Chương 46

Khi đó Giai Tuệ đang đi học đại học ở bên ngoài, những chi tiết này được chắp vá từ lời kể của họ hàng và tiếng thở dài của bà ngoại. Ông ngoại cô không chịu thua kém cả một đời, sau khi nghỉ hưu ở đơn vị còn nhận thầu vườn trái cây, đến nhà máy làm kế toán, cần mẫn vất vả dành dụm tiền để trợ cấp cái này trợ cấp cái kia, người đã già còn phải nằm trên giường bệnh chịu khổ như vậy. Giai Tuệ không biết ông có hối hận vì quyết định lúc trẻ hay không, nhưng có lẽ cũng rất thất vọng và đau khổ.

Dưới sự khuyên giải của họ hàng, cuối cùng nhà cậu vẫn trả hơn một nửa tiền thuốc men, dù sao hai người họ cũng đi làm có tiền lương, tình trạng kinh tế tốt hơn mẹ. Mẹ cũng góp sức, trước và sau khi ông ngoại qua đời, bà ta đỡ đần bà ngoại, ngày đêm ở bên chăm sóc, chỉ có những lúc Giai Tuệ xin nghỉ trở về mới được nghỉ ngơi mấy ngày. Còn cậu mợ thì nói bận công việc, con học cấp ba cũng đang là giai đoạn gấp rút, lần nào cũng chỉ trở về nói chuyện hai câu rồi vung tay rời đi.

Có lẽ là do lúc ông ngoại bị bệnh làm ầm ĩ quá khó coi, sau đó bà ngoại luôn khăng khăng muốn sống một mình ở nhà cũ. Chắc chắn là bà cũng không muốn một lần nữa nhìn thấy con cái nảy sinh tranh chấp vì vấn đề chăm sóc bà lúc về già. Hơn nữa ở thành phố có gì hay chứ? Ở dưới mái hiện nhà người khác sẽ luôn bị gò bó, dù cho người kia là con trai ruột của bà.

Chạng vạng tối, Giai Tuệ và bà ngoại đang chuẩn bị ăn cơm thì nhận được điện thoại của em họ, La Tử Dật thân thiết gọi cô là chị, hỏi cô trở về từ lúc nào, hàn huyên vài câu lại hỏi: "Bà nội có chuyện gì đúng không ạ? Cha nói buổi chiều chị gọi điện thoại bảo cha em trở về."

La Tử Dật lớn lên ở bên ông bà ngoại từ khi còn nhỏ, luôn rất thân thiết với người già. Tuy mẹ và mợ như nước với lửa nhưng quan hệ giữa chị em họ vẫn khá tốt. Giai Tuệ bèn nói thật với cậu ấy: "Chị dự định đón bà ngoại đến chỗ chị ở một thời gian ngắn."

"Hả?" La Tử Dật ngạc nhiên nói: "Đón đến thành phố Hải ư?"

"Không phải, bọn họ mua nhà ở thành phố Bình An, chuẩn bị chuyển đến đó ở." Giai Tuệ lại nói: "Nếu em nhớ bà nội, qua đây thăm bà cũng không xa."

"Không phải..." La Tử Dật ngạc nhiên đến nỗi nói lắp: "Chị và anh rể em đều trở về ư? Tại sao chứ? Tại sao lại đột ngột như vậy?"

Giai Tuệ không muốn giải thích thêm, bèn bảo cậu ấy chủ nhật rảnh rỗi thì cùng tới đây, mấy ngày nữa cô và bà ngoại sẽ đi. Hai người bọn họ nói xong, Giai Tuệ lại đưa điện thoại di động cho bà ngoại, hai bà cháu trò chuyện vài câu. Sau khi cúp điện thoại, Giai Tuệ đi phòng bếp bưng thức ăn, bà ngoại mừng khấp khởi đi theo sau nói: "Dạo trước Tử Dật dẫn bạn gái đến thăm bà, một cô gái rất xinh đẹp! Vóc người giống như cháu, cao cao gầy gầy..."

Hai người vừa ăn vừa nói chuyện, trên chiếc bàn vuông nhỏ có một bát gà hầm khoai tây lớn, thịt gà được hầm nhừ, khoai tây cũng nhuyễn mịn, chỉ ăn cơm chan nước canh thôi Giai Tuệ cũng có thể ăn hết một bát lớn. Còn có rau lang xào, cà tím xào ớt, nộm dưa chuột và một đĩa lạp xưởng hấp bóng dầu.

Đã cách nhiều năm, được nếm lại mùi vị quen thuộc một lần nữa, Giai Tuệ không kìm được nên ăn rất no. Trong dạ dày quá căng đầu, trái lại đã loại bỏ bớt không ít buồn phiền trong đầu.

Buổi tối cô ngủ chung giường với bà ngoại, hai người nằm cạnh nhau thì thầm nói chuyện. Giai Tuệ không ngừng miêu tả khung cảnh ở cầu ngập nước cho bà ngoại nghe, mong rằng như vậy sẽ khiến bà ngoại trông mong, đồng thời loại bỏ sự sợ hãi bên ngoài xa lạ ở trong lòng bà. Thỉnh thoảng bà ngoại cũng đặt câu hỏi: "Thật sao?", "Bây giờ Thất Bảo của bà nói chuyện lưu loát rồi à?", "Nhà máy nấm hương lớn như vậy, cháu và Tiểu Hà có chăm lo được không?" Hai người nói chuyện đến nửa đêm mới ngủ.