Chương 22

ĐOẠN 22

Cùng lúc trông thấy bố mẹ, nhưng Tuệ Nghi chỉ chào mỗi Duy, Thục Anh thì có nhìn qua tôi rồi mỉm cười gật đầu một cái thật nhẹ. Không muốn ba người họ phát hiện ra đôi mắt đã đỏ hoe của mình, tôi xoay người bỏ thẳng về phòng, trèo lên giường đắp chăn kín mít. Lúc này, không cần phải kìm nén nữa, tôi cứ thế mà khóc một cách ngon lành vì tủi thân và ấm ức.

Anh nghĩ tôi không cố gắng hàn gắn tình cảm với Tuệ Nghi à? Anh nghĩ tôi không muốn con bé sớm nhận tôi là mẹ sao? Anh có phải là tôi đâu mà biết được cảm giác của tôi khi phải đứng phía sau nhìn con thân thiết với người phụ nữ khác hơn cả mình. Nó chưa đủ đau hay sao mà anh còn coi thường tôi?

Tôi khóc suốt cả buổi chiều đến khi trời tối mịt cũng không có tâm trạng bò ra khỏi chăn, cứ nằm dài trên giường, mắt rảo hoạch nhìn lên trần nhà dưới ánh sáng yếu ớt của đèn điện bên ngoài hắt vào.

Bỗng dưng tiếng điện thoại kêu liên tục, thông báo có người gửi tin nhắn đến. Nghĩ bụng chỉ có Hà hoặc Long mới nhắn tin giờ này nên tôi chẳng buồn xem, nhưng 2 – 3 tin chưa đủ, người bên kia vẫn rất kiên trì gửi đến, cuối cùng tôi không chịu được nữa đành bất lực với lấy chiếc điện thoại ở kệ tủ đầu giường.

Vừa mở ra thì là hàng loạt tin nhắn của Duy gửi tới:

“Cô rú rú trong phòng đủ chưa?”

“Ra ngoài ăn đi. Muốn người khác phải chờ cô đến mấy giờ?”

“Nhanh lên.”

Tôi mượn mấy người chờ tôi à? Muốn ăn thì tự mình ăn với nhau đi, có tôi hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Hay muốn tôi phải ngồi ngay ngắn như một kẻ dư thừa tận mắt chứng kiến ba người nói chuyện vui vẻ với nhau? Tôi mệt lắm, không đủ sức giả tạo làm như không quan tâm nữa đâu, đau lòng và khó chịu cũng đâu có ai hiểu. Thay vì biến mình thành con bù nhìn, tôi thà ở trong đây còn thoải mái hơn nhiều.

Không nhận được câu trả lời của tôi, Duy nhắn tiếp:

“Cô có ra không, hay tôi phải vào bế cô?”

“Lì lợm vừa thôi.”

“Tuệ Nghi đang kêu đói đấy, nhanh cho con bé ăn tối.”

Sau 6 tin nhắn nhận được, tôi cũng gửi cho Duy một tin:

- Tôi không đói. Anh cho con bé ăn đi.

Nhắn xong, tôi ngồi dậy, tiện tay bật điện sáng rồi bước xuống giường, đi đến tủ quần áo lấy một bộ đồ để đi tắm. Nhưng đang trong lúc chọn đồ thì Duy mở cửa phòng đi vào.

Tôi nhìn Duy đúng hai giây rồi quay đi, còn anh thì trực tiếp tiến tới, nắm lấy cổ tay tôi kéo sát lại:

- Đừng có ngang bướng với tôi. Ra ngoài.

Tôi cựa quậy cổ tay nhưng sức lực của Duy quá lớn, anh lại không có ý buông ra nên sau một hồi không thoát ra được, tôi mới bảo:

- Tôi không đói.

- Không đói cũng phải ăn

- Hồi chiều tôi ăn bánh ở tiệm rồi.

- À… ăn bánh ngọt theo nghĩa bóng đến lo rồi hả?

- Tùy anh nghĩ.

Lực nắm cổ tay tôi mỗi lúc một tăng dần, ánh mắt anh sắc bén nhìn tôi một lúc, mãi sau mới hất tay tôi ra, cười lành nói:

- Cô có giỏi thì cứ nhịn đói mãi đi, đừng có ăn cùng bố con tôi nữa.

- Ừ. Tôi có tự trọng mà, anh đã nói vậy thì cứ yên tâm, tôi sẽ không làm phiền đến bữa ăn của anh. Chúc anh ngon miệng.

Vừa nói dứt câu, mặt Duy đằng đằng sát khi bỏ đi ra ngoài, không quên đóng mạnh cửa kêu “Rầm” một tiếng rất lớn. Tôi cũng kệ, chẳng quan tâm nữa, tắm xong thì lại lên mạng xem những món bánh ngọt khác.

Những ngày sau đó, y như rằng tôi không ăn cơm ở nhà, vì giờ Tuệ Nghi chỉ thích mỗi cô Thục Anh đưa đi học nên tôi và Duy cũng chẳng đi chung xe, cùng đưa con bé đến trường gống trước. Vì thế, sáng tôi sẽ bắt taxi đến cửa tiệm từ sớm, tối cũng về nhà muộn, hôm thì ăn bánh ngọt không bán hết ở tiệm, hôm thì mua đồ lủi thủi ăn một mình trong phòng.

Có hôm nửa đêm đói quá, đợi mọi người ngủ hết tôi mới vào phòng bếp nấu mì ăn tạm, đang loay hoay nhặt rau mua hồi chiều thì có tiếng người nói hỏi tôi:

- Chị Trúc! Chị ăn khuya sao?

- À… Vâng. Tự nhiên thèm mì nên dậy nấu.

- Sao mấy nay chị không ăn tối cùng bọn em?

- Tôi đi làm về muộn, lại ăn linh tinh ở tiệm với đứa bạn lo rồi nên về nhà không ăn thêm được nữa.

- Vậy ạ. Thấy chị nấu mì em cũng thèm quá, có thể cho em xin một tô được không?

Dù muốn hay không thì Thục Anh đã nói vậy rồi, chẳng lẽ tôi lại từ chối, thế là đành phải bảo:

- Ừ. Thục Anh ngồi đợi nhé. Khoảng năm phút là có mì cho Thục Anh.

- Vâng. Em cảm ơn chị.

Trong lúc tôi nấu mì, Thục Anh ngồi lướt điện thoại. Đúng 5 phút sau, tôi bưng ra hai tô mì, đẩy về phía cô ấy một tô, tôi bảo:

- Không biết có vừa miệng Thục Anh không, tôi nấu đơn giản thôi, bỏ mỗi rau và trứng.

- Vâng. Em ăn sao cũng được ạ, trước đi học xa nhà nhiều khi lười ra ngoài ăn cũng hay nấu mì.

- Ừ. Ăn thử đi.

- Vâng.

Thục Anh ít hơn tôi một tuổi, theo phép lịch sự thì chúng tôi sẽ xưng hô là “chị - em” cho gần gũi, nhưng vì tôi không quá thân thiết với cô ấy, cũng quan ngại nhiều vấn đề nên chỉ xưng “tôi” và gọi tên cô ấy.

Ban đầu cả hai không nói gì nhiều, nhưng qua một lát sau Thục Anh nói với tôi:

- Chị biết không, ngày trước gặp anh Duy và Tuệ Nghi bên Mỹ, em cứ thắc mắc không biết mẹ con bé là người như thế nào. Chắc hẳn phải rất xinh đẹp và giỏi giang nên mới có được tình yêu của anh ấy và sinh ra một Tuệ Nghi xinh gái, đáng yêu như vậy. Em cũng không ít lần tò mò vì sao chị lại bỏ lỡ một người đàn ông hoàn hảo như anh Duy. Cho đến khi gặp chị, em mới biết có nhiều thứ không hẳn như mình đã tưởng tượng.

Không như cô ấy tưởng tượng? Ý là tôi không xinh đẹp, không giỏi giang?

Đúng rồi, tôi chẳng có điểm gì nổi bật để đem so với Thục Anh cả. Cô ấy xuất thân trong gia đình có điều kiện, xinh đẹp, dịu dàng, cử chỉ chuẩn mực, giọng nói nhẹ nhàng như gió lại học cao hiểu rộng thì một đứa mồ côi, học ít như tôi lấy cái gì để bì đây?

Ai ai cũng đều nghĩ người Duy từng lấy làm vợ, sinh cho anh một bé gái là tiểu thư nhà trâm anh thế phiệt, nhưng đến khi biết người đó là một đứa rất rất bình thường thì không khỏi ngỡ ngàng. Giống như Hà, nó cũng từng không dám tin tôi lại chính là vợ cũ của Duy.

Trong mắt người đời, tôi là đứa may mắn, là lọ lem gặp được hoàng tử mà không biết trân trọng, nhưng lại chưa từng có một ai hiểu cho nỗi lòng của tôi, hỏi xem tôi có muốn lấy Duy vào những năm tháng ấy không. Thà là yêu nhau khi cả hai chưa có người trong lòng hoặc sẽ không gặp gỡ, còn hơn kết hôn trong dằn vặt đau khổ, nỗi hận triền miên suốt mấy năm trời.

Đáng ra, dù ít hay nhiều thì Thục Anh cũng sẽ có thông tin về cuộc hôn nhân của chúng tôi mới phải, nếu cô ấy muốn biết chỉ cần hỏi bác gái hoặc Duy, nhưng nghe cái cách cô ấy nói, hình như không hề biết nguyên nhân chúng tôi ly hôn. Có lẽ là vì Thục Anh không tiện hỏi thẳng Duy và bác gái, hoặc cũng có thể cô ấy không cách nào biết được vì Duy đã bảo mật mọi thông tin, không cho người khác bới móc lại. Như Trí chẳng hạn, anh ta là trợ lý của Duy nhưng cũng chẳng biết gì về tôi, mãi cho đến khi tôi và Hào nói chuyện ở Khách sạn Phú Quốc.

Tôi mỉm cười tiếp tục ăn mì, Thục Anh nói:

- Em không phải có ý chê chị kém cỏi hay không xinh đẹp đâu ạ. Điều mà không như em tưởng tượng ở đây là vì trước đó em cứ nghĩ anh Duy sẽ kết hôn với một người môn đăng hộ đối, nhưng hóa ra anh ấy lại yêu và lấy một người có gia cảnh rất bình thường. Em đoán, chắc ở chị phải có một điểm gì đó rất cuốn hút anh ấy, phải không ạ?

- Tôi không có gì nổi bật cả, Thục Anh đừng đề cao tôi.

- Không ạ. Em thấy ánh mắt chị có gì đó rất cuốn, long lanh, lấp lánh, lúc thì sáng như sao lúc lại chất chứa nhiều nỗi niềm, đối phương nhìn vào cứ như bị thôi miên theo cảm xúc của chị ấy. Tuệ Nghi cũng có đôi mắt đẹp giống chị, đó cũng là ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất của em dành cho con bé.

- Tôi rất cảm ơn Thục Anh vì đã yêu thương con bé và hết lòng giúp Tuệ Nghi vượt qua căn bệnh trầm cảm.

- Em mới chỉ trị được ngọn thôi, gốc rễ bên trong vẫn là ở chị. Mặc dù con bé chưa thân thiết với chị như em, nhưng chị đừng buồn quá nhé, con bé sẽ sớm quen thôi ạ.

- Tôi cũng mong là vậy.

Thục Anh nhìn tôi, thái độ mong chờ nói:

- Em hỏi chút nếu không phải, mong chị đừng để bụng nhé.

- Ừ. Thục Anh hỏi đi.

- Chị còn yêu anh Duy ạ?

Thâm tâm tôi đương nhiên là con yêu Duy, nhưng tôi lại không thừa nhận vì tôi hiểu rõ chúng tôi đã chẳng thể quay lại như lúc trước. Nếu Duy còn yêu tôi, nhất định tôi sẽ không từ bỏ, bởi có lại anh thì tôi mới có thể ở bên con mãi mãi, nhưng tiếc rằng anh lại thẳng thừng nói rằng đã không còn yêu tôi nữa. Cộng thêm Thục Anh rõ ràng là rất có tình ý với Duy, cô ấy chưa từng e ngại bày tỏ tình cảm với anh ở trước mặt tôi. Thế nên tôi biết câu hỏi của cô ấy lúc này là có ý gì. Tôi không khẳng định cũng chẳng phủ nhận chuyện mình còn yêu Duy mà chỉ bảo:

- Có những thứ thuộc về quá khứ thì cứ để nó ngủ say đi. Hiện tại điều tôi muốn nhất là ở bên Tuệ Nghi đến khi con bé trưởng thành và cũng mong cho hai bố con anh ấy có được hạnh phúc mà mình muốn.

Đến đây thì Thục Anh cũng chẳng giữ kẽ gì nữa, mà thẳng thắn nói ra tình cảm của mình:

- Không giấu gì chị, em rất thích anh Duy. Từ lần đầu gặp anh ấy em đã thích rồi. Không phải vì vẻ bề ngoài khôi ngô hay khối tài sản ai ai cũng dòm ngó, mà em cực thích tính cách anh ấy. Mạnh mẽ, dứt khoát, tinh tế và rất đàn ông, yêu ra yêu, hận ra hận, không bao giờ có chuyện anh ấy trêu ghẹo hay chơi bời qua đường với những cô gái khác. Em nể cái cách anh ấy bảo vệ người thân, yêu thương và chăm sóc Tuệ Nghi từ những điều nhỏ nhặt nhất mà có khi phụ nữ chúng ta cũng không thể bằng được. Người ta thường nói, muốn biết một người đàn tốt đến đâu thì cứ nhìn cái cách anh ta đối xử với trẻ con và người già, và đúng thật, anh Duy không có điểm gì để chê. Người phụ nữ nào được anh ấy yêu nhất định là người hạnh phúc nhất.

- …

- À… em quên mất, cái tính lạnh lùng, khó gần của anh ấy, điểm này thì vừa chê vừa thích. Tuy anh Duy có hơi nhiều thủ đoạn và tàn nhẫn, nhưng người làm ăn kinh doanh mà, thương trường như chiến trường, anh ấy có thủ đoạn thì cũng dễ hiểu, đúng không chị?

- Ừ.

Thục Anh mỉm cười, dáng vẻ e thẹn nói:

- Em từng tỏ tình với anh Duy, chị biết anh ấy đã nói gì không?

- Chuyện riêng của hai người, tôi nghĩ mình không nên nhiều chuyện.

- Không sao. Em tự nguyện kể với chị mà, vì em khá thích chị, em lại thẳng tính nữa. Thời gian này chúng ta sống chung một mái nhà, em nghĩ có những chuyện nên nói rõ ngay từ đầu, tránh việc mình hiểu lầm, có cái nhìn không tốt về nhau.

Thục Anh muốn kể nhưng tôi nào muốn nghe. Tôi cũng là người bằng da bằng thịt, biết đau lòng, biết đố kị khi người phụ nữ khác yêu người đàn ông từng là chồng mình. Tôi hiểu rõ mình không có quyền can thiệp, không có quyền ghen tuông, nhưng cảm xúc con người mà, có cố gắng áp chế thì cũng không thể làm chủ hoàn toàn.

Tôi nghĩ Thục Anh là người thông minh, đủ hiểu câu trả lời của tôi vừa rồi là có ý gì, nhưng Thục Anh lại muốn rõ ràng mọi chuyện, thôi thì từ chối không được, chỉ đành ngậm ngùi nghe cô ấy nói:

- Anh Duy bảo vì em còn là con gái, anh ấy thì đã từng một lần lỡ dở, sợ em thiệt thòi nên không muốn tiến xa hơn. Nhưng em thì không sợ thiệt, em rất quý Tuệ Nghi, rất muốn trở thành một phần gia đình của con bé, thế nên lâu nay dù anh ấy có nhiều lần khéo léo từ chối thì em vẫn không bỏ cuộc. Em tin vào một ngày gần nhất, anh ấy sẽ chấp nhận em.

Một người con gái phải yêu người đàn ông ấy đến nhường nào mới tự nguyện lấy một người đã từng có một đời vợ và có con riêng đây? Cô ấy còn rất yêu mến Tuệ Nghi nữa, chắc không phải như Hà nói, Thục Anh đối tốt với Tuệ Nghi chỉ vì muốn lấy lòng Duy đâu. Giờ phút này, cô ấy vẫn có thể ngồi chung ăn mì, tâm sự lòng mình với vợ cũ của người mình yêu một cách nhẹ nhàng thế này là vì cô ấy tử tế, hiểu chuyện hay quá khôn khéo vậy?

Không dừng lại ở đó, Thục Anh cho tôi thấy rõ sự cao thượng của cô ấy:

- Nếu chị còn yêu anh Duy và anh ấy vẫn còn vấn vương với chị, em sẽ hết lòng giúp hai anh chị hòa giải khúc mắc, quay về bên nhau. Bởi em luôn mong anh Duy hạnh phúc, Tuệ Nghi có một gia đình trọn vẹn đủ đầy. Còn nếu cả hai đã hết tình cảm, thì cho em xin phép được ở bên anh ấy nhé, được không ạ?

Thục Anh đã nói vậy, ý định của bác gái cũng quá rõ ràng, tình cảm Duy dành cho tôi ở hiện tại đã hết ý, vậy thì tôi lấy tư cách gì để ngăn cản bọn họ. Lòng tôi dâng lên một cảm xúc chua xót, còn chưa thấm hết nỗi đau thì Thục Anh lại nói:

- Em không để bụng chuyện vợ cũ vợ mới sống chung một mái nhà đâu. Nếu em và anh Duy kết hôn, chị muốn ở bên Tuệ Nghi đến khi con bé trưởng thành đều được, có hai người mẹ cũng tốt mà, chúng ta cùng chăm sóc con bé.

Nghe những lời này, tôi không biết mình nên khóc hay cười. Khóc vì có cảm giác như Thục Anh đang thương hại tôi, bố thí cho tôi được ở gần con, phải từng ngày chứng kiến chồng cũ có một gia đình mới, bản thân chẳng khác nào một đứa hèn hạ, mặt dày, ăn bám, làm phiền đến cuộc sống riêng tư của người ta. Còn cười bởi vì tương lai được ở bên Tuệ Nghi, không phải chia cắt thêm lần nào nữa.

Nhưng tôi có tự trọng của mình nên nói thẳng:

- Thục Anh và anh Duy kết hôn thì tôi sẽ chuyển ra ngoài, chỉ xin anh ấy cho tôi được gặp Tuệ Nghi vào mỗi buổi cuối tuần thôi.

- Như thế sao được ạ?

- Không sao. Ai cũng có cuộc sống riêng mà. Tôi cũng nên sớm kiếm người yêu rồi lấy chồng thôi.

Miệng thì nói không sao, sẽ lấy chồng nữa nhưng thâm tâm thì trái ngược hoàn toàn. Đến đây, tô mì của tôi đã được ăn hết sạch, bát mì vốn dĩ tưởng ngon, ai ngờ vì cuộc nói chuyện với Thục Anh mà nãy giờ chẳng biết mùi vị của nó ra sao.

Tôi cười nhạt, kiếm cớ dừng lại ở đây:

- Cũng muộn rồi, Thục Anh ăn xong rồi ngủ sớm nhé. Tôi về phòng trước đây, mai còn phải đến cửa tiệm sớm nữa.

- Vâng. Khi khác chúng ta nói chuyện tiếp vậy, mình còn nhiều thời gian mà. Em rất mong chị tìm được bến đỗ mới.

- Ừ. Cảm ơn Thục Anh. Chúc ngủ ngon.

- Chúc chị ngủ ngon.