Chương 4.2 Nhà cũ

Tô Lăng có chút thất vọng, tưởng hai lượng bạc của mình đã trở lại.

Cậu có nén nước mắt, thấy rõ người tới. Khuôn mặt của nàng phơi nắng đến ửng đỏ, trên mặt ẩn ẩn vẻ lo lắng. Tô Lăng quen mặt nhưng không nhớ tên nàng.

Nhưng trước khi cậu kịp nói, người tới đã lên tiếng:

“Lăng ca nhi, ta là Tam bá nương.”

Người phụ nữ vừa nói vừa nhanh chóng đặt chiếc thúng tre lên bậc đá.

Nàng lấy một chiếc bát sứ từ trong giỏ tre, rút nút cắm gỗ trên ấm nước nóng, đổ một ít nước nóng trên chiếc bát sứ, sau đó đổ bột gạo vào chén.

Lúc này trời đã tối, Tô Lăng nhìn một lúc lâu mới nhớ Tam bá nương là ai.

Nàng không phải thân thích nhà cậu.

Thôn này có hai dòng họ lớn, một Viên gia một Sử gia, từng người đều có từ đường và tộc quy của mình.

Các thế hệ trước kia, hai họ Viên Sử là người một nhà.

Trong thôn dựa theo bối phận mà kêu họ gọi tên.

“Tam bá nương, sao dì lại tới đây?”

Tam bá nương đặt ấm nước trên mặt đất, nhìn Tô Lăng trầm tư nói, “Nghe bá nương con nói con tức giận chạy về nhà cũ, căn nhà này đã lâu không có người ở, rất hoang sơ, ta sợ con không có gì để ăn.”

“Ta vừa hái bắp trên núi về, trong nhà chưa kịp nấu cơm, chỉ có nước gạo, con đừng ghét bỏ.”

Nước gạo là đồ ăn khẩn cấp phổ biến của nông dân.

Những hôm ngày mùa hay bận rộn không kịp nấu cơm, chỉ cần nắm một nắm hạt cơm rang, ngâm vào nước rồi uống là sẽ có một bữa cơm đơn giản no bụng.

“Sao có thể, cảm ơn Tam bá nương. Đến khi thân thể ta tốt lên, ta sẽ giúp dì hái bắp.” Tô Lăng quá đói bụng nhưng cậu ngại ăn không trả tiền, đành lấy công trả nợ cho nàng.

Tam bá nương nghe Tô Lăng nói như vậy liền đỡ lo lắng phần nào. Nàng cười nói: “Ai nha, không cần, ngươi đứa nhỏ này chưa từng làm nông, sao có thể bẻ bắp?”

Lại nói giữa làng xóm với nhau, cho nhau chút đồ vật là bình thường, ngoại trừ một số người keo kiệt, còn lại rất hoà thuận.

Nàng nhìn sắc mặt tiều tuỵ trắng như tờ giấy của Tô Lăng rồi thở dài.

“Nếu em út nhìn thấy con như vậy…” Nàng thấy Tô Lăng cúi đầu, lập tức thức thời ngậm miệng không nói nữa.

Lúc này, nước gạo cũng đã pha xong.

Sau khi đổ nước ấm vào chén, gạo rang hút nước nở to, tản ra mùi thơm nồng.

“Nhanh ăn đi.”

Tô Lăng ngửi mùi liền đói bụng. Trên hạt gạo còn dính chút đường, vị ngọt lan toả vô cùng mê người, ngay cả hơi nóng bốc lên cũng có thể làm dịu cơn đói của Tô Lăng.

Tô Lăng cầm chén sứ, cầm muỗng gỗ bắt đầu ăn.

Gạo rang sau khi ngâm rất mềm và dẻo, người làm nông đều là một ngụm nuốt xuống.

Ngày mùa trồng trọt bận rộn, thôn dân đều vội vàng ăn rồi làm, đâu giống Tô Lăng có thời gian thong thả ung dung múc từng muỗng ăn.

“Ăn rất ngon, cảm ơn.”

Tô Lăng mở miệng ngậm miệng cảm ơn không rời, khách khí làm Tam bá nương có chút ngượng ngùng.

Người trong thôn đều nói Lăng ca nhi tính tình kém, không lễ phép, nhưng khi cùng cậu tiếp xúc, nàng ngược lại cảm thấy Lăng ca nhi rất lễ phép hiểu chuyện.

Trên người cậu có nét mà mọi đứa trẻ trong làng không có, kiều khí lại trắng nõn khiến người ta thích vô cùng.

Nếu nàng có tiền cũng nguyện ý nuôi con mình thành như vậy.

“Con không cần khách khí, lại nói nếu không có cha con, nam nhân nhà ta nói không chừng sẽ không sống được đến giờ.”

“Người trong thôn này phải tự mình xử lí vết thương, bệnh nặng cũng chỉ chờ chết, xem bệnh bốc thuốc trong thành quá đắt. Vẫn là cha con chú ý tới chúng ta, chủ động muốn hỗ trợ chữa bệnh, tiền cũng không lấy, chỉ thu một con gà liền xong rồi.”

“Người trong thôn phần lớn đều chịu ân huệ của cha con, hắn không chịu lấy tiền, chỉ lấy chút trứng gà, rau khô.”

“Thịt vịt bốn văn tiền một cân, một con không đến 40 văn. Nhưng nếu vào thành bốc thuốc xem bệnh ít nhất phải một trăm văn, bệnh nặng còn cao hơn nữa. Cha con ở trong thôn chữa bệnh, quả thật không khác gì một vị Bồ Tát sống.”

Tô Lăng vừa ăn vừa nghe Tam di nương lải nhải, lắng nghe rất chăm chú.

Cậu nhớ tới cha nhiều lúc sau khi từ thôn trở về, trong tay sẽ cầm theo mấy món đồ ăn mới lạ trong núi, cậu hỏi thì cha sẽ nói là thân thích cho.

Tô Lăng vẫn luôn tưởng là nhà đại bá cho.

Khi còn nhỏ, đường huynh đường tỷ thích giành đồ của cậu, nhưng đại bá bá nương lại đối xử với cậu không tồi nên cậu đã nhượng bộ thoả hiệp rất nhiều lần.

Nhưng sau quá nhiều lần, cậu không còn muốn về làng để khắc khẩu với đường huynh đường tỷ nữa.

Chỉ là sau cái chết của cha, những người đó đều lộ rõ khuôn mặt thật xấu xí của họ.

“Tam bá nương, dì có thể kể cho ta thêm chuyện của cha được không?” Tô Lăng hỏi.

Nếu cậu đã tính toán dừng chân tại nơi này, tự nhiên muốn hiểu rõ những ân ân oán oán với từng người.

“Cha con a, từ nhỏ tính tình đã mềm mại thiện lương, ông nội con mất sớm, bà nội vội vàng việc nhà nông. Cha con cơ bản là được đại bá và mấy cô cô nuôi lớn.

Sau khi hắn thành niên, nhà con phân chia gia sản, đúng lúc cha ta đi làm nghe được. Ông kể với ta chưa thấy nhà nào bất công với con út như vậy.

Đại bá con được chia ba mươi mẫu ruộng bậc thang, mười mẫu ruộng cạn. Ngay cả các cô cô đã gả đi cũng được chia mấy phần ruộng cạn, tới con út lại chỉ được năm mẫu ruộng nước, mặt khác đều là đất cát khô trên núi.”

“Nhưng sau này, cha con cũng tranh đua, cùng với một lão goá vợ trong thôn học y thuật. Hắn treo một chiếc lục lạc bên hông, bắt đầu đi từ thôn này sang làng khác để thu thập dược liệu mang đi bán. Về sau càng làm càng phát đạt, đã mở được ba cửa hàng thuốc trong thành.”

“Ai, ai ngờ đến người đột nhiên liền mất rồi.” Tam bá nương nói tới đây cũng rơm rớm nước mắt.