Chương 12

“Hoàng lạp là sáp ong sao?” Dư Đào hỏi, hoàng lạp là sáp ong, bạch lạp chắc là nến trùng, xem ra bây giờ vẫn chưa thông dụng.

Chu An gật đầu, nghi ngờ: “Nàng hỏi chuyện này làm gì?”

Dư Đào đứng đắn: “Mấy ngày nay ngươi đừng dùng đèn dầu nữa, ta đi làm một cây nến cho ngươi.”

***

Lại vào một buổi sáng sớm, Dư Đào dậy thật sớm, trời chưa sáng đã rửa mặt xong rồi.

Văn Phương Phương đang chuẩn bị làm cơm sáng thì thấy nàng, hơi lạ: “Tiểu Đào, hôm nay con dậy sớm như vậy làm gì?”

Bà hài lòng về đứa con dâu này, chỗ họ có phong tục con dâu mới vào nhà ba ngày không cần làm việc, nhưng đứa con dâu này vẫn lên núi hái rau dại mỗi ngày, thật sự là rất khôn khéo hiểu chuyện.

Dư Đào biết giả vờ ngoan trước mặt trưởng bối nhất, tiện tay lấy lý do: “Mẹ, con muốn nhân lúc còn sớm, đi lên núi hái rau dại, hôm qua đi muộn nên đều bị người khác hái đi.”

“Trời còn chưa sáng đâu.” Văn Phương Phương liếc nhìn bên ngoài, buồn bực nói: “Mấy đứa Xuân Nha dậy nổi không?”

“Hôm nay con đi một mình, con biết đường.”

Văn Phương Phương không suy nghĩ nhiều: “Vậy con cẩn thận chút, mang theo lương khô đi.”

“Được! Đúng rồi, mẹ...” Dư Đào dè dặt hỏi: “Con sợ vào núi gặp trời mưa, con có thể mang theo nón lá không?”



“Con tự lấy đi.” Văn Phương Phương vung tay, vào phòng bếp làm điểm tâm.

Dư Đào đáp một tiếng, thuận tay sờ hộp quẹt bên cạnh.

Nàng nhét áo tơi và lưới rách đã vá xong vào giỏ trúc, đội nón lá, đi tới cửa phòng củi, lại xách thêm dao chẻ củi, võ trang đầy đủ đi ra ngoài, chạy lên núi như một làn khói.

Thời gian cắt mật tốt nhất vào chạng vạng, nàng đặc biệt đi sớm, là bởi vì không muốn để người ta thấy.

Sáng sớm trong núi rừng có từng luồng sương trắng lượn lờ, ánh sáng mông lung. Nếu vào bình thường, Dư Đào không dám lên núi một mình, nhưng bây giờ trong đầu nàng đều là mật ong, bừng bừng khí thế vào sâu trong rừng.

Tổ ong vẫn ở chỗ cũ, vàng óng quyến rũ Dư Đào.

Dư Đào còn chút lý trí, dùng dây thừng buộc chặt tay áo và ống quần, lại phủ thêm áo tơi. Nàng dùng cỏ bện thành bao tay đơn sơ, lộ ra mười ngón tay, vòng lưới cá quanh nón lá ngăn cản trước mặt.

Làm xong các biện pháp phòng bị, nàng bắt đầu châm lửa.

Nhánh cây vừa nhặt còn mang khí ẩm ướt trong núi, nàng vất vả lắm mới đốt được, đã bốc lên khói đen, Dư Đào suýt sặc chết.

Khói nồng hơn tưởng tượng, nàng vừa ho khan vừa cầm khói xông tổ ong. Ong mật sợ khói, sợ hãi rối rít bay đi, Dư Đào lại đợi một lúc, nhìn ong đều đi xa, mới bỏ nhánh cây xuống, trèo lên cây.

Mặc như vậy không tiện trèo cây, Dư Đào trèo rất khó khăn. Tổ ong còn rất lớn, bên ngoài tổ ong tràn ra mật ong lấp lánh, khiến nàng sục sôi.

Bé ong mật cần cù, thứ lỗi cho ta.

Dư Đào sám hối cho hành động trộm cướp của mình, không hề do dự móc ra dao chẻ củi, dứt khoát móc tổ ong, dùng quần áo bao bọc, ném xuống đất.



Sau đó nàng lại đi đến hai nơi đã ghi nhớ, làm y hệt vừa rồi, cắt lấy hai tổ ong.

Nàng bỏ tổ ong vào giỏ trúc, chuẩn bị hái thêm rau dại đi về.

Mật trong tổ ong ngấm ra ngoài quần áo, dẫn một ít ong mật vây quanh nàng bay ong ong.

Người nuôi ong quen bị ong mật vây quanh, Dư Đào không có để ý đến chúng, vẫn cúi đầu tìm rau dại và nấm dại, bất thình lình nghe thấy tiếng ong trở nên gần hơn.

Xong đời!

Một con ong mật không biết từ đâu chui vào trong lưới của Dư Đào, đại khái là bị sợ, Dư Đào cảm thấy cằm đau xót, ngay sau đó có gì đυ.ng vào lưới, lại rơi xuống đất.

Ồ hố, anh dũng hy sinh rồi.

Cằm của Dư Đào vừa đau vừa ngứa, vừa nóng vừa tê, nàng cầm ra bình nước trên người, dùng nước rửa sạch tay và vết thương, nặn kim ong ra.

Cằm đã bắt đầu sưng.

Dư Đào cảm thấy mình thật xui xẻo, sớm biết thế đã đeo thêm khăn che mặt, cằm sưng lớn làm sao gặp người khác chứ.

Thật may rau dại vừa nãy có rau sam, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tan máu tiêu sưng, nàng dùng đá giã nát, đắp cỏ lên mặt, xem như xử lý khẩn cấp.

Giỏ trúc cũng đã đầy, Dư Đào không lòng dạ nào hái rau dại nữa, vội vã chạy về.