Chương 25: Làm đám cưới rồi

Tôi đang thẫn thờ chiêm nghiệm lại đoạn đường mình vừa đi qua, vừa nhìn cảnh những ngôi nhà sàn lần đầu tiên trông thấy thì Phúc Lâm đã xuống xe và đang cởi mũ bảo hiểm cho tôi từ lúc nào:

“Thế nào, không xuống hả, đợi tôi bế phải không?”

Tôi mới kịp định thần lại bảo không rồi tự mình xuống xe. Ai biết được tôi đã phải cân góc chính xác, suy nghĩ nên bước chân trái xuống trước hay chân phải trước để an toàn. Sau một lúc vật lộn tìm cách xuống sao cho không trở thành trò cười cho mọi người vừa an toàn cho mình thì tôi cũng thành công, thật là khổ sở cho một đứa mét rưỡi như tôi mà phải đi xe mô tô mà.

Theo lời Phúc Lâm, đây là bản Rào Con, nơi trú ngự của dân tộc Vân Kiều, nằm ở một xã miền núi Sơn Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình. Mỗi năm cứ đầu mùa đông, team cậu ấy sẽ đến đây thực hiện chuyến thiện nguyện nhằm giúp trẻ em nơi đây sách vở, áo quần, đồ ăn. Giúp các em được đến trường học con chữ. Năm nay là năm thứ hai Phúc Lâm tham gia, còn những người bạn kia thì đã năm thứ ba rồi. Bởi vậy nên mọi người ở đây quen với chúng tôi,mỗi lần thấy team của Phúc Lâm đến như xuân về trong bản vậy. Ai cũng chào đón nồng nhiệt.

Chúng tôi đi mô tô nên đi theo đường khác, có thể chạy thẳng vào trong bản còn ngày mai xe chở đồ từ thiện sẽ đến, dừng cách bản chừng 5km. Đó là cách duy nhất chúng tôi đưa hơi ấm đến nơi này.

Vừa xuống xe, nhìn ngắm cảnh vật xung quanh thì một cô bé từ đâu tới nắm lấy tay tôi:

“Chị ơi, chị, chị có gì cho em em ăn với. Mẹ em đi làm rẫy từ sáng tới giờ chưa về”

Tôi nhìn theo tay mình xuống, là một cô bé tầm 6 tuổi, gầy nhom, ăn mặc phong phanh không thắng nổi cái lạnh của mùa đông nơi đây. Tôi hỏi cô bé:

“Em của em đâu?”

Nhìn theo hướng tay, nơi có căn nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng có cậu bé chừng ba tuổi đang ngồi nhìn tôi, rồi nhìn chị nó với ánh mắt mong chị có thể kiếm cái gì đó cho em ăn. Tôi dẫn cô bé tiến đến nơi cậu bé đang ngồi, lấy khăn lạnh lau mặt cho em ấy. Rồi từ từ lấy trong túi ra gói bánh với hai hộp sữa mà tôi mang theo chóng đói cho hai chị em.

Nhìn nụ cười tươi bật lên trên mặt hai chị em vì được ăn, môi tôi cũng tự động nở nụ cười thật tươi. Lần đầu tiên tôi trải qua cảm giác này, cảm giác hạnh phúc tột cùng khi mình vừa làm được một việc tốt. Thì ra ý nghĩa của thiện nguyện là thế này, là được nhìn những người mình giúp đỡ nở nụ cười tươi hạnh phúc, là có thể trao yêu thương đến mọi người.

Tôi đang ngẩn người trong suy nghĩ thì giọng nói quen thuộc vang lên:

“Cậu ở đây hả, làm tôi kiếm cậu nãy giờ”

Vừa nhìn thấy Phúc Lâm cô bé liền chạy nhanh đến ôm lấy cậu ấy, nhảy lên vì vui mừng:

“A anh Lâm, anh Lâm này, mấy bạn ơi anh Lâm quay lại nè”

Tiếng nói hồn nhiên pha lẫn vui mừng của cô bé vang vọng khắp núi rừng. Chẳng mấy chốc, đã có năm bảy cô cậu bé chạy lại vây quanh Phúc Lâm, đứa nắm tay, đứa ôm chân. Thấy được sự vui mừng đến thế nào của bọn trẻ khi Phúc Lâm đến. Phúc Lâm cũng vậy, bị bao quanh bởi trẻ nhỏ, khuôn mặt lạnh lùng, nụ cười vô hồn của cậu ấy thường ngày đâu mất, thay vào đó là nụ cười rạng rỡ nở rộ trên khuôn mặt hạnh phúc.

Không ngờ tên mặt lạnh còn có mặt này, lần đầu tiên tôi thấy cảm xúc này của cậu ấy. Đang ngắm nhìn cảnh tượng trước mắt thì Phúc Lâm kéo tay tôi vào giữa vòng tròn kia, vừa phát bánh cho mỗi đứa trẻ vừa nói:

“Đây là chị Nhi, bạn của anh, sau này không được trêu chị ấy nghe không”

Một cậu bé lớn nhất lên tiếng nói:

“Bạn gì đâu, là người yêu của anh Lâm đấy bọn mày à, ở bản mình trai với gái mà nắm tay thì chỉ có sắp cưới thôi. Anh Lâm và chị Nhi sắp cưới rồi đấy”

Mấy cậu bé kia cũng đồng thanh reo lên:

“Anh Lâm chị Nhi không phải bạn mà sắp cưới rồi”

Tôi chẳng làm gì được vì lúc này mặt tôi đỏ như trái ớt chín vậy. Tôi thật không thích cái tính này của mình, lúc nào ai trêu tôi với người nào đó cũng khiến tôi đỏ mặt như vậy.

Cuối cùng Phúc Lâm lên tiếng mới dẹp loạn được:

“Mấy đứa này không được nói bậy nghe không, còn nói nữa anh không cho bánh nữa đâu đấy”

Quả con nít là dễ dỗ nhất mà, nghe Phúc Lâm nói vậy chúng chẳng thèm trêu tôi nữa, kéo nhau tiếp tục chơi trò chơi của chúng.

Lúc này Phúc Lâm kéo tôi đi và nói:

“Nhanh, chúng ta đi bắt cá thôi, không tối không có gì ăn đâu đấy”

“Cái gì, bắt cá ư?”

Tôi băn khoăn vậy nhưng chân vẫn bước theo sau cậu ấy, trèo qua mấy mỏm đá, đi thêm một đoạn đường sỏi ngắn nữa là đến con suối.

Ở đó bốn người kia đã xông pha xuống suối từ lúc nào.Tôi không ngờ được bao quanh toàn là núi rừng như này nhưng lại có một con suối nước đầy ắp, trong lành có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội. Nói rồi tôi và Phúc Lâm cùng xuống góp sức với mọi người

“Này, Hùng bên kia có con cá lớn kìa”

“Nhung ơi giữ chặt nhé”

“Mạnh mày chặn cửa sau không cho cá thoát được không?”

“Phong sát cá lắm đấy, ra tay đi mày”

“Lâm vây bắt con cá này với tao đi”

“Nhi giữ mớ cá đó cho chắc nha, mất con nào hỏi tội con đó đấy”

Chúng tôi cứ vậy, phối hợp, lăn lộn, đùa giỡn. Cuối cùng khi trời chập tối cũng là lúc chúng tôi nhìn lại thành quả. Quả không uổng công lăn lộn người ướt như tắm, chúng tôi bắt được khá nhiều so với mục tiêu.

Khi về đến bản, nhìn khói bếp bốc lên ẩn hiện sau những dãy nhà sàn,mùi thức ăn từ nhà nào đó theo gió lan tỏa khắp không gian khiến bụng tôi sôi cồn cào. Chúng tôi giao cá cho trưởng bản còn lại thì để ông ấy lo.

Ngay khi vừa tắm thay áo quần xong, bếp lửa lớn được nhóm lên từ lúc nào, mọi người quây quần bên hũ rượu cần cùng những món ăn đặc sản của người Vân Kiều được bày thật đẹp mắt. Giờ đây tôi mới thực sự hiểu câu nói của Phúc Lâm lúc chiều, rằng ở đây không có khái niệm người lạ, ai ai cũng đều là người thân khi cùng sống chung trong một mảnh đất.

Vừa nhìn bếp lửa bập bùng, vừa thưởng thức món thịt lợn nướng ống tre - món ăn đặc sản của nơi đây. Bên cạnh là những món nướng trên lò than được lấy từ bếp lớn ra, nào cá nướng, gà nướng, ốc suối nướng. Tất cả đều mang một hương vị bình dân nhưng rất ngọt. Ngọt của sự tự nhiên từ nguyên liệu cho đến cách chế biến, ngọt của thiên nhiên núi rừng, ngọt của tình người ấm áp.

Ở đây không có đèn đường, không có xe cộ tấp nập, không có sự ganh ghét đố kỵ, không có sự bức bối của cuộc sống căng thẳng. Chỉ có thiên nhiên hoang dã, chỉ có tình người bao la, chỉ có khói bếp thay cho khói nhà máy. Tất cả khiến tôi cảm thấy yêu cuộc sống này hơn bao giờ hết. Người dân nơi đây dù có đói, có nghèo về vật chất nhưng không bao giờ nghèo đói về tinh thần, về tình cảm.

Hòa mình vào những câu ca, điệu múa của mọi người. Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trang phục dân tộc, nó thực sự tinh tế, trang phục thổ cẩm được dệt bằng bàn tay của các bà, các mẹ, trên váy nào hình con voi, cùng những họa tiết hoa lá tượng trưng cho linh vật cũng như cảnh vật nơi đây, vừa kín đáo vừa tôn lên vẻ đẹp dịu dàng của người con gái. Đẹp quá tôi liền xin được mang một bộ rồi cùng tham gia vào những điệu múa đặc trưng của dân tộc miền núi này.