Chương 23: Giáo bá

Chương trình học của nhà trẻ chỉ gói gọn trong một chữ “chơi”, nên hầu hết thời gian, bọn nhỏ sẽ ở trong phòng học chơi cùng các bạn khác.

Trong một bầy trẻ, luôn luôn có mấy đứa khác với đám đông, và Dư Thiên chính là một đứa như vậy. Cô bé không có gì để làm nên chỉ ôm bình nước của mình, nhìn mấy đứa nhóc khác được cô giáo dạy cho chơi mấy trò đơn giản.

Thoạt nhìn, cô bé chẳng có hứng thú gì với mấy đứa nhóc khác, cũng không thèm ngó ngàng đến mấy món đồ chơi trước mặt mình, chỉ ngồi một chỗ rồi thẫn thờ.

Tại Dã đứng trên cành cây, một tay vịn thân cây, vừa khéo có thể nhìn vào ô cửa sổ lớn của phòng học, thấy dáng vẻ ngồi im thin thít của Dư Thiên.

Bản thân cậu khi đi học cũng để đầu óc bay lên chín tầng mây, nhưng thấy con gái mình thế này, cậu lại không kiềm được sự lo âu trong lòng. Trong mắt Tại Dã, bộ dạng ăn không ngồi rồi của cô bé chính là “chán nản bơ phờ” và “tinh thần sa sút”.

Cậu nhíu chặt mày, quan sát kỹ lưỡng từng hành động của cô bé. Mãi mới thấy có đứa nhóc đến gần Dư Thiên, Tại Dã còn tưởng hai đứa nó sẽ giao lưu gì đó, hoặc là rủ nhau chơi cái gì đó, ai dè cô nhóc kia bước đến, lấy một món đồ chơi trước mặt Dư Thiên, rồi… đi ra chỗ khác chơi.

Tại Dã: “...” Sao bị giành đồ chơi mà cũng không phản ứng gì hết vậy!

Thấy con gái mình thất bại trong việc xã giao ở nhà trẻ, người “cha già” trẻ tuổi bộc lộ sự phẫn nộ bằng cách giơ tay đấm vào thân cây.

Dư Thiên không thích nhà trẻ lắm, cô bé thích ở nhà, hoặc là ở cái nơi có rất nhiều món đồ chơi to bự kia, vì khi ở đó, cô bé có thể tự do muốn ăn gì thì ăn, muốn chơi gì thì chơi, chứ đâu có như bây giờ, thậm chí còn không được ra khỏi phòng học để đi loanh quanh.

Cô bé ngồi im một lát, suýt nữa thì ngủ quên. Nhưng có một đốm sáng màu xanh lam cứ bay bay bên cạnh cô bé, mà nó còn rất ầm ĩ nữa, cứ lải nhải: [Thật là tội nghiệp, nam chính của chúng ta đã quen với chức trách của một người ba rồi, đến nỗi phải núp bên ngoài nhìn lén con mình.]

[Ký chủ ơi, mau nhìn kìa, nam chính đang ở bên ngoài!]

Thỉnh thoảng, đốm sáng màu xanh lam này sẽ làm ầm lên như vậy. Dư Thiên chỉ mới hai tuổi, không hiểu “hệ thống” là thứ gì, nên chỉ xem đốm sáng này là một người bạn tí hon hoặc một con thú cưng đặc biệt nào đó.

Nghe nó lải nhải một hồi, cô bé ngẩng đầu lên tìm kiếm bóng người ngoài cửa sổ.

Cô bé chạm mắt với Tại Dã đang đứng trên cái cây bên ngoài tường rào của nhà trẻ.

Ba giây sau, Dư Thiên - vừa rồi còn ngồi im đến mức suýt thì ngủ quên - bỗng nhiên há miệng gào khóc.

Tiếng khóc này đột ngột vang lên trong phòng học, lập tức dẫn theo một loạt phản ứng dây chuyền, giống như khi một con sói tru lên thì mấy con sói khác sẽ hùa theo. Chẳng mấy chốc, trong phòng học đã tràn ngập tiếng khóc hoặc lớn hoặc nhỏ của mấy đứa nhóc.

Mấy đứa bé tuổi này thường bị bạn đồng trang lứa ảnh hưởng. Cho dù lúc nãy tụi nó đang làm gì, chỉ cần có một đứa khóc thì mấy đứa xung quanh sẽ khóc theo, cuối cùng là cả đám đều khóc.

Ba cô giáo trong phòng vội vàng dỗ dành mấy đứa nhóc này, trong đó có một người bước đến chỗ Dư Thiên vì cô bé là đứa khóc đầu tiên. Cô giáo chỉ mới gọi tên cô bé, chưa kịp hỏi rõ đầu đuôi thì bỗng phát hiện cô bé vừa khóc vừa nhìn ra cửa sổ. Cô giáo nhìn theo, lập tức đối diện với ánh mắt của Tại Dã đang đứng ngoài tường rào.

Mà lúc này, Tại Dã đang khó hiểu vì Dư Thiên bỗng dưng khóc, thế nên cậu hơi nghiêng người về phía trước để nhìn cho rõ hơn.

Một cô giáo phát hiện, hai cô giáo còn lại cũng phát hiện.

Trong đó, cô giáo trẻ hơn nghiêm túc nói: “Đó là ai vậy, sao lại leo lên cây rình mò như thế, là do cậu ta dọa bé Thiên đúng không!”

Cô giáo lớn tuổi hơn rất có kinh nghiệm, nói: “Em đi tìm bảo vệ hỏi thử, xem đó có phải phụ huynh của bé nào không. Nhưng dù có phải hay không thì vẫn nên kêu cậu ta leo xuống, đừng đứng đó nữa.”

Chẳng mấy chốc, Tại Dã đã bị bảo vệ bao vây xung quanh, cậu buộc phải trượt từ trên cây xuống. Nhưng cậu không bỏ đi, mà ngược lại ném ba lô qua một bên, đăng ký tên mình ở chốt bảo vệ rồi đường đường chính chính đi vào nhà trẻ.

Không lâu sau đó, Dư Thiên được cô giáo dẫn ra cửa phòng học. Người ba lúc nãy còn đứng trên cây rình mò, bây giờ đã đứng ngoài cửa chờ cô bé, duỗi tay dắt cô bé ra ngoài.

Tiết học buổi sáng còn chưa xong thì bạn học Dư Thiên đã được phụ huynh nhà mình xin nghỉ cho, rồi được ba ôm ra khỏi nhà trẻ một cách quang minh chính đại.

Bấy giờ trời còn nắng gắt, Tại Dã lấy nón của mình đội cho cô bé, che khuất gương mặt trắng nõn kia, rồi treo cái cặp nhỏ và bình nước của cô bé lên khuỷu tay mình, sau đó mới ôm cô bé đi dưới những bóng cây trên lề đường.

“Lúc nãy sao đột nhiên lại khóc?” Tại Dã hỏi.

Cô bé chớp chớp đôi mắt đen như quả nho của mình: “Ba leo cây!”

Tại Dã: “Câm miệng.”

Lúc nãy, dưới ánh mắt quái dị của các giáo viên mầm non và mấy chú bảo vệ, Tại Dã vẫn luôn duy trì vẻ mặt lạnh lùng vô cảm, nhưng chuyện bị hiểu lầm là kẻ đáng nghi rình mò trên cây này vẫn làm cậu thấy xấu hổ.

“Ba, anh Tụ!” Dư Thiên đòi đến quán bar Cao Tường vì ở đó có mấy món đồ chơi to to.

Tại Dã cũng có ý này. Trong một phút bốc đồng, cậu đã dẫn con ra ngoài chơi, trong khi cậu cũng chưa biết nên đưa con đi đâu. Tuy nhiên…

“Ba kêu là anh Tụ, còn con phải kêu là chú Tụ.”

“Chú Tụ.” Dư Thiên ngoan ngoãn nói theo.

Tiếc là kế hoạch này không thực hiện được, vì khi hai người đến quán bar Cao Tường thì phát hiện quán đóng cửa, bên ngoài còn dán một tờ thông báo, nói là chủ quán đi du lịch chưa biết ngày về nên tạm thời đóng cửa.

Tại Dã, Dư Thiên: “...”

Tại Dã đành phải tìm một nơi khác để gϊếŧ thời gian.

Lúc đi ngang qua rạp chiếu phim, Tại Dã thấy poster phim ngoài cửa là hình một nhân vật trong game cậu hay chơi. Cậu nhìn kỹ lại thì thấy, hóa ra là phim chuyển thể từ game. Nghe nói bộ phim này là dự án lớn trong ngành, hình như đàn em trong trường cậu cũng hay bàn tán về nó. Cậu thấy có vẻ thú vị nên chỉ vào poster rồi hỏi Dư Thiên: “Muốn xem không?”

Dư Thiên đang ngồi trong lòng cậu, nghe vậy thì chồm người lên, nhiệt tình hưởng ứng: “Xem ạ!”

Tại Dã mua vé rồi ôm con gái mình vào trong. Buổi sáng hầu hết mọi người đều đang đi học hoặc đi làm nên nơi này khá vắng vẻ, cậu và Dư Thiên ngồi ngay giữa rạp, mấy ghế xung quanh không có ai, cả hai chờ phim bắt đầu chiếu.

Tại Dã ôm một túi bắp rang, dùng bàn tay che kín miệng túi, cách một thời gian mới cho Dư Thiên ăn một miếng. Dư Thiên cứ muốn cạy ngón tay cậu ra để lấy được bắp bên dưới, hì hục cả buổi mà chỉ lấy được một viên, nhưng cô bé làm mãi không biết mệt, thậm chí còn không thèm xem phim.

Cô bé không hiểu các hiệu ứng đặc biệt và những vị anh hùng trên màn ảnh, cô bé chỉ thấy túi bắp rang thơm nức mũi kia hấp dẫn hơn nhiều.

“Cái quái gì vậy trời!” Tại Dã xem phim một hồi thì đưa ra lời đánh giá như vậy. Bộ phim chuyển thể từ game này có cốt truyện khá khó hiểu, cậu xem mà thấy cạn lời, lấy một nhúm bắp rang lên ăn, suy nghĩ xem có nên ra khỏi rạp sớm sớm hay không. Còn một tiếng nữa mới hết phim, nếu ngồi xem nữa thì chắc sẽ bị thứ vớ vẩn này làm ô nhiễm đầu óc mất.

Nhưng ngay sau đó cậu chợt nhận ra, đứa nhỏ bên cạnh mình đã không còn giành bắp rang nữa. Cậu quay đầu nhìn thử, quả nhiên cô bé đã ngủ rồi.

Rạp chiếu phim rất lớn nên Dư Thiên có vẻ càng thêm nhỏ bé. Cô bé đang từ từ trượt xuống ghế, Tại Dã lập tức bỏ túi bắp rang trong tay ra, nhấc cô bé lên đặt vào lòng mình, cho cô bé dựa vào ngực mình mà ngủ.

Cậu lãng phí hơn một tiếng đồng hồ để xem cho hết một bộ phim quái đản, còn Dư Thiên thì ngủ ngon lành hơn một tiếng, đến lúc hết phim vẫn chưa tỉnh. Đợi đến khi cô lao công vào rạp để dọn dẹp thì cậu mới ôm cô bé rời đi.

“Con cũng ham ngủ ghê ha.”

Cô bé dựa vào vai cậu, như một cục bột mềm mềm nóng nóng, nhưng lát nữa tỉnh lại kiểu gì cũng sẽ vòi vĩnh đủ thứ cho mà coi.

Cứ như vậy, ngày đầu tiên sau khi khai giảng, cả ba lẫn con đều “trốn học”.

Đến tối, phu nhân Ôn Linh nhắn tin cho Tại Dã, hỏi thăm xem ngày đầu tiên đi học, con gái cậu có phản ứng gì, đã quen chưa.

Nhưng bà ấy đâu hề biết, đứa nhỏ này hôm nay vốn không đi học mà chỉ lang thang đi chơi bên ngoài cả ngày. Nhớ đến ngày xưa mình cũng đưa con đi nhà trẻ, Ôn Linh hơi xúc động, dịu dàng nhắn nhủ con trai về tầm quan trọng của việc dạy con cách tự lập, dạy bọn nó biết tự tay làm cái này cái kia, ngoài ra còn phải để bọn nó tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè đồng trang lứa.

Tại Dã hơi chột dạ.

Sáng hôm sau, Tại Dã đi học sớm, nhờ dì Ngô đưa Dư Thiên đi nhà trẻ, vì giờ học của nhà trẻ trễ hơn nhiều so với giờ học của trường cấp ba. Hơn nữa, cậu cảm thấy hôm qua mẹ cậu nói cũng có lý.

Nhưng khi ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài, Tại Dã lại không nhịn được mà nghĩ: Không biết dì Ngô có đưa con gái mình đến nhà trẻ đúng giờ không? Hôm nay cậu không đưa cô bé đi, cô bé có khóc không? Giờ ngủ trưa của cô bé không cố định, liệu có quen với nếp sinh hoạt ở nhà trẻ không?

Ở nhà trẻ có nhiều đứa nhóc như vậy, một người thầy hoặc cô phải chăm nom cho rất nhiều đứa, chắc chắn sẽ không thể tỉ mỉ bằng ở nhà.

Cứ suy nghĩ miên man như vậy, đến lúc Tại Dã hoàn hồn thì mới nhận ra, bản thân đã đứng ngoài tường rào của nhà trẻ rồi.

Lần này cậu không leo lên cây mà chỉ bám trên tường rào để quan sát bên trong.

Lúc cậu đến thì vừa khéo là giờ chơi ngoài sân của bọn trẻ, mấy đứa nhóc đi loanh quanh trong sân chơi đủ thứ trò. Dư Thiên đang cầm một cái xô nhỏ đựng cát thì chợt phát hiện Tại Dã trên tường.

Dư Thiên: “Oa!”

Mười phút sau, dưới ánh mắt khó tả của các cô giáo, Tại Dã hí hửng ôm con gái ra khỏi nhà trẻ.

Các cô giáo cũng từng thấy vài phụ huynh quyến luyến con nên đứng ở ngoài nhìn vào, nhưng cái kiểu nhớ con nên xin nghỉ cho con thế này thì rất hiếm, hơn nữa vị phụ huynh này cũng quá trẻ tuổi.

Ngày thứ hai đi học, Dư Thiên lại tiếp tục ra ngoài lêu lổng với ba mình.

Ngày thứ ba, trước khi rời nhà, Tại Dã nói với Dư Thiên: “Hôm nay con đi học phải ngoan đấy nhé, ba sẽ không đi thăm con nữa đâu. Buổi chiều ba mới đến đón con, biết chưa?”

Dư Thiên không nói gì, chỉ xoắn ngón tay nhìn cậu.

Tại Dã hết sức lạnh lùng đeo cặp ra cửa.

Sau đó đến giữa trưa, Dư Thiên lại phát hiện người ba “lạnh lùng” của mình núp trong lùm cây bên ngoài tường rào.

Cô giáo lại một lần nữa dắt cô bé ra giao cho Tại Dã. Cậu nắm tay con gái, suy nghĩ xem hôm nay nên đi đâu chơi.

Hai người đi ngang qua cổng trường tiểu học gần đó, tình cờ gặp phu nhân Ôn Linh đến trường đưa đồ cho Lộ Lãng. Ôn Linh ngạc nhiên nhìn hai cha con, hơi hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

“Tại Dã? Sao con lại ở đây, bây giờ không phải giờ học của con à? Bé Thiên cũng đang trong giờ học đúng không? Hai đứa như thế này là đang…”

Cùng nhau trốn học, bị bắt quả tang tại trận.

Tại Dã cũng không biết mình nghĩ gì, gặp trường hợp thế này, phản ứng đầu tiên của cậu là ôm con lên rồi quay đầu bỏ chạy.

Chạy qua hai con phố, cậu mới dừng chân, rầu rĩ vỗ lên trán mình, lầm bầm lầu bầu: “Mọe, mình chạy cái quái gì chứ.”

Dư Thiên được cậu ôm chạy suốt đoạn đường này cũng cười ha ha, thậm chí còn bắt chước cậu, giơ cái tay nhỏ vỗ lên trán cậu một cái.

Tiếng vỗ cực kỳ giòn giã.

Tối hôm đó, không ngoài dự đoán, phu nhân Ôn Linh ghé nhà thăm con trai và cháu nội. Bà ấy nhìn hai người ngồi trên sô pha đối diện, thấy hơi buồn cười. Một đứa thì tỏ vẻ không thèm để ý, khoanh tay không chịu nhìn thẳng vào mặt bà ấy. Còn đứa kia thì không hề hay biết gì, vẫn đang đong đưa hai cái chân ngắn cũn của mình.

“Mẹ đã hỏi các cô giáo ở nhà trẻ về tình hình của bé Thiên mấy ngày nay rồi… Tại Dã, ngày mai con đi học cho đàng hoàng, để bé Thiên cũng đi học đàng hoàng, được không?”

“... Vâng.”

Phu nhân Ôn Linh dùng giọng điệu đầy bất đắc dĩ, nói: “Tại Dã, con cái rồi cũng phải lớn lên. Đến khi con bé lớn rồi, con bé sẽ phải rời xa con để tự lập, cho nên bắt đầu từ bây giờ, con cần làm quen dần dần với chuyện đó.”