Anh Hiệu lập tức kéo con Hoà rời khỏi đó trước khi bà mẹ chồng nổi cơn điên. Mục đích của nó cũng chỉ có bấy nhiêu. Ai chửi nó, mắng nó thế nào nó cũng kệ.
Nhiều khi người ta nói nó ngu, vì một người đàn ông chẳng ra gì mà ghen tuông. Nó đúng là có ghen nhưng cái ghen của nó không phải ở việc chồng nó có vợ hai, nó ghen bởi con của nó, đứa con danh chính ngôn thuận của nó lại chưa một lần được nhà chồng thừa nhận. Con trai nó là cháu đích tôn đấy nhưng chưa bao giờ bên nội thèm nhòm ngó tới. Còn xét về tình cảm nó vẫn luôn ở thế thượng phong bởi anh Hiệu luôn ở cùng mẹ con nó. Nếu anh ta không yêu thương nó chắc hẳn đã không bỏ một viên kim cương sáng giá như Diệu để chạy về ngôi nhà nhỏ của mẹ con nó mỗi ngày. Nếu anh ta thực sự cạn tàu ráo máng đã một lần cắt đứt với nó bằng lá đơn ly hôn dưới sự thúc ép của gia đình và Diệu.
Tôi hỏi nó: mày có điên không? Tại sao hoàn cảnh này mày lại để dính bầu thêm đứa nữa? Một đứa chưa thấy khổ sao hả Hoà?
Nó khóc! Lần thứ 2 nó khóc tu tu như một đứa trẻ: con tao không có tội. Nếu bỏ con thì tao mới là đứa có tội.
Nó vậy đấy, dù thế nào cũng không bao giờ bỏ con. Tuy nhiên trong lúc này nó tiếp tục mang thai thì bản thân nó khổ, con nó cũng khổ. Tôi cũng chẳng thể khuyên nó không được sinh đứa bé ra, chỉ biết trách nó sao không giữ cẩn thận để dính bầu lần nữa.
Nó hiểu những gì tôi nói. Bản thân nó cũng hiểu con của nó chịu thiệt thòi thế nào trong hoàn cảnh hiện tại. Một đứa khổ là đủ, sinh thêm đứa nữa nỗi khổ sẽ nhân lên gấp bội.
Anh Hiệu biết nó mang bầu thì chăm nó như bà hoàng. Chắc hẳn mọi người ngạc nhiên lắm bởi thái độ của anh ta. Chính tôi từng gặp anh ta nhiều lần trước đây, sau khi xảy ra chuyện vợ bé vợ lớn tôi từng có suy nghĩ người đàn ông ấy sẽ không bao giờ còn tình cảm chân thành với con Hoà. Thế nhưng tôi nhầm, anh ta thương yêu, chiều chuộng con Hoà nhất mực. Từ lúc Hoà có bầu, mọi việc lớn nhỏ trong nhà anh ta dặn nó để đó để tối về anh ta tranh thủ dọn. Nó đi lấy hàng anh ta sẵn sàng bỏ việc công ty chạy tới làm xe ôm cho nó....Nhiều lắm những hành động và thái độ yêu thương anh ta giành cho Hoà làm người khác phải ngạc nhiên.
Hoà được yêu thương thì người tội nghiệp lại biến thành Diệu. Cô ta được gia đình Hiệu chăm bẵm như bà hoàng nhưng lại chẳng có đươc sự chu đáo và ân cần từ người chồng hờ.
Đã bao lần Diệu gọi điện yêu cầu Hiệu về nhà. Đã bao lần bố mẹ Diệu gặp con rể yêu cầu phải chăm lo cho Diệu. Bố mẹ Hiệu cũng yêu cầu con trai chuyển về nhà sống cùng mẹ con Diệu nhưng anh ta lại từ chối: mọi người ép con cho cô ta một danh phận, con cũng làm cả rồi. Giờ con phải sống cuộc sống của con, con còn gia đình phải lo.
Mẹ Hiệu tức giận chửi anh ta như tát nước vào mặt. Anh ta không cãi lại mà chỉ lặng im chịu trận. Diệu van xin chồng ở nhà, anh lắc đầu: tất cả là do bản thân em chọn, anh không ép em, mong em nhớ điều ấy.
Đó là những gì tôi nghe con Hoà kể lại. Bản thân tôi cũng chẳng biết nên tin bao nhiêu phần. Bởi lẽ chỉ có trực tiếp người trong cuộc mới hiểu hết sự việc. Tôi và con Hoà cũng chỉ là bên ngoài câu chuyện của Hiệu và Diệu.
Anh ta giải thích với Hoà rằng những ngày đầu chân ướt chân ráo sang Nga có quen với chú của Hiệu. Do cùng người Việt lại cùng quê nên mọi người qua lại giúp đỡ lẫn nhau. Chú của Diệu cũng lại chỗ quen biết với mẹ của Hiệu từ khi còn ở Việt Nam. Bởi thế chuyện anh có vợ gia đình không biết thì bạn bè cũng không ai biết.
Hiệu là người nhanh nhẹn, thông minh lại hoạt bát nên được nhiều người yêu quý. Chú Diệu quý anh nên làm mai mối cho cháu gái mình. Chính mẹ Hiệu vài lần gọi điện nhờ vả chú tác hợp cho hai người. Chuyện người lớn nói chuyện rồi đò đưa qua lại Hiệu vốn nghĩ chỉ là chuyện xã giao.
Ba năm bên ấy anh chưa hề gặp Diệu. Tình cảm anh giành cho Hoà vẫn y nguyên như ngày mới yêu.
Bước sang năm thứ 4, Hiệu cũng có cơ hội gặp gỡ Diệu vài lần bởi cô ấy hay sang nhà chú chơi. Gặp được nhau thì hai bên gia đình lại hay nhắc tới chuyện ghép đôi cho cả hai về một cặp. Anh chưa dám nói với gia đình về việc từng đăng kí kết hôn nên khi ấy mọi người chỉ biết anh là người chưa có gia đình.
Diệu có lẽ có cảm tình với Hiệu từ sớm. Cô ấy thường xuyên lấy cớ tới gặp anh. Cả hai có đi cafe, đi ăn nhưng luôn có thêm bạn bè bên cạnh.
Sự việc bất ngờ xảy ra khi Diệu tổ chức Party mời người thân và bạn bè tới dự. Hôm ấy do say nên cả hai đi quá giới hạn. Chuyện cũng từ đó mà ra.
Hiệu cố gắng giải thích với Hoà về sự cố ngoài ý muốn. Nhất là lúc Diệu tuyên bố cô ấy đã có bầu. Hiệu gần như suy sụp. Anh không biết nên đối mặt với Hoà ra sao. Anh cũng lại hèn nhát không dám thừa nhận với Diệu chuyện anh từng có vợ trước khi sang Nga.
Sự việc càng phức tạp khi Diệu báo tin cho gia đình biết. Dường như cô ấy rất háo hức và mong chờ đám cưới. Gia đình hai bên biết tin lập tức bàn bạc chuyện kết hôn. Hiệu bị động trong chính cuộc đời của mình.
Tôi hỏi Hoà: vậy con Diệu cũng đủ đáng thương khi yêu nhầm lão Hiệu?
Hoà nó bật cười: nó đáng thương khi chưa biết tới sự có mặt của mẹ con tao. Còn sau này thì...
Nó bỏ lửng câu nói ở đó. Vâng, sau này thì chẳng ai thương nổi nó. Riêng chuyện nó kéo người tới đánh ghen có thể tha thứ được bởi lẽ lúc ấy nó chưa biết. Vậy sau khi nó biết chuyện Hiệu có vợ con rồi nó cứ nhào vô giành giật. Con Hoà nói đàn ông ngoài kia đâu thiếu gì, tại sao nhất quyết phải giành chồng với nó, giành bố của con nó?
Vậy nên, khi Hiệu xác định về bên mẹ con con Hoà thì mọi việc sau này con Diệu làm, con Diệu phải tự chịu trách nhiệm.
Đúng là không ai ép nó phải dọn về nhà Hiệu làm dâu để rồi nó than khóc rằng lấy chồng hờ hững. Không ai cho nó cái quyền dùng tiền ép con Hoà ly hôn chồng để khi không được đồng ý nó liền bù lu bù loa lên ăn vạ. Hay như nó cay cú con Hoà tới mức thuê cả người trộn cứt với dầu tạt vào cửa hàng hòng làm xáo trộn việc làm ăn của vợ cả....
Còn nhiều lắm những chuyện con Hoà phải chịu từ sự tác quái của gia đình nhà Diệu. Họ cậy có tiền nên mặc sức cho mình cái quyền ép kẻ khác phải theo ý mình. Đơn giản như chuyện con Hoà mở quán bán hàng bao nhiêu năm chẳng làm sao, đùng một cái bị hết bên thuế tới bên đô thị ra vài tấp nập kiểm tra. Nếu nghĩ đơn thuần chỉ đứa trẻ so sinh mới không hiểu được chuyện gì đang xảy ra.
Mẹ chồng con Hoà dạo đó chăm cháu nội có vẻ vất vả. Con Diệu vì ấm ức chuyện chồng không về nhà nên giận cá chém thớt, trút giận lên cả đứa con. Mẹ chồng lại phải ngọt nhạt dỗ dành con dâu và hứa sẽ sớm ngày khuyên Hiệu bỏ vợ về nhà chăm lo cho gia đình. Bà cũng tuyên bố thẳng thừng với Hiệu rằng cả đời bà chỉ có Diệu là con dâu, con của Diệu sinh ra mới xứng làm cháu nội của bà.
Hiệu nghe mẹ nói cũng chẳng buồn đáp lại. Bà tức giận còn tuyên bố từ mặt con. Hiệu đáp: mẹ có từ mặt con thì con vẫn là con của mẹ, họ của con vẫn theo họ bố. Tốt nhất mẹ cứ lo cho cháu nội của mẹ, con phải lo cho vợ và các con của con.
Hiệu nói thẳng với mẹ mình như vậy chắc trong lòng bà tự hiểu anh ta chọn lựa ai. Lúc ấy bà ta muốn điên lên nhưng lại kìm hãm lại. Bà muốn mềm nắn, rắn buông, dần dần dỗ ngọt con trai. Chiêu của bà chính là tạo điều kiện cho Diệu và Hiệu ở bên nhau nhiều nhất có thể. Chính bởi vậy nên sau bao toan tính bà đã tới gặp Hoà ra điều kiện cho con của nó được danh chính ngôn thuận thành con cháu trong nhà.
Giọng bà ấy nói kèm nước mắt nhoè cả khoé mi, nếu người khác không hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào lại nghĩ con Hoà là người xấu, chia rẽ tình cả mẹ con của họ: Hoà ạ, Như cháu biết rồi, gia đình bác và cháu xưa nay bất hoà. Bố mẹ cháu cũng chẳng ưa gì gia đình bác. Bác cũng nghe thằng Hiệu nói cháu vì chuyện có bầu rồi sinh con cho thằng Hiệu mà cháu bị bố mẹ từ mặt. Âu cũng là cái số cả, ông trời sắp đặt cho cháu với thằng Hiệu trong hoàn cảnh tréo nghoe thế này cũng thiệt thòi. Bản thân bác là mẹ của Hiệu, thằng Minh(con của Hoà) là con ruột của thằng Hiệu nên gia đình bác cũng không thể không quan tâm. Bác biết thằng Hiệu nó rất nghe lời cháu, vậy cháu có thể khuyên nó về nhà được hay không? Chắc cháu cũng chẳng muốn thằng Hiệu bỏ cả bố mẹ phải không?
Con Hoà ngạc nhiên: cháu không hiểu ý của bác. Xưa nay cháu chưa khi nào ép buộc anh ấy điều gì cả. Bác muốn gì thì cứ nói thẳng với anh Hiệu, cháu sẽ không nửa lời can thiệp.
- Biết là vậy, nhưng cháu phải hiểu cho bác. Con của cháu cũng là con của thằng Hiệu. Con của con Diệu cũng là con của thằng Hiệu. Giờ cháu cũng lại đang bầu đứa nữa, cũng vất vả vì bố mẹ cháu cũng từ mặt con. Việc buôn bán giờ cũng chậm, bụng cháu càng lúc càng to lên làm cũng khổ thân.Thằng Hiệu ngày đi làm rồi lại chạy về bên này xa quá cũng tội nghiệp. Bác tính làm nhà bên lô đất cạnh nhà cho thằng Hiệu, ý cháu ra sao?
Con Hoà bị bất ngờ đến ngây cả người. Đầu nó chẳng thể nghĩ nổi bà mẹ chồng đang toan tính chuyện gì. Nó hỏi lại: ý bác muốn sao, cháu không hiểu gì cả.
- Bác tính xây nhà rồi cháu dọn về đó ở. Bác muốn gần thằng Minh với sau này cháu sinh còn có thể giúp đỡ. Hơn nữa thằng Hiệu đi lại cũng thuận tiện hơn.
Mọi người có tin nổi chuyện ngược đời như vậy xảy ra hay không? Người phụ nữ ấy từng chửi con Hoà như hát hay, từng nói nó đánh đĩ này đĩ nọ...giờ đây bà ấy lại sẵn sàng bỏ tiền làm nhà cho con Hoà ở. Ai dám tin không? Tôi chẳng tin thứ lòng tốt ấy. Tôi chỉ có thể tin rằng bà ta đang lập mưu tính kế làm hại con Hoà.
Bà ta ngồi nói chuyện cả buổi cũng chỉ tập trung vào chuyện bà ta xót con, xót cháu. Ý bà ta thương Hiệu đi xa vất vả, thương cháu nội bà ta thiệt thòi.
Thiết nghĩ bốn năm qua con Hoà vẫn một mình nuôi con. Nếu như bà ta thương thật lòng thì ngay khi biết thằng Minh là cháu nội bà ta đã săn đón, chăm sóc nó chứ không bỏ bê không đếm xỉa tới tận bây giờ.
Con Hoà dĩ nhiên nó đâu có điên rồ mà tin vào câu chuyện viễn tưởng mà mẹ chồng vẽ ra. Nó bảo với tôi : tao không về mảnh đất đó. Nếu ông bà thương cháu hãy mua miếng đất khác, ở gần cũng được nhưng không đứng tên ông bà mà đứng tên thằng Minh, để cho vợ chồng tao là người giám hộ. Ông bà làm được thì tao mới tin rằng ông bà thực sự nghĩ cho cháu.
Con Hoà nó tính đánh vào kinh tế. Nói suông thì ai mà chẳng nói được. Hơn nữa nó biết bà ta đối với thằng Minh không giống như những gì bà ta thể hiện ra ngoài. Ánh mắt bà ta nhìn thằng Minh khác hoàn toàn với ánh mắt lúc bà ta âu yếm con trai của Diệu.
Hiệu sau khi được bố mẹ gọi về đả thông tư tưởng thì có vẻ xuôi theo. Hơn nữa anh ta thấy dạo gần đây bố mẹ không còn gây áp lực, thúc ép anh ta li hôn với Hoà nên cũng phần nào an tâm. Ông bà nội cũng thường xuyên gửi quà về cho thằng Minh, thi thoảng tới thăm cháu và cũng nhờ Hiệu ngày cuối tuần đón thằng Minh về chơi với ông bà.
Thằng Minh dường như là chiếc cầu nối tình cảm giữa gia đình nhỏ của nó với nhà nội. Mỗi lần được về nhà với ông bà nội thằng bé cũng vui. Nó về kể chuyện tíu tít cho con Hoà nghe mọi chuyện của ông bà nội, chuyện về em bé con cô Diệu.
Thằng bé tuy nhỏ nhưng nó dường như hiểu chuyện nó có thêm đứa em trai. Nó chưa biết mối quan hệ phức tạp ấy ra sao nhưng một điều nó chắc chắn biết là mẹ của đứa bé ấy không hề thích nó. Có lần thằng bé thủ thỉ với con Hoà: con thích về nhà nội với bố mà con ghét cô Diệu. Cô ấy không yêu con giống như mẹ với cô Linh.
Con Hoà chẳng biết nói thế nào nên chỉ ôm thằng bé lại và bảo: trên đời này chỉ có mẹ là yêu con nhất, sẽ không ai yêu con hơn mẹ yêu con.
Thằng bé chớp chớp đôi mắt tròn xoe ra vẻ hiểu chuyện nhưng nó lại lắc đầu phản đối: tại sao cô Diệu không yêu em Bún?(Bún là con trai Diệu)
- Sao con lại nói vậy?
- Cô ấy ác lắm, toàn mắng em Bún để em Bún khóc. Cô ấy không chịu bế em Bún. Mẹ chẳng bao giờ mắng con như thế.
Con Hoà chỉ biết thở dài. Trẻ con tuy bé thật nhưng cũng khá tò mò chuyện người lớn. Ai quý nó, tốt với nó thì nó đều cảm nhận rất rõ ràng.
Qua câu nói vô tư của thằng Minh kể lại con Hoà phần nào hình dung ra cuộc sống của mỗi người trong ngôi nhà ấy. Chuyện con Diệu hay giận hờn, làm nũng người khác cũng được thằng Minh bắt chước diễn lại cho con Hoà xem. Nó còn bắt chước cái giọng của Diệu mỗi lần gặp bố Hiệu của nó. Nó còn bảo cô Diệu "điệu chảy nước"( câu này cô giáo nó hay dùng để tả một bạn trong lớp, trẻ con học mót của cô)
Con Diệu sau khi sinh con được hơn 4 tháng chẳng biết do ở nhà chồng khó chịu ngột ngạt thế nào mà nó chuyển về nhà ngoại ở. Cái tin ấy tới tai con Hoà khiến nó sững sờ. Nó chưa bao giờ nghĩ một người như Diệu lại buông tay dễ dàng như thế. Hiệu cũng tuyệt nhiên không nhắc tới con Diệu trước mặt con Hoà lấy một lời. Con Hoà cũng chẳng muốn hỏi nhưng chính mẹ Hiệu lại tới thông báo chuyện ấy với con Hoà.
Ngày bà ấy tới gặp nó, hình như bà ấy khóc. Mắt bà ấy còn đỏ hoe, giọng vẫn hơi nghẹn ngào: con Diệu nó về nhà nó rồi, nó bế cả thằng Bún đi.
Con Hoà biết tin ấy trước nhưng nó vẫn ngơ ngác ra vẻ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mẹ Hiệu nói tiếp: giờ nó về nhà nó rồi, chuyện kia cháu suy nghĩ chưa?
Bà ấy hỏi con Hoà suy nghĩ chuyện dọn về nhà làm dâu đây mà. Nghĩ cũng lạ, tự dưng tại sao mọi chuyện lại xoay chuyển nhanh tới thế? Nếu như con Diệu có thể buông bỏ thì hà cớ gì trước đó vài tháng còn tìm đủ mọi cách lôi kéo Hiệu và ra vẻ với con Hoà?
Con Hoà dĩ nhiên không phải yêu tới u mê đầu óc mà nhận lời với bà ấy dọn về làm dâu. Nó mà về chắc lại ăn đủ combo làm dâu thời bao cấp thì chỉ có nước chết nhục.
Trong lúc nó còn chưa trả lời dứt khoát thì chồng nó về. Nó không biết tại sao chồng nó lại khéo chọn giờ về đến thế. Tiện thể có con trai ở nhà mẹ chồng nó đặt vấn đề luôn chuyện chấp nhận cho mẹ con con Hoà qua cửa ải, được về nhà, danh chính ngôn thuận làm con dâu của bà.
Hiệu nghe lời mẹ nói thì xúc động lắm. Anh ta mừng, rất mừng. Có lẽ đó cũng là mong ước bấy lâu nay của anh ta.
Con Hoà thì ngược lại, nếu như chuyện này xảy ra vài năm trước chắc nó cũng xúc động mà oà lên bật khóc nức nở. Tuy nhiên tới thời điểm bấy giờ nó như chai lì cảm xúc. Nó không mảy may có một chút ấn tượng hay một chút gì đó gọi là vui mừng.
Mẹ chồng nó về, Hiệu ôm lấy nó mừng rỡ: cuối cùng chúng ta cũng chờ được ngày này rồi.
Nó tỉnh bơ đáp: anh không thấy chuyện này lạ quá sao? Với tính cách của bố mẹ anh mà chấp nhận em dễ dàng thế sao? Hơn nữa Diệu có phải người chịu buông tay như thế không?
Hiệu có vẻ không hài lòng với thái độ của nó. Lúc bấy giờ lòng hiếu thảo của thằng con trai trong anh ta trỗi dậy. Anh ta lập tức chuyển hướng câu chuyện về con Hoà: em đừng nhắc tới Diệu nữa được hay không? Cô ấy đã về nhà rồi. Đó chẳng phải là điều em mong muốn hay sao? Giờ mẹ anh cũng đích thân đến đây là đã xuống nước lắm rồi. Xưa nay em có bao giờ thấy bà hạ giọng với ai hay chưa? Chẳng qua trước đây bà vốn không có thiện cảm với em nên tạm thời chưa thể ngọt ngào ngay được. Tuy nhiên trước mắt bà đã chấp nhận thằng Minh và em rồi. Tình cảm có thể từ từ vun đắp. Anh không muốn cứ phải chạy qua chạy lại giữ bố mẹ và vợ con. Em hãy hiểu cho anh có được không?
Con Hoà ấm ức, hoá ra giờ đây anh đổ lỗi cho nó. Nó muốn lớn tiếng nhưng lại từ từ hoà hoãn lại: em chỉ muốn chắc chắn mọi chuyện. Một gia đình êm ấm, mọi người yêu thương chăm lo cho nhau là điều ai mà không mong muốn. Em cũng không muốn anh phải đứng giữa bố mẹ và vợ con nhưng chuyện này quá đột ngột, em cần có thời gian suy nghĩ.
- Cơ hội không đến nhiều lần, anh nghĩ đây chính là thời cơ cho chúng ta về nhà. Bố mẹ chấp nhận thằng Minh, yêu quý nó nhiều như vậy thì em còn lo cái gì? Hơn nữa Diệu cũng đi rồi, em theo anh về có được hay không?
Hoà về hay không? Cả nhà đoán xem.