Chương 2

Sau khi quan sát tình trạng số Ba một lúc lâu, Takeru rời khỏi nhà xưởng.

Bộ phận của Takeru nằm trong khu nhà bên cạnh công xưởng của bộ phận Chế tạo, hai bên được nối liền với nhau bằng một lối đi. Số Ba sẽ không thể quay lại hiện trường cho tới khi hoàn tất việc sửa chữa. Hôm nay, chắc anh sẽ phải luôn tay luôn chân giải quyết nốt mấy công việc giấy tờ còn tồn đọng.

Takeru quẹt thẻ nhân viên đang đeo trên cổ và mở cửa. Đó là phòng điều khiển nơi anh làm việc. Tên gọi đầy đủ là “Phòng Cảnh bị Bộ phận Điều khiển Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Robot AI *”. Ba năm trước, nơi đây bắt đầu hợp tác với Cục Cảnh sát Quốc gia thực hiện dự án “Vận Hành”.

Các thử nghiệm robot AI trước đây đã được tiến hành nhiều lần từ những thập niên giữa thế kỷ XX.

Việc triển khai được chia làm hai quá trình lớn: Nghiên cứu về robot đi bằng hai chân và công nghệ AI mô phỏng não bộ con người.

Chương trình robot đi bằng hai chân tiến triến nhanh chóng từ nửa sau thế kỷ XX tới đầu thế kỷ XXI, và đã thành công trong việc phát triển kỹ thuật thực hiện chuyển động hết sức trơn tru và tự nhiên, nhưng vấn đề nằm ở công nghệ AI.

Cách đây rất lâu, trước cả lúc Takeru năm nay hai mươi tám tuổi được sinh ra, nghe nói đã có cơn sốt công nghệ AI, lần đầu là vào những năm 1970, lần thứ hai là vào những năm 1990.

Kết quả của cuộc chạy đua nghiên cứu giữa các nhà khoa học trên thế giới là những con robot chiến thắng cả nhà vô địch là con người trong giải cờ vua thế giới, và hệ thống xe lái tự động tham gia giao thông trên đường. Công nghệ AI có thế tự dự đoán tương lai và tiến hành lựa chọn hành động tiếp theo. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, người máy AI giống y hệt con người, tùy vào từng trường hợp mà mức độ giống sẽ rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, robot AI có một khuyết điểm rất lớn.

Chúng có thể đưa ra hành động thích hợp nhất để đạt được mục đích từ trong hàng trăm triệu, hàng nghìn tỷ lựa chọn chỉ trong nháy mắt. Hơn nữa, độ chính xác cũng sẽ dần tăng lên nhờ tích lũy kinh nghiệm.

Tuy vậy, mục đích ban đầu này cần phải có con người lập trình.

Chúng sẽ thực hiện một cách chính xác và nhanh chóng mục đích được con người cài đặt sẵn, ví dụ như chơi game hay mua sắm, nhưng lại chỉ đứng yên dù được cho thời gian tự do có thể làm bất cứ điều gì mình thích. Công nghệ AI không thể tự tạo ra “mục đích” được.

Dù bề ngoài có thể mô phỏng giống con người, nhưng người ta vẫn chưa thể tạo ra thứ tương tự như trái tim nhân loại. Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Robot AI đã được thành lập vào thời điểm đó.

Đến nay, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, kỳ Olympic lần thứ ba ở Tokyo cũng sắp được tổ chức. Vậy nhưng dù đã là năm 2060, tình trạng này vẫn giậm chân tại chỗ, không có gì thay đổi.

Chính vì vậy, tuy Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Robot AI vẫn đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ AI nhưng đã tạm ngừng chế tạo loại robot AI hoàn hảo theo quy định quốc tế. Thay vào đó, họ quyết định tiến hành phát triển loại robot có thể điều khiển từ xa. Thành tựu đó được công nhận khi viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu đạt giải Nobel. Kế thừa toàn bộ nghiên cứu này, viện trưởng đương nhiệm rất được mọi người quan tâm vì ông đang là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel tiếp theo.

Mặc dù robot đã tiến hóa chưa có trái tim, nhưng chỉ cần tạo ra mục đích cụ thể cho chúng, chúng sẽ chọn ra hành động tối ưu nhất để thực hiện. Hơn nữa, Viện Nghiên cứu cũng đã thành công trong việc tạo cho robot diện mạo giống hệt con người bằng công nghệ phủ lên bề mặt cỗ máy một lớp da sống. Giao tiếp cũng do người điều khiển từ xa tiến hành thông qua robot để không khiến đối phương có cảm giác khó chịu.

Vì đã phát triển được như vậy nên Viện Nghiên cứu và Cục Cảnh sát đã cùng nhau hợp tác sử dụng loại robot này trong việc duy trì trật tự trị an, dự án đã được khởi động từ ba năm trước.

Họ cho xây thêm nhà máy và khu làm việc của bộ phận Điều khiển trong trụ sở Viện Nghiên cứu ở ven vịnh Shinagawa, Tokyo, và các nhân viên sẽ tiến hành điều khiển robot từ xa tại đó. Để ngăn chặn rò rỉ thông tin, chính phủ thực hiện dự án trong bí mật, không công bố cho người dân biết. Các robot được đưa xuống phố làm nhiệm vụ tuần tra và giải quyết các vấn đề như tội phạm, tai nạn… nhưng chỉ giới hạn trong khu vực Tokyo.

Dĩ nhiên cũng có thông tin cho rằng đó là do lực lượng cảnh sát không đủ nhân lực, tuy vậy các robot đáng tin cậy và ưu tú đã hoạt động rất hiệu quả trong việc giải quyết các tội phạm đặc biệt.

Trải qua hai năm từ khi đi vào hoạt động, bộ phận Điều khiển đã có ba mươi nhân viên, tổng số robot vượt quá con số năm trăm. Những robot này vừa không cần phát lương lại không sợ nguy hiểm. Tất nhiên là chúng cũng không phàn nàn về công việc. Cho tới nay, họ vừa ngăn ngừa được nhiều tai nạn và sự cố, vừa không bị lộ việc sử dụng robot.

Nếu tiến hành thuận lợi thêm sáu tháng nữa thì từ năm sau dự án này sẽ bắt đầu chính thức hoạt động. Chuyện có thể mở rộng dự án ra toàn quốc chứ không chỉ gói gọn ở khu vực Tokyo hay không thì còn phải xem xét đến hiệu suất hoạt động của nhóm người Takeru và những con robot.

“Trưởng phòng, tôi đã đi kiểm tra tình trạng của số Ba rồi.”

Trong văn phòng mới của bộ phận Điều khiển, bàn làm việc của ba mươi nhân viên được sắp xếp ngay ngắn. Vì chúng được ngăn cách bằng vách ngăn nên ai cũng có không gian riêng của mình. Takeru luồn lách qua những lối đi bên trong văn phòng để tới chỗ của Trưởng phòng Tsuji Akinari nằm ở tít phía cuối cùng. Ông ta mặc một bộ com-lê màu xanh sẫm, vải bóng kẻ sọc. Takeru cố nhịn không nhăn mặt trước mùi hương nhân tạo tỏa ra xung quanh trong phạm vi bán kính ba mét từ cái đầu vuốt keo cứng ngắc của ông ta.

Trưởng phòng Tsuji ngẩng mặt khỏi đống giấy tờ đang cầm trong tay.

“Tôi nghe nói nửa ngày nữa chỗ da sinh học sẽ được phục hồi.”

“Vậy à. Thế cậu cứ ở đây đợi cho tới lúc đó đi. Nếu các điều khiển viên khác có sự cố phát sinh thì cậu hỗ trợ bọn họ.”

“Vậy tôi nên làm gì cho tới lúc đó ạ?”

“Đến cái đấy mà tôi cũng phải chỉ cho cậu nữa hả?”

“Tôi xin lỗi…”

Trưởng phòng cầm con chip trên bàn lên với vẻ mặt chán ngán rõ rệt.

“Nghe nói hôm qua trạm phòng cháy chữa cháy tại hiện trường vụ hỏa hoạn đã liên lạc với cảnh sát về việc làm của cậu. Họ nói chàng trai trẻ giúp họ cứu người rất kỳ lạ. Chắc hẳn cậu ấy phải bỏng nặng lắm, họ nói cũng cần khen thưởng nữa nhưng lại không biết thân phận của cậu.”

Mặt Takeru đông cứng lại.

“Da đã cháy đến nỗi thấy được cả bên trong mà vẫn làm mặt bình thản thì sẽ gây cho người khác cảm giác không ổn lắm, đúng không? Cậu nên giả vờ khổ sở một chút cho tới khi rời khỏi hiện trường chứ. Nếu chân tướng của robot bảo vệ bị lộ thì phải làm sao? Mọi cuộc thí nghiệm từ trước đến nay sẽ tan thành bọt nước đấy. Cậu đã làm việc bao nhiêu năm rồi hả? Tập thành thói quen đi chứ.”

“Tôi xin lỗi..

“Một khi đã bị người dân nghi ngờ thì không biết phải giải quyết sao đâu. Cậu không thể tuần tra ở khu vực này bằng T-3 nữa, từ ngày mai hãy phụ trách khu bên cạnh đi. Nhập dữ liệu của dãy nhà khu B vào đây. Còn hôm nay lo mà đọc hết cái này và nhét chúng vào đầu mình ấy.”

Takeru cầm con chip trưởng phòng đưa rồi quay lại chỗ ngồi của mình.

Các điều khiển viên đang vùi đầu thao tác robot bảo vệ tại vị trí làm việc của họ. Thứ mà robot nhìn thấy sẽ được truyền về màn hình đặt phía trước mặt từng người, hoạt động giao tiếp cũng được thực hiện bằng chỉ thị truyền vào thiết bị giao tiếp từ xa được trang bị sẵn. Không có điều khiển viên nào đang gặp sự cố, cả văn phòng chìm trong bầu không khí yên bình.

Hỏng hóc và bị dân thường phát hiện là những lỗi mà người điều khiến sợ nhất. Chuyện hôm qua của Takeru hình như đã bị mọi người biết được, đâu đó trong văn phòng có ánh mắt lạnh lùng dõi theo bước chân của anh.

Ngoài trời vẫn còn sáng, nhân viên hỗ trợ chắc sẽ ít khi được ra ngoài làm việc. Điều khiến viên làm ba ca trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tuần này Takeru làm ca sáng từ 9 giờ đến 18 giờ. Còn ba tiếng nữa mới tới giờ về, trưởng phòng nói đợi ở đây chứ không quy định bắt anh phải ngồi một chỗ. Thế nên Takeru bèn ra nhà ăn ngồi kiểm tra tài liệu.

Takeru mang theo máy tính bảng, rời khỏi văn phòng để tránh ánh mắt của các đồng nghiệp.