Chương 11: Lai lịch ông thầy Tàu

Bác Diển đứng cạnh liền lên tiếng: “Chuyện này…” thì ông thầy Tàu ngăn lại:

- Được, tiểu tử nhà ngươi cũng hay lắm, không phải ai cũng biết đích xác về ta, ta sẽ phá lệ một lần kể cho ngươi chút chuyện vậy.

Thì ra ông thầy Tàu này là con lai Hoa Việt, đời cụ ông cụ bà của thầy là người Việt, thời đó vẫn còn chế độ phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn, vì chiến tranh mà lưu lạc sang bên Trung sinh sống, đẻ ra ông nội thầy tuy sống bên Trung nhưng vẫn thuần dòng máu Việt, vẫn nói được tiếng Việt, rồi ông nội thầy lấy một bà cũng trong cộng đồng người Việt bên ấy, nên đến đời bố thầy thì vẫn chuẩn dòng máu Việt, nhưng bố thầy thì không nói được tiếng Việt nữa, vì cuộc sống tiếp xúc với người Hoa thường xuyên mà quê nhà thì cách 3 đời rồi nên cũng không có ấn tượng gì với đất Việt cả, bố thầy lấy mẹ thầy là người Hoa, nên giờ thầy là con lai Hoa Việt, nhưng từ nhỏ thầy đã thích chơi với ông nội bà nội, cũng chính ông nội chỉ cho thầy về chuyện âm dương, được ăn những món ăn thuần Việt ông bà nội làm, được tiếp xúc với văn hóa Việt qua nếp sống của ông bà nên thầy mới nói được tiếng Việt, tuy không chuẩn nhưng nghe được và thầy mới dễ hòa nhập với người Việt bên này.

Nghe xong, Trần Phong cũng hiểu ra vài điều, hắn hỏi tiếp:

- Vậy, tên thầy! À không! Phải nói là: “Xin hỏi quý danh của thầy là gì ạ!”

Ông thầy lại vuốt cằm mà nói, nhưng không vào chủ đề ngay:

- Ta có tu, có thể gọi là tu hành giả, nhưng không phải tu tiên như trong phim, không phải tu Đạo, cũng không phải tu Phật.

Trần Phong cợt nhả:

- Hừ! Thế là tu gì, thầy tu hú à?

Ông thầy Tàu nhếch miệng cười:

- Tiểu tử vô lễ, không vì tối nay cần dùng đến ngươi thì ta sẽ không ngồi đây nghe ngươi nói đâu – Ông cầm chén uống một ngụm nước rồi tiếp: “Nhưng ngươi nói cũng đúng, gần như tu hú vậy”

Trần Phong ngớ người ra, thì ông thầy Tàu lại nói:

- Ta cũng có tên Việt do ông nội đặt, tên ta cũng chính là đạo tu của ta. Người ta tu thì có nhiều cái Không… Không rượu, Không thịt và nhất là Không Sắc, nhưng ta tu thì lại cần Sắc, vậy nên tên ta là Tu – Sắc – Tú, người ta gọi ta là A Tú, ngươi có thể gọi là thầy Tú.

Trần Phong bật ngửa người. Ối giời ạ! có mỗi cái tên Tú thôi mà ông lòng vòng lắm thế không biết, lại còn Sắc với không Sắc. Mẹ vớ vẩn tí nữa lại thành Huyền – Tù:

- Vâng thôi được rồi, vậy tôi xin gọi thầy là thầy Tú vậy!

Vừa nói xong, thì trên tầng 2 truyền đến tiếng bước chân bình bịch chạy xuống, anh Cường vàng mã vừa rồi uống có quá chén, được Trần Phong đưa lên phòng nằm nghỉ, không biết đã tỉnh hay chưa mà chạy xuống phòng khách cái là tới ngay chỗ ông thầy tu sắc Tú ấy mà quỳ xuống hành lễ, giọng run rẩy:

- Thầy! Thầy! à không sư phụ, xin sư phụ hãy nhận con làm đệ tử, xin hãy nhận con làm đệ tử.

Trần Phong mắt chữ A mồm chữ O ngạc nhiên với hành động ấy, thầm nghĩ anh Cường có say thì cũng chỉ phê phê tí thôi, chứ đâu phải mất hết lý trí như thế này chứ, bác Diển đứng sau thầy Tú đang định ra ngăn lại thì thầy giơ tay ra hiệu dừng, thầy cúi xuống nói với anh Cường với giọng uy nghiêm ban đầu:

- Nãy giờ ngươi nghe thấy hết rồi hả?

- Dạ vâng, con định ngủ nhưng không ngủ được, đã vô tình nghe thấy cuộc nói chuyện từ lúc thầy sang đây, xin thầy hãy nhận con làm đệ tử.

Thầy Tú vẫn nghiêm giọng:

- Tại sao ta lại phải nhận cậu làm đệ tử?

Lúc này anh Cường mới ngẩng lên mà kể về mình. Bố mẹ anh Cường mất vì tai nạn giao thông khi anh còn đang học đại học, anh có một đứa em gái năm nay 16, hình như cũng học cùng với em Ngân, nhà anh Cường có truyền thống làm vàng mã từ đời cụ kị xa lắm rồi, thế nên cơ ngơi nhà anh cũng được lắm, nói là giàu có thì không phải, nhưng so với làng xóm xung quanh thì anh chỉ cần nối nghiệp nhà thôi cũng đủ no ấm rồi. Tuy rằng cả xã cả làng có mình nhà anh làm vàng mã, nhưng từ lúc anh tiếp quản cơ nghiệp gia đình đến giờ đều không thấy khởi sắc, buôn bán èo uột, thu nhập càng ngày càng giảm, đơn đặt hàng cũng ít đi nhiều, lại còn phải chi trả lương hàng tháng cho thợ xưởng, rồi nuôi em gái đang ăn học. Anh muốn học thầy Tú cái mánh gì đó, hoặc xin thầy chỉ cho một loại bùa chú gì đó để kéo vận của mình lên, để cơ nghiệp truyền đời của nhà anh không vì đến tay anh mà sụp đổ.

Thầy Tú nghe xong cũng xuôi xuôi, thầy chưa đồng ý ngay nhưng cũng chỉ ra vài điều, cơ mà nó lại khá chung chung:

- Được rồi, dù vô tình hay cố ý thì cậu cũng có duyên với ta, ta chưa thể nhận cậu làm đệ tử, vì ta còn phải để cậu thử qua vài vòng khảo hạch đã, muốn thay đổi vận mệnh thì phải thay đổi con người, phải thay đổi tư duy, phải thay đổi môi trường sống thì mới được a.

Anh Cường vừa bái lạy thầy cứ như kiểu vừa được khai sáng xong, thầy Tú nói tiếp:

- Giờ ta giao cho cậu một việc, coi như là bước khảo hạch đầu tiên, nhưng ta nói trước, dù có làm được hay không thì đây mới là bước đầu tiên, ta chưa chắc từ chối và cũng chưa chắc đồng ý cậu làm đệ tử hay không, nên hãy cố làm cho tốt a.

Anh Cường đứng phắt dậy, gật đầu mừng rỡ:

- Vâng, xin sư phụ cứ giao việc cho con ạ, con sẽ cố hết sức.

- Đừng gọi ta là sư phụ vội, gọi là thầy Tú được rồi.

Sau đó thầy Tú móc trong túi nải đang để bên cạnh ra một tờ giấy, trong tờ giấy vẽ một hình thù kỳ dị, Trần Phong cũng ngỏng cổ vào xem, nhìn kỹ ra thì giống như hình quỷ sai, thầy Tú nói tiếp:

- Từ giờ đến muộn nhất là 10h đêm nay, cậu phải làm cho ta năm hình nhân theo hình dáng này, bé bằng con búp bê thôi, nhớ kỹ, trước khi làm chỉ được ngồi một mình làm, không cần đóng cả cửa sổ nhưng phải ngồi một mình trong phòng, thắp ba nén hương lên, hương cháy thì làm, khi cháy hết thì phải dừng, nếu chưa xong thì lại đốt tiếp ba nén hương nữa rồi mới tiếp tục làm. Tuyệt đối không được làm lúc hương cháy hết. Nghe rõ chưa, đem đến cho ta trước 10h đêm nay.

Nghe xong anh Cường vái chào thầy Tú rồi xin phép về cửa hàng luôn để làm cho kịp, bác Diển với Trần Phong thì đực mặt ra, bác Diển đang định lên tiếng thì thầy Tú lại ngăn lại tiếp, Trần Phong liền tranh thủ:

- Vậy giờ tôi phải làm gì hả thầy?

Ông thầy nhắc lại:

- Ta vừa nói rồi, giờ đi tìm thật nhiều gừng, có sả nữa thì càng tốt, sang nhà bếp bên đám kia mà tìm, đỡ mất thời gian, rồi đun một nồi nước to mà tắm đi