Chương 9

Mấy chữ tôi bao cô Khánh nói ra với hàm ý gì tôi rõ nhất. Mặc dù trên danh nghĩa tôi và anh ta là vợ chồng, đã cưới xin đàng hoàng nhưng hôm nay, ngay trong giây phút này đây tôi hiểu anh ta chỉ coi tôi là cái dạng gái bao. Tôi chưa bao giờ trách Khánh dù anh ta coi khinh tôi đến cỡ nào, bởi tôi cũng tự biết bản thân vô liêm sỉ đến cực độ. Vá trinh gài bẫy anh ta, ép anh ta phải lấy mình, ép anh ta phải nói chuyện với bố chồng giao dự án cho mẹ tôi, giờ còn vay anh ta năm mươi triệu, đây đúng là quá đỗi vô liêm sỉ nhưng giờ tôi thực sự mệt mỏi rồi. Bởi vì sao chứ? Bởi vì chữ nợ quá lớn, tôi mang ơn bố mẹ nuôi, ngoài cách báo đáp ra tôi không thể còn cách nào khác nữa cả.

Những đồng tiền dưới đất bẩn thỉu như chính bản thân tôi nhưng tôi vẫn mải miết nhặt bởi tôi biết đây mới là thứ giúp ích cho tôi lúc này. Cũng may cuối cùng tôi cũng nhặt đến tờ cuối cùng, vừa vặn năm mươi triệu. Khi nhặt xong tôi đứng lên mặc lại chiếc váy ngủ lại rồi ôm sấp tiền nằm co quắp trên giường. Trải qua ngần ấy chuyện, qua ngần ấy năm tôi hiểu ra rằng.

Trên đời vốn không có truyện cổ tích, càng không có chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng nào đến cứu tôi, trên thế giới này chẳng có bất cứ phép màu nào cả, tôi cũng chỉ cho phép mình thương xót bản thân một lúc, chỉ một lúc này thôi. Ngày mai tôi phải đi trả tiền viện phí, ngày mai tôi còn phải làm phẫu thuật cho bố.

Khi tôi đang nằm trên giường bên ngoài cũng có tiếng gõ cửa. Tôi vội vã cất số tiền ấy vào tủ rồi mở cửa đi ra. Bên ngoài là chị Hương, thấy tôi chị liền nói:

– Cô xuống ăn cơm đi. Vì cô về muộn quá nên cả nhà không chờ cô được, cậu Khánh gọi cho cô cũng không nghe nên mọi người đành ăn trước.

Lúc này tôi mới sực nhớ ra cả chiều lo cho bố nên điện thoại tôi còn chẳng nhớ để đâu. Chị Hương lại nhìn tôi nói tiếp:

– Đồ ăn để trong nồi giữ nhiệt vẫn nóng lắm, cô xuống ăn đi rồi hãy đi ngủ.

Gần chín giờ đêm rồi, sau bữa cơm trưa tôi chưa ăn gì nên bụng cũng đói meo liền đi cùng chị Hương xuống dưới. Ban nãy về nhà thấy nhà trống trơn, đoán chắc mọi người đã ăn cơm cả rồi không nghĩ vẫn phần lại cơm cho tôi. Tự dưng nghĩ đến đây trong lòng tôi bỗng nảy sinh một cảm giác xúc động hão huyền. Thực ra tất cả mọi chuyện đến giờ, dù cho tôi không được mẹ chồng ưa, không được chồng yêu nhưng suy cho cùng với cuộc hôn nhân không tình yêu, với sự gài bẫy, úp sọt của tôi thế này thì gia đình nhà Khánh đối với tôi đã là thừa sự tử tế rồi.

Chị Hương mang cho tôi rất nhiều thức ăn. Thức ăn còn nóng hổi, toàn là đồ ăn ngon. Vừa múc canh cho tôi chị Hương vừa nói:

– Hôm nay cô Vy ăn cơm ở đây rồi cùng bà đi mua sắm nên mới ăn sớm như vậy.

Hoá ra Vy hôm nay ở đây cả chiều, còn ăn cơm cùng gia đình chồng tôi nữa. Dù sao chị ấy cũng có mối quan hệ thân thiết với gia đình chồng tôi vậy nên tôi không có gì phải ghen tuông hay đúng hơn là tôi không có tư cách để ghen. Chiều nay gặp cũng còn chưa rõ chị ấy là người thế nào, ra sao, tạm thời chỉ cảm thấy cũng nhẹ nhàng, hiểu chuyện nên tôi không nghĩ gì nhiều. Ăn cơm xong chị Hương lại lấy cho tôi cốc nước ép rồi nói:

– Cô uống đi cho mát.

Thế nhưng giờ bụng tôi rất no, ăn mấy bát cơm rồi cả bao nhiêu thức ăn nữa nên đáp lại:

– Em no quá rồi không thể uống được nữa. Hay chị cứ để vào tủ mai em uống được không?

– Không được đâu, cái này là cậu Khánh bảo tôi phần cô. Cô không uống về cậu ấy lại mắng tôi chết.

Tôi nghe đến đây thì hơi sững lại hỏi chị Hương:

– Anh Khánh phần cho em ạ?

– Đúng rồi. Cả cơm này cũng là cậu ấy dặn tôi phần cho cô. Nhà nấu bao nhiêu món thì phải phần cho cô ngần mấy món. Thôi cô uống đi, nước thì có bao nhiêu no đâu, uống được bao nhiêu thì uống.

Tôi nhìn cốc nước ép trên tay chị Hương, nghĩ đến cảnh Khánh vừa nhục mạ tôi trong phòng, sự sỉ nhục cực độ đến mức tôi còn gần như không chịu nổi. Tôi biết Khánh căm ghét tôi, khinh thường tôi bởi những việc tôi làm quá sức bẩn thỉu. Nhưng vì sao anh ta vẫn dặn chị Hương phần cơm cho tôi, còn phần cả nước ép? Là bởi vì anh ta vẫn là chồng tôi, đã chấp nhận lấy tôi thì trước mặt mọi người vẫn giữ chút sĩ diện hay bởi lòng tự trọng và tính cách của anh ta không cho phép anh ta đối xử với một người phụ nữ một cách tàn nhẫn, tuyệt tình quá?

Dù sao anh ta đã có lòng tôi cũng có dạ nên tu hết cốc nước rồi mới đi lên phòng. Lên đến nơi mới sực nhớ ra chân mình đau nhức, phồng rộp mà chưa kịp bôi thuốc anh Quân đưa liền mở túi lấy hộp thuốc ra bôi. Mùi thuốc nhẹ nhàng thoang thoảng, lúc bôi vào khá xót nhưng chỉ một lúc là dịu xuống luôn. Bôi thuốc xong tôi cầm vỏ hộp mang vào thùng rác nhà vệ sinh để vứt, thế nhưng vừa mở thùng rác ra tôi đột nhiên thấy trong thùng rác là một hộp thuốc y hệt hộp thuốc mà anh Quân cho tôi. Thậm chí dường như còn mới hơn, vỏ bọc màu xanh vẫn còn tem mác.

Tôi nhìn hộp thuốc ngẩn người ra, mặc dù không biết vì sao Khánh vứt hộp thuốc đi, nhưng tính tôi xưa nay tiết kiệm quen rồi, nhìn thấy hộp thuốc ở trong thùng rác như vậy cảm thấy rất phí. Vả lại thùng rác được cô Hồng dọn sạch sẽ, ngoài hộp thuốc ra không có rác rưởi gì khác. Tôi liền nhặt hộp thuốc lên, tháo vỏ bọc rồi rửa qua sau đó cất vào trong ngăn kéo để sau này dùng hết hộp của anh Quân cho sẽ dùng đến hộp đó nếu cần sau đó leo lên giường nằm ngủ trước.

Nửa đêm khi tôi đã ngủ được mấy tiếng đồng hồ Khánh mới về. Tôi chưa tỉnh ngủ hẳn, cũng không hề muốn bắt chuyện với anh ta sau một buổi tối nhục nhã, ê chề nhưng lúc này tôi dần nhớ ra mẹ chồng tôi nói muốn đi học hay có quyết định gì thì phải hỏi qua ý kiến của Khánh nên đợi anh ta nằm xuống tôi liền nói:

– Từ mai tôi sẽ quay lại trường học, còn hơn chục ngày nữa là tôi tốt nghiệp rồi nên…

Thế nhưng còn chưa kịp nói hết Khánh đã lạnh lùng ngắt lời:

– Cô muốn đi đâu làm gì thì tuỳ cô.

– Cảm ơn anh!

Anh ta dường như chẳng muốn nghe mấy lời sáo rỗng ấy nên quay mặt ra ngoài. Tôi cũng quen dần với thái độ lạnh nhạt của Khánh nên cũng thu mình vào trong ngủ một giấc.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, Khánh cũng dậy rất sớm, lúc ở dưới nhà tôi nghe loáng thoáng anh ta nói phải đi giao ban chào cờ nên không ăn sáng ở nhà. Chín giờ bố tôi mổ, vì hôm qua tôi đã không ăn cơm cùng mọi người nên giờ ăn sáng rồi mới dám đi. Cũng may mẹ chồng tôi không nhắc hay đả động gì đến chuyện ấy, ăn sáng xong bố mẹ chồng tôi cũng đi làm, anh Quân hôm qua có ca mổ nên sáng nay vẫn được nghỉ. Tôi ôm balo đi, không dám gọi xe ôm mà phải đi taxi đến viện bởi trong người là một số tiền lớn.

Khi đến viện việc đầu tiên là tôi mang tiền đi đóng viện phí cho bố tôi trước, sau đó trả cho anh Khang số tiền còn lại. Năm mươi triệu tuy không đủ, nhưng giờ tôi cũng không đào đâu ra được thêm nữa, giờ chỉ có thể tạm như vậy chờ mẹ tôi về rồi vay mượn tiếp. Anh Khang cũng hiểu nên bảo tôi cứ từ từ, trả được ngần này cũng đỡ rồi. Dì Lan thấy tôi vào thì đưa Thỏ về trước chuẩn bị ít đồ, tôi ở lại làm thủ tục phẫu thuật cho bố. Căn bản bố tôi đã qua cơn nguy kịch nên phẫu thuật bác sĩ cũng không đánh giá quá nguy hiểm.

Trong lúc chờ đợi bố tôi gọi cho cái Nguyệt nhờ nó xin thầy cho tôi nghỉ buổi sáng, luận văn xong cả rồi chỉ chờ vài ngày nữa đi bảo vệ nên lên trường chỉ là hình thức mà thôi. Tuy nói là cuộc phẫu thuật của bố ít nguy hiểm nhưng trong y khoa không có gì nói trước được. Thế nên trong thời gian chờ đợi tôi không dám rời đi giây phút nào. Bố tôi phẫu thuật suốt gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng bác sĩ ra thông báo bố tôi phẫu thuật thành công rồi, toàn bộ máu tụ trong não cũng đã được lấy đi, bố tôi đã tỉnh tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Lúc đưa bố về phòng, đột nhiên tôi thấy bố khóc. Nước mắt chảy xuống thái dương rồi chạm xuống cả gối. Thấy vậy tôi vô cùng hốt hoảng túm lấy tay bố hỏi:

– Bố! Bố sao vậy ạ? Bố đau chỗ nào để con gọi bác sĩ.

Thế nhưng bố đã giữ tay tôi lại, khó khăn, thều thào phát âm từng chữ một:

– Vân… xin… xin lỗi con.

Tự dưng nghe bố nói đến đây tôi cũng không kìm được mắt cay xè, mấy chữ ngắn ngủi vậy thôi lại như tảng đá đè nặng vào l*иg ngực tôi không sao thở nổi. Bố xưa nay ít nói giống anh trai, nhưng tôi biết bố sống rất tình cảm. Hôm cưới tôi dù mệt bố vẫn cố gắng về đưa tôi sang nhà chồng, ánh mắt ông lúc rời khỏi đám cưới cũng mang một nỗi buồn không giấu nổi. Tôi hiểu bố biết mọi chuyện, cũng hiểu bố rất thương tôi. Suốt mười bảy năm tôi bị bố đẻ bỏ rơi, cũng chưa từng biết tình cha con có cảm giác thế nào cho đến khi gặp bố nuôi. Dù tôi biết mục đích nhận nuôi mình là gì, nhưng sau này tôi cũng biết ông đối với tôi thực sự như đối với con gái mình. Vậy nên dù không phải vì cái chết của anh trai thì tôi biết tôi cũng không thể trơ mắt đứng nhìn bố tôi chết dần chết mòn, có đánh đổi cả liêm sỉ hay tự trọng tôi cũng không được phép hối hận.

Tối đó tôi về nhà chồng khá sớm, dì Lan đến thay tôi chăm bố từ trưa. Giờ tôi lấy chồng rồi, lại còn sắp tốt nghiệp nên chỉ có thể nhờ dì giúp tôi một phần. Nhà dì Lan có hai cô con gái đã lớn nên mọi việc dì sắp xếp cũng dễ dàng hơn.

Mới cưới chồng có vài ngày nhưng hôm nay là hôm mà tôi thấy bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình nhất, tối chị Hương cũng chuẩn bị rất nhiều đồ ăn ngon. Lúc ăn cơm Khánh nói với bố mẹ chồng tôi từ tối nay đến hết tuần anh ta phải trực ở đơn vị 100% không thể về nhà đến chủ nhật mới được về. Nghe nói sắp có sự kiện đại hội gì đó diễn ra, để đảm bảo an toàn toàn bộ công an thành phố Hà Nội đều phải trực 100% trừ một số trường hợp đặc biệt. Bố chồng tôi và anh Quân có vẻ đã quen với những thông báo này của Khánh nên tỏ vẻ rất bình thản chỉ có mẹ chồng sầm nét mặt vào nói:

– Ngày xưa nói thì không chịu nghe cứ thích theo cái nghề này. Con đường kinh doanh mở sẵn rồi không làm, chẳng hiểu mày nghĩ cái gì nữa mà đi chọn cái nghề vừa vất vả, vừa nguy hiểm thế này.

Khánh nghe mẹ tôi nói vậy thì đáp lại:

– Con không thích kinh doanh.

Cứ tưởng anh ta trả lời hời hợt như vậy mẹ chồng tôi sẽ thôi, không ngờ bà lại gắt lên:

– Mày thì thích cái gì? Từ nhỏ tới lớn mày chỉ thích làm theo ý mày chứ thích được cái gì. Việc gì bố mẹ sắp đặt mày cũng đều chống đối, đều không thích, có bao giờ mày làm theo chưa?

Nói rồi bà liếc mắt nhìn tôi, giọng vẫn đầy khó chịu:

– Việc to việc nhỏ mày đều tự ý quyết. Ngay cả cái chuyện hạnh phúc cả một đời mày cũng có nghe ai không?

Tôi cứ tưởng Khánh ghét tôi, nghe mẹ chồng bóng gió như vậy sẽ im lặng không ngờ anh ta rất bình tĩnh đáp lại:

– Đời này chỉ sống có một lần, hạnh phúc cả một đời của mình mà mình cũng không tự quyết được thì gọi gì là hạnh phúc?

Mẹ chồng tôi thì tức nghẹn, còn Khánh thì vẫn gắp thức ăn ăn, thậm chí tôi thấy anh ta ăn còn ngon hơn cả lúc trước, chỉ có mẹ chồng tôi dường như sắp nổi điên. Anh Quân thấy bầu không khí căng thẳng như vậy liền nói:

– Mẹ! Mẹ ăn tôm đi này, con lột sẵn rồi để con chấm cho mẹ luôn nhé.

Lúc này mẹ chồng tôi mới nguôi nguôi cố nén cơn giận quay sang anh Quân giọng cũng dịu dàng hơn:

– Không phải mỗi nó đâu mà cả con nữa đấy, từ nhỏ tới lớn con luôn nghe lời mẹ mà cuối cùng lúc học đại học lại bỏ trường kinh tế Quốc Dân để theo cái nghề Y này. Nhưng thôi đã chọn rồi thì giờ cũng mẹ cũng không nói nữa. Có điều hôn nhân của con đừng có đi theo vết xe đổ của thằng Khánh, con và con Dung yêu nhau rồi cũng tính mà cưới nhau thôi. Mẹ không muốn dây dưa lằng nhằng mãi cuối cùng lại có đứa khác chen chân vào đâu.

Mấy câu cuối cùng mẹ chồng tôi nhấn rất mạnh. Dù cảm thấy mẹ chồng nói không sai nhưng trong lòng vẫn như có kim chích. Bên cạnh tôi Khánh đột nhiên đặt mạnh bát cơm xuống, cũng may bố chồng tôi liền quay sang mẹ chồng lên tiếng:

– Thôi cả nhà ăn cơm đi cho thằng Khánh đi trực. Đang bữa cơm cứ nói cái chuyện đâu đâu.

Mẹ chồng tôi có vẻ vẫn chưa muốn dừng lại, nhưng dù sao con trai hôm nay đi trực, ở trong đơn vị ăn uống không thể được như ở nhà nên bà đành thôi. Tuy ngoài mặt là thế nhưng tôi cảm nhận mẹ chồng tôi rất thương các con, chửi thì chửi vậy thôi chứ vẫn liếc mắt ra hiệu cho bố chồng gắp thức ăn cho Khánh. Ăn cơm xong mẹ chồng tôi vào phòng xem ti vi, tôi tranh thủ phụ chị Hương dọn bát đũa còn Khánh và bố chồng tôi ra ngoài sân nói chuyện.

Cũng không biết hai người nói chuyện gì, đến khi tôi dọn xong cùng chị Hương cả hai người mới vào. Khánh đi lên tầng lấy ít quần áo còn bố chồng tôi thì gọi tôi vào bàn ăn hoa quả rồi nói:



– Vân, mai kia là con phải bảo vệ luận văn rồi nhỉ? Bảo vệ luận văn xong chắc sớm có bằng thôi đúng không?

– Dạ vâng ạ.

– Thế con tính ra trường xin vào đâu chưa?

– Ban đầu con định xin vào Dương Bình nhưng ở đó xa quá nên con đang định làm hồ sơ nộp vào Thiên Luật.

Bố chồng tôi nghe vậy gật gù đáp:

– Thiên Luật cũng là công ty luật lớn, có tiếng. Nếu cần giúp đỡ gì cứ nói với bố.

Khi bố chồng vừa dứt lời mẹ chồng tôi cũng từ đâu xuất hiện cười mỉa:

– Nếu có năng lực thì cứ tự mình đi phỏng vấn thôi sao phải đi cửa sau làm gì?

Bố chồng tôi nghe mẹ chồng nói thì lên tiếng bênh vực:

– Đi cửa sau gì chứ? Con bé học lực cũng rất tốt, mấy năm nay đều được học bổng kiểu gì nhiều công ty chẳng nhận. Mà thằng Khánh đi trực một tuần, con Vân lại sắp bảo vệ luận văn nên anh đang định bảo con bé về nhà bố mẹ nó để tập trung bảo vệ luận văn cho tốt, bao giờ thằng Khánh về thì nó về sau.

Mẹ chồng tôi đang uống nước đột nhiên khựng lại rồi cáu kỉnh hỏi:

– Ý anh là ở đây nó không tập trung được? Ở đây nó không thoải mái à?

– Thì tất nhiên rồi, thoải mái làm sao được bằng về nơi nó ở suốt bao nhiêu năm. Đằng nào cũng còn trên dưới chục ngày nữa nó tốt nghiệp rồi cứ để nó về ôn luyện cho tốt, đến lúc được bằng khá giỏi mình cũng nở mày nở mặt mà. Anh quyết rồi đấy!

Mẹ chồng nhìn tôi, khoé môi mấp máy định nói gì đó, cuối cùng lại dừng lại rồi rất lâu sau mới đáp:

– Nhà này cứ tự quyết thôi, anh đã quyết thế thì hỏi ý kiến tôi làm gì!

Nói rồi mẹ chồng tôi chẳng đợi bố chồng đáp đã đi thẳng vào phòng. Bố chồng tôi nghe vậy thì vội vã giục:

– Thôi con lên chuẩn bị đồ rồi thằng Khánh nó chở đi đi không tí mẹ con lại đổi ý.

Tôi nhìn bố chồng vội vã cảm ơn rối rít nhưng ông đã xua xua tay giục tôi lên nhặt sách vở đồ đạc của mình còn ông thì vào nịnh vợ. Cũng may tuy miễn cưỡng nhưng khi nhặt xong đồ Khánh vẫn chờ tôi vào chào bố mẹ chồng rồi chở tôi qua nhà bố mẹ tôi sau đó lại vội vã lái xe đi trực. Anh ta ghét tôi cỡ nào tôi rất rõ, khinh tôi ra sao tôi cũng hiểu nhưng thực lòng mà nói trước mặt mọi người vẫn bênh vực tôi, dù là lý do gì đi nữa tôi vẫn cảm kích vài phần. Thế nên lúc anh ta đi tôi nói với anh ta một lời cảm ơn rồi mới trở về nhà. Vào đến nhà tôi nằm vật ra ghê, dù căn nhà nhỏ hơn nhà chồng, dù nội thất đã cũ nhưng tôi vẫn cảm thấy quen thuộc, dễ chịu vô cùng, đến ngay cả tắm, cả ngủ, hay thậm chí đi lại trong nhà cũng đều thoải mái, không phải nhìn sắc mặt bất cứ ai mà sống.

Những ngày tiếp theo tôi ở hẳn bên nhà bố mẹ tôi. Hằng ngày sáng tôi đưa Thỏ đi học, chiều đón con bé về còn bản thân thì ở trường chuẩn bị bảo vệ luận văn. Có lẽ vì tinh thần thoải mái, lại không vướng bận điều gì nên tôi tập trung hết sức lực cho việc tốt nghiệp của mình. Đến ngày bảo vệ luận văn, tuy không đạt đến mức xuất sắc như kỳ vọng nhưng tôi và cái Nguyệt vẫn đạt mức giỏi, mức có thể coi là tạm chấp nhận được trong mục tiêu mình đã đề ra.

Sau khi bảo vệ luận văn được hai ngày mẹ tôi mới từ Thái về. Lúc sang Thái mẹ bị móc điện thoại, sau tìm được liên lạc với dì Lan mới biết bố phải trải qua hai cuộc phẫu thuật. Có điều vì sức khoẻ của bố đã ổn, mẹ lại phải tranh thủ cố gắng hoàn tất kế hoạch dự án còn bắt tay vào làm nên giờ mới về được. Tôi cũng chẳng dám trách mẹ chỉ nhắc mẹ làm gì thì làm phải giữ gìn sức khoẻ, cũng nhắc mẹ số tiền còn lại mẹ đóng nốt cho anh Khang chứ giờ tôi thật sự không thể nào lấy đâu ra tiền mà đóng nữa.

Bảo vệ luận văn xong tôi gần như không phải lên trường chỉ ở nhà chờ bằng. Thế nên nhân lúc rảnh rỗi là tranh thủ cùng cái Nguyệt lượn lờ. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng đến ngày tàn, chiều chủ nhật Khánh về tôi cũng phải trở về nhà chồng. Có điều hôm nay mẹ tôi phải vào viện cùng bố, trong viện lại đang có dịch, dì Lan về quê nên tôi phải mang Thỏ về nhà chồng cùng.

Đưa Thỏ sang nhà chồng tôi cũng rất ngại vì mẹ chồng không hề ưa gì tôi. Hai chị em đi trên xe bus tôi cứ nghĩ về nhà nói sao cho mẹ chồng hiểu chứ sợ bà lại khó chịu với con bé. Lúc về đến nhà biết Vy đang ở đây tôi càng cảm thấy có chút lo lắng. Không ngờ tuy mẹ chồng ghét tôi nhưng vừa thấy Thỏ nét mặt bà đột nhiên giãn ra, tôi cũng nói qua lý do nhưng thấy bà không có vẻ gì là khó chịu, không hề có vẻ cau có như mọi ngày thậm chí còn rất vui vẻ. Con bé hôm nay tưởng được đi chơi nên mặc cái váy trắng tinh như công chúa, vào thấy mẹ chồng tôi và Vy liền lễ phép chào:

– Con chào bà, con chào cô ạ.

Theo vai vế lẽ ra Thỏ chỉ phải gọi mẹ chồng tôi là bác, nhưng vì con bé mới ba tuổi đúng là gọi bà cũng được. Mẹ chồng tôi thấy con bé chào như vậy, không kìm được bật cười gọi:

– Nào, lại đây nào. Con tên là gì nhỉ?

– Dạ con tên là Tuệ Anh, bà gọi con là Thỏ cho dễ.

– Ui trời xinh xắn mà cái tên cũng đẹp nữa.

– Dạ, con cảm ơn bà ạ. Bà cũng đẹp lắm luôn, nhà bà cũng đẹp nữa, con thích ơi là thích.

Mẹ chồng tôi lại cười như hoa rồi nhìn tôi, lần đầu tiên suốt từ ngày về bà chủ động hỏi tôi:

– Con bé này là phôi chọn lọc thụ tinh mấy năm trước đấy có đúng không?

Hoá ra mẹ chồng tôi cũng biết Thỏ, còn biết cả chuyện anh trai tôi mất vì bệnh Thalassemia nên khi thấy tôi gật đầu tự dưng tôi thấy bà nhìn Thỏ mắt cũng rưng rưng. Vy ngồi bên cạnh, chân đã không còn băng bó cũng nhìn Thỏ rồi tấm tắc khen:

– Công nhận con bé xinh thật cô nhỉ? Vừa xinh lại hiểu chuyện nữa chứ, ba tuổi mà cứ như bà cụ non ấy. Trẻ con bây giờ cũng khôn hơn ngày xưa, chứ hồi xưa con bé ngố lắm chẳng biết gì đâu.

Mẹ chồng tôi bóc cho Thỏ cái bánh trên bàn, đang định trả lời Vy thấy tôi đứng như vậy thì nói:

– Chị làm gì cứ làm đi, để con bé ở đây chơi với tôi.

Ban đầu định cho Thỏ lên phòng vì sợ phiền mọi người nhưng thấy mẹ chồng nói vậy tôi để con bé ở dưới chơi cùng còn mình vào bếp phụ chị Hương nấu nướng. Lúc vào mới biết Vy cũng mới sang đây, cả tuần nay chị ấy ở nhà cho chân lành hôm nay mới sang chơi. Tôi tuy có chút ngốc nhưng cũng biết hôm nay Khánh về, Vy sang chơi chẳng thể gọi là tình cờ hay trùng hợp được. Trên nhà tiếng mẹ chồng tôi nói với Vy:

– Ngày xưa cô ao ước có đứa con gái lắm mà số chỉ đẻ được hai thằng con trai. Sau này cứ nhìn thấy nhà ai có mấy đứa bé gái lại thèm thuồng. Nhìn con bé Thỏ lại tự dưng lại muốn có đứa cháu gái. Nghĩ trong nhà có tiếng trẻ con cười đùa cũng vui.

Tiếng chị Vy dịu dàng đáp lại:

– Sau này kiểu gì cô cũng có cháu gái thôi, cô chú đẹp thế này cháu gái chắc chắn theo gen ông bà nội thì đẹp hơn hoa hậu luôn ấy chứ.

– Cô chỉ cần có đứa cháu như Thỏ này là hạnh phúc lắm rồi. Con bé ngoan thật đấy, vừa ngoan lại vừa thông minh chứ. Thỏ con hát cho bà nghe một bài đi.

Ngay lập tức trên nhà tiếng Thỏ líu lo bài Bà ơi bà. Mẹ chồng tôi nghe đến đâu cười vang đến đấy. Chị Hương vừa rửa rau vừa nói:

– Lâu lắm rồi mới thấy bà chủ vui như vậy đấy. Sau khả năng hôm nào bà cũng bảo cô Vân mang bé Thỏ sang đây chơi.

Thấy chị Hương nói vậy tôi cũng vui vui trong lòng. Thỏ từ nhỏ đã phải tự lập, đi học từ rất sớm nên con bé ngoan ngoãn, nề nếp gần như ai gặp cũng quý. Đến đây chơi nhưng không dám chạy linh tinh nếu không được cho phép, đến ăn uống muốn gì cũng đều xin phép mẹ chồng tôi nên mẹ chồng tôi rất thích. Trên nhà toàn tiếng ríu ra ríu rít của con bé và mẹ chồng tôi. Khi tôi và chị Hương đang nấu ăn thì Vy cũng xuống dưới bếp rồi nói:

– Chị Hương, chị bận làm gì thì làm đi để em và Vân nấu cho. Lâu rồi mới về Việt Nam thử nấu một bữa xem có ra trò không?

– Nhưng mà…

– Không sao đâu chị, em xin phép cô rồi, có gì em chịu trách nhiệm. Chị ra giặt đồ với cô Hồng đi.

Nghe Vy nói vậy chị Hương cũng đành nhường lại chỗ cho Vy đi ra giặt đồ. Khi chỉ còn hai chúng tôi chị ấy cũng bắt tay vào nhặt rau, ban đầu hai chúng tôi cũng chẳng nói gì nhiều mãi đến khi rửa xong rau chuẩn bị nấu nướng thì Vy liền cất tiếng hỏi tôi:

– Từ hôm gặp em đến giờ giờ mới gặp lại nhỉ? Đám cưới anh Khánh gấp gáp quá còn chẳng kịp báo cho chị. Chắc em và Khánh cũng mới quen nhau thôi hả? Vì căn bản chị cũng chưa nghe anh Khánh nhắc đến em bao giờ.

Tôi nghe vậy chẳng biết đáp thế nào, thừa nhận quen nhau vài ngày khác nào nhận mình gài bẫy nên chỉ nói qua loa:

– Vâng. Cũng quen được một thời gian thôi chị.

– Quen nhau một thời gian mà đùng cái cưới ngay chị cũng thấy lạ thật, không biết bằng cách nào mà em giỏi thế khiến Khánh bất chấp cưới mình mặc cho sự phản đối của bố mẹ.

Nghe thế này tôi bỗng cảm thấy Vy không hề đơn giản như mình nghĩ. Vài câu đầu nghe rất tự nhiên nhưng đến câu này cũng đủ thấy hàm ý của chị ấy rõ ràng mỉa mai nên đáp lại:

– Cái này chị phải hỏi anh Khánh chứ em cũng không biết trả lời thế nào.

Thấy tôi đáp vậy Vy lại cười:



– Chị cũng không có ý gì đâu. Nghe nhiều người nói nên có chút tò mò thôi. À nghe nói em cũng học Luật hả, trước chị học cùng trường với em, năm ba giành học bổng toàn phần nên đi du học. Anh Khánh trước kia còn bảo đợi chị du học xong về là hai đứa sẽ…

Nói đến đây chị ta lại xem như mình lỡ lời đưa rổ rau cho tôi lảng sang chuyện khác:

– Bé Thỏ kia là em gái ruột của em hả? Lớn này có em gái ruột bé bé thế kia cũng vui nhỉ?

– Vâng ạ.

– Con bé ngoan lại đáo để thật, cô có vẻ thích lắm. Bé tí mà đã biết lấy lòng người lớn rồi, ở nhà chắc em phải dạy con bé nhiều lắm nhỉ?

Ban nãy chỉ là mấy câu chuyện liên quan đến người lớn, dù sao Vy cũng là người yêu cũ của chồng tôi, việc chị ta nghĩ tôi là người không ra gì tôi cũng không chấp làm gì. Nhưng việc chị ta nói Thỏ như vậy tôi thấy hơi chướng tai nên đáp lại:

– Trẻ con như tờ giấy trắng thôi, nó quý ai thì thích nói chuyện với người đó chứ lấy lòng gì hả chị?

– Trẻ con thì cũng có đứa này đứa kia. Nhiều đứa bé tý cũng biết giả tạo rồi đấy. Thậm chí có những đứa mưu mô từ bé cơ, căn bản đều là học từ những người lớn xung quanh.

Càng nói tôi càng thấy chị ta nói khó nghe, chưa kịp đáp chị ta đã cười nhạt:

– Nói thật, việc em đưa con bé đến đây lấy lòng mẹ chồng chị nhìn cái là ra luôn. Nhưng thôi cũng chả sao, em không được mẹ chồng quý thì phải dùng cách này cách khác để lấy lòng là đúng. Mà em cũng nên thông cảm cho mẹ chồng, cứ nghĩ xem nếu em đặt vào hoàn cảnh của cô em có thích một cô con dâu như vậy không. Có điều làm gì thì làm lợi dụng trẻ con chị thấy nó cứ sao sao ấy, con bé xinh xắn đáng yêu vậy không nên là công cụ để đạt mục đích của mình đâu.

Tôi thấy chị ta nói vậy, không thèm cả nể nữa mà đáp lại:

– Thế mấy lời này chị nói với tôi với mục đích gì thế? Nếu là để tôi cảm thấy khó chịu, làm ầm ỹ lên thì tôi e là chị không đạt được mục đích rồi. Còn nếu muốn để mọi người biết thì chị vác loa ra mà thông báo chứ đứng đây nói sợ chẳng ai nghe được đâu.

Chị ta thấy tôi nói vậy thì hơi khựng lại, nhưng rồi lại cười:

– Chị cũng có ý tốt nhắc nhở em thôi. Căn bản đối với chị anh Khánh là người rất đặc biệt, dù chị và anh ấy không có duyên thì chị vẫn muốn anh ấy hạnh phúc. Mà ít nhiều chắc em cũng tự thấy khi không tỉnh táo Khánh chọn em một phần vì em có nét giống chị, giống như là bản sao thay thế thôi nên chị càng không mong cái bản sao ấy vấy bẩn hình tượng của bản chính.

Quả thực lúc gặp Vy, thấy bản thân có vài phần giống chị ta tôi đã nghĩ đêm hôm đó có lẽ do tác dụng của rượu và thuốc Khánh nhìn tôi ra chị ta nên mới không làm chủ được bản thân mà bị gài cái bẫy to như thế. Nhưng nghe chính mồm chị ta nói tôi bất giác cảm thấy tim nhói lên mà không hiểu vì sao. Có điều trong hoàn cảnh này, tôi mới là chính thất nên bình tĩnh đáp lại:

– Ai là bản sao bản chính gì tôi không quan tâm lắm. Điều quan trọng tôi là vợ hợp pháp của anh Khánh, giấy đăng ký kết hôn bản chính hay bản sao, photo hay công chứng thì đều là tên tôi và anh Khánh chứ không phải chị.

Lần này thì chị ta câm bặt mồm, cầm rổ rau chuẩn bị cho vào nồi nước đang sôi. Đột nhiên lóng ngóng thế nào cả rổ rau đổ ục vào nồi nước sôi cũng đổ xuống chảy vào tay chị ta, do tôi đứng gần cũng bị nước hất vào tay bỏng rát. Trên mẹ chồng tôi nhà nghe tiếng kêu của Vy thì lao xuống hốt hoảng hỏi:

– Vy, cháu sao thế? Trời ơi sao đổ cả nồi nước sôi ra thế này?

Chị ta liếc nhìn tôi nấc lên, tôi vốn nghĩ giống các motip quen thuộc trên phim ảnh, chị ta sẽ giả vờ khóc lóc đổ vấy cho tôi. Có điều khi ấy tôi rất bình tĩnh bởi trong bếp hay bên ngoài nhà đều có camera chị ta muốn chơi tôi tôi cũng chẳng lo. Không ngờ giây phút ấy chị ta cũng kịp nhìn lên góc trần nhà rồi thút thít đáp:

– Là cháu sơ ý để đổ nồi nước sôi nên mới bị bỏng. Lúc ấy đang nói chuyện với Vân phân tâm quá mà không để ý.

Mẹ chồng tôi thấy không phải lỗi do tôi, lại thấy bàn tay Vy đỏ ửng liền vội vã dìu chị ta lên nhà. Bỏng không nặng nhưng với tiểu thư cành vàng lá ngọc thì vẫn rất đau nên mẹ chồng tôi gọi anh Quân xuống xem thế nào. Cũng may nhà có bác sĩ, sau khi sơ cứu vết bỏng anh Quân có bôi thuốc cho chị ta. Mẹ chồng tôi có ý giục chị ta về nghỉ ngơi nhưng chị ta liên tục từ chối và nói rằng vết bỏng không sao, vẫn muốn ở lại ăn cơm nói chuyện cho bà đỡ buồn khiến mẹ chồng tôi càng thêm áy náy.

Sau khi bôi xong thuốc cho Vy anh Quân cũng quay sang tôi, nhìn mu bàn tay đỏ lên liền nói:

– Vân cũng ngồi xuống anh sơ cứu rồi bôi thuốc cho. Đừng chủ quan, vết bỏng không nặng nhưng nếu không cẩn thận có thể bị nhiễm trùng đấy.

Mẹ chồng tôi lúc này mới biết tôi cũng bị bỏng thì bảo:

– Ngồi xuống cho anh bôi cho, chị cũng bất cẩn quá đi thôi, đành rằng Vy ở nước ngoài về không biết, chị cũng không luộc rau lại còn để con bé làm rồi thành ra như vậy.

Tôi nghe mẹ chồng nói thì ngồi xuống, mẹ chồng tôi lắc đầu ngao ngán gọi chị Hương vào nấu nốt cơm. Rửa vết bỏng bằng nước sạch anh Quân mới bôi thuốc cho tôi. Khi đang bôi thuốc bên ngoài cũng có tiếng bước chân của Khánh, vì hôm nay anh ta không đi xe về nên tôi không biết vậy nên tôi có chút giật mình như một phản xạ tôi định rụt tay lại nhưng anh Quân đã kéo rồi nói:

– Chưa bôi xong, còn đỏ nguyên đây này.

Lúc này tôi cũng ngước lên nhìn, vừa hay thấy Khánh cũng sa sầm nét mặt lại. Thế nhưng Vy ngồi cạnh lại giả vờ lên tiếng:

– Anh Quân bôi cho Vân kỹ chút, vết thương của Vân cũng ngang ngửa em đấy chứ.

Mọi người nghe Vy nói như vậy có lẽ nghĩ chị ta vô tư lo cho tôi chỉ có tôi hiểu chị ta có ý gì. Sau khi bôi vết thương xong chị Hương cũng nấu ăn xong nên chưa kịp giải thích gì với Khánh đã phải vào ăn cơm. Trong suốt bữa ăn chỉ có mẹ chồng tôi và Vy nói chuyện nhiều, tay đau nhưng chị ta liên tục gắp thức ăn cho mẹ chồng tôi. Tôi cũng chẳng thèm để ý lắm, chỉ thấy mẹ chồng tôi lại cũng liên tục gắp thức ăn cho Thỏ. Con bé ăn ngon lành, mỗi lần được gắp đồ là một lần ríu rít cảm ơn khiến có người chướng mắt vô cùng.

Ăn xong tôi để Thỏ chơi ở dưới còn mình mang đồ lên phòng rồi định bụng sẽ xuống đưa Thỏ về. Trong balo chỉ có mấy quyển sách, khi đang xếp vào tủ bên ngoài cũng có tiếng lạch cạch rồi tiếng bước chân của Khánh bước vào. Anh ta đặt túi lên trên bàn rồi khẽ liếc nhìn cuốn sách quen thuộc có những ngôi sao năm cánh bên trong tôi đặt trên nhất rồi lặng lẽ đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Tôi đợi anh ta ra rồi mới nói:

– Tôi xuống đưa Thỏ về nhà.

Khánh không đáp, nhưng khi tôi vừa ra đến cửa đột nhiên anh ta cất lời:

– Có phải cô hối hận lắm không?

Tôi không hiểu ý anh ta là gì, chỉ thấy trong câu hỏi là một sự khó chịu xen lẫn cả thất vọng liền hỏi lại:

– Anh nói vậy là sao?

Anh ta đột ngột đứng phắt dậy lao về phía tôi túm lấy hai bên vai gằn lên:

– Nếu như lúc ấy cô biết Quân Khánh ngoài tôi còn có anh Quân là con trai có lẽ cô sẽ chọn mồi chài anh tôi chứ không phải tôi đâu nhỉ?

– Tôi không hiểu anh nói gì cả.

– Đừng giả vờ vịt nữa.

Nói đến đây, tôi thấy yết hầu anh ta cũng giật lên, từng chữ rất khó chịu được phát ra:

– Cô nên nhớ giờ cô là vợ tôi rồi, tránh xa anh trai tôi ra.

Không đợi tôi đáp anh ta liền mở cửa đẩy tôi ra ngoài rồi đóng rầm cửa lại. Cả người tôi cũng nóng bừng lên, cái cảm giác bị hiểu nhầm khó chịu vô cùng, muốn giải thích nhưng người trong kia đã chẳng muốn nghe chỉ còn cách đợi anh ta nguôi giận, trong lòng cũng cảm thấy vô cùng rối bời.

Khi đi xuống dưới tôi thấy anh Quân đã đưa Vy về. Bố chồng tôi cũng đi có việc chỉ có mẹ chồng đang chơi với Thỏ rất vui vẻ. Thấy tôi phải đưa Thỏ về mẹ chồng tôi tiếc nuối thấy rõ. Chỉ có điều giờ cũng tối rồi, mẹ tôi cũng gọi mấy cuộc nên mẹ chồng tôi cũng giục tôi ra bắt xe bus đưa Thỏ về cho sớm chứ chờ bố chồng tôi về đưa đi lại muộn. Khi về đến nhà mẹ tôi cũng vừa ăn cơm xong, vừa đón Thỏ mẹ vừa kể:

– Con ở trong viện chăm bố quen rồi nên hôm nay con không vào mọi người cứ hỏi suốt. Có thằng đàn ông trẻ trẻ mới nằm viện được hai ngày ở cái phòng chếch chếch đối diện ấy cứ hỏi mẹ con gái cô đâu đến khổ. Mẹ phải bảo con có chồng rồi nó mới thôi không hỏi nữa. Từ sau đi chắc phải bảo thằng Khánh đi cùng không người ta lại nghĩ là hoa không có chủ thì chết dở. Bố cũng bảo từ hôm cưới chưa gặp lại con rể nữa.

Tôi nghe mẹ nói vậy thì bật cười nhưng trong lòng cũng cảm thấy xót xa. Thực ra bố tôi và cả mẹ dù biết cuộc hôn nhân này chẳng có tình yêu nhưng có lẽ họ vẫn mong tôi được hạnh phúc dù là chút ít. Trời cũng tối rồi nên tôi không dám ở lại lâu, phần vì cũng muốn về nói chuyện với Khánh cho rõ ràng nên xin phép mẹ về luôn.

Trời Hà Nội đêm rất xa hoa và tấp nập, tấp nập hơn cả những tháng năm lần đầu tôi đặt chân đến đây. Xe đi qua những trạm dừng, đỗ lại, người xuống rồi lại lên lướt qua nhau trong những bộn bề cuộc đời. Khi xuống đến trạm gần nhà chồng tôi cũng bước xuống, cảm thấy trời đêm dần lạnh đi. Nhà Khánh nằm trong một khu đô thị rộng lớn, nhưng từ trạm xe bus vào phải đi qua một đoạn đường khá vắng. Bình thường tôi cũng không nghĩ ngợi gì vì khu này tối đèn đường sáng trưng, cũng nghe từ trước đến nay ở đây rất an toàn nhưng không hiểu sao hôm nay đi tôi lại có cảm giác bất an mơ hồ. Khi vừa đi được một đoạn tôi bỗng có cảm giác có người đi theo mình liền vội vã rảo bước nhanh hơn. Bên trong tiếng điện thoại vang lên, tôi vừa vội vã đi vừa lấy điện thoại ra, thế nhưng tiếng nói phía sau khiến toàn thân tôi dựng tóc gáy, một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng:

– Chào Vân! Lâu rồi không gặp.

Vừa nói đến đây tôi cũng nghe tiếng bước chân phía sau lao thẳng lên trước mặt tôi. Dù trên đời này tôi có thể quên đi rất nhiều người, dù có những người gặp rồi lại quên nhưng gã đàn ông trước mắt có đến chết tôi cũng không bao giờ quên nổi. Gã đàn ông đã c.ưỡng b.ức tôi năm mười bảy tuổi ở một xó quê, nay đứng trước mặt tôi giữa đoạn đường vắng tanh trong con phố của thủ đô Hà Nội tập nập này.

Tôi run lẩy bẩy, đôi chân như muốn khuỵ xuống nhưng vẫn gắng sức lùi lại dù rằng khoảng cách của tôi và hắn ta vô cùng nhắn. Điện thoại của tôi vẫn reo lên, tôi cố giữ bĩnh tĩnh liếc mắt thấy Khánh đang gọi liền nhấn nút nghe. Thế nhưng hắn ta đột nhiên lao thẳng đến túm lấy tóc tôi lôi vào bụi gần đó không cho tôi phản ứng dù chỉ một giây. Ký ức kinh hoàng ùa về, nỗi đau đớn và sự tổn thương cả một đời không nguôi, tôi gắng sức giãy giụa lao ra gào thét:

– Cứu tôi! Cứu tôi! Khánh! Cứu tôi.

Gã đàn ông đốn mạt điên dại, bệnh hoạn tát lên mặt tôi. Mặc cho tôi kêu cứu, hắn vẫn ra sức đè tôi xuống. Tôi túm lấy điện thoại như túm lấy hi vọng mỏng manh cuối cùng, dù biết tia hi vọng ấy mỏng manh khóc như mưa:

– Khánh, cứu tôi. Cứu tôi. Cứu tôi với. Tôi đang ở đầu đường về nhà mình, cứu tôi… xin anh cứu tôi với.