Trại Hoa Vàng


- Vô đi !

Nó lấm lét ngó quanh:

- "Ông già hắc ám" của mày có nhà không ?

"Ông già hắc ám" là biệt danh tụi bạn gán cho ba tôi . Lúc đầu nghe tụi nó gọi như vậy, tôi chửi tụi nó te tua . Nhưng chẳng đứa nào chịu sửa . Riết rồi tôi đâm chán, mặc tụi nó muốn gọi gì thì gọi . Vả lại, ba tôi cũng có vẻ thích hợp với biệt danh đó lắm lắm.

Nhìn cặp mắt láo liên của Cường, tôi phì cười:

- Tao không biết ! Hình như ba tao còn ở trỏng !

- Vậy thì tao đứng đây !

Vừa nói, Cường vừa siết chặt ghiđdông xe . Làm như nó sợ buông tay ra, tôi sẽ đẩy nó vào buồng ba tôi hay sao đấy !

Không riêng Cường, đứa bạn nào ghé nhà tôi cũng thậm thà thậm thụt như vậy . Nhà tôi nằm ngay khúc ngoặt của một con đường nhỏ, kế một con hẻm. Mặt tiền trông ra đường, là quán nước của mẹ tôi . Khu vườn phía sau chạy dọc theo con hẻm. Bên kia hẻm là nhà nhỏ Thảo . Cửa vườn mở phía sau, chẳng liên quan gì đến cửa trước. Thỉnh thoảng bạn bè ghé thăm tôi, đạp vù một cái, chui tọt vào hẻm, quanh ra sau vườn, ba mẹ tôi ít khi trông thấy .

Nhưng tụi bạn chỉ đứng thập thò ngoài cửa rào ngoắt tôi ra . Chẳng đứa nào chịu đặt chân vào bên trong. Nói chung, bộ mặt lầm lì của ba tôi khiến tụi nó khϊếp vía .

Cường khều tôi:

- Lát nữa mày rảnh không ?

- Chi vậy ?

- Đi tắm sông với tụi tao !

- Mấy đứa bên Huỳnh Thúc Kháng.

Huỳnh Thúc Kháng là trường mới của Cường. Năm ngoái tôi với nó cùng học chung lớp chín trường Trần Quốc Toản. Thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở xong, tôi thi vào trường Trần Cao Vân, còn nó thi vào trường Huỳnh Thúc Kháng. Trong các kỳ thi tuyển vào lớp mười, điểm chuẩn của trường Trần Cao Vân là 10,5 còn điểm chuẩn của trường Huỳnh Thúc Kháng là 8. Do đó, học sinh trong thị trấn mặc nhiên xem trường Trần Cao Vân có giá hơn trường Huỳnh Thúc Kháng. Tụi học sinh Trần Cao Vân ra đường gặp tụi Huỳnh Thúc Kháng mặt cứ hếch lên trời . Vì vậy mà hai bên không ưa nhau, thỉnh thoảng lại xảy ra những trận đập lộn nảy lửa khiến cảnh sát phải xách dùi cui rượt chạy tóe khói .

Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh hai trường đều xem nhau như kẻ tử thù. Có những cặp chơi thân với nhau từ hồi cấp hai, lên cấp ba dù tách trường vẫn quan hệ mật thiết với nhau . Như tôi với thằng Cường chẳng hạn. Nhưng dù thân với nó cách mấy, tôi vẫn lắc đầu trước lời rủ rê hấp dẫn của nó:

- Tao không đi được !

Cường khịt mũi:

- Sao vậy ? Lấy chiếc Huy Chương Vàng chở tao lượn một vòng cho tụi Huỳnh Thúc Kháng lé mắt chứ ?

Nghe Cường nhắc tới chiếc Huy Chương Vàng, tôi toét miệng cười . Nhưng rồi mặt tôi lại xịu ngay xuống:

- Bữa nay ba tao không cho tao ra khỏi nhà ! Ngày mai tựu trường rồi, tao phải ở nhà chuẩn bị tập vở !

Cường nheo mắt:

- Lát nữa mày xuống nhà nội mày ăn sáng rồi len lén chuồn đi, ba mày làm sao biết được !

Cái thói "xuống nhà nội ăn sáng" của tôi, mấy đứa bạn thân đứa nào cũng biết. Tiền mẹ tôi cho tôi ăn sáng, thường thường tôi giếm kỹ, để giành mua hoa hoặc đi chơi với bạn bè. Sáng sáng, tôi kiếm cớ xuống chơi nhà nội, quẩn quanh chờ "ăn chực". Nội tôi rất thương tôi . Hễ thấy tôi ló mặt vào, nội tôi bao giờ cũng hỏi: "Cháu ăn gì chưả". Chỉ chờ có vậy, tôi hí hửng lắc đầu và sau đó thế nào tôi cũng có một tô cháo lòng hoặc một tô bún giò. Tụi bạn thường đem chuyện đó ra chọc tôi . Mỗi lần rủ tôi về nhà ăn giỗ, tụi nó thường ỡm ờ:

- Chiều mai nhớ ghé nhà tao "ăn sáng" nghen!

Nhưng sáng nay, Cường không có vẻ gì muốn trêu tôi . Nó chỉ muốn tôi lấy chiếc Huy Chương Vàng cáu cạnh của tôi chở nó xuống bờ sông.

Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy:

- Không được đâu! Ba tao mà biết được, ổng sẽ treo tao lên xà nhà !

Thấy tôi đem ba tôi ra hù, Cường không dám nài nỉ nữa . Nó dòm dáo dác một hồi rồi nhún vai huýt sáo bỏ đi .

Thị trấn của tôi có năm trường cấp hai . Trong năm trường, có ba trường làng nhàng, chẳng tạo một ấn tượng gì đáng kể. Chỉ có hai trường nổi tiếng là trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường Trần Quốc Toản của tôi . Nhưng trong khi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng là trường học sinh giỏi thì trường tôi lại nổi tiếng là trường ... học sinh dở.

Do đó, khi lên cấp ba, hầu hết học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đều thi vô trường Trần Cao Vân. Còn học sinh trường tôi, trừ những đứa xuất sắc, đều chọn trường Huỳnh Thúc Kháng để "trao thân gởi phận". Từ nhiều năm nay, sự lựa chọn chết tiệt này của các bậc đàn anh trường tôi đã được các lớp đàn em noi theo một cách hăm hở như thể việc cam tâm học dốt là một truyền thống thiêng liêng từng được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ nên không ai nỡ phá bỏ.

Trong cái tập thể Trần Quốc Toản yếu kém đó, tôi là đứa nếu không kém nhất thì cũng kém nhì. Trong hàng lô hàng lốc những môn học, tôi chỉ kha khá mỗi môn toán. Còn lại, tôi dở đều các môn. Riêng môn văn thì tôi mít đặc, chưa bao giờ biết đến điểm 4 là gì. Những bài làm của tôi chỉ toàn điểm 3 trở xuống. Mỗi lần xem đến bài tập làm văn của tôi, bao giờ ba tôi cũng phát cáu, chửi om sòm. Rồi không biết nghe ai mách nước, ông bắt tôi kiếm sách về đọc để "nâng cao trình độ". Tôi hí hửng cầm tiền ra tiệm cho thuê sách gần nhà ôm về một chồng kiếm hiệp rồi vùi đầu trong phòng "luyện" mê mải . Nửa đêm thức dậy đi tiểu, dòm qua khe cửa thấy tôi nằm chong đèn đọc sách, ba tôi mừng lắm. Ông cứ tưởng tôi luyện văn, trong khi thực ra tôi đang luyện ... võ. Cứ mỗi lần "luyện" xong một bộ, điểm tập làm văn của tôi lại hạ xuống một nấc. Tôi "luyện" xong bộ thứ ba thì bài tập của tôi cũng vừa kịp đạt tới ... điểm 0.

Trước thành tích sáng chói này của tôi, ba tôi không nén được đã hào phóng tặng tôi một cú sút thẳng cẳng vào mông đít khiến tôi đang ngồi chồm hổm trước hiên phải bắn thẳng lên không và lộn một vòng ngoạn mục trước khi đáp ngay chóc xuống bụi xương rồng lở chởm gai trước cổng.

Khi giận dữ, mặt ba tôi tím lại và những đòn "quyền cước" của ông trở nên thâm hậu ác liệt không kém gì những chiêu thức của các tay cao thủ trong sách võ hiệp tôi đọc. Sau khi lãnh trọn một cú "thiết cước" vào "hạ bàn", lục phủ ngũ tạng của tôi bị đảo lộn tùng phèo . Tôi phải nghỉ học ba ngày liền để dưỡng thương và để nghĩ ngợi xem có cách nào gạ đổi ba tôi cho một ai đó để lấy một ông ba khác hiền lành hơn và nhất là ốm yếu hơn không.

Nhưng dù sau đó tôi có đứt ruột giã từ tiệm cho thuê sách đầy quyến rũ kia không một lần ngoảnh lại, môn văn của tôi cũng chẳng vì vậy mà khá lên được chút xíu nào . Những điểm 2, điểm 3 đối với tôi thân thiết như bạn cố tri, hễ gặp nhau là tay bắt mặt mừng, đố có rời ra nổi .

Với một trình độ lôm côm, một hành trang kiến thức đầy vá víu như vậy, có cho vàng tôi cũng chẳng dám thi vào trường Trần Cao Vân. Thậm chí tôi cũng chẳng dám nghĩ đến cái chuyện "tày trời" đó. Học hành lẹt đẹt như tôi, chỉ cần thi đậu vào lớp mười trường Huỳnh Thúc Kháng, ba tôi đã bày tiệc mời cả nước đến ăn mừng rồi, sức đâu mà nghĩ đến chuyện "trèo cao".

Vậy mà tôi đã "trèo cao", đã "chơi sang". Tôi nộp đơn xin thi vào trường "quý tộc" Trần Cao Vân trong khi cả khối đứa học giỏi hơn tôi không dám bén mảng đến cổng trường nổi tiếng đó. Quái lạ hơn nữa là tôi "trèo cao" mà không bị "té nặng". Cái tin tôi đậu vào trường Trần Cao Vân khiến những ai quen biết tôi, kể cả những người mới gặp qua tôi một lần, đều sửng sốt. Dĩ nhiên, người sửng sốt nhất là ... tôi. Kế đến là ba tôi và mẹ tôi, bởi hiểu con không ai bằng cha mẹ.

Sở dĩ ở cái thị trấn bé nhỏ của tôi lại xảy ra chuyện kỳ quái như vậy, đầu đuôi cũng tại chiếc Huy Chương Vàng mà ra .

Cách đây hai năm, hồi tôi mới lên lớp tám, một hôm ba tôi bỗng hứng chí tậu về một chiếc xe đạp láng coóng. Chiếc xe thể thao mới cáu, ráp toàn đồ ngoại, sờ tay vào nghe mát tới tận... phổi . Loại xe "de luxe" này, cả thị trấn tôi có chừng mười chiếc là cùng. Hàng ngày bọn học trò con nhà bình dân như tôi nhìn mấy đứa con nhà giàu cỡi trên những chiếc "de luxe" lượn vòng vèo ngoài phố mà muốn lác cả mắt, nước miếng chảy đầy mồm.

Thêm Bình Luận