Chương 26

ĐOẠN 26

Nếu anh có ý muốn hàn gắn, vậy sao mỗi lần nói chuyện về một vấn đề nào đó anh luôn luôn cáu kỉnh khó chịu với tôi. Hơn nữa, anh và Nguyệt là như thế nào đến nay anh vẫn không một lời giải thích rõ ràng. Thứ tôi cần không phải là anh nói lời ngọt ngào là tôi sẽ quay lại ngay, tôi cần có lại sự tin tưởng ở chỗ anh, muốn thấy thành ý và quyết tâm về một mái ấm gia đình. Nhưng… Đăng chưa cho tôi thấy điều đó ở anh.

-Con có từng nghĩ nó trưởng thành hơn con, nó có những suy nghĩ, định kiến riêng của nó, con thì lại còn quá trẻ, có những việc con làm mẹ thấy không thỏa đáng cho lắm. Ví như hôm nay, con không nên xúi giục một cô gái khác đến công ty làm loạn.

-Con… con biết là không nên, nhưng mà… con ghét Nguyệt, con không muốn cô ta đắc ý.

-Không muốn cô ta được như ý thì việc đầu tiên con cần làm đó chính là phải thật bình tĩnh, dù cô ta có nói gì, có làm gì khiến còn không hài lòng con cũng không được bộc lộ ra ngoài cho cô ta thấy. Điều thứ hai, đó là cô ta muốn thứ gì của con, con buộc phải nắm chắc trong tay, không được buông ra cho dù là thứ con không cần nữa cũng không được vứt cho nó. Lúc nào con cũng phải tỏ ta tự tin và chắc chắn mình là người chiến thắng. Khi con làm được những điều trên thì cô ta ở trong mắt con chẳng phải là hạt bụi nữa và nó cũng sẽ tự chuốc bực tức về mình thôi.

-Dạ.

-Tầm tuổi của con luôn muốn làm gì đó tạo ấn tưởng với đối phương, để đối phương nhớ nhung để ý đến mình. Nhưng khi đã trưởng thành rồi, ở độ tuổi của thằng Đăng, con sẽ thấy những điều đó là vô cùng ẫu trí. Không vì Đăng là con trai mẹ mà mẹ nói giúp cho nó, mẹ là thương con, muốn con chín chắn hơn trong suy nghĩ và hành động của mình. Mẹ không dám mong ngay tức thì con tha thứ cho lỗi lầm của nó, vì nó sai nó đáng phải chịu sự lạnh nhạt của con. Nhưng biết sai và sửa đó cũng là điều quan trọng và hơn hết con có nhìn nhận sự thay đổi của nó hay không. Con vẫn còn yêu nó, đúng không?

Tôi rũ đôi mi xuống, gật nhẹ đầu nói với mẹ bằng giọng man mát buồn:

-Con sợ tình cảm của mình chẳng có ý nghĩa gì với anh ấy. Con cũng muốn chúng con được như những cặp vợ chồng khác nhưng cũng sợ một lần nữa bị bỏ rơi. Vậy nên con nửa muốn đánh cược với duyên phận, nửa lại muốn buông tay. Nhưng mẹ ơi, bảo con có thể ngay lập tức vui vẻ với anh ấy, xem như không có chuyện gì thì con không làm được, con cần thời gian mẹ ạ.

-Mẹ hiểu. Con biết không, ngày xưa lúc bố đi lấy người ta, mẹ cũng từng giống như con. Có đau khổ, có thất vọng, có cả chán ghét với bố, có mông lung, mẹ đã từng thử buông tay bố, nhưng lý trí lại không thẳng nổi con tim. Một thời gian sau cũng vì yêu mà mù quáng, chấp nhận bị mang tiếng là người thứ ba giật chồng của người khác, nhưng mẹ không hối hận. Bởi vì yêu là cho dù biết mình ngốc nghếch, biết mình phải trả giá mà vẫn cố mềm lòng thêm một lần nữa.

-Bố mẹ yêu nhau thì dẫu có trải qua biến cố vẫn sẽ quay về bên nhau. Còn con và Đăng… chỉ có mình con đa tình.

Mẹ nhẹ nhàng nắm lấy một bàn tay tôi, mẹ bảo:

-Có lẽ lúc này mẹ nhắc đến một người mà con không muốn nghe nhưng mẹ vẫn muốn nói.

-Ai vậy ạ?

-Là Diên.

Đúng vậy, người tôi không muốn nghe tên nhất chính là chị Diên. Không phải tôi ghen tuông với chị ấy, hay ghét bỏ điều gì mà là biết bản thân mình thua kém chị ấy, mỗi lần nghe thôi đã thấy khác nhau một trời một vực. Thậm chí tôi còn tưởng tượng ra được ánh mắt và thứ tình cảm đậm sâu nhất Đăng luôn dành cho chị ấy.

Mẹ nói:

-Mẹ không rõ với những cô gái trước kia Đăng đối xử với họ ra sao, nhưng em chắc chắn một điều từ ngày con bước vào cuộc sống của nó, ngoài Diên ra thì con là người thứ hai nó quan tâm và đối tốt nhiều nhất.

-Đó là vì thói quen thôi ạ. Anh ấy nói coi con như em gái, nên có lẽ đối tốt với con đã thành một phần trách nhiệm như đối với bố mẹ ạ.

-Con đã từng nghe câu: tình yêu có thể mất đi còn tình thân thì mãi mãi chưa? Nếu nó nói đối tốt với con là thói quen thì chính là nó đã coi con như một phần máu thịt không thể tách rời cũng chẳng thể mất đi. Có lẽ chính nó cũng không biết từ bao giờ con đã hoàn toàn bước vào cuộc sống của nó, trở thành một phần không thể thiếu của nó.

-…

-Lần trước mẹ có đến công ty, cũng gặp qua con bé kia, khi ánh mắt Đăng nhìn con bé đó, mẹ không biết phải diễn tả sao cho con hiểu nhưng mẹ dám chắc đó không phải là ánh mắt của một người đàn ông nhìn đến người phụ nữ mình yêu. Vì mẹ từng thấy ánh mắt Đăng nhìn Diên khi con bé còn chưa lấy Thiên, nó thâm tình và chất chứa nhiều điều lắm. Nhưng giờ thì không vậy nữa rồi, với mọi người nó đều dùng ánh mắt bình đẳng như nhau… Riêng với con chắc khác đấy.

-Khác chỗ nào ạ? Mẹ cũng thấy đó, bọn con đến nói chuyện cũng không nhỏ nhẹ được nữa.

-Đôi khi bất đồng quan điểm cũng là một phần mẫu chốt giúp cả hai hiểu rõ về đối phương hơn. Bố mẹ cũng có lúc cãi nhau mà, quan trọng là cãi xong là xong, không ghét bỏ, không chán ngấy nhau là được.

-…

-Mẹ biết con không muốn làm lành với nó ngay và mẹ cũng đồng tình với quyết định này của con. Con lạnh nhạt cũng được, thờ ơ cũng tốt, đó sẽ là phép thử tốt nhất cho tình cảm của hai đứa. Nếu sau tất cả Đăng nó thay đổi để lấy lòng con, đổi lấy một nụ cười, tiếng nói của con thì con đã từng bước có được trái tim nó đấy. Nhiều lúc con người ta dễ dàng có một thứ gì đó có khi lại không biết trân trọng, phải mất nhiều thời gian, bỏ nhiều công sức, khó khăn lắm mới có được thì sẽ biết nâng niu, yêu quý hơn. Nghe lời mẹ, bình tâm suy nghĩ thật kĩ, hai đứa nên nhường nhịn nhau, đừng cãi nhau vì một kẻ dư thừa không đáng.

-Vâng. Con sẽ suy nghĩ thật kĩ lời mẹ dạy ạ.

Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, khi yêu phải biết phân tách giữa lý trí và con tim, để khi nào đau khổ lý trí sẽ bảo mình dừng lại kịp thời đúng lúc. Nhưng tôi lại không làm được điều đó, ý chí không kiên định, bản thân lại không có chính kiến trước Đăng, nói đúng hơn là khoảng thời gian chúng tôi xa nhau chưa đủ để tôi hết yêu anh. Tình yêu có một sức mạnh ghê gớm lắm, nó có thể hủy diệt tất cả những nghĩ suy trong mỗi chúng ta, biến mình thành một kẻ ngốc nghếch trước người mình yêu thương. Khi đã quyết định yêu ai đó, tôi thường dẹp bỏ những tính toan của lý trí, bởi vì dù có lý trí đến đâu cũng sẽ trở nên vô dụng trước con tim mà thôi.

Tôi biết mình kém cỏi, có những lời đã nói ra nhưng lại không thực hiện được, điều duy nhất tôi có thể làm bây giờ là nghe lời góp ý của mọi người. Mẹ nói: “lạnh nhạt và thờ ơ sẽ là phép thử”, anh Duy nói: “muốn có một thứ gì thì cứ để nó đi…” và cả lời sư cô nữa: “không cố ý theo đuổi thì có, bỏ tâm cố gắng lại chẳng thành”. Suy cho cùng vẫn là để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên nhất, không gượng ép, không cưỡng cầu. Nếu chúng tôi còn nợ sẽ về bên nhau, nếu hết duyên tôi chấp nhận buông tay, không vấn vương nữa.

Từ sau hôm nói chuyện với mẹ, tôi không còn quá để tâm đến Đăng, thay vào đó tôi chọn cách bình đẳng với anh, không gây gấn, không cãi nhau, không đôi co. Có lẽ không riêng gì mẹ nói chuyện khai sáng cho tôi mà cả Đăng cũng đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ.

Thời gian trôi thêm một tuần nữa, anh Duy vẫn chưa ở Sài Gòn về nhưng cũng không thiếu những cuộc gọi cho tôi. Không biết do tôi thay đổi nên thấy ai cũng có chút thay đổi hay là do anh Duy có tâm sự gì đó, mỗi lần gọi video call cho tôi, qua màn hình điện thoại tôi cảm thấy anh ấy cứ lơ mơ như người bị hớp mất hồn. Nói chuyện mà không tập trung, cứ để tôi phải gọi mấy lần và lại hỏi vừa rồi tôi đã nói gì, biểu hiện như vậy giống đang tương tư một cô gái nào rồi cũng không biết chừng.

Vào một buổi chiều thứ sáu nọ, tôi đang ở ngoài vườn hoa tưới cây cùng bác Tư thì có một chiếc xe ô tô 16 chỗ chạy vào sân nhà. Tôi đang ngó nghiêng xem ai đến thì người đầu tiên bước xuống không khỏi làm tôi ngạc nhiên vì sự xuất hiện của anh ấy ở đây.

Anh Thiên và anh Hiếu xuống xe, sau đó là vợ con của họ và cả Quỳnh, em gái út trong nhà. Bình thường chỉ khi bố mẹ Đăng mở tiệc mọi người mới có mặt đông đủ, hôm nay cả nhà họ lại đến đây làm gì thế nhỉ? Tôi đặt vòi nước xuống, đi đến chào mọi người:

-Em chào anh chị ạ.

Mọi người đều gật đầu đáp lại tôi, con gái anh Hiếu lon ton chạy lên trước bảo:

-Con chào thím Di.

-Ừ, chào con.

-Thím ơi, mau mau chuẩn bị đi, chúng ta đi chơi thôi.

-Đi chơi?

Tôi khó hiểu nhắc lại, chị Linh tiến tới giải thích:

-À… Cuối tuần mọi người đều được nghỉ, mấy anh chị em nhà mình lâu rồi chưa đi chơi nên sáng nay vừa lên kế hoạch thế là chiều đi liền luôn cho nóng.

-Đi đâu vậy ạ?

-Ba Vì. Đăng chưa về sao em?

-Em không biết, anh ấy không sống ở đây.

Nghe vậy, mọi người liền đưa mắt nhìn nhau mấy giây, ngay sau đó Quỳnh lên tiếng:

-Chắc anh ấy đang trên đường về ạ. Lúc trưa em nhắn tin thấy bảo chiều họp xong sẽ về luôn. Thôi thì bọn mình cứ chuẩn bị trước, đợi anh ấy về thì lên đường là vừa đẹp.

Tôi không biết kế hoạch của mấy anh em nhà này nên nhất thời không hào hứng cho lắm. Đang muốn từ chối xin phép không đi thì bố Vũ từ trong nhà đi ra, thấy các con đến bố cười cười nói:

-Mấy đứa đến chơi đấy à, vào nhà đi, sao đứng ngoài sân thế này.

** Bin – con anh Thiên chạy tới ôm chân ông nội bảo:

-Ông ơi, cả nhà mình đi chơi đấy.

-Oh… Đi đâu thế?

-Ba Vì ạ. Con và em Bông mang nhiều đồ chơi lắm, cho em An chơi cùng.

-Thế hả. Sao mấy đứa đi chơi mà ông bà không biết gì thế?

Bố Vũ vừa hỏi dứt lời, anh Thiên mặt lạnh tanh nói:

-Gia đình bốn anh em bọn con đi thôi. Bố mẹ có tuổi rồi nên ở nhà ạ.

-Cái thằng này… bố mẹ thèm vào mà đi, để cho mấy đứa trẻ các con chơi với nhau.

-Vâng.

-Bố mẹ đi chỉ sở trông cháu cho các anh các chị.

-Mấy đứa nhóc giao cho cái Quỳnh rồi.

Quỳnh nghe vậy thì bất mãn nói:

-Em biết ngay mà, anh chị chỉ coi em như bảo mẫu thôi.

-Ai mượn em không lấy chồng đi, có người yêu cũng được, nhưng tiếc là không có thì phải chịu thiệt thòi. Thế thôi.

-Anh Thiên!

-Gì?

-Anh chị tự đi mà trông ** Bin.

Vợ chồng anh Thiên không đáp, còn mọi người thì bật cười thành tiếng. Chị Diên nhìn tôi bảo:

-Di, em vào chuẩn bị đồ cho hai mẹ con đi, chúng ta đi hai ngày ba đêm nhé.

-Dạ?

-Dạ gì, đi nhanh lên nào.

-Em… em có thể…

Tôi đang muốn hỏi “em có thể không đi không”, thì chợt tiếng còi xe ô tô của Đăng kêu lên vài tiếng. Mọi người cùng quay đầu nhìn đến, anh bước xuống xe trên tay cầm theo một túi đồ đi đến cạnh tôi, nói một câu:

-Anh chuẩn bị hết rồi, chúng ta đi chơi thôi.

Tôi còn chưa đồng ý mà, mọi người đi chơi đều lên kế hoạch với nhau từ trước, trong khi có mỗi mình tôi là người biết cuối cùng. Tôi không mấy hòa nhập với anh em nhà Đăng thì sao có tiếng nói chung với họ.

Tôi ngập ngừng đứng yên một chỗ nhìn mọi người. Chị Diên thấy tôi không nhúc nhích liền tiến tới, vừa đẩy tôi đi vào nhà vừa nói:

-Chị em mình đi tìm mẹ Tuyết đón An nhé, nhanh kẻo mọi người đợi lâu.

-Em… vâng…

Chúng tôi đi lên phòng, chị Diên bế An giúp tôi còn mình thì lấy thêm một số vật dụng cần thiết cho con vì sợ Đăng mang không đủ. Lúc lên xe mọi người đều ngồi theo cặp với nhau, nhưng tôi không muốn ngồi với Đăng nên xuống dãy ghế bên dưới với Quỳnh. Còn chưa kịp đặt mông xuống ghế, một bàn tay đã vươn ra giữ lấy cánh tay tôi, Đăng nói:

-Lên đây.

-Không, tôi…

Không đợi tôi nói hết Quỳnh đã cắt ngang:

-Chị Di ngồi với anh Đăng đi, em có Bin và Bông ngồi cùng rồi.

Mọi người cũng đồng loạt lên tiếng bảo tôi phải ngồi với Đăng và nhất quyết không cho tôi có cơ hội từ chối, thành ra tôi đành ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh anh, suốt dọc đường cũng không nói với nhau câu nào.