Chương 9

Chap 9

Đêm ấy là đêm dài nhất đời ông Thái, ông cứ vậy thức cả đêm mà vỗ về cho con gái ngủ, mắt không lúc nào rời khỏi con dao vẫn đang nằm trên bàn, ông chỉ trông cho trời chóng sáng…

Ông Thái không tin vào ma quỷ, nhưng ông cũng không báng bổ những tín ngưỡng tâm linh, ông có thể lý giải được giấc mơ có con dao cũng như việc không may bị bắt lửa trên bàn thờ, nhưng không thể nào trùng hợp tới mức hai cha con cùng mơ thấy một người cầm đồng hồ cát…

Rồi gà cũng gáy sáng, khắp người ông Thái mỏi nhừ cả đi vì ngồi cảm đêm không dám nằm sợ ngủ quên, đầu óc thì cứ u u mê mê như bị ma ám, sáng ra ông giục Sóc dậy, rồi bật vội xuống đất, mở tủ lấy một miếng vải thật sạch màu trắng, cứ cầm miếng vải trên tay mà đứng trước bàn thờ gia tiên khấn vái lia lịa, xong đoạn ông cẩn thận gói ghém con dao kia vào miếng vải trắng ấy.

Kẻ điên kia… hắn là chủ của con dao… phải đưa cái thứ của nợ này về với chủ nó ngay…

Cô Liễu có xe máy, ông Thái định bụng gọi cô tới đây lấy con dao cho nhanh nhưng lại ngại phiền nên quyết định sẽ đi tới phòng khám cô Liễu, nghĩ vậy rồi đi nấu ăn sáng, giục con Sóc ăn sớm để hai cha con còn đi nhanh cho khỏi nắng…

Ăn sáng xong con Sóc đi dọn rửa, còn một mình ông Thái lại chợt nghĩ lại…

Thôi có lẽ là đúng rồi… người điên kia không phải là nguyên nhân vấn đề, mà hắn là nạn nhân thì đúng hơn…

Con dao này đã bị ma ám rồi, chính vì thế nên kẻ kia sở hữu con dao mới bị hóa điên… chắc chắn là thế rồi…

Nhưng mà… người trong mộng lại nói rằng: “tìm tổ tao về đây… ”

Bóng ma trong mộng lại gọi kẻ điên kia là tổ… hay là nó ám chỉ tới một người khác…

Thôi mặc kệ, đau đầu quá, cứ trả con dao về cho đúng chủ của nó là xong, còn lại những việc khác không phải là chuyện của ta.



Bố con ông Thái đi xe đạp nên lâu, đến bệnh viện thì cũng hết nửa buổi sáng. Vừa tới nơi ông vội dẫn con Sóc đi thẳng vào phòng gặp bác sĩ Liễu, vừa hay lúc cô đang có trong phòng.

Liễu mặc chiếc váy dài màu tím, tóc tai chải chuốt gọn gàng, kẹp một chiếc kẹp nhỏ xinh, má hơi ửng hồng trông như vừa đánh phấn, môi cũng thắm hơn mọi khi, hình như bác sĩ đang định đi ra ngoài…

Thấy ông Thái và Sóc thì Liễu ngạc nhiên lắm, cô hỏi:

– Chú Thái tới chơi hay tìm cháu có việc gì mà không thấy gọi báo trước thế?

Ông Thái lưỡng lự nhìn cô nói:

– Cô Liễu đang định đi đâu à? Tôi có chuyện này muốn hỏi ý cô coi sao…

Liễu nhìn vẻ mặt ông Thái hốc hác, hốc mắt thâm quầng, tròng mắt thì đỏ lựng những tia máu, nước da nhợt nhạt, chừng như ông đã có một đêm kinh hoàng mất ngủ… cô thấy thế thì cũng đoán được có chuyện gì đó nghiêm trọng lắm, Liễu vội nói:

– Cháu cũng không gấp đâu, cháu chuẩn bị đi ăn trưa với bạn thôi, chú với em ngồi đi để cháu pha trà.

Nhưng ông Thái đã vội nắm lấy tay Liễu kéo xuống ghế tựa dài mà nói:

– Không cần chè cháo gì đâu cô, tôi muốn hỏi cô là anh bệnh nhân đó thế nào rồi? anh ta khỏe lại chưa? Hôm bữa cô nói với tôi chuyện gửi anh ta đi ấy, chuyện đó thế nào rồi?

Liễu thấy thái độ ông vậy thì ngạc nhiên lắm, rõ ràng hôm bữa ông Thái còn rất sợ dính dáng gì tới anh ta, nghe nói hết trách nhiệm là ông về nhà thẳng, vậy mà nay sao bỗng nhiên ông quan tâm ghê vậy?

Vậy là Liễu rút điện thoại ra gọi cho anh Hải, bảo anh chờ cô thêm một lát, xong xuôi cô mới quay sang nói chuyện với ông Thái.

Liễu nói:

– Dạ cháu cũng đang định xong việc thì gọi điện báo chú ạ, có nhà thương nhận anh ấy rồi, chắc mai thứ hai họ mới tới nhận được, chú không phải lo gì đâu ạ.

Ông Thái vội nói:

– Vâng nếu được thế thì tốt quá, tôi đến đây hôm nay là để đưa cho cô cái này, tôi nhờ cô chuyển cho anh ta giúp tôi cô nhé.

Nói rồi ông Thái vội lôi chiếc túi xách mang theo ra, cẩn thận dùng cả hai tay lấy từ trong túi ra một gói vải màu trắng, ông ân cần nắm lấy tay cô Liễu mà trao nó cho cô rồi nói:

– Đây là đồ vật của người điên ấy, tôi còn chưa nói với cô, anh ta đã để lại lúc mà tôi đưa tới đay cấp cứu, tôi cũng quên béng đi mất, đêm qua mới chợt nhớ ra nên hôm nay đem đến đây trả, cô gửi cho anh ấy giùm tôi với nhé.

Liễu mở gói vải trắng thì thấy con dao rất sáng, rất đẹp có khắc chữ “Vu”, cô mới kêu lên một tiếng.

Chắc có lẽ nó là con dao mà anh ta đã hỏi cô tìm mấy lần…

Liễu cười rồi nói:

– Cháu biết rồi, chỉ là con dao thôi mà, chú gọi điện cho cháu khi nào cháu ghé qua lấy là được, cháu đi xe máy tới chỗ chú 30 phút chứ mấy, chú làm gì mà đạp xe nắng nôi cả mấy tiếng đồng hồ tới đây cho khổ vậy.

Ông Thái nắm tay cô nói:

– Thế thì tôi cảm ơn cô Liễu nhé, thôi bố con tôi về luôn chứ ở đây lâu còn nhà cửa nữa.

Liễu định giữ hai cha con lại nhưng nhớ tới có anh Hải vẫn đang đứng chờ, nên cô miễn cưỡng gật đầu rồi đứng dậy tiễn khách.

Bất chợt Sóc nắm lấy tay ông Thái níu lại không cho đi, rồi nó nhìn Liễu đăm đăm…

Liễu và ông Thái cùng ngạc nhiên lắm, rồi Sóc lôi cuốn sổ tay bé tý trong ngực áo ra, lấy bút chì viết lên đó vài chữ rồi đưa ông Thái xem. Trong mảnh giấy mà Sóc đưa ghi nghuệch ngoạc: “Bố ơi ta nhận nuôi anh ấy được không? Bố không để ý sao, khi ở cạnh anh ấy thì con nói được… ”

Ông Thái sửng sốt hết nhìn Sóc rồi lại nhìn Liễu, ông chìa cho Liễu xem mảnh giấy…

Đúng là thế thật… lâu nay ông vẫn cho là mỗi khi quá sợ hãi thì Sóc sẽ bật nói được một lát mà ông đã quên đi mất một điều…

Đã bốn năm trôi qua nó không hề nói, cho tới khi lần đầu gặp gã điên kia, rồi tới lần thứ hai gặp hắn, con bé đều đã nói…

Có sự liên hệ nào chăng? Tại sao mỗi lần gặp kẻ ấy, con bé đều nôn ra con nhớt? Còn tối hôm qua, con bé đã nói khi mơ thấy bóng ma cầm dao gϊếŧ chết con nhớt… thì lập tức nó cũng nói lại được?

Ông Thái nhìn sang Liễu nghi ngại, ông cũng bắt gặp ánh mắt Liễu đang nhìn mình băn khoăn…

Họ cùng nhìn Sóc, chợt thấy lạ lắm…

Ánh mắt con bé ánh lên… một tia hy vọng… rồi nó lại viết vào giấy một dòng chữ và giờ lên cho hai người xem:

– Nếu vào nhà thương điên thì anh ấy sẽ bị nặng hơn thôi. Anh ấy đáng thương lắm, con muốn chăm sóc cho anh ấy, bố đừng sợ anh ấy nữa, như thế tội lắm…

Đọc xong mảnh giấy, mắt ông Thái bỗng nhòe đi, Liễu cũng cúi mặt không nói gì…

Trẻ con như tờ giấy trắng, vô tư vô lo, nó nào có biết chăm sóc một người bệnh hoạn không thể lao động sẽ khổ sở thế nào? Mà trong khi gia đình ông nào có khả giả gì, gánh hàng rong của ông nuôi hai cha con cũng đã quá chật vật, chưa kể tới sự nguy hiểm kẻ kia có thể gây ra cho Sóc bất kì khi nào…

Thấy ông Thái phân vân, Sóc lại viết thêm một dòng chữ nữa cho ông:

– Anh ấy đã bảo vệ con chứ không hại con đâu, con khẳng định như thế đó. bố luôn dạy con sống trên đời phải có nhân nghĩa mà, bố đành lòng sao?

Ông Thái cúi mặt không đáp…

Rồi ông xoa đầu con bé, nhoẻn cười với nó…

Đức nhân đức nghĩa thực sự là người lớn bây giờ có mấy ai còn được như đứa trẻ thơ? Thực ra khi sinh ra, con người ta đều có tâm thiện, nhưng rồi thời gian trôi qua, xã hội khắc nghiệt, miếng cơm manh áo làm người ta phải mưu tính bon chen, sống trên đời này không ăn người thì người ăn, thương người thì chịu thiệt về mình, thế rồi người ta dần dần thay đổi, những chuyện giúp người bị người hại lại nào có ít gì? Nên dần dà cũng đâu còn mấy ai sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác bất chấp phải chịu thiệt thòi về bản thân?

Ông ngồi xuống ôm Sóc vào lòng…

Con gái của bố, bố tự hào vì con nhiều lắm…

Dù có khổ sở thêm trăm ngàn lần, thêm một miệng ăn thì cùng lắm là tấm lưng này còng thêm một chút, nhưng cũng sẽ là gương sáng cho con đến muôn đời… như thế thì bố nào có ngại vất vả gì…

Bố chỉ sợ rằng… sợ rằng con gặp nguy hiểm gì, thì mình bố sống trên đời còn ý nghĩa gì nữa…



Đã một tháng trôi qua.

Kể từ khi giao lại con dao cho người điên thì ông Thái không gặp thêm cơn ác mộng nào nữa… cuộc sống của ông Thái và con gái lẽ ra là đã hoàn toàn trở lại như bình thường nếu như con Sóc không nằng nặc đòi ông phải đưa người ấy về nhà chăm sóc…

Người điên đã khỏe lên rất nhiều, các vết lở loét, nhiễm trùng và những nơi xương gãy đều đã liền lại, tốc độ thần kì tới mức đáng kinh ngạc… bệnh tâm thần của anh cũng không phát tác thêm, anh chỉ luôn thâm trầm ít nói, cư xử cũng lịch sự chứ không có bất kì hành động quá khích nào, các chỉ số tâm thần và tâm lý của anh ta vẫn bình thường, hoàn toàn như một người bình thường, không có bất kì dấu hiệu nào của bệnh tật, nên Liễu cũng nghĩ có thể tạm thời an tâm, sau khi kiểm tra tổng quát lần cuối và hội chẩn cùng với các bác sĩ tâm thần của phòng khám, cô phê vào giấy xuất viện rằng anh ta có sức khỏe tâm thần ổn định, đủ điều kiện để ra viện.

Vậy là người điên ra viện sau hơn một tháng điều trị.

Trong lòng ông Thái nghi ngại hoang mang lắm, anh ta vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát tác bất kì hành động điên rồ nào giống như lần anh ta hành hung con Sóc trong bệnh viện, nên việc đưa một người điên như thế về nhà ở trong khi nhà có một em bé gái thực sự không phù hợp chút nào.

Nhưng kì lạ là con Sóc vẫn cứ nằng nặc đòi đưa anh ta về sống chung, dù cho ông có dùng lý lẽ nào để phân tích thì con bé cũng không chịu hiểu, ông Thái cũng đem việc này hỏi Liễu nhưng Liễu chỉ nói rằng:

– Cháu cũng không chắc nữa, theo các kết quả và như cháu thấy thì hiện giờ anh ấy đã bình thường, và anh ấy cũng rất đáng thương, nếu đưa anh ấy vào nhà thương điên thì có hơi…

Cô Liễu lại cũng đã nói anh ta cũng vẫn ổn, lại thêm Sóc ngày nào cũng kì kèo rỉ tai thuyết phục, mà ông lại cũng đã hứa với nó rồi, nên ông Thái phân vân đấu tranh ghê lắm, cuối cùng chẳng biết làm sao, cũng mủi lòng mà đưa anh ta về, nhưng vẫn cứ không yên tâm chút nào…

Mọi chi phí chữa trị của anh ta, cô Liễu nói ông Thái không cần phải lo gì vì bệnh viện có quỹ cho những trường hợp như thế, thế nhưng ông Thái vẫn áy náy không yên, ông cho rằng có nhiều khả năng Liễu chỉ nói thế rồi lại âm thầm bỏ tiền túi ra giúp ông, giống như bao lần khác cô khám bệnh cho ông hay Sóc, cô đều nói là có quỹ rồi không nhận tiền của ông, nhưng ông Thái biết, chẳng có cái quỹ nào như thế ngoài chính tiền của cô cả…

Thế nhưng do nhà không có tiền, mà chi phí hết gần hai mươi triệu đồng, một số tiền quá lớn mà ông có bán hết đồ dùng trong nhà cũng không tới nổi số tiền đó, cuối cùng ông đành tặc lưỡi để Liễu lo liệu, rồi dẫn người điên về nhà.

Hết tập

———————–