Chương 11: Cảnh Báo Sớm

- Sao? Chị thấy những lúc người đó qua đây nói chuyện với thầy cũng bình thường thôi mà, ừ thì có hơi xa cách kiểu gì, nhưng đâu phải dạng thô lỗ dữ dằn mà em ghét. Hay là… anh ta chọc ghẹo gì em? Mới lên một tuần, đã thấy hai cô kéo tới, một là em gái nhưng là em gái bạn thân, một thì sống cạnh nhà quen biết từ nhỏ. Vậy là có em gái mưa, còn thêm cô bạn hàng xóm. Đảm bảo là loại ong bay bướm lượn, con người lăng nhăng, rắc thính tùm lum!

Chị Linh hăng say nói mà không biết là đang làm mặt Bảo Thanh nóng lên. Cô hơi giận mình vì đã nói về anh ta như thế. Cô không phải kiểu thích đem chuyện người khác ra, xem là quà vặt để bỏ thêm mắm muối rồi nhai tới nhai lui trong những lúc dư dả thời giờ. Cô thích mặc kệ, lờ đi và cô lỡ miệng “bình luận” chỉ vì những lời lẽ của đối phương gây khó chịu quá chừng.

- Chị Linh! Mình đừng nói tới mấy chuyện riêng tư kiểu này, coi chừng khẩu nghiệp!

Bảo Thanh nói rồi gấp sách lại, đặt nó trên bàn và tắt đèn. Cô tung chiếc mền thật ấm, dường như còn thoảng mùi thơm vì được phơi suốt ngày gần một dây sử quân tử rất to, chia phần cho Hà Linh xong cô nằm xuống, nhắm mắt lại.

Nhưng hai bên má của cô đã bị hai bàn tay áp vào, rồi đẩy tới đẩy lui, lắc cho tới khi cô phải mở mắt ra mới chịu.

- Ai cần em nói, chỉ cần nghe thôi! Tại em cứ phải qua đó, nên chị mới phải để ý, để ý được gì chị nói em nghe, chứ nói lung tung chắc bị thầy mắng cho thúi đầu! – Mắt chị Linh gườm gườm nhìn cô – Em phải cẩn thận, phải nhớ những người chăm chút bề ngoài giống như anh ta không hợp với em, vì em thuộc tuýp thời trang siêu cấp bình thường. Những người luôn có một đám con gái bám theo giống như anh ta chắc chắn không hợp với em, vì em dở nhất là giành món ngon khi ăn. Những người toát ra mùi tiền giống như anh ta hoàn toàn không hợp với em, vì em là đứa ngớ ngẩn bỏ việc để đi làm vườn rồi học Đông y. Những người như vậy, dù họ rắc thính kiểu nào cũng không được dính, nhớ chưa!

- Chị đang cảnh báo hay là chị đang chê em! – cô gỡ tay bà chị ra, cơn tức trong bụng mới xẹp một chút đã bị thổi lên – Chị khỏi lo bò trắng răng! Trước giờ em không định dính vào ai hết, đừng nói chi tới người cười cợt em. Em không hiểu sao người ta cứ nghĩ là mình biết rõ con đường người khác nên đi trong khi họ còn không biết họ đi đường nào hả chị? Em bỏ việc đâu có nghĩa là em dở hơi hay yếm thế, làm điều mà em muốn làm thì có gì sai? Nếu em sai thì tự em sẽ học lấy bài học của mình. Em đâu có cản đường hay là lôi kéo ai phải làm theo, em chỉ muốn sống cuộc đời của mình thôi, sao họ cứ phải đem lựa chọn của em ra mà xoi mói?

- Vậy là anh ta chê em học Đông Y trong khi em là học trò của thầy, còn đang sắc thuốc cho anh ta uống đó hả - Chị Linh tiện tay vỗ vào người cô bồm bộp - Trời ơi, kiểu người gì đây!

- Chị không biết sao, bây giờ có rất nhiều người như vậy: họ dùng được cái gì thì dùng, nhưng chê thì vẫn phải chê! Họ nghĩ đâu cần cảm ơn hay là nghĩ tới công sức người khác bỏ ra rồi nói mấy lời động viên làm gì cho giả tạo! Họ nghĩ chê bai là quyền của họ, dù chê bằng lời khó nghe hay phiến diện cỡ nào thì cũng là biểu hiện của tính thành thật đáng quý mà chị!

- Tội nghiệp em chưa! Nếu như khó quá, hay là… Hà Linh nhỏ giọng, làm như ai đó có thể nghe được câu chuyện rì rầm của hai chị em – Em xin với thầy, để ông Hai làm thay em. Hồi trước lúc em chưa tới, chị biết cũng là ông ấy làm thôi!

- À, em cũng thắc mắc – Bảo Thanh xoay người nhìn sang – chị là học trò của thầy, sao thầy không để chị gọi người kia bằng chú. Mà ông chú kia tới đây mỗi năm ít nhất cũng một hai lần, sao lúc chưa có em, thầy không để chị mang thuốc mà vẫn để ông Hai. Sao em bị phân biệt đối xử?

- Chắc là… tại chị hơn em ba tuổi, mặt chị đúng tuổi hơn em nên kêu bằng chú cũng kỳ, với lại thầy muốn rèn luyện cho em. Em giống như lúa, vỏ cứng chắc hạt, phải giã cho đau thì mới ra gạo trắng trẻo ngon lành. Chị là hoa mà, nếu đem ra giã là nát bét luôn. Thầy biết, nên thầy không để chị làm!

- Bất công! Sao thầy nghĩ em không phải là hoa, mà là hạt lúa?

-Thôi thôi, đời có mấy khi công bằng đâu em. Ngủ đi, khuya rồi. Mai còn có sức để mà chịu trận! – Hà Linh cười hì hì, vuốt vuốt má cô rồi kéo chiếc mền lên gần ngang cổ cô cho ấm. Chỉ vài phút sau khi im lìm, chị đã bắt đầu nhịp thở đều đều chậm rãi.