Chiều muộn, mặt trời lấp ló phía sau lũy tre làng. Ánh nắng chỉ còn nhàn nhạt không còn gay gắt như buổi ban trưa. Tú và Ngọc vừa đi thăm mộ bố Tú về. Đi dọc theo con mương dẫn nước tưới ruộng, Hà rút điện thoại ra bảo Tú:
– Anh chụp cho em đi. Từ từ, mình chụp chung đã. – Hà giơ điện thoại lên, Tú đứng phía sau dịu dàng nhìn cô. Khoảnh khắc ấy được máy ảnh bắt trọn.
Xung quanh trải rộng một màu xanh xanh trên nền nắng vàng. Gió vờn những lọn tóc bay về một hướng. Cô cười tít mắt, tạo dáng đủ kiểu để cho Tú chụp.
– Đừng có lùi về sau nữa, coi chừng ngã xuống ruộng bây giờ. – Tú vừa điều chỉnh góc chụp không quên nhắc nhở người yêu.
– Anh cứ chụp đi, em không ngã được đâu mà lo.
Nhưng Hà đã đánh giá sai bản thân, cô chưa bao giờ đi trên đường ruộng vừa hẹp vừa trơn thế này nên không quen. “ Ùm” , và tiếng gọi với theo của Tú:
– Ơ, này… .
Nước bắn lên tung tóe, một đám lúa nho nhỏ bị Hà đè lên. Tú vội vàng chạy đến, vừa bực mình vừa buồn cười. Đôi môi mím lại, khuôn miệng co rúm, cuối cùng anh không nhìn được mà cười thành tiếng. Đỡ Hà dậy, cô đang ngơ ngác như thể người vừa rồi không phải là mình.
– Đấy, anh đã bảo rồi mà có nghe đâu.
Người Hà bị ướt gần hết, quần áo lấm lem. Đôi má dần đỏ ửng lên như rạng mây hồng vì ngượng và tức. Vịn tay Tú chật vật đứng dậy, thấy anh còn chưa ngừng cười, Hà nhéo mạnh vào eo.
– Đau anh.
– Không được cười em! – Hà trợn mắt hăm dọa.
– Rồi rồi, thì không cười. – Tú nín cười nhưng thỉnh thoảng lại phát ra tiếng hì hì, hí hí.
Hà dỗi, cô lấy bùn quệt ngang quệt dọc vào mặt anh.
– Này thì cười em.
Vừa đỡ những đòn tấn công của Hà vừa né tránh về đằng sau. Cả hai giỡn qua giỡn lại. Hậu quả là đến lượt Tú bị ngã xuống, theo quán tính anh đưa tay ra kéo luôn cả Hà. Mặt đối mặt, hai mắt nhìn nhau. Tiếp đó là những tràng cười trong trẻo vang vọng. Hà vội vàng đứng lên:
– Anh nghịch quá, lớn rồi mà còn như con nít.
– Không biết ai gây sự trước nhỉ? – Tú nheo mắt hỏi lại.
– Trốn nhanh, đè hỏng hết lúa người ta rồi kìa.
Cả hai giờ không khác nhau là mấy, ướt nhẹp và lấm lem. Như những chú ỉn con đi lăn bùn về. Quãng đường về không còn xa. May mắn trên đường không gặp ai. Về đến nhà, Nhi đang rút đồ phơi ở sân vào, thấy thế, tròn mắt hỏi:
– Ơ, anh chị bị làm sao thế?
– Cô ấy đòi xuống đồng bắt cá. Mà lâu rồi không bắt kiểu này nên không bắt được con nào mà lại ướt hết cả người. – Tú cười cười bịa ra.
Nhi không nghi ngờ, tặc lưỡi bảo:
– Mẹ đang chơi bên nhà hàng xóm, anh chị nhanh vào thay quần áo đi kẻo cảm lạnh bây giờ.
May là bà Thu không có ở nhà, dù gì thì cũng khó nói. Tắm rửa xong xuôi, không còn cảm giác dính dính cả người thoải mái hẳn. Hà ra chuẩn bị bữa tối với Nhi.
– Chị thích ăn cá thì để mai đi chợ em mua, chứ không có dụng cụ khó bắt lắm. – Nhi vừa nói vừa nhặt nhạnh những lá rau già bỏ qua một bên.
– Úi không cần phiền thế đâu, cả nhà ăn gì chị ăn nấy. Anh Tú trêu đấy. – Hà xua tay.
– Có sao đâu chị, nhà mình cũng hay ăn cá. Trước sau gì cũng là người một nhà, ngại ngùng làm gì.
Hà cười trừ không nói gì nữa, đành tùy Nhi quyết định vậy. Cô đứng lên cầm rổ đựng rau già đem cho mấy con gà đang đi bới thóc dạo. Bà Thu đem ở đâu về một ống giang để chuẩn bị tước sợi gói bánh chưng. Tầm vài ngày nữa là gói để cho kịp cúng giao thừa. Sơn nhận lấy ống giang từ tay mẹ, cầm theo một con dao đem ra góc sân.
Năm nay là năm đầu tiên Hà ăn Tết xa nhà, lúc nãy mẹ cô mới gọi điện. Gọi là về nhà bạn trai ăn Tết nhưng thật ra là về để ra mắt dòng họ luôn. Tú không còn xa lạ gì với gia đình Hà, nhưng cô thì ngược lại. Khoảng cách hai nhà xa xôi cách trở, một lần đi là một lần khó. Cái hôm bà Thu lặn lội lên thăm nhà Hà thì cô lại bị ngộ độc thực phẩm nằm trong bệnh viện, lần về này cũng là lần gặp đầu tiên. Bình thường bận công bận việc, khó mà sắp xếp được cho Tú và Hà cùng được nghỉ phép mà về thăm nhà. Được dịp nghỉ Tết này nên đi luôn, tiện chuẩn bị trước được gì thì chuẩn bị.
Tết đã đến thật gần, dường như còn cảm nhận được cả hương vị mùa xuân trong gió. Nhà nhà dọn dẹp sửa sang, người người đi chợ sắm Tết. Cũng là chợ đấy, nhưng đối với cô gái sống ở thành phố như Hà mà nói chợ quê là một thứ gì đó vừa quen vừ a lạ, lại có nét đặc biệt. Ngày Tết, nhiều mặt hàng lựa chọn hơn bình thường, Bánh kẹo Nhi đã mua từ trước ngày Ông Công Ông Táo về trời. Hôm nay bà Thu và Hà đi mua nếp, đậu, lá dong… để gói bánh chưng.
Ngày bé, Hà thường hay quan sát ông nội và bố gói bánh, sau này lớn thêm chút nữa thì được chỉ dạy. Cô còn biết gói bánh tét, thứ bánh cùng nguyên liệu như bánh chưng nhưng hình thuôn dài. Bà Thu ngồi sau, ôm bó lá dong to chỉ đường cho Hà ngồi trước chở.
Về đến nhà, Tú và Sơn đã đem bộ bàn ghế ra sân xịt rửa lau chùi sạch sẽ.
Hôm sau, Nhi đem chiếu trải ra mái hiên trước nhà. Xấp lá xanh. Gạo nếp trắng. Đậu xanh vàng. Thịt tẩm ướp gia vị đỏ tươi. Từng món thừng món được đưa ra. Ống giang hôm trước đã được Sơn tước sợi tỉ mỉ. Cặp bánh vuông vức đầu tiên hiện ra dưới tay của Tú, Sơn gói chậm hơn:
– Anh lên thành phố học gói bánh chưng đấy à?
– Chuyện, anh mày giỏi sẵn cần gì học. – Tú trêu.
Bà Thu đã sang nhà tập thể cùng với các cô bác nấu ăn, chuẩn bị tất niên xóm. Cô bảo:
– Ở đây vui thật đấy, mọi người còn tổ chức tất niên chung. Chỗ chị chỉ có làm riêng từng nhà thôi.
– Ở đây nhiều cái thú vị lắm chị ạ. Chị sẽ biết từ từ mà.
– Ừ. – Hà cười.
Bốn người vừa gói bánh vừa trò chuyện vui vẻ. Có tiếng chó sủa vang lên. Ngọc cưỡi con xe đi vào, cặp bánh treo lủng lẳng đằng trước. Bầu không khí vui vẻ có phần đông cứng lại:
– Hello. Mẹ em gửi cho bác gái cặp bánh.
Nhi thay mặt nhận lấy đem vào nhà. Ngọc ngồi xuống cạnh Tú, ngắm nghía:
– Mọi người gói khéo quá, anh Tú chỉ em cách làm với.
Vẫn là phong cách như mọi hôm, Ngọc lại mặc một bộ đầm bó sát ngang đùi, ngồi xuống chỉ cần không cẩn thận một chút là lộ. Dường như không biết vợ chưa cưới của người ta ngồi đó. Ngọc ngồi chéo hai chân qua một bên, nghiêng người, vòng một căng tròn áp vào cánh tay đang bận rộn của Tú. Anh cố ý dịch người sang một bên. Cùng lúc đó Hà bảo:
– Anh Tú với Sơn đang bận. Em cũng biết gói này, nếu chị tin tưởng tay nghề của em thì để em chỉ cho chị nhé.
– Hà giỏi quá, vậy làm phiền Hà nhé. – Ngọc cũng cười cười đáp lại, âm thầm chửi: “Bố con ranh!”
Móng tay dài sơn sửa kĩ lưỡng dưới lớp lá bánh âm thầm nhéo Hà một phát. Cảm giác đau nhói truyền đến khiến Hà sửng sốt ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy một khuôn mặt dưới lớp phấn trang điểm ra vẻ hiền hòa nhưng vô cùng giả dối. Không chịu thua, Hà lấy mảnh lạt nhỏ nhưng được vót nhọn chọc cho cô ta một phát.
---------