Chu Toàn ngủ rất ngon. Sáng hôm sau, lúc cậu tỉnh dậy thì Bảo đầu bếp đã ăn sáng xong, đã tới nhà tổ họ Bảo bên kia trông coi rồi.
Chu Toàn tóc tai bù xù như tổ chim, yên lặng ngồi dậy. Cậu nhớ mang máng là hôm qua, sau khi quá chén thì hình như mình đã làm phiền trúc mã không ít, nhưng cụ thể là phiền kiểu gì thì cậu lại không nghĩ ra.
Chu Toàn vừa xoa huyệt Thái Dương còn đang nhâm nhẩm đau vừa đứng dậy gấp gọn đệm chăn, cất vào tủ, sau đó rửa mặt chải đầu rồi đi ra gian ngoài.
Lúc này, gian ngoài đã ngập tràn hương vị tươi ngon. Canh dê hầm gần một ngày một đêm trong chảo sắt ở phòng phía đông đã tiết ra tinh túy, hương vị bay ra từ khe hở nắp nồi nồng đậm đến mức gần như ngưng tụ ở trong phòng.
Cậu cúi đầu nhìn lòng bếp, bên trong vẫn có vài thanh củi to. Xem ra anh Bảo Cánh còn chưa hài lòng, muốn hầm thêm một lúc nữa, đến tận khi nước canh hút hết toàn bộ tinh hoa bên trong xương thịt ra mới thôi. Sau đó Chu Toàn lại đi tới bên cạnh chảo sắt ở phòng phía tây, mở vung nồi lên, quả nhiên bên trong là cơm sáng mà Bảo Cánh để phần cho cậu.
Chắc là đi vội nên sáng nay Bảo đầu bếp chỉ làm một món ăn cho Chu Toàn. Nhưng món này lại không qua loa chút nào: rau xào thập cẩm - có đủ cả nấm lẫn thịt.
Dưa chuột, mộc nhĩ, trứng gà, thịt thái lát, hành tây thái sợi, xanh, đen, vàng, đỏ trắng, năm màu ứng đối với năm cơ quan nội tạng trong cơ thể, vừa ngon vừa dinh dưỡng. Có thể nói là Bảo đầu bếp đã tận tâm tận lực với nhóc trúc mã của mình rồi.
Tuy Chu Toàn không biết nhiều tri thức về mặt dưỡng sinh, nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự quan tâm của anh với mình.
Bưng đĩa thức ăn, miệng ngậm màn thầu, cầm thêm bát đũa, Chu Toàn hạnh phúc mang cơm sáng của mình vào trong phòng.
Vì ăn một mình nên cậu cũng lười dọn bàn giường đất. Chu Toàn trải mấy tờ bướm quảng cáo thuận tay cầm khi đi siêu thị lúc trước xuống đất rồi đặt đĩa thức ăn và bát cơm lên trên luôn.
Một ngụm màn thầu một ngụm đồ ăn, Chu Toàn ăn đến hai má phồng lên. Tay nghề của Bảo đầu bếp thật đúng là không có gì để chê, dù chỉ là một món rau xào đơn giản thì anh cũng có thể làm ra hương vị thơm ngon bất ngờ.
Thật ra món này không dễ làm chút nào, nguyên liệu nấu ăn quá nhiều lại càng cần chú ý hương vị và thời gian xào nấu. Không cẩn thận làm hương vị không hòa hợp tốt, hoặc thứ tự cho nguyên liệu vào nồi không chính xác thì món này sẽ đi tong.
Ví dụ như trứng gà và dưa chuột đều là thứ phải xào nhanh, một khi quá lửa là trứng gà sẽ khô đi, mất vị béo bùi, dưa chuột không còn non giòn nữa mà còn ra nước, gián tiếp ảnh hưởng đến hương vị của các nguyên liệu khác. Mộc nhĩ và thịt thì lại nhất định phải xào chín, bằng không đừng nói hương vị, có an toàn hay không còn phải xem lại.
Chuyện sống hay chín đã khó khống chế rồi, thêm hành tây lại là nguyên liệu nấu ăn có hương vị rất đậm, dùng tốt thì là dệt hoa trên gấm, dùng không tốt thì toàn bộ món ăn đều bị ảnh hưởng - có thể nói là một trong những thứ có thể thử tay nghề của đầu bếp rõ nhất.
Bảo đầu bếp xử lí mọi thứ đều cực kì đúng tầm: dưa chuột tươi giòn ngon miệng, trứng gà trơn mềm thơm béo, mộc nhĩ và thịt đều vừa chín tới, thịt mềm, mộc nhĩ giòn, quá một chút thì khô mà kém một chút lại chưa chín, hành tây chỉ làm những nguyên liệu khác thơm ngọt hơn mà không dính chút mùi lạ vào cả.
Món rau xào thập cẩm vừa khai vị vừa dinh dưỡng này hoàn toàn chinh phục Chu Toàn. Cậu chỉ dùng một cái màn thầu đã ăn sạch cả đĩa đồ xào!
Chu Toàn xoa cái bụng tròn xoe, nằm ngửa trên giường sưởi nhìn ngăn kéo tủ cách đó không xa, lưỡng lự xem có cần lấy vài viên thuốc tiêu hóa ra uống hay không.
Nhưng cậu nghĩ một lúc lại thấy thuốc tiêu hóa hẳn là không tiêu thực nhanh bằng làm việc nên dứt khoát đứng dậy, tìm người giúp mình khiêng màng plastic và lưới che nắng đến nhà kính bên kia.
Anh họ Văn Lễ làm ca chiều bị cậu kéo tới, Bảo Nhị Long cũng xung phong nhận việc, vợ chồng cậu mợ đi theo con trai, cuối cùng ngay cả bà dì cũng đội mũ rơm nói sẽ giúp cậu kéo màng plastic.
Chu Toàn bị bà dì dọa đến đầu gối mềm nhũn, suýt chút nữa quỳ rạp xuống đất. Cậu nơm nớp lo sợ tìm một chỗ sạch sẽ để bà ngồi, tỏ vẻ bà cụ chỉ cần chỉ huy, chuyện khác cứ giao cho đám con cháu trẻ trung khỏe mạnh là được.
Việc kéo màng plastic và lưới chống nắng cho nhà kính vừa cần thể lực lại vừa cần kỹ thuật, nếu kéo không thẳng hoặc đóng không chắc thì thì lúc sử dụng nhà kính trong tương lai sẽ xuất hiện rất nhiều phiền toái.
Chu Toàn đã bảy, tám năm không ra ngoài ruộng làm việc nhà nông nên tay chân vụng về luống cuống hết sức. May mà nhà cậu cả đều là nông dân chuyện nghiệp, nhờ họ giúp mà chỉ tốn một buổi sáng, bốn cái nhà kính của cậu đều đã được xử lí xong.
Chu Toàn vươn tay lau mồ hôi trên mặt, lúc cậu ngẩng đầu lên lại thấy Bảo Nhị Long gần đó đang chỉ vào mặt cậu cười như điên.
Chu Toàn không hiểu ra sao, tưởng mặt mình dính cái gì nên lại thò tay lên xoa vài cái, nhưng cậu càng sờ thì thấy thằng bạn cười càng kinh dị hơn. Không chỉ cậu ấy mà ngay cả Trần Văn Lễ cũng bắt đầu cười theo, không ngừng nhìn Chu Toàn cười như heo.
Cuối cùng vẫn là bà dì ngồi bên cạnh phẩy quạt hương bồ nhắc cậu: “A Toàn, đừng sờ nữa, tay con dính toàn đất lúc làm việc kìa, bôi trên mặt thành bùn lầy hết rồi. Mặt con bây giờ cũng không khác mặt mèo là mấy đâu.”
Chu Toàn nghe vậy vội kéo áo sơmi định lau mặt, nhưng rồi lại tiếc áo dính bùn, cuối cùng đành phải buông xuống rồi tự an ủi bản thân: “Dù sao mặt đều đã như vậy rồi, đừng làm bẩn thêm cả áo nữa thì tốt hơn.”
Nhưng bị người ta cười nhạo mà không trả thù thì không phải là Chu Toàn. Cậu giả vờ lơ đãng chắp tay sau lưng đi đến bên cạnh hai người kia, tranh thủ lúc họ không chú ý thò tay bôi đất lên mặt cả hai. Làm xong Chu Toàn quay đầu chạy thẳng, hai người kia bị tấn công bất ngờ, ngẩn người ra một chốc rồi sau đó gào toáng lên đuổi theo cậu.
Ba cậu thanh niên hai mươi mấy tuổi đuổi nhau chạy khắp núi đồi, đây bôi một cái kia trét một cái, chẳng mấy chốc đã đen xì bẩn thỉu.
Mợ chống nạnh, chỉ tay vào ba con khỉ bùn đang ủ rũ cụp đuôi mắng: “Mấy đứa bao nhiêu tuổi rồi hả? Sao vẫn còn y như lũ trẻ con thế? Ra sông tẩy rửa ngay, sạch sẽ mới được về.”
Ba người bị mắng không dám cãi lại, ngoan ngoãn xếp hàng xuống chân núi, dòng suối nhỏ ở đây chính là một nhánh thượng nguồn của con sông nhỏ chảy qua thôn.
Lúc ba người đang ngồi xổm bên suối vốc nước rửa mặt thì nhóc mập Bảo Viêm tới, thấy họ thì nhóc vội nói: “Anh A Toàn, anh Nhị Long, anh Văn Lễ, anh A Cánh bảo em dặn mọi người giữa trưa tới nhà anh A Toàn ăn cơm.”
Nói xóng nhóc mập này còn ngẩng đầu nhìn lên nhà kính trên đỉnh núi vài lần, rõ ràng là “mọi người” này không chỉ có đám Chu Toàn.
Chu Toàn gật đầu, vẫy tay xua nhóc mập đi chơi, ba tên đã rửa mặt sạch sẽ lại quay lêи đỉиɦ núi.
Ở nhà kính bên này, cậu cả đã cẩn thận kiểm tra toàn bộ nhà kính nhà họ Chu thêm lần nữa, thấy không có gì sơ sót thì chuẩn bị cùng người nhà về ăn cơm trưa. Nhưng ông chưa kịp mở miệng thì Chu Toàn vừa lên tới nơi đã nói trước: “Cậu, mợ, bà dì, giữa trưa đến nhà con ăn cơm đi.”
Cậu cả cực kì hiểu biết trình độ nấu nướng của cháu mình, ông nghe vậy thì hừ một tiếng: “Đến nhà con ăn gì? Mì ăn liền hay là đồ đông lạnh? Mấy hôm nay dạ dày cậu bây không tốt, mấy thứ không dễ tiêu hóa đó thì miễn đi.”
Nói rồi cậu cả cầm nông cụ chuẩn bị xuống núi về nhà. Biết cậu thích canh dê, Chu Toàn cố ý không nói gì, đợi ông đi ngang qua mình mới giả vờ tiếc nuối nói: “Ầy, anh Bảo Cánh hầm canh dê một ngày một đêm đấy, cậu thật sự không đi nếm thử hả?”
Cậu cả cõng cuộn dây thừng nghe vậy lập tức dừng lại, lùi vài bước tới bên cạnh Chu Toàn hỏi: “Bây vừa nói gì?”
“Hôm qua anh Bảo Cánh hầm canh dê, nói là dê đực con, mới mười tháng tuổi, nuôi thả. Canh dê nấu cả đêm, sáng nay dậy thơm ngập phòng luôn, vừa rồi Bảo Viêm lại đây gọi chúng ta đi ăn, chắc là canh dê nấu xong rồi.”
Cậu cả nghe vậy lập tức mở to hai mắt, kia chính là canh dê chính tông của nhà họ Bảo đấy, đã mười mấy năm ông không được uống rồi, vừa nghĩ tới đã chảy nước miếng. Nhưng vừa rồi ông mới nói không ăn, hiện tại thu lại thì có phải thực mất mặt không?
Cậu cả phân vân một hồi giữa canh dê và mặt mũi, cuối cùng bát canh dê nóng hôi hổi thơm nức mũi trong đầu vẫn chiến thắng sĩ diện.
“Khụ khụ, cậu mới nhớ tới, hình như trong nhà còn chưa nấu cơm, lúc này về còn phải nhóm lửa, vậy tới nhà con ăn một bữa cho đỡ tốn công vậy.”
Mấy người trẻ tuổi thấy bộ dáng lắp bắp của trưởng thôn đều mím miệng cười trộm, mợ thì nhìn ông chồng mình mà mắt trợn trắng. Chỉ có bà dì, phẩy quạt hương bồ khinh thường nhìn con trai.
Xì, người mấy chục tuổi còn giống như con nít, cái tật xấu mạnh miệng của A Toàn nhất định là di truyền từ cậu nó!