Chương 27

Bá tước Luy ngừng lại thưởng thức hiệu quả những câu mở đầu của ông. Đại úy Benvan hiểu rõ ông bạn mình, ông cười hể hả. Xtêpan vẫn còn băn khoăn lo lắng. Vạn Sự Tốt Lành không tỏ ý gì phản đối.

Bá tước nói tiếp:

- Ngay từ đầu, tôi xin thú nhận với quý vị rằng nếu tôi chú ý quá nhiều đến sự chính xác của những con số về ngày tháng chính là để lòe các vị. Thực ra chỉ khoảng một vài thế kỉ gần đây, tôi không thể nói thật chính xác ngày tháng, đã diễn ra một cảnh tượng mà tôi sắp có vinh dự thuật lại với quý vị. Nhưng cái mà tôi có thể bảo đảm chính là sự việc đã xảy ra ở một nước châu Âu có tên hiện nay là xứ Bôhêm, ngay tại khu vực ngày nay mọc lên cái thành phố công nghệ nhỏ bé Gioachimthan. Đấy là những điều chính xác. Tôi hi vọng như vậy. Vậy thì cái buổi sáng hôm ấy quang cảnh náo động bao trùm lên một trong số những bộ lạc người Xentơ, thành lập từ một hay hai thế kỉ gì đó tại một vùng nằm giữa bờ sông Đanuýp và thượng nguồn sông Enbơ trong những cánh rừng Hécxin. Những người chiến binh có vợ giúp đỡ đã gấp xong các tấm lều, tập trung các lưỡi rìu thiêng, những cung tên, nhặt nhạnh các đồ gốm, các dụng cụ nấu nước bằng đồng đem chất lên những con ngựa và những con bò của họ.

Các thủ lĩnh theo dõi chăm chú từng công việc nhỏ. Không có náo động, không mất trật tự. Mọi người lên đường từ sáng sớm và đi suốt ngày hôm đó, đến ngã ba sông Enbơ và chi nhánh của nó là sông Êgơ. Tại đấy đã có sẵn những chiếc thuyền do một trăm chiến binh thiện chiến được cử đến từ trước canh giữ. Trong số những chiếc thuyền có một chiếc làm ta chú ý bởi cái khối đồ sộ của nó và nó được trang trí phong phú hơn những chiếc khác. Một cánh buồm dài màu đất son phủ kín từ bên này sang bên kia mạn thuyền. Người thủ lĩnh của mọi thủ lĩnh, ông vua, nếu các vị thích gọi như thế, đang đứng diễn thuyết trên chiếc ghế dài kê ở đuôi thuyền. Xin các vị miễn thứ cho. Vì không muốn rút ngắn bài diễn văn của tôi nên tôi phải đưa nội dung tóm tắt bài diễn văn như sau: Bộ lạc di cư để tránh sự thèm muốn của các bộ lạc bên cạnh. Phải rời bỏ nơi mình sinh sống bao giờ cũng là điều đáng buồn. Nhưng những người trong bộ lạc có sá gì một khi họ ra đi mang theo của cải quý giá nhất của họ, di sản thiêng liêng của tổ tiên họ, cái thiên tính che chở họ và làm họ trở thành những người đáng sợ, vĩ đại, trong số những người vĩ đại hơn. Tóm lại đó là tảng đá đậy nắp mộ các ông vua của họ.

Và vị thủ lĩnh, bằng một cử chỉ long trọng, kéo cánh buồm màu đất son để lộ ra một tảng đá hoa cương hình viên đá lát dài khoảng hai mét rộng một mét thuộc dạng đá nổi hạt màu sẫm với một vài chỗ có vẩy tỏa sáng trong tảng đá.

Trong đám đông chỉ có một tiếng kêu cất lên, còn tất cả mọi người đàn ông, đàn bà đều nằm rạp trên mặt đất hai cánh tay dang rộng, mũi áp vào đất cát.

Lúc bây giờ vị thủ lĩnh của các vị thủ lĩnh mới cầm cây vương trượng bằng kim loại vẫn để trên phiến đá, đầu gậy gắn ngọc quý chạm trổ, vung lên tuyên bố:

Chiếc gậy toàn năng sẽ không bao giờ rời khỏi ta chừng nào Tảng Đá Kì Diệu chưa được bảo vệ chắc chắn. Chiếc gậy toàn năng sinh ra từ Tảng Đá Kì Diệu. Nó chứa đựng lửa trời, nó cho sự sống và cái chết. Nếu Tảng Đá Kì Diệu đậy lên nắp mộ các cha ta thì chiếc gậy toàn năng không rời khỏi tay người trong những ngày rủi ro tủi nhục hay vinh quang chiến thắng. Lửa trời sẽ dẫn dắt chúng ta! Thần mặt trời sẽ soi sáng cho chúng ta! Vị thủ lĩnh nói và cả bộ lạc nhổ trại: rẽ sóng ra khơi và cuộc phiêu lưu lại bắt đầu.

Bộ lạc đã tới đích. Người ta đổ bộ lên hòn đảo. Người ta tiêu diệt hoàn toàn và đơn giản những thổ dân trên đảo. Bộ lạc độc chiếm hòn đảo đó và tảng đá đậy nắp mộ vua xứ Bôhêm được đặt vào chỗ... chính cái chỗ hiện nay tôi đã chỉ cho anh bạn Voócki của chúng ta! Xin đóng mở ngoặc đơn, đây là một vài sự xem xét kĩ lưỡng lịch sử có tầm cỡ quan trọng bậc nhất. Nói như thế sẽ ngắn gọn hơn.

Bằng giọng cười của vị giáo sư, bá tước Luy giải thích:

- Hòn đảo Xarếch cũng như toàn bộ nước Pháp và một phần phía tây châu Âu đã có dân cư sống hàng ngàn năm thuộc giống người gọi là Ligaya, con cháu trực tiếp của người cổ đại sống trong các hang động, còn giữ lại một phần những phong tục và thói quen của tổ tiên họ. Là những người xây dựng công trình rất khỏe, trong khi tổ tiên của những người Liguya ở thời đại đá mài có thể đã tiếp thu ảnh hưởng của nền văn minh phương Đông, đã dựng lên những phiến đá hoa cương nặng kinh khủng để xây những hầm mộ khổng lồ của họ. Cái bộ lạc, mà chúng ta vừa nói đến là như vậy. Nó kết hợp rất tốt một hệ thống hang động thiên nhiên được sắp đặt bởi bàn tay kiên nhẫn của con người và một nhóm những công trình đồ sộ làm ta không thể không chú ý đến đầu óc tưởng tượng thần bí và mê tín của người Xentơ.

Như vậy sau pha thứ nhất tức là chuyến viễn du, Tảng Đá Kì Diệu bước vào thời kì nghỉ ngơi, thờ cúng mà chúng ta sẽ gọi là thời kì các đạo sĩ. Thời kì này kéo dài độ một nghìn hay một nghìn năm trăm năm gì đó. Bộ lạc dựa vào những bộ lạc bên cạnh và hẳn nhiên là sống dưới sự giám hộ của một vài ông vua xứ Bơrơtannhơ. Nhưng dần dà ảnh hưởng chuyển sang những thầy cả và những thầy cả đó tức là những đạo sĩ nắm quyền hành ngày càng đậm nét đối với những thế hệ tiếp theo.

Tôi khẳng định rằng những quyền hành đó do Tảng Đá Kì Diệu đem lại cho họ. Chắc chắn các đạo sĩ là người đưa ra những lí thuyết tôn giáo phổ cập rộng rãi (Trong chúng ta không có ai nghi ngờ rằng những xà lim dưới cánh đồng hoang màu đen chỉ là những xà lim của một tu viện hay đúng hơn là một loại trường cao đẳng đào tạo các đạo sĩ). Các nhà giáo dục cho lớp tuổi trẻ Gôloa chắc chắn đã vâng theo thực tiễn thời đại. Họ chủ tọa các cuộc lễ hiến sinh, hướng dẫn những lễ hái cành tầm gửi, hái cỏ roi ngựa và mọi thứ cỏ ma thuật. Nhưng trước hết trong đảo Xarếch, họ là những người canh giữ và những chủ nhân của Tảng Đá cho sự sống và cái chết. Tảng đá đặt trên trần phòng lễ hiến sinh ngầm dưới mặt đất, không còn nghi ngờ gì nữa, trong chúng ta ai cũng đã nhìn thấy và tôi hoàn toàn tin rằng thời đó Bàn Đá Các Tiên mà chúng ta trông thấy kia được dựng lên ở chỗ người ta gọi là Canve Nở Hoa cũng chính là nơi đặt Tảng Đá Kì Diệu. Đấy là những nơi người ốm, những người tàn tật, những đứa trẻ chậm lớn nằm lên và được phục hồi sức khỏe. Chính trên tảng đá thần thánh ấy, những người vợ vô sinh đã trở thành hữu sinh, những cụ già được trẻ lại.

Với tôi, nó bao trùm toàn bộ dĩ vãng đầy truyền thuyết và huyền thoại của xứ Bơrơtanhơ. Nó là trung tâm chiếu tỏa mọi điều mê tín và tín ngưỡng, mọi nỗi lo lắng và hi vọng. Bằng Tảng Đá Kì Diệu hay bằng uy lực của chiếc gậy thần kì ông thầy cả vung lên và tùy theo ý chí của ông ta mà đốt cháy thịt da hoặc làm lành các vết thương. Những chuyện hão huyền tự phát mọc lên như chuyện kị sĩ bàn tròn, chuyện Méclanh người phù phép... Tảng Đá Kì Diệu là đáy của tất cả mây mù, là trung tâm của mọi tín điều. Nó là điều huyền bí và ánh sáng, là điều khó hiểu và lời giải thích.

Bá tước Luy tuyên bố những lời cuối cùng với đôi chút tán dương.

Ông cười:

- Đừng tự trói mình, Voócki. Ta dành nhiệt tình của ta để thuật lại câu chuyện về những tội ác của mi. Hiện giờ chúng ta đang ở thời điểm xa nhất đối với thời đại các đạo sĩ, thời đại tiếp diễn mãi phía bên kia các đạo sĩ trong những thế kỉ dài sau khi họ biến mất, Tảng Đá Kì Diệu lại bị các thầy phù thủy, thầy bói khai thác. Chúng ta dần dà đi đến thời đại thứ ba, thời đại tôn giáo, nghĩa là có thể là thời kì suy tàn trong bước đường tiến hóa của tất cả những gì làm nên sự thịnh vượng của đảo Xarếch, các cuộc hành hương, các lễ kỉ niệm...

Quả thực nhà thờ không thể bằng lòng với thứ sùng bái thô thiển ấy. Nó cần đến một thứ sùng bái tinh tế hơn. Ngay từ lúc nắm quyền nó đã phải chiến đấu chống những tảng đá hoa cương đã thu hút biết bao nhiêu tín đồ và lưu truyền một thứ tôn giáo đáng ghét. Cuộc chiến đấu không cân sức. Dĩ vãng bị tiêu diệt. Bàn đá được mang đến chỗ chúng ta đang đứng đây, tảng đá của các ông vua xứ Bôhêm bị vùi sâu dưới các lớp đất và một cây thánh giá được dựng ngay tại cái nơi những điều thần diệu đã từng hoành hành.

Và trên hết tất cả là sự lãng quên to lớn bao trùm!

Chúng ta đồng lòng quên những nghi lễ tôn giáo, quên những nghi thức và những gì làm nên lịch sử một tôn giáo đã suy vong. Nhưng ta không quên Tảng Đá Kì Diệu. Hiện giờ nó ở đâu, người ta không còn biết nữa. Người ta cũng không biết hình dáng nó như thế nào. Nhưng người ta không ngừng nói đến và tưởng tượng một vài vật gì đó đang tồn tại là Tảng Đá Kì Diệu. Từ thế hệ này đến thế hệ khác miệng truyền miệng, người ta hồi tưởng lại những câu chuyện hoang đường và khủng khϊếp, ngày càng xa cách với sự thật, hợp lại thành truyền thuyết ngày một trừu tượng mơ hồ, ngày một ghê gớm, nhưng dù sao nó cũng lưu lại trong trí tưởng tượng của người ta cái ý niệm mơ hồ về Tảng Đá Kì Diệu và nhất là cái tên của nó.

Cũng là hợp lí khi cho cái điều dai dẳng đó một ý nghĩa trong các hồi kí cho cái tàn tích của một sự kiện mơ hồ đó vào trong biên niên sử của một đất nước, để đôi lúc một vài kẻ ham hiểu biết muốn thử lập lại chân lí kì diệu. Có hai người trong số những kẻ ham hiểu biết đó là thầy dòng Tôma, thuộc dòng thánh Bơnoa vào giữa thế kỉ mười tám và ngài Magơnốc thuộc thời đại chúng ta. Cả hai người này đều đóng một vai trò quan trọng. Thầy dòng Tôma vốn là một nhà thơ và là thợ trang trí sách. Chúng ta cũng chỉ có rất ít những chỉ dẫn về ông. Đó là một nhà thơ rất tồi nếu xét về các bài thơ của ông, nhưng là một người thợ trang trí sách hồn nhiên và không phải không tài hoa, đã để lại một loại sách kinh lễ, trong đó ông ta ca ngợi chuyến đi nghỉ của ông ta ở tu viện cao cấp Xarếch và đã vẽ ba mươi chiếc bàn đá cổ trên đảo kèm theo những câu thơ, những giáo điều, những lời tiên đoán theo lối của nhà thơ Nôtđam. Chính tập sách kinh lễ ấy đã được ngài Magơnôc tìm ra. Tập sách chứa đựng cái trang nổi tiếng có bức tranh người đàn bà trên cây thập giá và những câu tiên đoán có liên quan đến đảo Xarếch. Chính tôi đã nhìn thấy quyển kinh lễ đó ở trong buồng ngủ của Magơnốc và ngay cái đêm hôm ấy tôi đã tham khảo nó.

Nhân vật Magơnôc này mới thật kì lạ, cháu chắt nhiều đời của các thầy phù thủy ngày xưa và tôi rất ngờ mình đã chơi với những hồn ma. Các bạn cứ tin nhà đạo sĩ mặc áo dài trắng mà người ta khẳng định đã nhìn thấy ông ta vào ngày thứ sáu của tuần trăng hái cành tầm gửi thiêng liêng không phải ai khác chính là Magơnốc. Cũng chính ông ta là người biết các công thức pha chế thuốc, những cây cỏ chữa khỏi bệnh, cách thức làm đất để trồng những cây hoa vĩ đại. Một điều chắc chắn là chính Magơnôc, đã tìm ra những hầm mộ và phòng làm lễ hiến sinh, chính ông ta đã lấy viên đá diệu kì ở đầu chiếc gậy vương quyền. Ông ta đã vào các hầm mộ bằng lối chúng ta vừa đi qua, giữa con đường mòn ở cửa ngầm. Mỗi lần ra vào ông ta đã buộc phải xây lại tấm vách chắn bằng đá hộc và đá cuội. Cũng chính ông ta đã đưa trang sách kinh lễ cho ông Đecgơmông. Lúc đó phải chăng ông ta đã phó thác những phát hiện cuối cùng của mình cho ông Đecgơmông? Điều đó ít quan trọng. Quan trọng là từ đó về sau có một nhân vật khác nổi lên đã thể hiện công việc với tất cả sự chăm chú của anh ta. Một giáo sĩ do định mệnh cử đến để làm sáng tỏ những câu tiên đoán có từ hàng trăm năm nay, để thực hiện những mệnh lệnh của các thế lực thần bí và... để đút túi Tảng Đá Kì Diệu... Tôi gọi nhân vật đó là Voócki.

Bá tước Luy uống cốc nước thứ ba và ra hiệu cho tên đồng bọn của Voócki:

- Ôttô… - Ông nói, - Dù sao cũng cho hắn uống nước nếu hắn khát. Mi có khát không, Voócki?

Trên thân cây, Voócki dường như kiệt sức không còn chống đỡ được nữa. Xtêpan và Patơrixơ sợ bá tước Luy thả hắn ra quá sớm, nên một lần nữa lại can thiệp vào.

- Không, không. - Bá tước Luy nói lớn, - Hắn đang ở thế thẳng đứng và sẽ cứ ở tư thế ấy cho đến khi kết thúc bài diễn văn của tôi. Phải chăng đó là vì mi ham hiểu biết, hay câu chuyện làm mi say mê, Voócki?

- Đồ kẻ cắp! Quân gϊếŧ người! - Con người khốn khổ bị trói vào thân cây lẩm bẩm.

- Hay quá. Hay vì thế mà mi vẫn cứ khăng khăng từ chối không cho ta biết chỗ mi giấu Phơrăngxoa?

- Quân gϊếŧ người... quân kẻ cướp...

- Vậy thì cứ ở đấy ông bạn ạ. Tùy mi. Đau một tí nhưng chẳng hại gì cho sức khỏe. Vả lại mi đã làm biết bao nhiêu người đau khổ, tên vô lại!

Bá tước Luy nói những câu sau này với một giọng cứng rắn. Ông đã hơi nổi giận. Cơn giận dữ có phần bất ngờ đối với một con người đã từng chứng kiến biết bao nhiêu tội ác, đã chiến đấu với những tên tội phạm sừng sỏ nhất. Nhưng lần này phải chăng ông đang chạm trán với một tên tội phạm ngoại hạng?