

“Ồ.” Bà cụ nghe đến làm phép xong vẫn tự nhiên như chuyện bình thường: “Mẹ cháu chưa về à? Sao lần này đi lâu thế. Đợi cổ về cháu phải nói với cổ là đội nhảy quảng trường còn đang chờ cổ hướng dẫn đó, là cái điệu rắn rắn gì đó ấy. Các bà định tham gia biểu diễn cho lễ khai mạc du lịch của thành phố Nam Sở đó.”

Nhắc đến chuyện này, bà cụ ra vẻ tự hào dữ lắm. Nhóm bọn họ có thể tham gia biểu diễn cũng có thể được xem là tinh binh trong nhóm nhảy quảng trường.

“Là điệu điều khiển rắn.” Đàm Tiêu nói: “Bà, mẹ cháu còn đang ở nơi khác, không biết có về ngay được không nữa.”

Mục Phỉ nghe xong như chết lặng, trong lòng thầm nhủ em đúng là không biết kiêng dè chút nào. Suy cho cùng, người ta cũng chỉ nghĩ mấy người làm phép chỉ là nghệ thuật đơn thuần thôi đúng không? Mấy người còn dạy người ta múa điệu điều khiển rắn ở khắp nơi nữa chứ, vua Sở nghe thấy kiểu gì cũng khóc thét cho xem...

.

Đàm Tiêu và Mục Phỉ tạm thời tạm biệt nhau, đến tối, Mục Phỉ gọi điện đến, cô ấy đã đưa giáo sư Mạc rời khỏi bệnh viện và đến đón Đàm Tiêu.

Đàm Tiêu đã đóng gói một túi đồ đạc lớn, bỏ vào trong cặp. Lúc Mục Phỉ đến nơi, cậu trực tiếp leo lên xe, đi đến địa điểm đang khai quật.

Hôm nay Đàm Tiêu được đi vào, tuy không có giấy thông hành nhưng cũng không cần có cuộc gọi của ông Quý nữa, chắc là đã nói trước rồi.

Vẫn là túp lều mà bọn họ hoạt động lúc trước, nhưng lần này có thêm một ông lão nằm cứng đờ trên giường xếp, dáng vẻ hốc hác, đôi mắt đờ đẫn, bên giường có hai cậu học sinh của ông ấy.

Người nhà giáo sư Mạc vẫn chưa biết chuyện ông ấy gặp nạn, hai học sinh của ông ấy thay phiên nhau chăm sóc ông ấy trong bệnh viện. Vì thế, hai người chưa từng gặp Đàm Tiêu, cũng không biết chuyện tối qua, chỉ biết cậu là linh sư địa phương được mời tới.

Hai người bọn họ đều không phải người tỉnh Hoa Sở, cũng không quan tâm đến phương diện này. Bọn họ chưa từng nghe qua danh hiệu linh sư, chỉ hiểu là vu sư ở địa phương.

Hai cậu học trò nhìn nhau, hỏi anh Từ: “Vị này... cậu bé này trông trẻ quá, chẳng phải lần trước anh bảo tìm thử xem có thiên sư hay không mà?

Thực ra thứ khiến bọn họ nghi ngờ không phải là tuổi tác mà là các tôn giáo chính thống lâu đời đảm bảo hơn, giống chính quy hơn linh sư gì gì đó.

Mà Đàm Tiêu, nghe bọn họ nói xong cũng muốn gật đầu tán thành.

Mục Phỉ vò đầu, cáu kỉnh nói: “Tôi là thiên sư đây này, nhưng nơi này là đất Nam Sở, linh sư là vu sư đất Sở. Ở Nam Sở có một câu, gọi linh sư cứu mạng, gọi thiên sư cầu siêu’ đó.”

Trong tập tục xưa của Nam Sở thật sự có một câu như thế, đương nhiên có thể chỉ là một kiểu phân khúc thị trường thôi.

Học trò của giáo sư Mạc lầm bầm: “Ý tôi là có người khác nữa không, hồi đó cô cũng có giải quyết được đâu...”

Mục Phỉ sượng trân.