Chương 41: Nội tâm thầy Hiếu (1)

Tôi sinh ra trong một gia đình thứ gì cũng không thiếu, hay như người ta nói sinh ra đã ở vạch đích. Người đời nhìn vào sẽ mong muốn có một cuộc sống sung túc như tôi, không phải lo lắng về tiền bạc, thích cái gì có cái đó, dù đắt đến đâu cũng sẽ được người lớn mua cho.

Nhưng đâu ai biết được tôi chỉ ước mình được sống một cuộc sống bình thường, sinh ra trong một gia đình bình thường, tràn ngập tình yêu thương chứ không phải là mỗi ngày đều nhìn bố mẹ chiến tranh lạnh.

Ông ngoại tôi là chủ tịch của công ty thời trang X, vì có duy nhất mình mẹ tôi là con nên sau này khi mẹ lấy bố, ông ngoại đã giao công ty lại cho bố mẹ tôi quản lý. Gia đình nhà nội tôi làm kinh doanh bình thường, cũng được coi là khá giả, nhưng so với gia đình bên ngoại có lẽ chỉ bằng một phần rất nhỏ.

Được biết, bố tôi ngày còn trẻ có yêu một cô gái tên Tuyết đã sắp đi đến hôn nhân nhưng lại chia tay bởi vì sự xuất hiện của mẹ tôi. Không phải là bố tôi thay lòng đổi dạ, cũng không phải là bố ham vật chất mà lấy mẹ, mà là mẹ tôi tranh bố với người ta.

Khi đó mẹ tôi vừa từ nước ngoài trở về nhận chức Phó tổng trong công ty, còn cô Tuyết là cấp dưới của mẹ. Ngày đầu tiên khi mẹ gặp bố là lúc tan tầm bố đến đón cô Tuyết ra về, cũng chính bởi vì cử chỉ nhẹ nhàng quan tâm bạn gái và vẻ ngoài bảnh bao của bố mà mẹ đã đem lòng thích bố ngay từ ngày đầu nhìn thấy.

Không quan tâm bố đã có người yêu còn sắp lấy người ta làm vợ, mẹ nhất quyết vẫn muốn tự tạo ra những cơ hội như vô tình gặp lại bố, dần dần bố cũng quen mặt mẹ.

Nhưng nếu chỉ là dừng lại ở mức yêu thầm một người thì không nói, đằng này mẹ lại muốn bố chia tay cô Tuyết, muốn được hẹn hò yêu đương với bố. Đương nhiên là bố tôi không đồng ý yêu câu vô lý ấy của mẹ, nên đã thẳng thừng từ chối và giữ khoảng cách với mẹ.

Bởi vì là con một, lại sinh ra trong gia đình quá giàu có, được ông bà ngoại nuông chiều từ nhỏ nên trước giờ những gì mẹ muốn chưa có gì là mẹ không có. Có lẽ cũng chính vì vậy mà mẹ nhất định phải cưới bố cho bằng được, dù là dùng cách nào cũng muốn bố trở thành chồng của mẹ.

Mà có lẽ để một người đàn ông chung thủy như bố bỏ cô Tuyết đồng ý lấy mẹ thì chỉ có thể vì hai từ “trách nhiệm” mà thôi. Vì thế mà mẹ đã gài bẫy để cả hai phát sinh quan hệ nam nữ, đến khi mẹ có anh Thiên liền ép bố phải lấy mẹ, bắt ép bố chia tay cô Tuyết.

Bố tôi cũng vì trách nhiệm với em bé trong bụng mẹ, trách nhiệm với cuộc đời của mẹ mà đồng ý lấy mẹ làm vợ. Nhưng hôn nhân không có tình yêu sẽ chẳng mấy ai có thể được hạnh phúc.

Khi nghe ông bà ngoại kể lại chuyện ngày xưa của bố mẹ, dù là con trai của mẹ nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận được những gì mẹ làm với bố trước đây.

Mẹ là người rất tự cao, lúc nào cũng muốn kiểm soát người khác làm theo ý mình, còn bố tôi dù không yêu mẹ nhưng vẫn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người chồng, một người cha. Dù không có tình cảm với mẹ nhưng bố luôn chăm sóc mẹ và các con hết lòng, chưa một lần nặng lời hay lớn tiếng với mẹ.

Nhưng cũng chính vì bố còn vương vấn tình cũ, vì mẹ không thể có được tình yêu của bố, mà cho đến khi tôi tám tuổi bố mẹ bắt đầu có những cuộc cãi vã, chiến tranh lạnh ngày càng nhiều hơn. Khi đó anh Thiên đã mười tuổi, còn Quỳnh mới chỉ hơn hai tuổi.

Khi đó còn bé, hai anh em tôi mỗi lần thấy bố mẹ lớn tiếng lại bế theo em gái chạy vào trong phòng đóng kín cửa lại, anh Thiên thể hiện rõ là một người anh cả, ôm hai đứa em vào lòng như thể an ủi cũng như bảo vệ.

Bố biết mỗi lần bố mẹ cãi nhau hai anh em tôi đều rất buồn nên bố luôn kìm chế cảm xúc để không gây gổ với mẹ, nhưng ngược lại mẹ cứ đay nghiến bố mãi, làm bố không chịu được mà thường xuyên không về nhà.

Mỗi bữa cơm gia đình chỉ có bốn mẹ con, lắm hôm mẹ cũng mải mê công việc không để ý gì đến chúng tôi là lại giao cho giúp việc chăm sóc.

Cũng chính vì những cuộc cãi vã của bố mẹ, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc mà tôi đã tự nhủ rằng sau này cho dù thế nào đi nữa cũng sẽ phải lấy người mà mình yêu, bởi vì hôn nhân không tình yêu sẽ chẳng thể nào hạnh phúc, không những thế còn ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các con.

Những năm tháng tuổi thơ ấy anh em chúng tôi cứ vậy mà tự chăm sóc yêu thương đùm bọc nhau, dần dần cũng chẳng còn quá bận tâm đến việc bố mẹ như thế nào, hay là phải đợi cơm bố mẹ về cùng ăn nữa. Em gái tôi vì còn nhỏ chưa hiểu chuyện nên nhiều lần con bé vẫn cứ nhõng nhẽo đòi bố mẹ, có khi còn muốn cả gia đình phải cùng nhau đi chơi.

Mỗi lần Quỳnh đòi bố vẫn luôn đồng ý đưa gia đình tôi đi đâu đó, nhưng bố mẹ thì mãi mãi cũng chẳng thể tự nhiên được, dù là gượng ép trước mặt các con như thế nào thì cùng không thoải mãi.

Còn nhớ ngày trước ở cạnh nhà tôi là một gia đình ba người, họ có một đứa con gái tên là Lan ít hơn tôi một tuổi, nhìn gia đình họ vui vẻ hạnh phúc, quay qua nhìn lại gia đình mình tôi có chút chạnh lòng cùng tủi thân. Cũng vì hai nhà gần nhau, Lan lại lanh lợi hay bắt chuyện, hay sang nhà chơi cùng anh em chúng tôi nên tôi cũng có cảm tình với Lan như với em gái tôi nhưng so với vị trí của em gái trong lòng tôi, Lan vẫn kém hơn một chút.

Mà vì Lan hay nói với mẹ tôi và bố mẹ cô ta rằng là rất thích tôi và sau này muốn làm vợ của tôi nên người lớn hai bên cũng vui vẻ hứa hẹn coi như một lời hôn ước. Khi đó còn bé chưa hiểu thế nào là yêu, mà còn bé cũng có biết gì đâu, cứ tưởng chơi với nhau thân thiết hơn những người khác giới khác thì coi đó là tình cảm.

Đến năm tôi mười bốn tuổi, bố đã không thể chịu thêm được tính mẹ, mà cũng vào thời điểm đó mẹ phát hiện bố có con riêng với người yêu cũ, cậu ấy chỉ kém tôi có một tuổi. Lúc đó gia đình tôi như rơi vào bế tắc, bố có con riêng không chỉ một mình mẹ sốc, mà anh em chúng tôi cũng không thể tin nổi.

Người bố mà tôi luôn kính trọng nhưng rồi lại cũng có con riêng, biết là bố không có tình cảm với mẹ vậy tại sao còn có với mẹ thêm hai đứa con nữa. Khi đó tôi cũng giận bố lắm, cảm giác như hoàn toàn mất niềm tin vào con người, mất niềm tin vào tình thân.

Cuối cùng bố mẹ quyết định ly hôn, ba anh em chúng tôi sống cùng mẹ, dù có không muốn thì những ngày tháng sau này chúng tôi sẽ phải sống trong gia đình không trọn vẹn. Trước khi bố dọn ra ngoài sống với hạnh phúc của bố, bố gọi ba anh em chúng tôi lại nói chuyện:

- Bố biết các con sẽ trách bố vì không cho các con được gia đình trọn vẹn, nhưng bố tin sau này khi các con đủ trưởng thành cũng sẽ ủng hộ quyết định ngày hôm nay của bố. Có thể các con sẽ không tha thứ cho sự ích kỷ của bố nhưng bố cũng không muốn cứ mãi cãi nhau với mẹ để rồi lại ảnh hưởng đến các con, vậy nên bố mẹ phải dừng lại ở đây. Bố không mong gì nhiều chỉ mong các con sau này sẽ khôn lớn thành người, dù chúng ta không sống cùng mái nhà nhưng chỉ cần các con nhớ đến bố, cần bố thì bất cứ lúc nào bố cũng xuất hiện trước mặt các con.

Tôi và anh Thiên không nói gì không phải vì ghét bố mà là chúng tôi biết có nói thêm gì nữa cũng không thay đổi được quyết định ly hôn của bố mẹ. Nhưng em gái tôi còn nhỏ vẫn chưa hiểu chuyện khi nghe tin bố sẽ rời đi, nó khóc lóc ôm chặt lấy bố:

- Bố không cần chúng con nữa sao? Bố đừng đi được không? Bố ở lại với chúng con đi? Có phải con không ngoan nên bố không cần con nữa không? Con hứa sau này sẽ ngoan mà.

Bố tôi ôm con bé vào lòng vỗ nhẹ lên vai:

- Các con của bố rất ngoan, bố không ở bên các con nhưng nếu con nhớ bố, bố sẽ đến mà. Con ở với mẹ và các anh phải ngoan nhé, không được khóc nhè đâu.

- Không, con muốn bố ở với mẹ, ở với chúng con cơ.

Nhìn em gái như vậy tôi cũng đau lòng lắm, tôi và anh Thiên đi lại giữ con bé, anh Thiên bảo:

- Đừng khóc nữa, em muốn gặp bố, hai anh sẽ đi cùng em mà.

- Không, em không chịu, em muốn ở với bố.

- Quỳnh, em phải ngoan lên nếu không sau này anh sẽ không dẫn em đi gặp bố đâu.

Con bé dù không muốn nhưng nghe anh Thiên bảo không dẫn đi gặp bố liền nín khóc, mếu máo bảo:

- Em sẽ ngoan, anh hứa phải cho em đi gặp bố đấy.

- Anh hứa.

Bố ôm ba chúng tôi vào lòng một lúc thật lâu rồi cũng rời đi, nhìn theo bóng dáng bố lên xe khuất dần lúc này anh Thiên ôm hai anh em tôi vào lòng, cùng nhau khóc một trận thật lớn, khóc rất lâu.

Sau ngày hôm ấy, tôi sống khép mình hơn, không giao du với bạn bè, cuộc sống chỉ xoay quanh việc từ nhà và đến trường.

Bố rất giữ lời hứa, hàng tháng đều dành thời gian đến thăm ba anh em tôi, đưa chúng tôi đi chơi, có một lần vì muốn anh em trong nhà làm quen nhau, bố tổ chức một cuộc đi picnic để chúng tôi gặp Đăng, em cùng bố khác mẹ.

Cứ nghĩ sẽ gượng gạo xa cách không thích nhau nhưng rồi một thời gian chúng tôi dần hiểu nhau, cũng bởi vì có tình thân máu mủ nên rất nhanh chóng thân quen, dần dần yêu thương nhau như anh em cùng bố cùng mẹ vậy.

Mẹ tôi biết chuyện ba chúng tôi qua lại thân thiết với Đăng thì ngăn cấm, nhưng chúng tôi vẫn mặc kệ, chuyện của người lớn không liên quan đến thế hệ sau như chúng tôi, chỉ cần mấy anh em tôi thật tâm yêu thương đối đãi tốt với nhau mà thôi.

Khi tôi học năm ba đại học, anh Thiên mặc cho sự ngăn cản của mẹ, một mình sang Thái Lan du học thay vì đi Anh như mẹ đã sắp xếp từ trước. Cũng cùng thời điểm năm đó, gia đình Lan chuyển sang Hàn Quốc sinh sống một thời gian. Ngày Lan đi tôi chẳng có gì là lưu luyến hay muốn níu kéo, cũng chẳng thấy mất mát hay thiêu thiếu gì cả, mọi thứ cứ bình thường đến một cách bất thường.

Khi Lan đi còn bảo tôi rằng:

- Khi nào em về nước anh phải lấy em làm vợ nhé.

- Mọi chuyện cứ để lúc đó rồi hãy tính, biết đâu khi em quay về bên cạnh đã có ai rồi.

- Không, em đợi anh đấy, nên anh cũng phải chờ em.

Tôi không nói gì chỉ nở nụ cười như lấy lệ, chào tạm biệt gia đình họ rời đi.

Hai năm sau tôi tốt nghiệp đại học cũng chọn đi Mỹ du học, mẹ thấy tôi cũng giống như anh Thiên nhất quyết không chịu đi Anh, mẹ bảo:

- Nếu còn cứ khăng khăng đi Mỹ, vậy thì mẹ không chu cấp cho con một đồng nào cả.

- Vâng, con cũng không cần ạ. Con đủ tay chân, có sức khỏe, con sẽ tự kiếm tiền bằng sức lực của mình.

Nghe tôi trả lời vậy mẹ tức không buồn nói, mặc cho tôi muốn ra sao thì ra.

Trước ngày đi Mỹ, chẳng hiểu sao tôi lại có tâm trạng đến quán café, chọn một góc khuất ít người chú ý tôi gọi một ly café Trung Nguyên. Khi nhân viên phục vụ mang đến, mới đầu tôi còn mải nhìn xa xăm ra bên ngoài không chú ý đến nhân viên, nhưng khi vừa nghe được giọng nói thánh thót nhẹ nhàng, tôi bất giác không tự chủ được mà nhìn cô nhân viên ấy. Cô gái nhìn tôi nở nụ cười nhẹ nhưng lại rất có sự thu hút:

- Café của anh gọi đây ạ.

- Ừ, cảm ơn em.

Khi cô ấy xoay người định rời đi, tôi gọi với theo hỏi:

- Em bao nhiêu tuổi mà đã đi làm rồi?

Nghe tôi hỏi, em ấy quay lại trả lời tôi, nhưng nụ cười lúc nào cũng nở trên môi không tắt:

- Em sắp là sinh viên năm nhất rồi, em đi làm thêm thôi ạ

- Vậy à?

- Vâng… Nếu không còn chuyện gì nữa em xin phép làm việc đây ạ.

- Ừ.

Sau khi em ấy đi vào trong rồi mà tôi vẫn đưa mắt nhìn theo bóng dáng, như có một sức hút khiến tôi cứ muốn nhìn mãi, cũng vì vậy mà tôi ngồi lại quán uống hết cốc café này đến cốc café khác.

Ngày tôi đi Mỹ, trước khi rời khỏi nhà mẹ bảo tôi rằng:

- Bây giờ con thay đổi ý định vẫn còn kịp đấy.

- Con sẽ không thay đổi, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi đây.

Nói rồi tôi cũng rời đi, mẹ không ra sân bay tiễn tôi mà chỉ có bố, em gái và Đăng. Bố có bảo nếu sang đó thiếu tiền thì nói với bố, bố sẽ gửi sang cho, cũng không quên chúc tôi giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm ngày trở về. Tôi cảm ơn bố, ôm mỗi người mấy giây rồi cũng vào trong.

Sang Mỹ tôi vừa học vừa làm, cuộc sống mới đầu có hơi khó khăn nhưng thỉnh thoảng bố vẫn gửi cho tôi ít tiền, tôi ngại bố nên chỉ nhận hai ba tháng đầu về sau lấy lí do mình đủ tiền tiêu sài để từ chối không nhận tiền bố nữa.

Bên này nhiều lúc có cô đơn, nhưng tôi lại thấy thoải mái vì không phải nghe theo sự sắp đặt của mẹ, hay là những lời càu nhàu mỗi khi tôi làm trái ý.

Hai năm đi Mỹ là hai năm tôi không về thăm nhà một lần. Không phải vì tôi không nhớ nhà, cũng không phải vì không đủ tiền vé về mà là không muốn về rồi mẹ lại giáo huấn đủ điều, mà tôi thì đâu còn là trẻ con nữa, hơn hết mẹ cứ nhắc mãi đến chuyện hôn ước của tôi và Lan.

Tôi còn rất trẻ, chưa muốn lập gia đình mà cũng có thể là vì chứng kiến cuộc hôn nhân của bố mẹ khiến tôi ám ảnh mãi không thôi. Hơn cả thế nữa là tôi nhận ra tình cảm mình dành cho Lan không phải là tình yêu nam nữ, xa nhau thời gian khá dài nhưng tôi chẳng bao giờ thấy nhớ đến Lan dù chỉ một cái thoảng qua.