Chương 17

Tên truyện: LỆ VƯƠNG TÌNH

FB tác giả: Nguyễn Vân An (Song Tử)

ĐOẠN 17

Chúng tôi ở nhà ông ngoại được 5 ngày thì Duy nói với người lớn sẽ chuyển ra ngoài sống. Ban đầu bác gái nhất quyết từ chối, bảo rằng Duy bận công việc, có những hôm phải đi sớm về muộn, nếu ở riêng bà không yên tâm với Tuệ Nghi, sợ tôi không chăm sóc tốt cho con bé. Nhưng tôi nghĩ, nguyên nhân bác gái phản đối có lẽ là lo lắng tôi sẽ mang con bỏ trốn hoặc là vì không muốn tôi và Duy tiếp xúc riêng quá nhiều nên mới một mực bác bỏ.

Cơ mà tính Duy thì người trong nhà ai ai cũng đều hiểu rất rõ, phương châm của anh luôn là “chỉ có việc bản thân không thích làm chứ không có chuyện muốn mà không làm được”. Thế nên sau một hồi phản đối gay gắt, bác gái đành phải chịu thua trước Duy.

Lúc quay về căn biệt thự ngày trước, cảm xúc trong tôi vô cùng hỗn loạn, không chán ghét như ngày đầu đặt chân tới, không nuối tiếc như ngày cất bước đi, chỉ thấy cõi lòng hoang hoải một nỗi mông lung vô tận, không rõ sẽ được gắn bó với nơi này trong bao lâu.

Dường như Duy đã chuẩn bị từ trước nên khi chúng tôi về, người làm cũ đều đã có mặt, khắp mọi ngóc ngách, đồ vật trong nhà đều sạch bóng như mới, không hề có vết tích của việc vắng bóng người hơn hai năm.

Vẫn giống như xưa, ai ai cũng đều gọi tôi một tiếng “cô chủ”, nhưng tôi đã không còn là vợ của Duy, so với họ, bây giờ tôi cũng chẳng khác nào người làm thuê, buộc phải nghe theo mọi sự sắp đặt và yêu cầu của anh. Vậy nên tôi bảo:

-Mọi người đừng gọi tôi là “cô chủ” nữa, xưng theo độ tuổi lớn nhỏ là được rồi.

-Như thế sao được ạ? Ngày nào chúng tôi còn làm việc ở đây thì cô mãi mãi là cô chủ của chúng tôi, cậu chủ sẽ không lấy vợ khác đâu.

-Chúng tôi đã là quá khứ của nhau rồi. Tôi về đây cũng là vì Tuệ Nghi.

-Cậu chủ chịu cho cô về chắc hẳn đã không còn để bụng chuyện ngày trước nữa. Có chăng cậu chủ chỉ tạm thời giận cô thôi, qua một thời gian nữa hai cô cậu sẽ làm lành, sẽ lại sống hạnh phúc bên nhau như ngày trước.

Tôi rất mong thời gian có thể quay trở lại để mình không phạm sai lầm mà đánh mất tình yêu của người đó. Nếu ngày ấy tôi bình tâm suy xét, nếu ngày ấy Duy chọn cách nói ra sự thật thay vì che giấu để tôi bớt đau lòng thì tôi đã không hiểu lầm anh, không một mực coi anh là kẻ gϊếŧ người.

Nhưng… Dẫu cho không vì chuyện của mẹ thì việc tôi là con gái của người đã bắt cóc em gái anh thì gia đình Duy cũng sẽ không chấp nhận tôi.

Vốn dĩ ông trời đã sắp đặt mối nhân duyên trớ trêu này, không muốn chạy trốn, cũng chẳng thể buông tay nên chỉ có thể cùng nhau đối mặt.

Nói rồi nhưng mọi người vẫn giữ cách xưng hô cũ nên tôi không để ý đến nữa mà toàn tâm toàn ý chăm lo cho con gái.

Sang tuần Tuệ Nghi cũng bắt đầu đi học. Ngày thứ nhất đi về mặt mày đã bí xị, nói với bố:

-Con không muốn học chung với các bạn nữa đâu ạ.

-Sao thế?

-Các bạn ấy cứ nhìn con như thế này này… Các bạn không thích con thì phải?

Tuệ Nghi lập tức diễn tả lại biểu cảm và ánh mắt mà các bạn nhìn mình. Tôi thấy không phải là các bạn không thích con bé mà chắc do con bé xinh xắn lại trắng trẻo, lạ mắt, nét mặt nhìn như lai Tây nên mới tò mò ngắm con kĩ thôi. Vậy mà trong mắt con bé lại thành ra các bạn không thích mình.

Duy cũng hiểu ra vấn đề, anh kéo con ngồi lên đùi mình, giải thích:

-Con biết tại sao các bạn nhìn con không?

-Sao vậy ạ?

-Vì con gái bố xinh gái như công chúa bước ra từ truyện cổ tích nên các bạn nhìn con mãi mà không thấy chán đó, cũng muốn được xinh đẹp như con.

-Thật vậy ạ?

-Ừ.

Nghe bố nịnh, con bé cười thích thú khoe thêm:

-Hôm nay cô giáo cũng khen con rất xinh đẹp, giống như công chúa nhỏ.

-Ừ. Thế nên con phải ngoan ngoãn chăm đi học để làm công chúa nhỏ có nhiều người ngưỡng mộ, yêu thích con. Biết chưa nào?

-Dạ. Nhưng bố phải đón con cơ. Sáng nay bố đưa đi mà chiều không đón con gì cả. Con muốn bố đón.

-Được rồi. Từ mai bố sẽ về sớm đón con, sáng đưa con đi học.

-Vâng ạ. Tuệ Nghi yêu bố nhất.

Nói rồi, con bé đứng dậy ôm cổ Duy, hôn hết bên má trái rồi lại sang má phải, đến khi Duy bảo “rồi, rồi…” con bé mới chịu buông ra, nhưng vẫn ngồi trong lòng bố kể về ngày đầu đi học, làm quen với các bạn mới ra sao. Tôi ngồi đối diện có chen vào câu chuyện của hai bố con, lân la hỏi mấy câu nhưng con bé dường như không muốn tâm sự với tôi nên trả lời rất hời hợt.

Tuệ Nghi đi học cả ngày, tôi ở nhà chẳng có việc gì làm nên cứ quanh quẩn trong nhà mãi, hết nghịch điện thoại rồi đọc sách, nhàm chán vô cùng. Vì vậy đã mở lời xin Duy cho mình đi làm, mà công việc tôi nghĩ đến đầu tiên chính là đi dạy ở trường mẫu giáo Tuệ Nghi học.

Nhưng trường con bé học là trường Quốc tế, tôi lại không có bằng cấp gì cả, tiếng anh cũng biết chút ít, không phải là quá cao siêu, lưu loát như người bản địa, nên khi tôi nói ra mong muốn của mình, Duy bảo:

-Tôi không phải Hiệu trưởng cũng chẳng phải Nhà đầu tư của cái trường đó mà xin cho cô vào đấy. Tốt nhất là cô ở nhà cho tôi nhờ, còn muốn đi làm thì đến công ty tôi, tôi cho cô làm Lễ tân.

Biết là thế, nhưng vì nghĩ không có gì làm khó được Duy nên tôi mới mở lời muốn nhờ vả. Với thái độ này của anh, tôi chỉ mong mình chưa từng nói gì.

Tôi không muốn đến Công ty Duy làm việc, để tránh bị người ta soi mói rồi phát hiện ra mối quan hệ giữa chúng tôi. Thế nên đã bảo rằng mình muốn đi học làm bánh rồi mở một tiệm nho nhỏ buôn bán qua ngày. Duy không phản đối nhưng thái độ thì rất cộc cằn:

-Tùy cô. Cô có tiền thì tự học tự mở, tôi không thừa tiền tài trợ cho cô.

Làm như tôi cần tiền của anh lắm đấy. Nói cho anh biết chẳng qua là muốn thông báo một tiếng, để anh không hoạnh họe làm khó tôi thôi. Bao nhiêu năm sống nghèo khổ không có người thân bên cạnh tôi vẫn sống được đấy thôi, đi làm cũng tích góp được một khoan kha khá. Giờ đem ra đóng học phí và thuê mặt bằng, các đồ dùng cần thiết chắc là vừa đủ, mà kể cả có thiếu thì tôi ứng tạm tiền ly hôn, khi nào có sẽ bù lại sau.

Duy nói thêm:

-Tôi đi làm về mà không thấy cô có mặt ở nhà thì cô chết với tôi.

Đã từng xem video hướng dẫn trên mạng cộng thêm cũng có hoa tay nên việc đi học của tôi rất nhàn, mới đó chỉ qua hai tuần đã có thể làm ra những chiếc bánh ngọt được trang trí đẹp mắt.

Khoảng thời gian ấy Thục Anh vẫn thường đến nhà chúng tôi, biết tôi là mẹ Tuệ Nghi nên thái độ với tôi rất phải phép, nhưng lại chưa từng nói chuyện với tôi quá năm câu. Phần lớn thời gian đều là dành cho Tuệ Nghi, nhìn cô ấy và con gái trò chuyện vui vẻ, tôi không tránh khỏi những phút chạnh lòng. Nhưng biết sao giờ, ai bảo cô ấy có được tình cảm của con gái tôi cơ chứ.

Ngay cả Duy, khi cô ấy có những cử chỉ thân mật, tuy anh không nhiệt tình đón nhận nhưng cũng chẳng thẳng thừng từ chối hay tránh né, mà giống như đang thử tiếp nhận. Hai bố con nhà anh, người nào người nấy đều xem tôi như vô hình, thoái mái có những hành động tự nhiên với người con gái khác làm tôi đau lòng, tủi thân đến chết được.



Một hôm vào cuối tuần, đang cùng Diễm và những người làm khác chuẩn bị bữa trưa thì Tuệ Nghi ngồi xem tivi ngoài phòng khách chợt đứng phắt dậy, nhảy từ trên sofa xuống rồi chạy một mạch ra ngoài sân. Thấy con bé vội vàng chạy đi, tôi đang cắt dở củ cà rốt thành hình bông hoa cũng phải bỏ đó, gọi với theo sau:

-Tuệ Nghi, con sao thế?

Con bé không trả lời tôi, lon ton chạy đến bên hồ cá, đứng chống tay cạnh hông nhìn đàn cá Koi bơi lội trong hồ. Tôi đến cạnh hỏi lại:

-Sao con chạy ra ngoài này thế? Trời nắng lắm, vào nhà đi không ốm đó.

-Không đâu. Con muốn bắt cá ạ.

-Sao tự dưng lại muốn bắt cá thế?

-Con thấy trên tivi người ta bắt cá bỏ vào cành cây rồi nấu trên lửa. Con cũng muốn làm.

Lời con gái nói tuy nghe không xuôi tai nhưng tôi có thể hiểu rằng con bé dường như đang muốn học người ta nướng cá. Cơ mà đây là cá cảnh sao có thể đem đi nướng được?

Trước thái độ hào hứng của Tuệ Nghi, tôi ngồi xổm bên cạnh con, khẽ cười nói:

-Con muốn nướng cá hả?

-Ưmmm… Vâng, nướng cá ạ.

-Nhưng cá trên tivi là cá nuôi để ăn, được bán trong siêu thị hoặc ngoài chợ. Cá nhiều màu sắc như trong hồ không ăn được, chỉ để ngắm thôi.

-Con không ăn, con muốn nướng cá.

-Cá này không thể nướng, bố Duy sẽ không cho con bắt đâu. Nếu con muốn nướng cá thì ngày mai mẹ mua về cho con, được không?

-Không đâu. Con muốn bây giờ, con muốn bắt cá.

Tôi đã cố gắng giải thích để con gái hiểu nhưng tính Tuệ Nghi ương bướng trước giờ, muốn gì là nhất quyết phải làm cho bằng được, không khác gì tính bố con bé cả. Thế nên khi nghe tôi nói vậy thì lập tức xị mặt xuống, không thèm nhìn đến tôi mà quay ngoắt mặt đi:

-Cô không muốn chơi với cô nữa, cô tránh xa con ra.

Lần nào cũng vậy, mỗi lần tôi không chiều theo ý Tuệ Nghi là y như rằng con bé lại tránh né tôi, không muốn tiếp xúc với tôi, đến cả cách xưng hô cũng thay đổi. Tôi dù có muốn kéo gần khoảng cách với con gái thế nào thì cũng không thể chiều hư con được, như vậy đến khi lớn hơn sẽ càng khó rèn nắn, dạy bảo.

Người làm vườn trông thấy hai mẹ con tôi đứng ngoài trời thì tiến tới hỏi:

-Cô chủ, sao đang nắng mà hai mẹ con ra ngoài đây vậy ạ?

-Con bé đòi bắt cá.

-Bắt cá đấy ạ?

Tôi phiền não gật đầu, còn Tuệ Nghi thì nói với người làm bằng giọng điệu ra lệnh:

-Cháu muốn nướng cá, muốn có lửa. Cô mau gọi người đến đây đi.

-Hả? Nướng cá?

-Đúng ạ.

-Cô chủ nhỏ à, cá này không bắt được đâu, chết một con là cậu chủ sẽ phạt đó.

-Bố không phạt, bố thương Tuệ Nghi nhất. Cháu muốn gì bố cũng cho hết.

-Nhưng… cá này đắt này, không bắt được đâu. Nếu cháu muốn có cá thì chiều cô đi mua cá khác cho cháu.

Tuệ Nghi nhìn người làm chằm chằm, không nói không rằng mà vung chân hất thẳng dép về phía trước một đoạn. Tôi không vui bởi thái độ vô lễ với người lớn của con, liền nghiêm mặt tính dạy bảo con bé, nhưng còn chưa nói được lời nào Tuệ Nghi đã nhảy thẳng vào hồ.

Mực nước bên thành hồ không quá cao nhưng cũng đến ngực con bé, làm cho quần áo con ướt nhẹp. Tôi vội xốc con lên quát nhỏ:

-Tuệ Nghi, con nghịch vừa thôi. Mẹ đã nói cá này không nướng được.

-Bỏ ra… Con muốn bắt… bỏ con ra…

-Ra ngoài ngay cho mẹ.

-Không… không… hix…

-…

-Con sẽ mách bố là cô bắt nạt con… huhu…

Hễ chút không vừa ý chuyện gì là Tuệ Nghi lại rưng rức nước mắt rồi lấy Duy ra dọa mọi người. Nhưng người làm sợ con bé mách Duy chứ tôi thì không, Tuệ Nghi là con tôi, tôi không thể chiều hư theo ý con mãi được. Còn bé mà không dạy dỗ nghiêm khắc, sợ rằng với cái tính ương bướng hiện giờ, cộng với việc được bố nuông chiều, sinh ra đã ngậm thìa vàng thì chắc hẳn lớn lên sẽ có tính cách của một cô tiểu thư kiêu kì, không xem ai ra gì mất thôi.

Tuệ Nghi ra sức vùng vẫy, trườn người xuống muốn thoát khỏi vòng tay tôi. Càng lúc càng ngoác mồm ra gào khóc lớn:

-Con không muốn chơi với cô, con ghét cô. Con muốn cô Thục Anh, cô Thục Anh ơi… Huhu…

Nghe con bé gọi tên người khác, lòng tôi bỗng nhói lên một cảm giác tê ngứa khó chịu. Có người làm mẹ nào mà không buồn khi con mình đứt ruột đẻ ra nói ghét mình, muốn người phụ nữ khác đâu cơ chứ. Đã gần một tháng rồi, Tuệ Nghi chẳng có chút nào là thích thú đối với tôi, phải chẳng là vì hình bóng của Thục Anh trong tâm trí con bé qua lớn, hay là một nguyên do nào khác mà tôi không hề hay biết?

Mọi người nghe tiếng Tuệ Nghi khóc lóc ầm ĩ thì cũng vội chạy đến xem. Diễm thấy quần áo con bé ướt hết, tưởng Tuệ Nghi ngã xuống hồ thì sốt sắng hỏi người làm vườn:

-Tuệ Nghi sao thế? Ngã hồ như?

-Không phải. Đòi bắt cá để nướng. Tôi và cô chủ khuyên rồi mà không chịu nghe, còn đá dép lung tung rồi nhảy vào trong đó kìa.

-Ôi trời. Bà tướng con này nghịch quá cơ.

Diễm đến bên tôi, nói với Tuệ Nghi:

-Tuệ Nghi muốn nướng cả hả? Hay cháu đợi đến chiều cô đi mua cá về cho cháu nướng nhé?

-Không. Cháu muốn cá trong hồ, không thích cá khác.

Con bé cứ ra sức oằn mình, mọi người nói thế nào cũng không chịu nghe, nhất quyết muốn bắt cho bằng được cá Koi. Diễm bảo tôi:

-Chị Trúc, hay chị cứ kệ Tuệ Nghi đi, một khi con bé đã muốn thì dù có là ai, kể cả là cậu chủ cũng không cản được cơ. Bắt một con nhỏ thôi chắc không sao đâu ạ, cậu chủ thương con bé như thế sẽ không mắng gì đâu.

-Không.

-Chị có đe thế đe nữa, muốn nói cho Tuệ Nghi hiểu thì con bé cũng không lọt vào tai đâu. Cứ để con bé phạm lỗi về cho cậu chủ phạt thì mới nhớ được, chứ kiểu này có mà khóc đến lúc cậu ấy về. Quần áo thì ướt hết cả rồi, đứng dưới trời nắng như này sẽ nhanh ốm đấy.

Nói con không chịu nghe, lại được mấy người làm bênh Tuệ Nghi, thi nhau nói giúp con bé thành ra tôi không cản nổi, cuối cùng một trong số họ đã bắt một con cá Koi mini. Trong lúc mọi người vào nhà kho lấy mấy thành gỗ ra nhóm lửa cho con bé thì tôi đưa con đi thay đồ. Xuống đến nơi, mọi thứ đã bày sẵn trước mắt, Tuệ Nghi thích thú cầm que xiên cá ngồi trên ghế nướng. Chốc chốc lại hỏi:

-Sao lâu vậy mẹ ơi? Con thấy trên ti vi có một tí là xong à? Đến bao giờ mới được ạ?

Được như ý nên cách xưng hô cũng khác hẳn. Tôi bất lực thở dài, cầm quạt tay làm mát cho con, tôi bảo:

-Trên tivi người ta cắt ghép clip nên nhanh hơn mình làm. Con đợi lát nữa nhé, sắp được rồi.

-Vâng ạ.

Một lúc sau có được thành quả, Tuệ Nghi giơ đến trước tôi, cười tươi nói:

-Được rồi ạ, đen thùi lùi.

-Ừ. Hai mẹ con mình vào nhà đi, ngoài này nóng lắm.

-Con không thấy nóng, chỗ nay mát mà. Con muốn cho mèo ăn.

Mấy hôm trước Tuệ Nghi đi học, nghe bạn kể nhà có mèo thế là về nhà cũng nằng nặc đòi Duy mua cho bằng được rồi đem cho giúp việc chăm. Hôm nay thì hay rồi, con mèo chắc chắn là rất thảm với con tôi.

Giúp việc bế mèo đến cho con bé, Tuệ Nghi giơ xiên cá ra:

-Miu, ăn cá đi.

-…

-Ơ, sao không ăn? Ăn đi này.

Mèo cảnh có thức ăn riêng của nó, làm gì có chuyện nó ăn con cá cảnh bị nướng đến đen như tro thế kia. Mèo không chịu ăn, Tuệ Nghi liền ôm ghì nó trong lòng, túm hai tai nó vật ngửa đầu ra sau rồi để que xiên cá sát vào miệng nó.

Đang trật vật với con mèo thì tiếng xe ô tô của Duy chạy vào gara, thấy bóng dáng bố từ xa, Tuệ Nghi đứng dậy vẫy tay gọi bố:

-A… bố về…

-…

-Bố ơi, con ở đây này. Bố ơi…

Duy sải bước đến bên con bé, tuy đã đứng chỗ râm mát nhưng sắc mặt Tuệ Nghi vẫn ửng hồng. Duy hơi nhíu mày, tầm mắt nãy giờ chỉ nhìn đến gương mặt con mà không để ý tay con bé đang cầm gì thì phải. Anh ngồi xổm xuống, đưa tay vén mấy sợi tóc trên mặt Tuệ Nghi, anh hỏi:

-Con đang làm gì thế? Nhà mát không ở, ra ngoài này làm gì?

-Con nướng cá ạ.

-Nướng cá?

-Vâng. Đây này bố, cá con nướng xong rồi đó ạ.

-Nướng xong thì cho mèo ăn đấy à?

-Vâng. Thơm lắm đó, bố có ngửi thấy mùi thơm không?

Nướng đến khét lẹt còn không có chút mùi vị nào của cá nướng, cho mèo nó cũng không muốn ăn đấy chứ. Thế mà Duy vẫn gật đầu cười cười nói:

-Ừ, thơm lắm. Con gái bố khéo tay thật.

-Hì hì…

-Thế ai mua cá, ai xiên cá vào que cho con?

Tuệ Nghi chớp chớp đôi mắt tròn xoe, hồn nhiên khoe thành tích:

-Con bắt cá trong hồ của bố đó, người làm xiên giúp con ạ.