Chương 16

ĐOẠN 16

Hóa ra, bên cạnh Duy sớm đã có đối tượng mới, chẳng trách bác gái không muốn tôi quay về. Người con gái tên Thục Anh kia hẳn là rất được lòng bác gái, không những vậy cô ấy còn có được tình cảm của con gái tôi. Còn với Duy thì sao, anh có thích cô ấy và lấy cô ấy làm vợ như bác gái mong muốn không?

Chẳng cần đợi lâu, tôi đã nghe tiếng Duy trả lời:

-Chuyện giữa con và Thục Anh, mẹ đừng kỳ vọng làm gì. Con có Tuệ Nghi rồi, Thục Anh thì còn là con gái, con không muốn cô ấy thiệt thòi lấy người từng có một đời vợ như con. Tạm thời con cũng chưa nghĩ đến chuyện kết hôn lại.

-Không nghĩ giờ thì còn đợi đến khi nào nữa? Năm nay đã 31 tuổi rồi, con dù có thương yêu Tuệ Nghi đến đâu, bên cạnh có bao nhiêu người giúp con chăm sóc thì cũng không bằng việc có một người phụ nữ ở bên cùng con nuôi dưỡng, cho con bé một gia đình. Mà mẹ thấy Thục Anh là đứa thích hợp nhất, sẽ không có chuyện dì ghẻ con chồng.

-Mẹ nghĩ… người không sinh ra con bé có tốt bằng mẹ ruột nó không? Nếu buộc phải có người cùng con chăm sóc Tuệ Nghĩ thì Trúc mới là người phù hợp nhất.

-Vòng vo một hồi cuối cùng vẫn là vì nó. Con lừa mình dối người đến khi nào nữa Duy, yêu nó đến lú lẫn đầu óc vậy cơ à?

-Con chẳng yêu ai nữa, mọi việc con làm đều vì Tuệ Nghi.

-Con…

Bác gái đang muốn nói gì đó thì chợt Thiên Di lên tiếng nói đỡ cho anh trai:

-Mẹ à. Dù gì chị Trúc cũng là mẹ của Tuệ Nghi, có chị ấy ở bên con bé mới là tốt nhất. Nếu cứ phải sống xa con gái mãi, chị Trúc sẽ buồn lắm đó mẹ.

-Nhưng bố nó…

-Mẹ… Ai làm người đó chịu, ông ta cũng đã phải trả giá rồi, chuyện năm xưa mình đừng nhắc lại và áp đặt lên người chị Trúc nữa được không? Tội chị ấy lắm mẹ ạ.

-Tội nó? Vậy những gì con phải chịu, anh con phải chịu thì ai tội cho?

-Chẳng phải con và anh Duy đều sống rất tốt đấy thôi. Chuyện của hai anh chị, bố mẹ cứ kệ đi ạ, anh Duy biết mình nên làm gì mà.

-Nếu anh con biết mình nên làm gì thì đã chẳng dẫn nó về đây, rồi từ chối lòng tốt của Thục Anh. Con cũng thấy đấy, Thục Anh đối với Tuệ Nghi rất tốt.

-Tốt hay không chúng ta nhìn bên ngoài không thể đánh giá hết được. Giả sự anh Duy cưới Thục Anh, sau nay hai người có con với nhau, chắc gì Thục Anh đã còn quan tâm đến con bé như bây giờ. Chưa kể, nếu mọi tình cảm tốt đẹp mà cô ấy đối với Tuệ Nghi chỉ là để lấy lòng anh Duy thì sao ạ? Con thấy anh Duy nói vẫn là đúng nhất, không có ai tốt với con gái bằng chính mẹ ruột cả.

Vì mải quay lưng lại nghe cuộc nói chuyện của ba mẹ con nhà Duy mà tôi không hề hay biết Duy đã ra ngoài và đang đứng lặng thinh ở sau tôi từ lúc nào. Cho đến khi tiếng đóng cửa vang lên bên tai tôi mới giật mình luống cuống quan sát xung quanh. Thấy Duy hơi cau mày nhìn mình, tôi lúng túng cụp vội mi mắt để tránh đi ánh mắt của anh, lắp ba lắp bắp nói:

-Anh… à… tôi… tôi đi qua đây thôi, không cố ý nghe lén mọi người nói chuyện đâu.

Tôi đúng là ngốc mà, người ta chưa hỏi mà đã khai mất rồi. Biết Duy sẽ không tin lời mình, tôi cũng không có mặt mũi nào đứng đây giải thích với anh, vội vội vàng vàng xoay người muốn bỏ về phòng. Nhưng còn chưa đi được bước nào đã bị Duy bắt lấy cổ tay, lôi tôi xồng xộc đến phòng.

Khi cánh cửa phòng vừa đóng lại, Duy hỏi tôi:

-Cô sợ mẹ tôi ghét cô chưa đủ nên đứng đó để bà ấy hay là bất kì ai trong cái nhà này bắt gặp hả?

-Không… không phải… tôi không cố ý thật mà. Tại… tại nghe mọi người nhắc đến tôi, nên… nên tôi mới dừng chân lại ít phút thôi.

-Ít phút của cô cũng đủ nghe được đầu đuôi câu chuyện rồi đấy nhỉ?

-Tôi…

Chẳng biết tôi đã nghe được hết toàn bộ chưa nhưng cũng xem như khá nhiều, với lại nghe lén cũng là tôi sai nên tôi không muốn bào chữa cho mình nữa mà chỉ cúi gằm mặt xuống, không nói tiếng nào.

Ngữ điệu Duy lạnh như băng, cảnh cáo tôi:

-Bỏ ngay cái thói lấp ló nghe trộm đi. Nếu hôm nay người bắt gặp cô là mẹ tôi, thì cô cứ liệu mà cuốn gói khỏi nơi này. Tôi không rảnh rỗi đi giải quyết mâu thuẫn giữa cô và mẹ tôi đâu.

-Tôi biết rồi. Sẽ không có lần sau.

Nói đến đây, tự nhiên chẳng ai nói với ai lời nào nữa cả. Anh đứng nhìn tôi một hồi lâu rồi mới nói:

-Tôi đã dặn cô tiết chế cảm xúc mình lại, sao vừa rồi cô ôm Tuệ Nghi chặt thế làm gì, còn khóc với chả lóc trước mặt con.

-Tại… tôi nhớ con bé quá.

-…

-Còn anh thì sao? Vì sao không nói thẳng với con rằng tôi là mẹ con bé?

-Nên làm gì tự tôi đã có tính toán, không đến lượt cô quyết định.

Tính toán của anh chính là để tôi cảm nhận được đau đớn khi con ở trước mặt nhưng không nhận tôi là mẹ đấy hả? Anh không là tôi, sao hiểu được cảm giác của tôi lúc đó là thế nào? Nếu ngày trước Duy không đưa Tuệ Nghi sang Mỹ, anh vẫn cho tôi có cơ hội gặp con thì ngày hôm nay con bé sẽ vẫn còn nhớ tôi là mẹ, sẽ không xa lánh tôi như ban sáng.

Nhớ vừa rồi bác gái khuyên Duy lấy vợ, chẳng biết vì anh không yêu Thục Anh hay sợ thiệt thòi cho cô ấy như lời anh đã nói, nhưng cứ nghĩ đến việc anh nói chuyện cộc cằn với tôi, còn dịu dàng, suy nghĩ cho người con gái khác thì không khỏi khiến tôi buồn bực. Cộng thêm việc của Tuệ Nghi, ngữ điệu tôi không vui nói lại:

- Đúng rồi. Anh làm gì cũng đều có tính toán cả, lòng dạ thâm sâu như biển tôi không tài nào hiểu nổi anh. Nhưng làm ơn anh hãy nhớ kĩ cho, Tuệ Nghi là do tôi sinh ra, con bé là con gái tôi, người nó nên gọi là mẹ cũng chỉ có thể là tôi. Anh chia rẽ mẹ con tôi 2 năm, bây giờ còn không cho tôi nhận nó, vậy thì tôi về đây có lý nghĩa gì. Về để chứng kiến anh lấy vợ mới, hạnh phúc với người ta, nhìn con tôi gọi người ta là “mẹ à”?

- Liên quan. Tôi có lấy vợ mới hay không cũng không đến lượt cô lên tiếng.

Đúng rồi. Chuyện của Duy đã chẳng còn liên quan gì đến tôi, tôi không có quyền xen vào cuộc sống riêng tư của anh. Nhưng nếu một ngày anh lấy vợ, tôi và con sẽ ra sao đây, tôi sẽ không được sống cạnh con, không thể cùng anh chung một mái nhà.

Cái cảm giác chia lìa một lần nữa chắc chắn sẽ đau hơn lần trước nhiều…

- Anh muốn lấy vợ thì giao Tuệ Nghi cho tôi nuôi dưỡng, con bé ở bên cạnh tôi sẽ tốt hơn là sống cùng mẹ kế.

- Cô trở mặt cũng nhanh thật đó Trúc. Mới hôm trước vì để được về gặp con, cô hứa hẹn đủ điều, vậy mà giờ lại tính thất hứa à?

- Tôi là nghĩ cho con…

- Khỏi. Tốt nhất cô ngoan ngoãn phục vụ tôi cho tốt, bớt lý do lý chấu, nhiều chuyện tôi nhờ. Không thì đừng trách tôi tống cô về miền Nam.

Cứ thế tôi đành đuối lý trước Duy, còn bị anh kéo lên giường hành cho một trận với lý do nhắc cho tôi nhớ mình nên làm gì và không nên làm gì. Nhà có người lớn, lại ban ngày ban mặt nhưng Duy chằng hề có chút ý tứ gì cả, làm tôi mệt mà ngủ thϊếp đi mất đến giữa chiều mới tỉnh giấc bởi tiếng gõ cửa bên ngoài.

Mở mắt ra không thấy Duy đâu, thay vào đó là giọng nói của Di vọng vào:

-Chị Trúc, em vào được không ạ?

Tôi vội vàng bật dậy, mặc quần áo xong mới chạy đến mở cửa cho Di. Em ấy nhìn tôi khẽ mỉm cười:

- Em có làm chị thức giấc không?

- Không đâu, chị ngủ đủ rồi.

- Vâng.

Tôi và Di đến đến bộ bàn ghế bên cạnh ban công của phòng, em ấy nói:

-Lâu rồi mới có dịp nói chuyện với chị. Thời gian qua cuộc sống của chị ổn chứ ạ?

-Ừ. Cũng bình thường.

Hơn hai năm không gặp, Thiên Di ngày càng ra dáng là cô tiểu thư của gia đình tài phiệt, không còn dáng vẻ non nớt như trước mà thay vào đó là thần thái kiêu sa, ẩn giấu vẻ đẹp trong trẻo, ngọt ngào và phảng phất đôi nét trẻ trung của gái đôi mươi.

Cứ ngỡ sau những chuyện đã xảy ra, em ấy dù có không ghét tôi thì cũng sẽ giữ khoảng cách nhất định, nhưng giờ phút này Di lại rất thoải mái nắm lấy bàn tay tôi, trên môi luôn nở một nụ cười rất nhẹ:

- Chị đừng để bụng những gì sáng nay mẹ nói nhé, bà vẫn giận chị nên mới thế thôi. Một thời gian nữa sẽ không giận nữa đâu.

- Ừ, chị không sao.

- Về phía Tuệ Nghi, tạm thời con bé chưa nhận ra chị, chị cũng đừng buồn quá nhé, sớm muộn gì con bé cũng quấn chị như quấn anh Duy à. Con bé dễ mến người lắm, như với em và mọi người, lúc đầu con bé cũng không đến gần ai đâu, nhưng 1, 2 tuần là quen rồi.

- Ừ.

- Không biết anh Duy đã nói gì với chị chưa nhỉ? Chuyện liên quan đến Tuệ Nghi đó.

Tôi thắc mắc hỏi Di:

- Nói gì cơ?

- Về bệnh tình của con bé, nếu anh Duy chưa nói thì để em nói luôn vậy, vì sớm muộn gì chị cũng phải biết.

Nghe đến đây, ruột gan tôi bỗng chốc nóng bừng bừng. Rõ ràng tôi thấy con bé rất khỏe mạnh, sắc mặt hồng hào không hề có dấu hiệu của người bị bệnh. Tôi sốt sắng hỏi Di:

- Tuệ Nghi bị bệnh gì? Con bé bị làm sao? Em mau nói cho chị biết đi.

- Cũng không quá nghiêm trọng, chị đưngg lo lắng quá vì con bé đã khỏi bệnh được một năm rồi.

- Rốt cuộc là Tuệ Nghi bị bệnh gì?

- Con bé từng bị trầm cảm. Hai năm trước khi anh chị ly hôn, con bé không thấy mẹ nên khóc đòi chị mãi, thậm chí còn bỏ bữa không chịu ăn, không chịu chơi. Anh Duy cứ nghĩ đưa con bé sang Mỹ thay đổi môi trường sống, thì con bé sẽ sớm quên đi chị. Nhưng vì không có mẹ, con bé dần khép mình và sinh ra căn bệnh trầm cảm. Anh Duy đã tìm rất nhiều bác sĩ tâm lý đến nhưng con bé đều né tránh, cho đến khi gặp một bác sĩ trẻ tuổi, có lẽ vì gần với tuổi của chị, lại biết cách dỗ Tuệ Nghi nên con bé dần mở lòng hơn, không còn khép mình nữa. Bác sĩ ấy tên là Thục Anh, cô ấy mất nửa năm mới giúp Tuệ Nghi mở lòng, thêm nửa năm nữa giúp con bé trở lại bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng bác sĩ tâm lý cũng chỉ trị được phần ngọn không thể trị được tận gốc. Hình ảnh của chị tuy đã mờ nhạt trong tâm trí Tuệ Nghi nhưng ẩn sâu trong ký ức em tin là không có người nào thay thế được chị. Em nghe anh Duy kể, thỉnh thoảng Tuệ Nghi ngủ mơ vẫn thường giật mình theo bản năng gọi một tiếng “mẹ” nhưng sáng hôm sau thì con bé không nhớ được gì cả. Em nghĩ, chỉ có chị mới có thể chưa khỏi tâm bệnh cho con bé.

Hóa ra, hậu quả của ly hôn không chỉ là tôi mất đi người tôi yêu, phải xa Tuệ Nghi mà con để lại trong con một nối ám ảnh, một căn bệnh tâm lý ở cái tuổi còn quá nhỏ như thế. Nhưng tại sao Duy lại có thể nhẫn tâm đến mức định sẽ không cần phải nhờ đến bác sĩ tâm lý. Rốt cuộc thì lúc đó Duy đang nghĩ gì? Lòng tự trọng và sự kiêu ngạo của anh cao ngất ngưởng đến độ nhìn con như vậy mà không thương xót hay sao?

- Tại sao không ai nói gì với chị, nếu mọi người khuyên Duy một câu, để chị và Tuệ Nghi gặp nhau thì đã không xảy ra chuyện này. Có ghét chị thế nào thì cũng phải nghĩ cho con bé chứ. Tại sao mọi người cũng hùa theo Duy như vậy?

- Tuệ Nghi bị bệnh nhà em không ai biết cả, mãi đến khi quay về nước, con bé thường hay giật mình khóc, mẹ em gặng hỏi anh ấy mới kể lại. Về việc vì sao năm xưa anh Duy không đến tìm chị có lẽ vì không muốn Tuệ Nghi phụ thuộc vào chị nhiều rồi không dứt ra được, và có lẽ vì nghĩ chị không yêu anh ấy, hai bố con anh ấy rời xa chị thì chị mới có thể bắt đầu lại một cuộc sống hoàn toàn mới.

- Duy quá ích kỷ, lúc nào anh ấy cũng áp đặt suy nghĩ của mình nên người khác.

- Em hiểu, anh ấy làm như vâyh là không đúng. Nhưng dù sao chuyện cũng đã lỡ, giờ chị đã về, những chuyện trước kia gạt bỏ hết sang một bên đi chị. Cùng anh Duy chăm sóc Tuệ Nghi thật tốt, giúp con bé chưa lành được tâm bệnh.

Chưa khỏi bệnh cho Tuệ Nghi rồi thì sao, Duy có để cho tôi ở bên cạnh con đến khi con bé trưởng thành không? Một lần là quá đủ với mẹ con tôi rồi, nếu chia cắt chúng tôi thêm lần nữa, tôi không chắc mình đủ dũng khí đế rời đi, hay là một ngày nào đó phải chứng kiến anh kết hôn với người khác cũng là điều khó khăn trong tôi.

Tôi cùng Di nói với nhau về chuyện của Tuệ Nghi, nói qua về bác sĩ Thục Anh nhưng tuyệt nhiên sẽ không nhắc đến tình cảm giữa tôi và Duy. Con bé không hỏi tôi còn yêu anh không hay đại loại nói Duy có còn tình cảm với tôi không? Di chỉ một lòng khuyên tôi nên ở lại bên cạnh Duy cùng anh chăm sóc Tuệ Nghi, phía trước có cùng nhau chung một đoạn đường nữa không hãy cứ để số phận sắp đặt.

Có hôm tôi bắt gặp Di và Tuệ Nghi nói chuyện dưới vườn hoa, từ ban công nhìn xuống, tôi nghe rõ mồn một từng câu nói giữa hai người, con bé ngây thơ hỏi cô:

-Cô ơi, mẹ là sao ạ? Tại sao con không được gọi mẹ Trúc là cô.

-Vì mẹ Trúc là người sinh là con, giống như bà nội sinh ra bố và cô, cô sinh ra em An và em Ken. Bố và mẹ phải sống bên cạnh nhau, cùng với các con nữa là thành một gia đình trọn vẹn.

-Nhưng con thích cô Thục Anh sống cùng bố con con cơ. Cô Thục Anh thương con lắm.

-Cô Thục Anh chỉ là bác sĩ của con, sau này cô ấy cũng phải lấy chồng, sinh em bé, không thể ở bên hai bố con con được. Cô ấy có thương con đến mấy cũng không bằng mẹ Trúc, cô Thục Anh còn phải thương con của cô ấy nữa.

-Không phải đâu ạ, cô Thục Anh hứa là sẽ ở bên bố và con cả đời, yêu hai bố con mãi mãi luôn.

Thục Anh là bác sĩ tâm lý của Tuệ Nghi, cô ấy hẳn là rất biết cách lấy lòng trẻ con và đọc hiểu được tâm lý của đối phương. Một người thấu hiểu lòng người thì rất dễ có được cảm tình của người khác. Tôi chưa gặp Thục Anh nhưng bản thân rất biết ơn Thục Anh vì đã giúp Tuệ Nghi chữa khỏi căn bệnh trầm cảm, nhưng tận sâu trong đáy lòng tôi vẫn len lỏi có một thứ cảm giác khó chịu, hình như là không bằng lòng khi cô ấy vẫn còn ở gần Tuệ Nghi. Tôi biết như thế là ích kỷ, nhưng tôi không muốn san sẻ tình cảm của con cho ai cả, chỉ muốn con là của mình mà thôi.

Di vỗ nhẹ lên vai con tôi, giọng ấm áp khuyên con:

-Nghe lời cô, từ giờ phải gọi là mẹ Trúc là mẹ, không được gọi là cô, nhớ không? Con gọi sai mẹ sẽ rất buồn đó.

Tuệ Nghi ngẫm nghĩ mấy giây, sau cùng miễn cường gật đầu.

Nhưng sau hôm đó, chỉ khi ở trước mặt mọi người, đặc biệt là Duy và Thiên Di thì con bé mời gọi tôi là mẹ. Vì nếu gọi sai bố và cô sẽ dùng ánh mắt nhắc nhở nên con gái đành phải ngoan ngoãn nghe theo.

Tôi rất buồn vì tiếng “mẹ” phát ra từ miệng Tuệ Nghi lại không phải là con bé cam tâm tình nguyện, nhưng tôi tin chỉ cần thời gian mình ở bên con lâu, dành tình yêu và sự quan tâm nhiều hơn so với Thục Anh thì con bé sẽ sớm đón nhận tôi. Dẫu có thế nào thì tình mẫu tử vẫn là thiêng liêng nhất mà.

----