Chương 11

Nữ sinh nhận ra sự có mặt của Bùi Húc, vội vã bỏ chạy.

Thanh xuân thích quá nhỉ.

Dáng vẻ bình chân như vại của Bùi Húc làm tôi không nhịn được đùa giỡn: “Không đuổi theo bạn gái nhỏ à?”

Cậu nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, phun ra một câu: “Ấu trĩ.”

Tôi thường cảm thấy mình không hiểu nổi Bùi Húc.

Có lúc cậu dè dặt, câu nệ như phận người ăn người ở, nhưng cũng có lúc trong vô thức toát ra vẻ trưởng thành và nghiêm nghị.

Mà tôi luôn cảm thấy vế sau mới là con người thật của cậu.

Bỏ đi, không muốn nghĩ nhiều nữa.

“Tôi còn có việc phải đi trước.” Thốt xong câu này, tôi vội vàng bước về phía nhà để xe.

Chưa đi được mấy bước, phía sau đã có tiếng bước chân đuổi theo.

“Cậu còn theo tôi làm gì, chiều không lên lớp à?”

Bùi Húc rảo bước đến sóng vai cùng tôi: “Hôm nay cô chủ nhiệm cho nghỉ.”

“Vậy cậu về trước…”

Còn chưa nói xong, Bùi Húc đã ngắt lời tôi: “Hạ Mộ định đi đâu, tôi đi cùng được không?”

Cậu hôm nay thật lạ, không hiểu sao cảm thấy rất dính người.

Tôi nghĩ lại, thần bí bước đến gần: “Cậu có biết chơi cờ không?”

Khoảng cách gần này làm tôi thấy được một thoáng hoảng loạn và nghi hoặc trong ánh mắt thằng nhóc.

Nhưng cậu vẫn gật đầu.

Thế nên tôi lái xe chở cậu đến viện điều dưỡng.

Hôm nay tôi định đến thăm thầy Dương giáo sư đại học.

Trên đường đi, tôi có gọi điện cho viện điều dưỡng trước.

Ông cụ vẫn còn “giận” tôi đã lâu không đến thăm mình, điện thoại cũng là y tá bắt máy.

Dọc theo đường dây vọng đến tiếng quát của thầy: “Đừng cho nó đến!”

Tôi mỉm cười bất đắc dĩ, nói với y tá chừng nửa giờ sau sẽ đến nơi.

Cả một đoạn đường Bùi Húc chỉ im lặng nhìn ra ngoài, không sợ tôi mang cậu đi bán hay sao.

Đến phòng của thầy Dương, chỉ thấy ông đang quật cường đưa lưng về phía tôi.

Tôi xoa xoa đường giữa hai chân mày, cố ý nói to: “Thầy Dương, học trò cưng đến thăm thầy.”

Ông cụ run vai, cuối cùng vẫn không nhịn được quay mặt lại: “Tôi không có học trò nào mặt dày như cô.”

Tôi đẩy Bùi Húc lên phía trước, đắc ý nói: “Thằng bé biết chơi cờ.”

Quả nhiên thầy Dương sáng bừng mắt.

Thầy Dương không có con cái. Sau khi vợ qua đời thầy không đi bước nữa mà chỉ có niềm vui duy nhất là đánh cờ.

Nhưng đáng tiếc tôi không biết chơi. Thầy Dương cũng từng nỗ lực dạy tôi nhưng tôi không có thiên phú, thầy chỉ đành tiếc nuối cho qua.

Ông cụ tính cách bướng bỉnh còn kiêu ngạo, rõ ràng hi vọng tôi đến thăm mà đến rồi lại thích đuổi người. Trước kia tôi phải dỗ dành ông rất lâu.

Tôi ở cạnh nhìn bọn họ chơi cờ mấy phút, im lặng đứng dậy tìm bác sĩ trao đổi về tình trạng sức khỏe của ông cụ.

Sau đó lại nộp viện phí một năm, nếu để thầy Dương biết được không khéo lại bị mắng.

Sau đó quay về thấy một già một trẻ đang chém gϊếŧ nhau trên bàn cờ. Thầy Dương đang cau mày suy tư, còn Bùi Húc lại cực kỳ bình tĩnh.

Không phải chứ? Đừng nói là thầy Dương thua Bùi Húc?

Tôi xếp bữa trưa ra, thầy Dương ngửi được mùi vị thức ăn, đuôi lông mày phấn khởi: “Tiểu Húc à, ăn cơm trước đã.”

Mới gặp nhau không lâu mà đã thân đến mức gọi “Tiểu Húc” rồi hả?

Tôi nghiêng đầu nhìn Tiểu Húc, cậu nhìn tôi cười đầy kiêu ngạo.

Ăn cơm xong hai người chơi hết ván cờ dở, kết quả hòa nhau.

Tôi và Bùi Húc đẩy thầy Dương ra ngoài tắm nắng.

Dọc đường nổi gió, ông cụ không muốn trở về, tôi đành sai Tiểu Húc quay về lấy tấm chăn.

Nhìn Tiểu Húc đã rời đi, ông cụ đột nhiên nói: “Đứa nhỏ này khá lắm.”

Tôi cười nói: “Thầy vừa mới quen mấy tiếng đã hiểu thằng bé rồi?”

Thầy Dương nghiêm túc nói: “Cờ phẩm cũng giống nhân phẩm, đứa nhỏ này chơi cờ rất vững, giữ được bình tĩnh mà không giở trò khôn vặt. Cư xử với người ngoài đúng mực, mỗi tội ở trước mặt em lại hơi câu nệ.”

“Tiểu Húc đã nói với thầy hoàn cảnh của hai em, vậy cũng coi như hai em có duyên phận. Lúc trước mẹ thằng bé giúp em, bây giờ em giúp thằng bé. Có thằng bé ở cùng em, thầy cũng yên tâm.”

Ông cụ đột nhiên nói lời thật lòng như vậy làm tôi hơi luống cuống, cười đùa: “Thầy đánh giá thằng nhóc cao thế là em ghen đấy.”

Thầy Dương không nhịn được “Chậc” một tiếng, quay đầu càm ràm tôi đã bao lâu không đến thăm mình.

Mà Bùi Húc từ xa bước tới, trên tay trừ tấm chăn còn có áo khoác của tôi.

Ông cụ nhìn thấy liền trầm ngâm: “Thầy đã nói thằng bé rất tốt mà.”

Tôi không tiếp lời thầy.

Buổi chiều thầy Dương lại lôi kéo Bùi Húc chơi vài ván cờ, chúng tôi ở lại viện điều dưỡng ăn thêm bữa tối với thầy.

Lúc này ông cụ mới hài lòng thả Bùi Húc về.

Thằng nhóc Bùi Húc rất vi diệu, cậu luôn chiếm được hảo cảm của người khác một cách nhanh chóng, chẳng hạn như Diệc Hoan, lại chẳng hạn như thầy Dương.

Không giống với tôi, nếu không có mẹ Bùi Húc “cố chấp”, Diệc Hoan “da mặt dày” và thầy Dương “hay càm ràm” thì có lẽ tôi vẫn đơn độc một mình.

Trên đường trở về, thầy Dương gọi điện thoại đến.

Tôi lỡ bật loa ngoài, tiếp nhận cuộc gọi được một giây đã thấy hối hận.

Tiếng quát tức đến nổ phổi của thầy Dương vọng khắp buồng xe: “Cô lại đóng tiền rồi à?! Đã nói bao nhiêu lần là tôi có tiền, cô cực khổ kiếm được chút tiền đấy thì tự mình giữ đi. Ngày mai tôi sẽ để viện trả tiền lại cho cô.”

Tôi dừng xe ở ven đường, hắng giọng nói một câu: “Em biết thầy Dương của chúng ta có tiền, nhưng chuyện này không liên quan đến chuyện em trả viện phí mà. Hơn nữa thời đại học, em còn ăn chực cơm của cô (vợ thầy) không biết bao nhiêu lần, tiền này coi như để em bù tiền cơm.”

“Chết tiệt! Khốn nạn! Cơm nhà ai đắt như vậy? Vợ tôi mà biết được sẽ mắng chết tôi.” Ông cụ giận sắp gào lên.

Tôi chỉ đành im lặng mặc cho ông cụ mắng ở đầu bên kia.

Có điều vào lần cuối ông cụ đòi viện trả tiền cho tôi, tôi cứng rắn đáp lại: “Nếu thầy cứ làm thế thì em sẽ không dẫn Bùi Húc đến chơi cờ với thầy nữa đâu!”

Bầu không khí yên tĩnh vài giây, sau đó “bụp” một tiếng, là ông cụ cúp máy.

Bùi Húc đột nhiên mỉm cười.

Một giây sau tôi cũng cười.

Qua vài hôm nữa tôi phải ngoan ngoãn đến viện điều dưỡng nghe mắng một trận mới được.

Khuyên can đủ đường, cuối cùng đã làm to chuyện.

Trước lúc đi, thầy Dương cứ dặn tôi lần sau nhớ dẫn Bùi Húc đến mãi.

Nhưng học kỳ hai của lớp 11, chương trình học của Bùi Húc rất nặng.

Lúc trước họp phụ huynh, trên bàn học của mỗi người đều dán tên trường đại học mong ước.

Bùi Húc muốn học trường Luật danh giá nhất trong nước.

Tuy trước này tôi chưa từng có yêu cầu cao về chuyện học hành của Bùi Húc, cậu lại giống như đang ghìm một hơi lấy đà, sau đó vọt về phía đích.

Khoảng thời gian đó tôi có dẫn Bùi Húc đến viện điều dưỡng mấy lần.

Thời tiết dần nóng hơn, nếu không có Diệc Hoan gọi điện hỏi về kế hoạch du lịch, có lẽ tôi đã quên mất sắp đến nghỉ hè.

“Mộ Mộ! Cậu dẫn Tiểu Húc đến nhà tớ chơi đi. Cậu vẫn rất thích lướt sóng mà nhở? Hơn nữa Tiểu Húc cũng cần được giải lao.”

Tôi nhìn Bùi Húc đang ngồi cạnh bàn trà gọt hoa quả, ngả người ra ghế sô pha lười nhác nói: “Năm nay nóng lắm, không muốn đi đâu cả.”

Diệc Hoan ở đầu bên kia gào lên: “Ra biển có nhiều trai đẹp lắm đấy. Mấy em giai ngọt nước cơ bắp hoàn hảo kia không làm cậu phấn khích à? Tớ còn mua luôn áo tắm cho cậu rồi, hợp với dáng người cậu cực luôn. Là bikini cực kỳ gợi cảm!”

Cô ấy gần như gào lên ba chữ “Bikini”.

Tôi cá Bùi Húc đã nghe thấy được, bởi vì tai cậu đột nhiên đỏ ửng.

Sau đó cậu đưa quả cam đã bóc vỏ cho tôi, thấp giọng thao túng: “Đi đi mà.”

YÊU ĐẾN TẬN HOÀNG HÔN

Tác giả : Nam Nhất

HE, tình chị em, đô thị tình duyên, yêu sâu sắc

~~~~~~~~~~~~~

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~