Bắc viên là vườn chính của phủ Quốc công, là chỗ ở của lão Quốc công và Khưu lão thái quân. Trừ nhà nghỉ chính thì bên ngoài Trì Vân Viện còn có nhiều chỗ khác như "Quy Điền Cư", "Hổ Khiếu Thính", "Oa Minh Tạ", "Hòa Phong Đình", "Điêu Cung Lâu". Trong vườn còn có vài luống rau, mấy gian nhà tranh để lão thái thái thỉnh thoảng đến nghỉ ngơi.
Tòa nhà này của phủ Tín Quốc công là tòa nhà do hoàng gia ban tặng, trước đây là phủ đệ của Vương gia triều trước. Sau này nó được sửa chữa lại rồi ban thưởng cho cấp dưới. Ngoài một vài chỗ mà quan lại không thể sử dụng và chỉnh sửa thêm một vài chỗ khác thì vị trí này của phủ Quốc công là một trong những khu nhà cấp cao chỉ đếm được trên đầu ngón tay ở trong kinh này.
Trong Trì Vân Viện cũng có thư phòng nhỏ nhưng mà bên trong không có gì. Lão thái thái của phủ này không giống như các lão phong quân của phủ khác. Lão thái quân không thèm đọc cả kinh Phật, trong phủ cũng không có phòng thờ Phật hay bàn thờ Phật, càng khó tìm được tranh chữ của các danh nhân. Nhưng trong thư phòng lại có một vài bình phong thêu.
Do vậy Cố Khanh ngồi trên kiệu mềm đi qua Bắc viện một vòng xong thì quyết định địa điểm để dạy dỗ Lý Duệ là ở tòa nhà phía đông "Điêu Cung Lâu".
"Điêu Cung Lâu" có tên ban đầu là "Ỷ Họa Lâu" nhưng mà lão Quốc công cảm thấy tên này sặc mùi đàn bà nên đổi thành "Điêu Cung Lâu". Tòa nhà có cửa sổ nhìn thẳng ra hồ sen, có ánh sáng tốt, thoáng đãng rộng rãi, khi viết bài tập mệt thì có thể ngắm nhìn phong cảnh để cho mắt nghỉ ngơi đôi chút nên rất thích hợp với việc đọc sách viết chữ.
Trong Điêu Cung Lâu cũng có cất chứa sách do lão Quốc công lưu lại từ trước, đa số là sách về binh pháp và sách sử linh tinh. Lão Quốc công trước khi đi theo vua thì cũng chỉ là một sĩ quan cấp úy bình thường, còn chưa cưới được vợ, hơn hai mươi tuổi mới thành hôn với Khưu thị. Ông có thể phấn đấu đến chức cao hơn chính là nhờ sự cần cù hiếu học.
Cố Khanh lật xem những quyển sách của lão Quốc công. Ông chính là một người lính già kiêu căng có một chút tri thức, làm người thô kệch nhưng không cẩu thả, tính tình thẳng thắn, rất biết cách dùng người. Lão Quốc công từ khi còn trẻ đến khi về già đều không thể nói là người đẹp trai nhưng cũng có thể nhận xét là một người cao lớn, mạnh mẽ, là một người đàn ông tốt, tính cách cũng có sức cuốn hút riêng.
Nghĩ lại, khuôn mặt vuông vắn như chữ quốc của Lý Mậu thì Cố Khanh đại khái có thể hiểu được hắn giống ai.
Hoa ma ma nhìn thấy Khưu lão thái quân thì nở cụ cười trước rồi mới thấy được nàng đang cầm sách của lão Quốc công mà ngây ngẩn thì cố ý ho khan mấy tiếng. Đợi thấy nàng đã chú ý thì bà ấy mới nhẹ giọng khuyên nhủ:
"Thái phu nhân, nhớ thương nhiều quá sẽ không tốt cho cơ thể, ngài nên đi xem thử bảng chữ mẫu và bút mực đã được chuẩn bị có thích hợp hay không ạ."
"Ta cũng không có đau buồn gì, chỉ là hơi xúc động thôi." Cố Khanh cũng theo lời Hoa ma ma, nàng cất sách lại vào trong tủ rồi đi theo bà ấy đến thư phòng tạm thời ở Lâm Hồ.
Trong thư phòng có đặt một cái bàn học làm từ gỗ cánh gà, giấy Tuyên Thành trắng như tuyết đã được sắp xếp ổn thỏa đặt ở một bên rồi dùng cái chặn giấy đè lại. Bên cạnh còn có mấy cái án thư dài bằng gỗ tử đàn bày các bản in của danh nhân và vài cái nghiên mực đặc biệt. Trừ giá bút trên bàn học thì các án thư khác cũng có nhiều ống tre đựng các loại bút cắm chi chít như một rừng cây.
Cố Khanh vừa nhìn thấy ống đựng bút thì nở nụ cười.
"Tại sao lại chuẩn bị nhiều bút như thế?" Đây là dùng để dạy nàng tập viết hay là dạy toàn bộ người trong Trì Vân Viện tập viết? Trên bàn có nhiều loại bút lông từ nhỏ nhất cho tới cái to bằng cổ tay. Nàng chỉ muốn học viết thôi mà!
"Lão nghĩ chuẩn bị nhiều một chút, chuẩn bị trước cũng không có hại!" Tôn ma ma phụ trách việc sửa sang lại thư phòng tiến lên trả lời.
Trong lòng các bà ấy cũng đang âm thầm kêu khổ. Lão thái thái muốn học viết chữ với tôn tử. Các bà đều cho rằng lão thái thái cảm thấy chán nên mới kiếm việc gì thú vị để làm. Nhưng mà không ai biết được lão thái thái muốn sử dụng loại bút nào để viết chữ.
Theo lý thuyết thì những người mới học viết chữ đều sử dụng loại chữ khải để luyện tập và dùng bút lông cừu để viết. Bút lông cừu vừa dễ thấm mực, chữ viết ra rất mượt và tròn nên thích hợp cho những người mới học dùng để rèn luyện. Chờ đến khi rèn luyện tốt thì mới đổi qua dùng bút lông sói hoặc bút lông kiêm hào.
Nhưng mà Duệ thiếu gia phải biết cách để dạy người khác viết chữ mới được.
Trước kia Tôn ma ma luôn đi theo sau lưng Đại thiếu gia, sau này thiếu gia trở thành lão gia thì bà ấy cũng đã hai mươi tám tuổi nên được ban lệnh cho kết hôn với người quản xe Lý Phương ở tiền viện. Trước khi lập gia đình thì Tôn ma ma cũng là người hầu hạ ở thư phòng, hiểu được một chút kiến thức. Cho nên Cố Khanh hỏi qua ý kiến của bà ấy rồi cử bà ấy đến chuẩn bị trước các vật dụng như văn phòng tứ bảo cho thư phòng mới.
Nhưng mà dù sao bà ấy cũng chỉ là một nô tỳ nên không thể quyết định cho lão thái quân dùng loại bút nào hay sau đó sẽ sử dụng kiểu bút gì, đó không phải là chuyện mà một nô tỳ như bà ấy có thể nói được. Bà ấy chỉ có thể đặt bút lông cừu ở vị trí dễ thấy nhất và dễ lấy nhất, bày thêm các loại bút khác để xa hơn.
Nếu thái phu nhân cảm thấy nàng viết chữ không tốt là do bút thì trong thư phòng có nhiều bút như vậy nàng có thể thoải mái đổi.
Tôn ma ma cảm thấy thái phu nhân chỉ học viết chữ nhưng bà ấy phải dùng hết tâm tư để chuẩn bị.
Sáng sớm hôm nay Lý Duệ lên học khóa học vào buổi sớm thì vẫn giữ nguyên cảm xúc mất hồn mất vía.
Lão thái thái nói muốn học viết chữ với cậu ta thì chắc chắn không phải nói giỡn. Đêm qua thúc phụ còn tặng cho cậu ta một thỏi mực Tùng Yên loại tốt nhất và dặn dò cậu ta phải tập viết cho tốt lúc qua Bắc viện, không được nghịch ngợm.
Cậu ta vẫn nhớ rõ lúc trước mình cũng từng bị người khác ôm vào trong ngực khen ngợi viết chữ rất linh hoạt, là ai nhỉ? Là phụ thân hay tổ phụ? Cậu ta không nhớ rõ nữa.
Lúc phụ thân còn ở đây, người thầy vỡ lòng cho cậu là Chu bá bá, bạn tốt của cha cậu ta làm việc ở Hàn Lâm Viện. Sau này Chu bá bá đi ra ngoài làm quan, phụ thân lại qua đời, thúc phụ sợ việc học tập của cậu ta bị ảnh hưởng nên mời các đại nho đến dạy dỗ.
Những đại nho này lúc đầu nghe được cậu ta chính là con trai của "Lý Cát Sinh" thì đều đồng ý. Nhưng bọn hắn dạy cái gì cậu ta cũng không hiểu được. Khi đó cậu ta chỉ mới bốn năm tuổi, còn chưa đọc xong Huấn mông biện cú thì sao nghe hiểu được những thứ "chi, hồ, giả, dã" của bọn họ?
Không được bao lâu thì các tiên sinh đều xin rời khỏi, cậu ta cũng bị mang tiếng là "tư chất thấp kém".
Sau này, tiên sinh của cậu ta thay đổi như nước chảy… Rõ ràng những tiên sinh này đều rất xuất sắc nhưng lại không ai dạy được hơn ba tháng. Cậu ta đọc một quyển sách "Tiểu học" mất ba năm nhưng vẫn không thuộc được. Mỗi lần đổi thầy giáo mới họ sẽ dạy lại từ đầu, cậu ta nghe nhiều thì chán nên đi học chỉ biết ngủ.
Mãi sau này, đến cả thúc phụ nhìn thấy bài vở của cậu ta cũng chỉ biết lắc đầu thở dài.
Cậu ta cũng cảm thấy rất áy náy, tự nhận bản thân mình không phải là người có tư chất đọc sách. Cậu ta khác hẳn Minh đường đệ, mặc dù tiên sinh chỉ là một biên tu nho nhỏ ở Hàn Lâm Viện nhưng kiến thức của cậu nhóc rất chắc chắn.
Cũng may là thúc phụ và thím đều không ghét bỏ cậu ta, vẫn luôn an ủi rằng: "Gia đình như chúng ta cũng không bắt buộc phải tham gia thi cử, học vấn của cháu kém cỏi cũng không sao. Đợi mọi thứ tốt hơn chút thì thúc phụ sẽ tìm con đường khác cho cháu để cháu có một chức quan tốt trong triều. Nếu không thì dù không học văn được cũng có thể chuyển sang học võ."
Đáng tiếc là cậu ta không thể tự quản được cái miệng, càng ngày càng mập. Lúc này thì cả võ cũng không thể học được.