Chương 19

Trên tàu toàn là đàn ông, bỗng đâu có một cô gái xuất hiện, cả đám hưng phấn như trúng thuốc.

“Woa, đẹp thật đấy, không giống người gì hết.”

"ĐM, không giống người, bộ là ma hả?”

"Giống nàng tiên cá thuyền trưởng lụm về hí hí, sao mà đẹp quá vậy?”

"Em gái trắng quá, em dùng loại sữa tắm gì vậy? Để hôm nào anh đi mua.”

“Thôi khỏi đi, người ta da trắng bẩm sinh còn ông thì ngày nào cũng phơi nắng trên biển, có dùng nước tẩy cũng không trắng nổi đâu.”

“…”

Quý Ngư mỉm cười nhìn mọi người xung quanh, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi màu da, đủ mọi thứ tiếng địa phương.

Tất cả họ đều mặc đồ camo màu xanh lục, nụ cười trên gương mặt họ rất rạng rỡ. Làn da đỏ ửng đen sì, mà trắng thì chắc là hàm răng họ nhe ra khi cười, giờ mới thấy da thuyền trưởng và Trịnh Tông vẫn còn gọi là trắng.

Quý Ngư đang định nói gì với họ thì có một bóng người cao to vạm vỡ nhảy xuống chiếc thang sắt phía bên hông khoang tàu, người đó cũng mặc đồ camo, cũng đội cái nón cùng bộ, lớn tiếng ra lệnh: “Ngắm đủ chưa? Tất cả tập hợp!” Là giọng của thuyền trưởng.

Như phản xạ có điều kiện, mọi người cùng chạy về phía khoảng trống ở chính giữa boong tàu.

Xếp hàng, điểm số.

Thoáng một cái mà đám người chen chúc đó đã trở nên trật tự ngay ngắn.

Trịnh Tông không tham gia vào đội ngũ huấn luyện mà dẫn Quý Ngư vào khoang tàu để sắp xếp cho cô.

Quý Ngư theo Trịnh Tông ra khỏi boong tàu, đi ngang qua hàng người đang huấn luyện.

Phần lớn đều tập trung luyện tập, chỉ có một số ít, có lẽ vì ý chí chưa vững lắm nên cứ đưa mắt nhìn theo Quý Ngư, đến tận khi Quý Ngư và Trịnh Tông bước vào khoang tàu.

"Cô đừng để bụng nhé, họ thấy tò mò thôi, chắc tại lâu quá chưa gặp phụ nữ ấy mà.”

"Không đâu.” Quý Ngư chưa từng so đo mấy chuyện nhỏ nhặt này: "Hồi nãy anh có nhắc duy trì hòa bình, rút kiều* và viện trợ gì đó, các anh là hải quân sao?”

(*) (Dịch thô: Rút kiều) là hành vi ngoại giao của chính phủ một quốc gia thông qua biện pháp ngoại giao để đưa công dân của mình cư trú tại một quốc gia khác về khu vực hành chính của chính phủ mình. Ví dụ như Trung Quốc rút kiều khỏi Libya vào năm 2011 hay Quân đội Trung Quốc cử tàu chiến hải quân đến Sudan đón và sơ tán nhân viên Trung Quốc tại Liên Xô vào ngày 26 tháng 4 năm 2023. Rút kiều là hành động là để bảo vệ quyền lợi của công dân ở nước ngoài.

“Không không, thật ra chúng tôi không phải bộ đội chính quy, chúng tôi có đủ mọi tầng lớp, hạng người nào cũng có. Thuyền trưởng đòi hỏi khắt khe lắm, anh ấy xuất thân từ quân đội, thân thể rèn luyện cường tráng, có thể lên chiến trường mọi lúc cho nên anh ấy mới muốn chúng tôi giống vậy, như thế thì lúc gặp tình huống nguy hiểm mới giữ mạng được.”

"Con tàu của các anh là loại nào thế?” Tạm thời Quý Ngư vẫn chưa thể phân loại tàu Côn Bằng là chiến hạm hay tàu.

Cô có cảm giác là chủ con thuyền này chế tạo nó theo sở thích của mình, vẫn giữ lại nhiều nét đặc trưng của tàu biển truyền thống, có thể thấy đây là một con người hoài cổ.

Trịnh Tông giới thiệu sơ lược về tàu Côn Bằng cho cô nghe. Kích thước con tàu không quá lớn, cấu tạo cũng không phức tạp, xét theo trọng tải thì tàu Côn Bằng khoảng trên dưới 500 tấn nên cũng có thể gọi là chiến hạm, xét theo chức năng thì nó xen giữa tàu tuần tra và tàu chiến.

Cả con tàu lấy boong tàu làm ranh giới phân chia, trên có hai tầng, dưới cũng có hai tầng. Tất nhiên, độ cao từng tầng không thể so với các tòa nhà trên đất liền. Hơn nữa từ trên xuống dưới, độ cao sẽ giảm dần theo thứ tự.