Chương 6

Mỗi làng trên nước Nam này, đều có một hèm riêng. Trong khoảng một trăm làng, sẽ có một trăm hèm tương ứng, không trùng lặp. Ấy là nghi lễ bí mật của người dân, gắn liền với nghi thức cúng bái vị thần đang thờ. Hoạt động này diễn ra trong một vòng khép kín, không có sự can dự của bên ngoài. Mà phàm đã là chuyện tâm linh, ai cũng kiêng nể cả. Ngay cả luật pháp triều đình cũng không can thiệp nổi.

Dân Việt có tính nghi thần nghi quỷ. Đến ra đường cũng phải xem ngày có tốt không, hôm nay động thổ liệu có hợp ý bề trên... Có một việc nếu như không nghe người chiếu trên(*) dạy bảo, có khi sẽ không biết được. Ấy là chuyện, vị thần vị thánh được các làng thờ cúng mỗi năm, thật ra trước kia, cũng chỉ là người phàm mà thôi. Thậm chí ở một số làng, thần làng thờ còn không phải người trong làng, mà chỉ là khách vãng lai tình cờ đi qua, gặp họa bất chợt, đành nhắm mắt xuôi tay.

Mấu chốt chính ở, giờ chết là giờ nào.

Có giờ thiêng, cũng có giờ ác. Chết vào giờ thiêng, có thể hóa thần, cũng có thể thành quỷ.

Ví dụ như có làng nọ, thờ một người lúc sinh tiền là một tên trộm vặt. Chẳng may người đó chết vào đúng giờ thiêng, vậy là thành thần, được cả làng thờ cúng. Đến thời gian diễn ra hèm, dân làng mô phỏng lại cái chết, cũng như công việc của thần khi còn tại thế. Người ta khi đi lên nhà, không dùng cửa lớn, mà dùng cửa ngách. Chính bởi, trộm khi hành sự chỉ đi cửa bé, không thể đường hoàng vào bằng cửa lớn. Một phần tục hèm, hiểu nôm na ấy là vậy.(**)

Các làng đều thờ thần, mục đích là có một thứ gì đó để dựa vào, tránh khỏi mấy thứ không sạch sẽ mà người phàm khó lòng địch nổi. Làng Triêu Tịch, lại nằm nơi phong thủy không tốt. Long mạch chạy trong đất, đến đây lại bị gãy, sinh nhiều yêu ma quỷ quái. Chính thế, cái tục hèm này mới trở nên hết sức quan trọng.

Kì thực cách đây khoảng mười năm, làng Triêu Tịch chỉ thờ thổ địa, không có thành Hoàng làng hay một vị thần nào cụ thể. Lúc đó, Triêu Tịch tuy không giàu có như bây giờ, nhưng cũng rất nhộn nhịp. Người buôn kẻ bán tấp nập, tiếng nói cười thường đầy ắp các ngõ, chẳng bao giờ có cảm giác tiêu điều. Không như hiện tại, dù vàng ròng hoa đăng có trưng ra nhiều cách mấy, cảm giác chết chóc vẫn lởn vởn xung quanh, khiến người ta chẳng tài nào vui vẻ nổi.

Mà cách đây mười năm, mấy lời thần thần bí bí về làng Triêu Tịch chưa xuất hiện, người ngoài làng nếu có việc đi ngang, vẫn có thể ghé qua nghỉ ngơi như bình thường.

Trịnh Hiệu Tích cũng là một trong số đó.

Trịnh Hiệu Tích vốn là người làng khác, lưu lạc tới Triêu Tịch, sau được thầy đồ Phạm thu nhận làm môn sinh. Trịnh Hiệu Tích mồ côi từ nhỏ, không có nhà để về, cũng không muốn lang bạt nữa, nên khi được thầy đồ Phạm ngỏ ý cưu mang, cậu rất cảm động. Ở lại Triêu Tịch, đọc sách thánh hiền, sau đó cùng thầy nuôi dưỡng giấc mộng đỗ đạt; khéo lại thành danh, có được ngày về vinh quy bái tổ. Ấy là mục đích sống của Trịnh Hiệu Tích lúc sinh tiền.

Cứ nghĩ rằng cả đời này, Trịnh Hiệu Tích cũng sẽ giống những văn nhân khác, ngày ngày làm bạn với sách vở, không màng chuyện hồng trần, thì Mân Doãn Kỳ lại xuất hiện.

Mân Doãn Kỳ cầm quạt trên tay, bộ dáng tao nhã, theo sau còn có hai tên hầu. Hắn đến căn nhà nhỏ đầy mùi sách mực của thầy đồ Phạm, muốn vời ông về dạy dỗ tên cháu trai mới được chị gái mang về. Mân Doãn Kỳ là con nhà giàu, từ cách thưa chuyện tới đối đáp đều rất chừng mực. Thậm chí hắn không cần tỏ ra mình là người bề trên, mà cũng có thể vô hình trung tạo cho người ta cảm giác áp lực.

Trịnh Hiệu Tích lúc đó, chỉ chú tâm bưng trà rót nước, cũng không để ý, ánh mắt cậu Mân nọ, đã rơi trên người mình những mấy lần. Mân Doãn Kỳ ướm hỏi, "Đây là môn sinh mới của thầy đồ Phạm ư? Sao ta lại không nghe nói gì nhỉ?"

Thầy đồ Phạm bấy giờ mới hơi giật mình. Thầy đã quên bẵng mất việc phải trình lại nhân khẩu lên cho làng thẩm xét. Vậy giờ chỉ còn cách mềm mỏng nói chuyện, mong cậu Mân giơ cao đánh khẽ, kẻo cả thầy lẫn trò đều bị phạt.

"Thằng bé này à, mới tới mấy hôm nay thôi. Không có nơi nào để về nữa, nên tôi nói nó ở lại đây, giúp tôi mấy việc vặt. Đó, cậu xem... nào, Hiệu Tích, chào cậu Mân đi con."

Nghe lời thầy nói, Trịnh Hiệu Tích cũng chẳng thể tiếp tục làm một kẻ hầu không lên tiếng. Cậu khẽ khàng đặt khay trà lên bàn, chắp hai tay cúi chào. Đầu hơi nghiêng về phía trước, sống mũi thẳng tắp, thêm đôi con ngươi trong sáng như gương. Thực sự đẹp như muốn câu hồn đoạt phách người ta.

"Lạy cậu."

Mân Doãn Kỳ thoáng chốc ngơ ngẩn.

Đáng lí ban đầu chỉ định mời thầy đồ Phạm về ở trong nội phủ, thì khi ấy, cậu Mân lại đổi ý, cho xe đến rước cả thầy lẫn trò tới nhà họ Mân.

Cậu Mân trời sinh có một đôi môi mỏng, đuôi mắt lại hẹp dài. Dung mạo đích thực tuấn tú hiếm có. Nhưng nhìn tướng cũng có thể luận ra, cậu là người đa tình. Mà cái đa tình này của cậu, khi gặp gỡ Trịnh Hiệu Tích, chẳng ngờ lại biến thành si tình. Si tình đến độ, ruột gan phế phổi đều rừng rực lửa cháy. Mỗi khắc mỗi giờ, đều chỉ muốn người kia nhìn mình. Dầu rằng cậu cũng biết, mấy chuyện nam nam này, bề trên khó mà chấp thuận.

Thậm chí ngay cả Trịnh Hiệu Tích cũng không thể.

Rồi mùa xuân nọ, thiệp hồng đưa tới. Cậu Mân ngồi lặng hồi lâu bên án thư, cũng không biết là trời lạnh hay tâm lạnh. Chẳng thần thánh nào cứu nổi cậu, huống chi Triêu Tịch chỉ đi thờ một thổ địa vô tri. Cậu Mân nghiến răng. Cậu chẳng thể nào cam lòng.

Vì thế, Mân Doãn Kỳ quyết định, cậu sẽ tự tạo ra "thần" cho mình.

Cũng tiện thể, ra tay cứu giúp cái làng ngu dốt này.

_

(*) Người chiếu trên: Là cách gọi khác của người bề trên, những người già cả và có tiếng nói trong làng. Thuở xưa khi dùng cơm, bao giờ chiếu trên cũng dành cho người già hoặc người có phẩm vị cao, được kính trọng. Sau mới tới mâm của thanh niên trai tráng, đàn bà con gái cũng có chỗ ngồi riêng.

(**) Ví dụ này được viết lại theo trí nhớ, dựa trên bài giảng của cô Lâm Thị Mỹ Dung, giáo sư tiến sĩ giảng dạy bộ môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội.