Chương 37

Thái Đại Bình lấy mấy món đồ trong giỏ ra, bày từng món cho hai mẹ con xem: "Cuộc sống của cậu mợ cũng khó khăn, không có đồ gì tốt. Ở đây có hai chiếc khăn mặt, do chị họ của cháu mang về. Cậu mợ chưa có dịp nào dùng, vừa hay cháu kết hôn có thể dùng được."

Khăn mặt là loại khăn có sọc trắng và đỏ đặc trưng của thời kỳ này. Ngoài ra, còn có hai cây bàn chải đánh răng mới, nửa cân đường nâu, hai mươi quả trứng gà. Quà không quý, nhưng vẫn có tấm lòng.

Trương Đại Anh thấy anh trai và chị dâu vui mừng, bà ấy nói một cách khách sáo: "Anh chị đến là được rồi, cần gì phải mang theo quà. Em còn nói tháng sau sẽ bảo Tiểu Thiền đi mời anh chị. Con bé kết hôn, dù sao cũng phải có người lớn đi họ mới được."

Thái Đại Bình cười nói: "Chị cũng nói vậy với anh trai em. Đàng trai không phải người ở đây, không có người lớn lo toan mọi chuyện thì không hợp lý. Tiểu Thiền là đứa cháu gái nhỏ nhất của nhà chúng ta, cậu mợ phải lo việc hôn nhân của con bé cho thật tốt thì mới phải đạo."

Nguyên nhân thật sự là Thái Đại Bình biết Cố Văn Khiên là người thủ đô. Tuy anh bị bên trên bắt xuống nông thôn, nhưng nói không chừng ngày nào đó sẽ có thể quay về. Tạo quan hệ tốt với anh không thể nào thua thiệt được, coi như kết một thiện duyên. Trong thôn Trường Phúc của họ có rất nhiều thanh niên trí thức xuống nông thôn được mấy năm, sau đó tìm quan hệ trở về thành phố rồi.

Cậu mợ đến thì tất nhiên phải ở lại ăn cơm. Thu Tiểu Thiền xuống bếp nấu ăn, người lớn nói chuyện trên nhà trên. Cô nghe có tiếng mợ lên án hai vợ chồng Thu Thuận Văn ở phía xa xa.

"Cái thằng Thuận Văn này đúng thật là thứ hèn nhát, chấp chứa cho con đàn bà ác độc Trần Quế Liên. Thằng bé Hổ Tử ngoan ngoãn cũng bị cô ta dạy hư rồi."

Trương Đại Anh lại không tức giận, bà ấy nói với giọng nhẹ nhàng: "Giờ em đã không nghĩ đến những chuyện đó nữa, con cháu tự có phúc của con cháu, có muốn quản lý cũng không quản lý được. Có thể nhìn thấy Tiểu Thiền yên ổn lấy chồng, hai vợ chồng nó hòa thuận thì em đã không còn nỗi lo gì nữa."

Nhắc tới chuyện này, Thái Đại Bình hỏi: "Cậu thanh niên kia thế nào, nghe nói cậu ấy là một người tốt?"

Trương Đại Anh hài lòng cười nói: "Đẹp trai, tính cách cũng tốt, hai đứa nó rất xứng đôi. Lúc về, khi đi ngang qua đầu thôn anh chị có thể nhìn thử."

Thái Đại Bình muộn phiền nói: "Lúc đến không xem, lúc về xem vâỵ." Bà ấy lại hỏi đến chuyện hôn lễ: "Đủ tiền chi không? Nếu không đủ chị còn có thể gom cho em một ít."

"Không cần đâu, tuy nhà cậu ấy không có ai đến, nhưng họ cũng gửi cho hai trăm tệ, đủ dùng ạ."

"Hai trăm tệ thôi à? Chẳng phải nhà họ ở thủ đô sao, chắc điều kiện cũng không tệ nhỉ? Lạc đà gầy vẫn to hơn ngựa mà."

"Chỗ của chúng ta đâu cần dùng nhiều tiền như vậy, một trăm đồng là dư dả rồi. Ngoại trừ hai trăm đồng, còn có mấy tấm phiếu lương thực, phiếu thịt, đến cả phiếu đường cũng có, đỡ được rất nhiều chuyện."

Lúc này Thái Đại Bình mói vừa lòng: "Vậy thì tốt, chuyện này cho thấy người nhà họ rất dễ sống chung, không chê chúng ta là người nông thôn."

Thái Đại Bình nói ngoài miệng, còn trong lòng lại nghĩ, quả nhiên phải tạo quan hệ tốt với anh mới được. Theo như hiểu biết của bà đối với em chồng, chắc chắn đàng trai không chỉ đưa cho hai trăm tệ. Thái Đại Bình hỏi những chuyện này để tìm hiểu sâu hơn về điều kiện bên đàng trai.

Vui vẻ ăn cơm xong, cậu mợ đi về. Giữa đường gặp Trần Quế Liên, ả ta không chỉ không chào mà còn hừ lạnh huých vai bỏ đi.

Thái Đại Bình quay đầu hình cô cháu dâu đã đi xa, than thở với chồng: "Tầm nhìn của cô cháu dâu này hẹp như cây kim vậy đó. Nếu tôi là nó, lúc này tôi đã vội vàng làm thân với Tiểu Thiền rồi. Người xưa thường nói, quen biết thêm một người thì sẽ có thêm một con đường, khi này khi khác, không chừng sau này sẽ phải nhờ vả người ta."

Lời này có thể coi như một lời tiên tri.

Thoáng cái thời gian đã đến tháng chín, hôn lễ ngày càng đến gần. Số vải Trương Đại Anh nhờ bà Hạ mua cũng đã đến. Lúc trẻ bà ấy thêu thùa giỏi, may đồ rất đẹp, nhưng bây giờ tuổi cao mắt kém, Thu Tiểu Thiền không giỏi việc này, nên chỉ có thể thuê thợ may có tay nghề giỏi trên thị trấn may.

Bây giờ đang thịnh hành thời trang quân nhân, Thu Tiểu Thiền đưa ra yêu cầu cho thợ dựa trên mắt thẩm mỹ của mình, cuối cùng may tương tự âu phục. Trừ áo khoác màu đỏ, còn có một chiếc màu kem và màu xanh lam. Quần được may theo kiểu ống thẳng bằng vải đen, tôn dáng hơn so với quần ống thụng thùng thình.

Ngoại trừ quần áo của Thu Tiểu Thiền, Trương Đại anh còng may cho Cố Văn Khiên một bộ quần áo phong cách quân đội màu xanh đen. Bà ấy suy xét đến cả nội y và vớ.