Chương 15: Ân Và Tình

Sáng sớm hôm sau, Chu Toàn tỉnh lại trong hương thức ăn thơm phức.

Cậu ngái ngủ dụi mắt, tóc xù như ổ gà bò ra khỏi chăn, vừa ngáp vừa mặc quần áo.

Hẳn là người bên ngoài nghe được tiếng động trong phòng, thanh niên cao lớn cầm xẻng lật thức ăn vén rèm nhìn vào trong phòng, nói với Chu Toàn đang gấp chăn: “Anh nấu xong rồi, rửa mặt rồi ra ăn cơm sáng đi.”

Chu Toàn ngoan ngoãn ôm chậu rửa mặt đến gian ngoài múc nước. Lúc cậu đi ngang qua bệ bếp thì phát hiện cái chảo sắt to ở phòng tây đang luộc mì sợi.

Tuy hôm qua mới đi siêu thị nhưng Chu Toàn dám chắc rằng mình không mua mì sợi. Vì không giỏi nấu ăn nên trong những thứ cậu mua, ngoài một vài đồ dùng sinh hoạt cơ bản như dầu muối tương dấm thì các loại thức ăn nhanh là nhiều nhất. Ví dụ như mì ăn liền, cháo bát bảo, sủi cảo đông lạnh, chân giò hun khói, lạp xưởng, bánh quy,...

Thế mì sợi đang luộc trong chảo sắt là ở đâu ra? Anh Bảo Cánh làm gì trong phòng bếp thế?

Cậu đang nghĩ ngợi thì Bảo đầu bếp mặc tạp dề hoa nhí màu lam đi ra phòng bếp - tay cầm một bát chứa thứ gì đó như món kho - nói với Chu Toàn đứng bên ngoài: “Ngơ ngác cái gì nữa? Mau rửa mặt đánh răng, xong còn ăn cơm.”

Chu Toàn nghe vậy nhanh chóng vệ sinh sạch sẽ, lúc về phòng còn không quên mang một chậu nước sạch cho trúc mã vất vả làm cơm sáng.

Vào phòng, Bảo Cánh đã sắp xong bàn giường đất, mì sợi lấy ra ngâm vào nước lạnh rồi đổ vào bát to mang lên, món kho và cơm cũng đã bày xong.

Chu Toàn bưng chậu rửa mặt vào nhà, vừa vén rèm lên đã ngửi thấy mùi thơm điếc mũi. Cậu nhìn trong phòng vài lần, phát hiện mùi hương này phát ra từ bát món kho đặt trên giường đất. Cậu tò mò buông chậu nước xuống rồi qua nhìn, món kho trong bát là đậu hủ và lạp xưởng.

Lạp xưởng có trong tủ lạnh, nhưng đậu hủ thì ở đâu ra?

Chu Toàn không nhịn được mà hỏi trúc mã ngồi trên giường sưởi: “Anh Bảo Cánh, anh lấy mì sợi với đậu hủ ở đâu thế? Em nhớ là trong nhà đâu có mấy thứ này đâu?”

“Mì sợi với đậu hủ mua ở tiệm tạp hóa nhà Bảo Nhị Long, lạp xưởng là loại nhân thịt và tỏi trong tủ lạnh của em, loại lạp xưởng này nhiều mỡ lại thơm mùi tỏi, kho với đậu hủ cực kì hợp.”

Lúc anh nói chuyện thì Chu Toàn đã xới đầy bát cơm của hai người, đang dùng muỗng múc nước sốt món kho ra rưới lên bát mì của mình.

Đậu hủ miếng và lạp xưởng thái lát kích cỡ thống nhất, nước sốt sền sệt màu nâu nhạt rưới lên mì sợi trắng như tuyết, nóng hầm hập. Chu Toàn đã sớm bị mùi hương đánh gục nên không để ý Bảo Cánh nói gì, chỉ tập trung trộn mì rồi gắp vào miệng một miếng to.

Nước sốt đặc sánh, thơm nức, đậm vị bọc kín sợi mì dai giòn, mùi thơm của lạp xưởng tỏi nghiền và mỡ được đậu hủ hút trọn khiến thứ vốn nhạt nhẽo này có hương vị như thịt vậy. Đậu hủ rán non ngoài giòn trong mềm, vừa non mềm ngon miệng vừa giảm bớt mỡ ngấy của lạp xưởng. Béo mà không ngấy, mềm mà không nát, lạp xưởng và đậu hủ đã phát ra toàn bộ sức mạnh trong món kho này!

Lúc này Chu Toàn đã hoàn toàn tin tưởng Bảo Cánh chỉ bằng tay nghề là có thể có cổ phần trong một công ty ăn uống. Chỉ với việc có thể làm mì sợi và lạp xưởng đậu hủ kho đơn giản ngon thế này là đã biết Bảo đầu bếp có trình độ cao thế nào rồi.

Chu Toàn vừa vùi đầu ăn vừa tranh thủ giơ ngón tay cái khen ngợi trúc mã.

Ngon quá đi mất, sao chỉ dùng nguyên liệu đơn giản mà lại có thể làm ra món ăn ngon miệng như vậy cơ chứ? Cho em bát nữa!

Cơm sáng xong, Chu Toàn phình bụng nằm ngửa trên giường đất, no tới mức nấc cụt không ngừng. Bảo Cánh ngồi bên cạnh, vừa nhẹ nhàng xoa bụng giúp cậu dễ tiêu vừa nói chuyện phiếm.

Đúng lúc này, Trần Văn Lễ đẩy cửa vào nhà. Thấy em mình giống con mèo con nằm trên giường sưởi cho người ta xoa bụng, Trần Văn Lễ biết ngay là sáng nay thằng nhóc này ăn không ít rồi.

Trần Văn Lễ vỗ nhẹ một cái lên cái bụng tròn căng của đứa em, cười xấu xa nói: “Xem cái bụng kìa, cái danh con mèo tham ăn của mày không chạy được rồi em ạ.”

Chu Toàn giãy giụa hất tay ông anh ra, kiên quyết bảo vệ danh dự: “Không phải em tham ăn, là tại anh Bảo Cánh làm cơm ngon quá.”

“Sáng nay bà nội còn định bảo anh gọi chúng mày sang ăn cơm, mà bị anh cản lại. Có thằng nhóc Bảo Cánh này thì chắc chắn sẽ không để mày bị đói, y như rằng!”

Chu Toàn nghe vậy thì đá chân vài cái, tỏ vẻ đúng là mình ăn rất ngon miệng, bộ dáng vô lại kia làm Trần Văn Lễ không nhịn được mà mắng thêm vài câu.

Lúc họ đang nói giỡn thì điện thoại của Bảo Cánh đột nhiên vang lên.

Thấy anh nghe điện thoại, Chu Toàn và Trần Văn Lễ đều rất ăn ý hạ giọng xuống. Người thanh niên cao lớn nhận điện thoại rồi nói: “Tôi ở bên này, các anh tới thẳng đây là được.”

Sau khi cúp điện thoại, Bảo Cánh nói với hai người: “Là đội thi công hỏi anh có ở trong thôn không, nếu có thì hôm nay họ tới làm việc luôn.”

“Vậy chúng ta đi mở cửa trước đã, cánh cửa gỗ to đùng nhà anh mà không có chìa khóa thì muốn nhảy vào cũng khó.”

Nhiều năm trôi qua, Chu Toàn lại lần nữa đi vào nhà tổ họ Bảo, ngoài việc càng sập xệ hơn thì nơi này chẳng khác gì hình ảnh trong trí nhớ lúc nhỏ của cậu cả.

Nghe nói căn nhà này đã có ít nhất gần 200 năm lịch sử, xây dựng vào cuối thời Thanh đầu thời Dân Quốc. Ban đầu, tòa nhà này chỉ có ba sân, hai mươi mấy gian phòng, lúc ông nội Bảo trở về lại xây thêm một sân nữa, từ ba sân thành bốn sân.

Sân cuối cùng kia xây cùng lúc với nhà Chu Toàn, kết cấu ngói và bê tông cốt thép, là sáu gian phòng kiểu nông thôn Đông Bắc bình thường, không có đặc điểm gì nên ý tưởng của Bảo Cánh ở chỗ này cũng là nhiều nhất.

Sau khi đưa đội thi công vào nhà, Bảo Cánh dẫn người phụ trách đi một vòng rồi nói: “Tòa nhà này đây, toàn bộ kiến trúc cơ sở đều không được phá, lúc tu sửa cũng nhất định phải bảo trì bộ dáng cổ xưa. Mỗi sân đều phải xây phòng vệ sinh và phòng tắm vòi sen, bề ngoài phải phù hợp với phong cách chung của tòa nhà. Phòng bếp lớn cũng phải xây thêm, có thể cải tạo dãy nhà phía tây thành phòng giặt và phòng nước ấm, bể khí mêtan cố gắng xây kín một chút, trong sân phải trồng thêm một ít hoa cỏ nữa.”

Người phụ trách đội thi công cẩn thận lắng nghe yêu cầu của khách hàng, thỉnh thoảng còn gọi người trong đội đo đạc.

Sự náo nhiệt trong nhà tổ họ Bảo nhanh chóng thu hút ánh mắt của người trong thôn. Thôn dân ở gần liên tục đến xem, Bảo Cánh cũng đều nhiệt tình đón tiếp. Lúc đội thi công đang bàn bạc phương án cải tạo với Bảo Cánh thì một thiếu niên chừng 13, 14 tuổi chui ra khỏi đám đông.

Đó là em họ của Bảo Cánh, cháu nội ông cụ Bảo.

Thấy cậu nhóc lại đây, Chu Toàn không khỏi hỏi: “Tiểu Viêm, sao em lại đến đây? Tìm anh em à?”

Lúc Bảo Cánh đi thì cậu nhóc này mới 3, 4 tuổi, phỏng chừng cũng không nhớ gì về người anh này, chắc là đi truyền lời cho người khác.

Quả nhiên sau khi nghe Chu Toàn hỏi, Bảo Viêm tò mò nhìn người thanh niên cao lớn đứng giữa vài lần rồi mới mở miệng: “Anh A Toàn, ông nội bảo em đến nhà tổ tìm anh Bảo Cánh, bảo anh ấy lúc nào rảnh thì đến nhà em một chuyến.”

Chu Toàn nghe vậy thì gọi Bảo Cánh một tiếng, lúc anh tới, nhóc mập Bảo Viêm lại nhắc lại lời ông dặn lần nữa.

Bảo Cánh nghe vậy thì nói luôn: “Bây giờ anh đang có thời gian, anh sang nhà ông chú luôn đây.”

Trước khi anh đi, Chu Toàn đuổi theo nói: “Em vừa hỏi thiết kế sư kia rồi, anh ta nói từ lúc cải tạo đến lúc ở được ít nhất cũng mất hơn 2 tháng. Anh đã về thôn rồi thì cũng đừng ở khách sạn nữa, dọn đến nhà em ở tạm một thời gian đã, chút nữa em sẽ tìm chăn đệm của anh ra phơi nắng.”

Nhà ông cụ Bảo ở rìa ngoài thôn, chỗ gần đường cái, đây là chỗ ông cụ chọn thời trẻ, lúc mới ra sống một mình.

Lúc Bảo Cánh đi theo em họ vào nhà, ông cụ Bảo đang nghe radio hút tẩu thuốc. Thấy Bảo Cánh đến, ông cụ cầm tẩu thuốc gõ vài cái lên thành giường sưởi rồi nói với cháu mình: “Không có chuyện gì nữa, đi chơi đi.”

Chờ cậu nhóc vui vẻ chạy ra ngoài, ông cụ Bảo hút một ngụm thuốc, nhìn Bảo Cánh đứng dưới đất vài lần.

“Lớn rồi, ra dáng đàn ông rồi. Đừng đứng, ngồi xuống đi.”

Bảo Cánh nghe vậy thì chào “ông chú” rồi mới ngồi xuống thành giường đất.

Ông cụ Bảo nhả một vòng khói ra, ho nhẹ một tiếng: “Thằng nhóc con là đứa cí chính kiến, lúc trước con còn nhỏ như vậy, ông càng không muốn con đi ra ngoài kiếm ăn con lại càng muốn đi. Bây giờ sống tốt, không làm lãnh đạo của công ty lớn trong thành phố lại muốn trở về, thật không hiểu thằng nhóc con đang nghĩ gì nữa.”

Bảo Cánh nghiêng đầu, nhìn ánh mặt trời bên ngoài cửa kính: “Lúc trước con nhất định phải đi, không đi con không học được cái gì cả, cũng không nhìn thấy thế giới bên ngoài. Hiện tại con nên trở về, trở về trả nợ lúc trước.”

“Nợ gì? Con nợ cái gì? À, là lúc ông ngoại con mất mọi người gom tiền đúng không? Chuyện đã bao lâu rồi? Hơn nữa, lúc ấy mọi người bỏ tiền bỏ công cũng là vì ông ngoại con, không liên quan đến con, con không nợ ai cả.”

“Ông chú, lúc trước ông ngoại con đi, trong nhà một xu cũng không có, ngay cả tiền tiết kiệm cả đời của ông chú cũng mang ra đóng viện phí cho ông con. Ông ngoại con có được đám tang đâu ra đấy cũng là nhờ già trẻ cả làng góp sức. Con không có năng lực thì không nói, có năng lực thì sao không trở lại giúp mọi người một chút? Bản vẽ cải tạo nhà tổ đều đã xong xuôi cả rồi, ông cho con thử một lần đi.”

“Con cùng ông ngoại giống hệt nhau, mặt mũi giống mà tính tình cũng giống, nhớ ân cũng nhớ tình. Được rồi, dù sao nhà tổ là của anh ông, hiện tại là của con, con muốn sửa thế nào thì sửa thế đó, nếu ai có ý kiến gì thì cứ bảo người ta đến tìm ông.”

“Cảm ơn ông chú.”

“Khách khí với ông làm gì. Bên nhà tổ sửa sang lại còn mất nhiều thời gian đấy, ở khách sạn mãi cũng không tốt, con thu thập hành lý đến chỗ ông ở đi.”

Bảo Cánh nghe vậy cười khẽ: “Ông đừng để ý chuyện này, con đã được người ta cho ở nhờ rồi.”

Vì thế, lúc Chu Toàn dọn dẹp nhà kính cả ngày, eo đau chân mỏi về nhà, vừa đẩy cổng ra đã thấy chiếc Ford Eagles quen thuộc đỗ trong sân. Trúc mã chân dài buộc tạp dề ngồi xổm trong vườn, vừa hái rau vừa sai bảo cậu: “Về rồi à? Đúng lúc đấy, rửa rau hẹ cho anh.”

Chu Toàn:.........