Chương 36

Bố chồng cô nằm lặng lẽ trên giường nhưng bất động. Nhài chạy vội lại lay gọi ông, tuy nhiên đôi mắt ông nhắm nghiền và không bao giờ mở ra nữa. Lần thứ hai trong đời, cô chứng kiến cảnh người thân yêu rời xa mình mà bất lực. Nỗi đau mất mẹ khi mười tuổi lúc này bỗng ùa về như xát muối. Nhài đứng lặng như một tảng đá, đến một lúc sau mới kêu lên nổi:

- Mẹ ơi! Anh ơi!

Nghe tiếng gọi thất thanh của Nhài, bà Tâm và Việt vội vàng lao vào. Nhài đang quỳ bên giường khóc nức nở:

- Bố... bố... đi... rồi...

Việt đứng sững như trời trồng. Bà Tâm lao tới , xô Nhài sang một bên. Bà lay chồng nhưng ông không mở mắt nhìn bà , không cười với bà như mọi hôm nữa, ông nhắm nghiền mắt một cách thật bình yên. Bà Tâm bỗng hét lên:

- Không! Ông mở mắt ra nhìn tôi đi! Ông bực gì thì dậy chửi đánh tôi cũng được. Ông đừng rời xa tôi... tôi xin ông... tôi sai rồi...xin ông..

Lúc này bà mới hiểu những nỗi đau mà ông phải gánh chịu bao năm qua, chắc ông phải chịu nhiều điều tiếng lắm nhưng ông vẫn lặng thinh, vẫn chăm sóc, yêu thương bà. Vậy mà bà lại đi gặp gỡ, nhớ nhung người đàn ông khác. Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến người vợ đầu gối tay ấp lại không yêu mình, có con với người khác mà lừa dối cả gia đình mình, còn gì đau hơn khi nuôi con người khác mà vẫn phải nhắm mắt làm ngơ. Ông ấy đã mệt rồi, đủ mệt mỏi rồi, ông cần nghỉ ngơi. Nghĩ vậy, nhưng lòng bà đau lắm. Giá bà biết thân biết phận, giá bà nhận ra tình yêu của ông và gia đình ông để sống đúng chừng mực... Nhưng ở đời đâu có chỗ cho chữ " giá như"... Bà bỗng thấy đầu óc quay cuồng rồi tối sầm lại.

Lúc bà Tâm tỉnh dậy cũng đã gần nửa đêm. Những giọt nước từ chai dịch chuyền chầm chậm chảy vào người bà tựa như nước mắt đang ứa ra trên khuôn mặt đã có nhiều dấu vết thời gian của bà. Tim bà đang rỉ máu, đau đến không thở nổi. Vị bác sĩ bước vào, nhìn bà đầy thương cảm:

- Thôi, ông nhà ra đi cũng nhẹ nhàng, bà đừng quá đau buồn. Phải vui vẻ để ông được siêu thoát chứ!

Họ đâu biết, nỗi đau của bà còn lớn hơn cả nỗi mất mát kia. Từ nay, mỗi sáng không có ai cùng bà tập thể dục, không ai nhặt rau cùng bà nấu cơm, tối tối không ai trò chuyện cùng bà... Bà may mắn có được ông mà lại không biết nắm giữ, để ông uất ức mà phải rời xa bà.

Đến nửa đêm, bà Tâm được đưa về nhà. Bà đau đớn nhìn di ảnh của ông trên bàn thờ đầy khói hương. Ông nằm đó lặng lẽ, không nói cười, chỉ có vẻ hiền từ hiện rõ trên khuôn mặt phúc hậu già nua là không thay đổi. Tim bà như có ai bóp chặt, rồi như có ai lấy dao đâm đi đâm lại không rõ bao nhiêu lần, đau đến khắc khoải ruột gan. Việt cũng ngồi thẫn thờ, anh chưa thể tin được người cha hiền lành đã không còn nữa. Dù ông không phải cha ruột của anh, nhưng với anh, ông là người bố tốt hơn tất thảy. Từ ngày còn thơ bé, ông đã dạy anh phải biết yêu thương, biết sống nghị lực... bố dạy anh từ những điều nhỏ nhặt đến những bài học lớn lao. Kể cả khi ông gần xa anh, bài học về sự hi sinh, về tình yêu cũng được ông nhắc nhở. Chỉ có điều, khi anh nhận ra tấm lòng ấy, ông đã không còn nữa.

Ở một góc khác, sau khi cho cu Sóc ngủ, Nhài cùng mấy cô mấy bác đằng nội, cả dì Ngát nữa đang chuẩn bị tang phục cho mọi người. Hai mắt sưng húp, Nhài vẫn chưa thể tiếp nhận mọi chuyện. Bố chồng cô quá hiền lành, nhưng cô không ngờ ông lại phải chịu một nỗi đau lớn đến thế.

Ngày hôm sau, ông được đưa ra nghĩa trang cạnh cánh đồng lớn - nơi đọng lại nỗi đau cho bao con người. Người đã không còn nhưng nỗi đau thì còn mãi. Mấy mẹ con Nhài ai cũng thất thần, phần vì ngỡ ngàng phần vì đau đớn quá lớn lao. Từ ngày chồng mất, bà Tâm ít nói hẳn. Vợ chồng Nhài cũng nghĩ bà không chỉ thấy mất mát mà còn cả sự xấu hổ và ăn năn về mọi chuyện. Dù đau đớn nhưng vợ chồng cô nghĩ rằng có thể sự ra đi của bố khiến mẹ thay đổi. Tuy nhiên, hôm ấy, sau lễ một trăm ngày của bố chồng Nhài, bà Tâm bỗng gọi hai vợ chồng cô vào phòng . Vừa ngồi xuống, bà nhìn Việt và Nhài với con mắt mệt mỏi rồi buông một câu:

- Hai đứa li hôn đi!