Giai Tuệ nghiêng về phía trước, lại gần bà ngoại thêm một chút, nói: "Cháu cũng nghĩ như vậy. Bà ngoại, chúng cháu có một ngôi nhà ở gần nhà máy nấm hương, nhà hai tầng, rộng rãi lắm, bà đi sang ở cùng cháu đi, tiện thể chăm con giúp cháu."
Bà ngoại đáng thương cả đời chỉ sống trong khoảng sân nhỏ này, chưa từng đi ra khỏi huyện Sa Hà, nghe vậy thì có chút sợ hãi: "Được thì được, nhưng mà..."
"Thật đó bà, nhà máy nấm hương ngày nào cũng bận rộn." Giai Tuệ chơi bài tình thân, cái cớ "Chăm con" rất tốt, không dùng thì phí: "Sắp phải trồng nấm hương rồi, Thất Bảo không ai chăm, ngày ngày ném con bé chơi ở trên đống cát. Đến mùa đông còn phải có người đi hái nấm hương, càng không để ý đến con bé được..."
Bà ngoại vô cùng đau lòng, lẩm bẩm: "Đứa bé còn nhỏ xíu, sao có thể ném trên đống cát được..."
"Vậy bà đi cùng cháu đi, tạm thời bà cứ ở hai tháng." Giai Tuệ dụ dỗ: "Cháu cũng đón cả bà nội của Tiểu Hà sang, hai người làm bạn với nhau. Bên kia cũng không chật chội như ở thành phố. Bên cạnh nhà có núi có nước có vườn rau, cũng giống như nhà bà thôi."
Bà ngoại nghe cô nói chỉ là ở tạm hai tháng, vẻ mặt có chút thả lỏng, suy nghĩ một lát rồi nói: "Được, cháu nói với mẹ cháu và cậu cháu một tiếng, cứ nói bà đến chỗ cháu ở mấy tháng."
Đây là chuyện đương nhiên, tuy cậu và mẹ cô cũng không thường xuyên trở về thăm bà cụ, nhưng loại chuyện đi xa nhà như vậy vẫn phải bàn bạc trước với bọn họ.
Ăn xong, Giai Tuệ bèn lần lượt gọi điện thoại cho mẹ và cậu của cô, bảo bọn họ ngày mai trở về một chuyến. Mẹ cô thì không nói gì, cậu lại có chút ấp úng, hỏi có chuyện gì, nói ông ta đi làm không về được. Giai Tuệ cũng không để ông ta khó xử, dứt khoát đổi thời gian thành chủ nhật tức hai ngày sau.
Vừa ăn trưa xong, bà ngoại đã bắt đầu chuẩn bị cơm tối. Bà cụ bảo Giai Tuệ đi bắt một con gà ở trong hàng rào sân sau, thịt gà rồi làm sạch lông, chuẩn bị buổi tối nấu món gà hầm khoai tây. Sau đó ra vườn rau hái dưa chuột tươi ngon mọng nước, quả ớt, quả cà cùng một nắm rau lang non lớn, còn đào nửa rổ khoai tây. Lúc làm những chuyện này, trong lòng bà cụ có chút không yên, cuộc sống về già sắp có thay đổi lớn khiến bà có chút trở tay không kịp.
Giai Tuệ rất đau lòng. Bà ngoại vẫn luôn là kiểu phụ nữ nông thôn, lúc ông ngoại còn sống, trong nhà đều do ông ngoại quyết định. Sau khi ông ngoại qua đời, gặp phải chuyện lớn bà đều muốn hỏi ý kiến con gái. Bà là người hiền lành, lại cần cù thích sạch sẽ, lẽ ra nên được chung sống hòa thuận với con cái và con dâu, nhưng đời trước, bà lại một mình qua đời trong căn nhà cũ.
Chuyện này là nỗi đau cả đời của Giai Tuệ, hễ nhớ tới là không thể thở nổi. Một bà lão cô độc, chết ở trong căn nhà cũ tối tăm tại nông thôn. Con cái và các cháu đều không ở bên người, không ai biết trước khi chết bà đã trải qua chuyện gì. Điều này khiến Giai Tuệ không có cách nào tha thứ cho bản thân, càng không thể tha thứ cho mẹ và cậu đang ở ngay huyện Sa Hà.
Trong lễ tang của bà ngoại, người mẹ oán trách cha mẹ hơn nửa đời người lớn tiếng khóc "Mẹ ơi, mẹ quay đầu nhìn con, mẹ nhìn con đi..." Khi đó tiếng khóc tang của bà ta cũng nhất định là thật. Nhưng điều này cũng thể khiến bà ta thôi cãi nhau với mợ sau tang lễ. Hai người phụ nữ như có thù kiếp trước, đều cho rằng đối phương phải chịu trách nhiệm chính trong cái chết của bà ngoại, mà người cậu hèn yếu lại không có chút hành động nào trước cục diện này.
Tranh chấp giữa hai người đã bắt đầu từ khi ông ngoại bị ốm. Ông ngoại là người làm việc nhà nước, bị ốm nằm viện có thể được thanh toán một phần lớn. Nhưng ông bị bệnh trong thời gian dài, vậy thì vẫn phải có người chi trả tiền thuốc men ngoài phần được hỗ trợ kia. Mợ cho rằng đều là con cái, lẽ ra khoản này phải chia đều; mẹ nghe xong bèn nổi trận lôi đình, bắt đầu tính sổ từ lúc cậu đi làm việc thay, lại nói đến sau đó ông ngoại đưa tiền giúp bọn họ mua nhà, càng nói càng tức giận, bọn họ chiếm hết mọi lợi ích, lúc nên bỏ ra thì lại muốn cào bằng? Còn mợ thì chế giễu lại, cho rằng những năm qua ông bà ngoại cũng trợ cấp cho bà ta không ít, còn giúp bà ta nuôi con gái đi học, làm người không thể vong ân phụ nghĩa như vậy.