Chương 13: Nước Thánh Của Tiểu Đồng Tử 4

Mì đã được nhào bột từ trước, Hứa Hàm cán bột mì thành từng lát mỏng, sau đó dùng dao cắt thành sợi mì, lại rải thêm một ít bột mì để sợi mì không dính vào nhau.

Đun sôi nước, bỏ mì vào trong chần trong nước nóng tầm một phút thì vớt ra, sau đó lại chần qua rau cải thìa, để ráo nước và đặt ở trên mì sợi trong bát.

Múc thêm một muỗng nước chần mì, lại thêm hai muỗng nước sốt thịt đã nấu chín thì đã hoàn thành một bát mì sốt thịt đầy đủ màu sắc và hương vị.

Đây là lần đầu tiên Hứa Hàm xuống bếp ở đây, nên bà cụ Kiều vốn tưởng rằng cô sẽ đốt cháy nhà bếp nhưng kết quả thì bà nhìn thấy cô bê ra hai bát mì cũng ổn, nên vô cùng ngạc nhiên.

“Bà nội nếm thử một chút xem, cháu đã không nấu ăn trong một thời gian dài rồi.” Hứa Hàm nói, đây là lời nói thật vì dù sao cô cũng chỉ là một sinh viên, rất ít có cơ hội để nấu ăn.

“Được, trông rất ngon, còn đẹp hơn so với bà làm, chắc chắn là đặc biệt ăn ngon.” Bà cụ Kiều trước tiên khen ngợi cô một chút, sau đó mới cầm đũa ăn vài miếng mì.

Sợi mì do Hứa Hàm tự làm nhưng lại đặc biệt mịn và dai, khi cắn một miếng có độ dai nhất định, nước sốt thịt cũng rất ngon lành, bởi vì bên trong có tinh bột, nước thịt đậm đà, mùi thịt đã trộn cùng nước tương, khiến cho hương vị vô cùng ngon miệng

Điều tuyệt vời nhất phải nói đến rau cải thìa, rau rất tươi và giòn, kết hợp cùng vị đậm đà của nước sốt thịt khiến hương vị của món ăn thật sự ngon lành.

Hai người ăn hết hai bát mì đầy, sau khi ăn no thì bà cụ Kiều phụ trách thu dọn bát đũa còn Hứa Hàm thì cho Khẩu Khẩu ăn.

Trẻ sơ sinh thì ngày nào cũng giống nhau, Khẩu Khẩu đã gần hai tháng tuổi rồi, bởi vì có sữa mẹ đầy đủ, ăn ngon ngủ ngon, nên được nuôi trắng trẻo mập mạp. Cậu bé được Hứa Hàm ôm vào trong ngực nên lập thức theo thói quen tìm sữa để uống.

Hứa Hàm nhìn vẻ mặt háo hức của cậu bé thì vô cùng buồn cười, chắc hẳn tương lai sẽ trở thành một đứa trẻ tham ăn đây.

Đến ngày đi chợ thì bà cụ Kiều đã hái một giỏ rau cải thìa để mang lên chợ bán, kết quả thì vừa đi không lâu đã bán hết rồi, nói là gặp phải một thím mà bà quen biết, là người làm trong căn-tin của trường tiểu học duy nhất trong thôn, thấy bà đang bán rau mà vừa lúc căn-tin của bọn họ cũng cần mua rau xanh nên liền mua hết rau của bà.



Ngoài chợ bán 3.5 đồng một cân rau xanh, một giỏ rau này tổng cộng bán được 38 đồng, đây là thu nhập đầu tiên của gia đình cô.

Hứa Hàm liền bảo bà cụ Kiều cầm tiền đến nhà người bán thịt heo trong thôn để mua một cái chân giò heo về ăn mừng.

…..

Hai ngày sau thì vị thím ở căn-tin trường học kia, người mà lúc trước đã mua rau nhà cô lại tìm đến nhà.

Nói rằng những đứa trẻ của trường ngày thường vốn dĩ không thích ăn rau xanh nhưng khi nấu rau của gia đình cô thì lại cầm bát lên ăn hết sạch, hơn nữa còn nói rằng ăn rất ngon, muốn ăn nữa.

Ngay cả những đứa trẻ được chiều chuộng không thích ăn cơm ở trường cũng đều ăn vô cùng ngon lành!

Đây là trường tiểu học duy nhất ở thôn Đông Dương cũng như ở các thôn xóm lân cận, tất cả trẻ em ở vùng xung quanh đều đi học ở đây, số lượng học sinh cũng rất đông, cộng tất cả các bạn nhỏ trong trường lại thì có hơn vài trăm người.

Ban đầu trường học cũng không có căn-tin, nhưng nhờ vài năm trước có lãnh đạo trên tỉnh đến kiểm tra đột xuất đúng vào thời gian ăn trưa.

Bởi vì gia đình của một số trẻ nhỏ ở rất xa, cha mẹ lại phải bận rộn công việc nhà nông nên không rảnh rỗi để đưa đón bọn nhỏ, vì vậy chúng sẽ mang cơm trưa đến trường. Hình ảnh bọn trẻ dùng hộp nhôm để làm hộp cơm, thức ăn bên trong cũng không được ngon lành, ngồi xổm trong lớp học để ăn đã thành công khiến cho lãnh đạo trên tỉnh cảm động rồi.

Các lãnh đạo vung tay lên, xây dựng một căn-tin cho trường học, hơn nữa còn trợ cấp cả chi phí cơm trưa – khiến cho bọn trẻ đều được ăn cơm trưa miễn phí.

Đây cũng là lý do vì sao nhiều trường tiểu học trong mấy thôn khác không thể hoạt động được nữa, cũng là nguyên nhân vì sao ở thời đại mà tất cả mọi người đều mong muốn con cái của họ được đi học ở trên thị trấn và thậm chí là muốn gửi lên thành phố để học tập, mà trường tiểu học Đông Dương của bọn họ vẫn còn tràn đầy học sinh.