Ba năm, đối với người tu hành “trên núi không có lịch, hết lạnh không biết năm” cũng chỉ là thời gian trong một cái búng tay bế quan đả toạ.
Nhưng đối với Tống Tòng Tâm, ba năm này là khoảng thời gian thoát thai hoán cốt, phá kén trọng sinh của nàng.
Tống Tòng Tâm nhìn mình trong gương, nữ tử mặc đạo bào hơi cụp mắt xuống, nước da lạnh như băng, đôi mắt như vầng trăng lạnh lẽo, khuôn mặt vô cảm dường như bị bao phủ trong lớp tuyết mịn quanh năm đọng lại trên núi Cửu Thần.
Nàng đứng trước gương không nói lời nào, lại có một vẻ nghiêm trang điềm tĩnh, lạnh lùng cô độc, xa cách với thế gian.
"Tốt lắm" Tống Tòng Tâm vỗ vào mặt mình, hít một hơi thật sâu, "Nhìn qua rất là cao quý lãnh diễm, người sống trớ gần, rất có phong thái thời trẻ của một thủ lĩnh chính đạo."
Thiên Thư nằm trên bàn, trầm mặc cạn lời, chỉ nhìn nàng tự luyến.
Tống Tòng Tâm dùng tay vỗ nhẹ lên người, kiểm tra lại "trang bị" của mình.
Trang bị đầu tiên - một bộ đạo bào trắng sạch sẽ đến mức không dính một hạt bụi nào. Người ta nói “Muốn đẹp thì mặc đồ trắng”, chỉ cần mặc đồ trắng vào thì người bình thường cũng có thể trở nên nổi bật. Tất nhiên, y phục màu trắng không có nghĩa là đơn giản, cũng không có nghĩa là rẻ tiền, ngược lại, quần áo càng đơn giản thì càng phải chú trọng chi tiết.
Ví dụ như bộ đồ mà Tống Tòng Tâm đang mặc, tuy chỉ có màu trắng đơn giản nhưng lại được làm bằng chất liệu cao cấp, hơn nữa trên viền và tay áo rộng còn được thêu một câu trong Đạo kinh “Hoá Thư- Thái Hư Thiên” bằng chữ thảo “Có không tương thông, vật ta tương đồng, sinh không phải bắt đầu, chết không phải kết thúc”
Nhìn từ xa, bạch y trắng hơn tuyết, ngoại trừ ở cuối tay áo nhiễm vài nét mực chỗ đậm chỗ nhạt. Có thể nói là phong lưu phiêu dật, như thể giây tiếp theo liền sẽ cưỡi gió mà đi.
Ngoài ra, chiếc thắt lưng chỉ bạc quanh eo và những đoá hoa mây không phô trương bên trong vạt áo cũng tăng thêm chút sang trọng, quý khí nội liễm cho bộ đồ trắng quá mức đơn giản.
Việc thêu Đạo kinh thay vì thêu hoa văn có thể nói là độc nhất vô nhị trong thời đại này, tuyệt đối sẽ không để mọi người nhầm bộ y phục này là đồ tang.
Người ta nói “người dựa vào áo, ngựa dựa vào yên”, khoác lên mình bộ trang phục này, Tống Tòng Tâm có cảm giác mình sắp chạm tới hư vô, mọc cánh thành tiên.
Trang bị thứ hai - Tống Tòng Tâm vén một lọn tóc dài đen nhánh đến mức gần như có thể dùng làm gương soi của mình. Thực ra, mái tóc là thứ dễ dàng nói lên thói quen hàng ngày của một người nhất, xét cho cùng thì không phải ai cũng có tâm trạng chạy đến chính diện để nhìn thẳng vào mặt. Lúc này, mái tóc chính là bộ mặt thứ hai của ngươi.
Thử nghĩ mà xem, khuôn mặt chỉ có thể nhìn thấy được từ chính diện, nhưng tóc thì đứng ở góc nào cũng nhìn thấy. Vì cuộc chiến khó khăn ngày hôm nay, Tống Tòng Tâm đã gội đầu bằng nước sơn tuyền suốt một năm, để ngăn ngừa rụng tóc, nàng đã bí mật trồng gừng, nấm linh chi và Hà thủ ô rồi giã ra để gội đầu. Nàng còn đặc biệt sử dụng dầu hoa sơn trà tự chế để chải tóc hàng ngày nhằm đảm bảo chỉ cần một bóng lưng cũng có thể vô tình khiến người ta xao xuyến.
Tất nhiên, mái tóc dài được chăm sóc cẩn thận như vậy không cần quá nhiều phụ kiện, chỉ cần một sợi dây lụa bạc buộc lại là được rồi- -thật ra là nàng không có tiền mua phụ kiện tóc- nhưng nàng sẽ nói sao?
Cuối cùng, món đồ thứ ba, cũng là thủ phạm chính khiến nàng không có tiền mua thêm phụ kiện - một chiếc đàn cổ làm bằng lôi kích mộc mà nàng đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm để mua.
Tống Tòng Tâm không biết xấu hổ mà phỏng chế danh cầm “Tiêu Vĩ” không tồn tại ở thế giới này. Toàn bộ thân đàn đen nhánh, ở đuôi đàn có những vết cháy sém đặc trưng của lôi kích mộc, trông rất cổ kính xưa cũ, mang vẻ đẹp của thời gian và những câu chuyện cũ— còn phải nói sao, được cố tình làm cũ còn đặc biệt đưa vào “không cảnh” để chịu sự “mài giũa” cùng với nàng, có thể không đầy "chuyện cũ" sao?
“Kể từ hôm nay, ngươi chính là cây đàn ta mang từ nhà đến, đã làm bạn với ta hơn mười năm.” Tống Tòng Tâm chạm vào “Tiêu Vĩ”, nặng nề thở dài.
Sở dĩ nàng không tiếc đại giới cũng phải chế tạo ra Tiêu Vĩ, chủ yếu là để bổ sung cho "cảm giác có chuyện cũ " và "cảm giác bầu không khí" mà lễ pháp không thể diễn tả được. Tóm lại là để tạo cho người ta cảm giác “chắc chắn nàng ấy đã phải trải qua rất nhiều chuyện”. Cảm giác có chuyện cũ sẽ khiến khí chất của một người trở nên thuyết phục hơn, đồng thời cũng có thể khơi dậy lòng ham muốn tìm hiểu, tạo ra dấu ấn riêng, từ đó để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người khác.
Suy cho cùng, người đứng đầu chính đạo không thể là người gặp qua là quên ngay, đúng không?