Chương 10

Chap 10

Từ khi có người điên về nhà, những ngày sau đó trong nhà ông Thái có sự biến động rất lớn đối với cuộc sống vốn dĩ bình yên của hai cha con.

Ông buộc phải nghe những lời xì xào từ hàng xóm láng giềng… họ không biết rõ sự tình nhưng chỉ nghe nôm na là ông Thái có nhận một người mắc bệnh tâm thần ngơ ngẩn về nhà nuôi, rồi miệng đồn miệng, chẳng mấy chốc mà cả làng và những làng xung quanh đều biết về việc đó. Rồi người thì đồn là con hoang của ông Thái, người thì nói ông Thái sĩ diện hão, mua dây buộc mình, người bảo ông chơi lớn lấy tiếng, người chửi ông ngu… chê bai thì nhiều nhưng một lời khen thì chẳng có.

Bước ra đường ai ai cũng hỏi dò ông đủ điều, có một số người trong làng thì tới nhà ông chơi thăm, ông thừa biết là để dò hỏi xem thực hư thế nào về việc ông đưa một người bị bệnh ngớ ngẩn về nhà chăm sóc. Những người bạn lân cận thân thiết thì tỏ ra rất ái ngại, mọi người đều trách ông dại dột, giờ miệng không đủ ăn lại còn đèo bòng thêm của nợ về nhà nhưng ông Thái chỉ cười trừ không đáp…

Ông lo sợ điều khác hơn là chuyện gia cảnh, ông sợ rằng anh ta sẽ có lúc mất bình tĩnh tự chủ rồi làm hại đến Sóc, mặc dù Liễu đã nói rằng anh ta đã điều trị ổn và hoàn toàn như người bình thường, chỉ là đầu óc hơi chậm một chút, nhưng trong lòng ông Thái vẫn lo sợ mơ hồ…

Về vấn đề giấc mơ… dù ông không thể cắt nghĩa chính xác, nhưng nó gây cho ông một cảm giác hoang mang đến vô cùng…

Mấy hôm đầu ông Thái thậm chí còn không dám đi làm, ông lấy con dao của anh ta, cất vào cái tủ riêng ở đầu giường ông rồi mang khóa lại. mặt khác, ông dọn sạch gian nhà lâu nay làm kho đựng thóc cho gà ăn, kê vào đó chiếc giường tre đơn đã cũ, trải mùng mền rồi cho người điên ở trong đó, rồi cứ tối ngủ thì ông xích tay anh ta vào đầu giường bằng sợi xích ngày xưa hay xích con Xu, con chó mực nhà ông, ông để cả bô ở dưới gầm giường để đêm hôm người điên có đái ỉa vào, rồi cứ tới giờ ngủ buổi tối là ông khóa ngoài, sáng ra lại mở cửa, mở xích cho anh ra ngoài. Ông Thái ở nhà không đi làm mấy hôm liền, ông hay nằm trên chiếc võng rồi kiên trì quan sát theo dõi, nhưng dần dần thì ông cũng bớt lo hơn chút. Anh ta ngây ngốc như đứa trẻ mẫu giáo vậy chứ hoàn toàn chẳng có chút gì đáng sợ giống như lần đầu ông gặp anh trong đêm mưa nọ, có lẽ khi đó chỉ là do anh ta quá hoảng sợ, quá đói khát nên mất bình tĩnh thôi, giờ đây thì mặt anh lúc nào cũng cúi gằm xuống đất, rất ít khi ngẩng lên. Anh ta không bao giờ kêu than một tiếng, sai gì cũng không biết nhưng chỉ cho là học làm ngay không than phiền, ông dạy cho anh mấy việc đơn giản thì anh lại học làm rất nhanh, như đào đất ngoài vườn, trồng cây, cho gà ăn… Anh ta có đặc điểm là đi vệ sinh rất đúng giờ, cứ 5 giờ ông Thái mở xích cho anh ta ra ngoài thì đúng 6 giờ là anh ta đi vệ sinh, anh ta không biết xem giờ, không biết nhìn đồng hồ nhưng riêng điều đó thì không bao giờ sai giờ, cứ như cơ thể là một cái máy, do đó nên cái bô ông chuẩn bị cho anh mỗi đêm không bao giờ anh dùng đến…

Về chuyện ăn uống của người điên cũng rất lạ, anh ta chỉ ăn cơm với rau và lạc, không bao giờ ăn một miếng thịt nào, con Sóc gắp cho thì anh ta ném bỏ ra ngoài, anh ta cũng không biết dùng đũa mà ăn bốc bằng tay.

Đối với hàng xóm làng giềng qua chơi anh đều chào hỏi rất lễ phép, nhưng bất kì ai dù lớn bé già trẻ gì anh cũng đều xưng là cháu, đối với phụ nữ anh ta gọi là cô, còn với đàn ông anh ta gọi là chú, chỉ trừ có duy nhất ông Thái thì anh gọi là “ông già” và xưng là “tôi”. Ông Thái cũng không hiểu sao lại có sự kì quặc trong xưng hô đó nhưng hỏi thì anh không nói. Bọn trẻ con trong làng hay sang chơi rồi trêu ghẹo anh ta, anh ta lúc nào cũng chỉ cười, những đứa lớn hơn chút, biết nghĩ rồi thì quý anh ta lắm vì anh hiền, sai gì nhờ gì cũng được. Anh ta hiền lắm, hiền thực sự như một cục đất theo đúng nghĩa đen, những lúc không có việc gì làm anh cả ngày chỉ ngồi vuốt ve con chó mực tên là Xu nhà ông Thái nuôi, rồi cứ thơ thẩn đi ra đi vào, chỉ chào hỏi chứ ít khi nói chuyện, hỏi gì anh cũng không đáp, mặt lúc nào cũng cúi gằm. sau vài hôm như thế thì ông Thái cũng yên dạ hơn, dù thế nào thì cũng không thể ở nhà mãi mà không làm gì được, nếu thế thì chỉ vài tháng nữa là không còn gì mà đổ vào mồm, nên ông quyết định đi làm lại bình thường, sáng nào trước khi đi làm ông cũng dặn dò kĩ lưỡng người điên:

– Tao đi làm đây, nếu ở nhà mà mày làm gì hỗn thì sẽ tống mày vô lại nhà thương nghe?”

Anh chỉ cúi đầu gật gật, không nói gì.

Hôm đầu tiên đi làm mà trong dạ ông không yên, con Sóc đã đi học rồi, trong nhà cũng chẳng có ai khác cả… rồi ông bán vội vàng, hàng mới chỉ được phân nửa ông đã quẩy xe đi về.

Khi ông Thái về nhà thì anh đang nằm im trên chiếc chiếu rách, ngay sát cạnh là con Xu, ông nhìn quanh quất thấy nhà cửa vẫn bình thường, không có gì đặc biệt thì mới thở phào, đoạn mới lại lôi anh ra rồi nói:

“Không được nằm ngủ với chó, hít lông nó vô họng là bị hen nghe.”

Anh gật đầu, tay vẫn cứ vuốt ve mớ lông đen của con Xu.

Con chó nằm im bên anh ta, nhưng lạ thay nó không nằm bình thường, ông đã để ý thấy không chỉ một lần, hai chân trước con Xu lúc nào cũng ở thế quỳ trước người điên, cằm nó đặt lên tay người điên rất ngoan, đôi mắt lim dim không động…



Đến hôm thứ hai đi làm về, thì ông thấy anh ta đang ngồi làm một con cào cào bằng lá dừa cho Sóc, con bé thì ngồi im bên cạnh nhìn anh chăm chú…

Ông Thái đứng chết lặng, chăm chú quan sát cảnh ấy… chẳng hiểu sao ông thấy man mác buồn…

Người thanh niên tỉ mẩn chụm đầu vào mấy cái lá dừa thắt thắt buộc buộc, đôi mắt anh ta ngây dại, nhưng cũng chăm chú, say mê, lại thoáng có nét đượm buồn…

Bên cạnh là con bé con nhà ông, nó ngồi xổm, hai tay chống lên cằm, khuôn mặt háo hức, đôi mắt nó hiền hòa và nhìn người điên ánh lên những nét yêu thương…

Chợt ông Thái hiểu vì sao con Sóc cứ muốn đưa người ấy về nhà… có một nguyên nhân sâu xa khác… con bé đã nhìn thấy trong bóng dáng bệnh hoạn kia hình ảnh đứa anh trai của nó, thằng con hư hỏng đã bỏ đi của ông, họ đều là những người đã mang trong mình những vết thương mà búa rìu du luận, miệng lưỡi thế gian đã băm bổ vào để hủy đi danh dự của họ, họ đều là những kẻ mang cái mác phế phẩm, cặn bã của xã hội, dưới đáy tận cùng bị xã hội này ruồng rẫy, xa lánh… nhưng có một điểm chung, dù là anh trai con Sóc hay là người điên mới xuất hiện trong đời con bé không lâu, họ chịu đựng tổn thương, chịu đựng nhục nhã, nhưng họ cùng có điểm tương đồng là đã bảo vệ cho nó, trong mắt con bé, họ là những chỗ dựa vững chắc nhất… con bé đã cảm nhận được điều đó…

Bất giác… ông không còn sợ nữa… ông thấy thương cho anh ta nhiều…



Từ khi người điên về sống cùng, người duy nhất vui mừng hoan hỉ có lẽ là Sóc, con bé thích anh ta lắm, cứ ngày ngày nó ngồi cạnh anh ta chẳng rời.

Mỗi khi đi học về, con bé sẽ chạy thẳng vào phòng xem người điên có còn ở đó không, khi thấy anh, khi chắc chắn anh vẫn ở đó chưa bỏ đi, nó mới từ từ cất sách vở, thay quần áo.

Mỗi sáng mai ngủ dậy, nó lại xuống nhà kho để mở cửa gọi anh. Thường thì 5 giờ nó mở cửa ra thì anh đã dậy từ bao giờ nhưng ngồi im trên giường không động, việc của Sóc là tiến đến sát giường anh, gõ nhẹ vài cái vào đầu giường, tức thì người điên sẽ vươn vai một cái rồi từ từ bước xuống…

Sóc dẫn anh đi khắp nơi, từ con sông đầu làng, tới nơi bọn trẻ trong làng hay đá bóng, cho tới con đường bê tông mới, lâu lâu nó lại dẫn anh đi lên xã, ở đó có siêu thị, bên trong rất sang trọng, lại có điều hòa mát lạnh, thích ơi là thích. Mỗi lần được bố đưa lên siêu thị ở xã là Sóc háo hức lắm, nhưng giờ có anh rồi, nó không cần ông Thái đưa đi nữa, mà nó dắt anh cùng đi. Nhưng lạ thạy dù tới nơi nào, anh cũng chẳng bao giờ có vẻ háo hức tò mò giống nó, anh lúc nào cũng chỉ cúi gằm xuống đất, hoặc khi ngẩng lên thì ánh mắt xa vắng, đầu hướng thẳng, cằm ưỡn ngực thu, không bao giờ ngó nghiêng láo liên.

Sóc bắt ông Thái và tất cả bà con hàng xóm gọi anh là gấu, nó viết vào một mảnh giấy nhỏ rồi đưa cho anh xem:

– Em nhỏ, em thông minh, lanh lợi, hoạt bát, nên em là Sóc. Anh lớn nhưng anh ù lì, chậm chạp, ngốc nghếch, hiền lành, nên anh sẽ là Gấu. từ nay cho đến trọn đời thì gấu phải luôn bên cạnh Sóc nhé, nếu ai bắt nạt Sóc, thì gấu phải bảo vệ nghe.

Nó chìa cho người điên xem nhưng khi ấy mới biết rằng anh không biết chữ, vậy là ông Thái lại phải đọc cho anh ta nghe thì Sóc mới chịu.

Nghe xong anh chỉ nhìn Sóc cười… rồi Sóc khẽ xoa đầu anh, anh lại cười nữa…

Kể từ hôm đó, Sóc có anh trai…

Kể từ hôm đó, lúc nào nó cũng cười, con bé câm cứ cười mãi không thôi, nó cứ nhìn khuôn mặt hiền từ ngây ngốc của anh Gấu mà cười ngất…

Nó vui lắm…



Đêm đó là rằm, ông Thái ăn cơm xong thì ngồi trước hè, bật cái đài lên nghe rồi lim dim trong làn khói thuốc…

Cũng đã vài tháng trôi qua kể từ khi Gấu tới nhà ông, con Sóc vẫn không nói được nên ông Thái đã thôi dần niềm hy vọng mơ hồ về một sự trùng hợp tâm linh cảm ứng đặc biệt nào đó giữa Sóc và Gấu. Nhưng ông cũng không còn quá bận tâm về điều đó mà cũng dần quen đi, mặc dù Gấu có nhiều hành vi khác lạ, kì dị chẳng giống ai nhưng nó vẫn là đứa ngoan ngoãn và không có bất kì dấu hiệu hung hãn nào nên ông cũng dần yên dạ và tới giờ thì cũng đã quen với việc có thêm một thành viên mới trong nhà. Cứ một, hai tuần Liễu lại qua nhà thăm ông một lần và thăm khám luôn cho Gấu, các vết thương của anh đã hồi phục hoàn toàn như chưa từng có gì xảy ra, tóc anh đã mọc dài lại, các vết nấm đã khỏi hẳn, những lở loét trên thân đã liền da non cả, và một vài xương bị rạn cũng đã liền lại, Gấu tăng cân hơn rất nhiều, giờ anh đã được hơn năm chục cân, cũng có da thịt hơn dạo ông mới gặp, thậm chí anh còn có thể làm được việc đồng áng nên thi thoảng mấy bà hàng xóm vẫn cứ mượn anh sang làm, rồi họ cũng trả công đàng hoàng, dù anh chẳng bao giờ hỏi tới, nhưng một phần họ cũng muốn giúp đỡ để ông Thái có tiền trang trải hơn cuộc sống gia đình, ai cho gì bao nhiêu, từ tiền cho tới gà vịt, chuối, dưa, Gấu đều mang hết về cho ông Thái nên ông cũng không tới nỗi quá khốn đốn trong việc cơm áo gạo tiền như ông vẫn lo.

———————–