Chương 12: Người về chốn cũ

Quỷ vương hạ giới phi thăng, động tĩnh không nhỏ, e là đến đám chuột mót trộm dầu hỏa trong điện Linh Văn cũng biết, mà chính Linh Văn Chân Quân cũng phải tự mình đi đón. Chẳng bao lâu sau, mọi người trong điện nhìn thấy nàng một thân một mình quay lại.

"Ta đã nói là sẽ nhảy xuống mà!" Tiểu quan văn đang tròn xoe đôi mắt đen sẫm trở nên hưng phấn, quay sang bên đánh mạnh vào vai người đứng cạnh. "Ngươi cược thua rồi, xòe ra xòe ra! Mỗi người hai trăm công đức, ta thu hết lại trước, sau đó chia..."

Thì ra là một đám tiểu quan văn đang túm tụm ở sau hành lang, mấy người trong số đó không tình nguyện mà thảy công đức vào trận thông linh.

"Không phải chứ! Ta nghe người trong điện Minh Quang nói, Huyền Quỷ này vốn được hưởng mệnh cách Phong Sư, bởi vì không phi thăng được nên mới lên đây làm loạn... Hắn không thể nào nhảy xuống được, không thể nào!"

Người đang thu công đức kia còn đang mải mê thu, vẫn cố gắng đáp lại câu được câu chăng. "Ngươi thì biết cái gì! Ngươi xem Huyết Vũ Thám Hoa kia kìa, làm thần tiên ở trên trời với làm quỷ dưới đất có gì khác nhau? Lại không phải giống nhau cả đi!" Tựa như vừa được nhắc tới, chuông lớn trên Thiên đình lại gióng lên một tiếng ca ngợi công đức của Hoa Thành. Chúng thần quan dù có buồn bực cũng phải đáp lại, không biết từ giờ đến ngày hoàn thành nghĩa vụ còn bao lâu.

Giữa những tiếng xì xào bàn tán, nữ thần quan áo đen mảnh khảnh l*иg ống tay áo vào nhau, thong dong tiến tới chính điện. Trời vừa chuyển sáng, trên Tiên Kinh này vẫn có chút lạnh.

Ngoài đám tiểu quan đang cá cược kia ra, nàng biết trên Tiên Kinh còn vô số người rất để ý tới chuyện này, bước chân đến điện cũng có chút khẩn trương hơn. Vị võ thần đứng tựa ở cửa điện mặt mày uể oải, đang hờ hững khoác áo choàng màu sẫm có thêu chỉ kim tuyến, nhìn thấy nàng liền tỉnh hẳn, tiến lên hai bước hỏi, "Nhảy xuống rồi à?"

Linh Văn mặt không đổi sắc, đáp, "Không, đi điểm tướng rồi."

Người đứng tựa cửa phản ứng, "Ai chà, ngươi..." Nửa câu sau cũng không thể nói ra miệng. Linh Văn còn có thể làm thế nào? Người kia đáng ra nên phi thăng từ mấy trăm năm trước, trên Tiên Kinh này, không ai có thể rõ chuyện này hơn hai người bọn họ.

Linh Văn đi qua hắn, nói, "Vào trong thôi, ở ngoài lạnh lắm."

Võ thần chỉ có thể theo nàng bước vào, thấp giọng thở dài. "Hắn xuống điểm tướng như vậy, kẻ kia e là sẽ không vui đâu..."

Linh Văn nhấc áo bước qua cửa, thản nhiên đáp, "Ngươi trông bộ dạng hắn bây giờ chẳng lẽ đang rất vui à?"

Võ thần lặng thinh không đáp, chỉ quay đầu lại nhìn Tiên Kinh bồng bềnh mờ khói, ánh mắt dường như lại thấu đến tận trấn Bác Cổ ở nhân gian. Lời của Linh Văn, hắn không phải không hiểu. Huyền Quỷ có thể đi điểm tướng ai, kỳ thực cũng không khó đoán. Người nọ đã sớm nói sẽ không làm thần tiên nữa, hắn và Linh Văn đều không thể điểm tướng được, họa chăng chỉ có Hắc Thủy Huyền Quỷ này là có cơ may. Việc này tốt xấu khó đoán, dù sao nếu người nọ cứ lưỡng lự ở nhân gian thêm một ngày, thì quỷ chướng và phiền muộn của Sư Vô Độ lại thêm một ngày không thể triệt. Lần này Huyền Quỷ phi thăng, những gì được phá vỡ không chỉ là thế lưỡng nan của riêng hắn.

Vô luận thế nào, hiện giờ ván đã đóng thuyền, quỷ chướng cũng không thể ngăn thần quan trên Thiên đình giáng tiên thân.

Khu đại viện ở phía nam trấn Bác Cổ hai năm trước đã bị hai huynh đệ mua lại. Đại công tử tung tích mơ hồ, chẳng mấy ai gặp được, còn tiểu công tử là một người rỗi việc, nhưng ít ra người khác còn hay nhìn thấy. Thân thế hai người này trên trấn không ai biết, nhưng ai ai cũng biết là họ rất giàu.

"Ta đã thấy hậu viện nhà hắn rồi, có một giàn dây leo khô, bên dưới có một chiếc xe vàng tám ngựa kéo bằng đồng!" Chân sai vặt trong tửu lâu nhân lúc rảnh rỗi bèn thấp giọng tán chuyện với ông lão thư hương bên cửa sổ.

Lão thư hương đáp, "Xe vàng ngựa đồng? Không phải trên lưng còn có thần tài đang cưỡi hả?"

Gã sai vặt nói, "Ta thấy thật, ông chớ có không tin!"

Ông lão thư hương bèn đẩy gương mặt đang ghé sát của gã ra. "Thôi im đi! Xe vàng ngựa đồng, đó là đồ cho phàm nhân dùng hả, nói cũng không biết nghĩ!"

Gã tiểu nhị bị một phen bẽ mặt, đành tức giận đi rót nước pha trà. Lão ông thư hương hơi nheo nheo mắt, âm thầm đánh giá người thanh niên trẻ măng ngồi cách đó không xa đang cụp mắt viết quạt cho người khác—đó chính là một trong hai nhân vật trong câu chuyện của họ vừa rồi. Người này mặc một thân áo trắng thuần khiết, trông không có vẻ gì xa hoa, nhưng có lẽ bởi vì cốt cách cao sang, nên ngồi ở giữa khu chợ vẫn có khí chất khác với những người chợ búa.

Những khi thanh nhàn, y vẫn thường đến ngồi trong quán rượu cạnh Khuynh Tửu Đài để giúp người ta viết quạt. Nhưng bản thân trấn Bác Cổ cũng không phải nơi trù phú đông đúc, những người có nhã hứng thì ít mà không biết chữ thì nhiều, nên cuối cùng y kiêm luôn cả việc viết thư nhà và đề kỳ nguyện. Y vốn rất nhiệt tình, người khác mà đề cập đến chuyện viết bùa, nếu có thể giúp được gì, y đều sẵn lòng giúp đỡ.

Kỳ nguyện viết trên bùa đều là chuyện quỷ thần cai quản, y thường thường còn tặng người ta thêm bạc. Mỗi khi người làng cảm động đến rơi nước mắt, y vẫn rạng rỡ mà cười, "Như nhau thôi, như nhau thôi." Người tiếp chuyện lại cảm thấy như lạc vào sương mù, nói là như nhau thôi, chuyện này sao mà như nhau được?

Mọi người trên trấn đồn rằng, hai huynh đệ này là thần tài theo gió mà tới, một người quản việc thu vào, một người quản việc tán ra. Về lý mà nói, bọn họ càng phải tạ ơn cái vị chưởng quản việc thu kia, nhưng ai cũng chưa từng thấy mặt gã. Ghi chép chính thống thì nói gã là thương nhân quanh năm ở ngoài, lời đồn ngoại đạo thì nói gã hay cướp của người giàu chia cho người nghèo, nhưng dù sao cũng là đạo tặc không dám lộ diện.

Nhưng mặc kệ có đồn như thế nào, người đề quạt ở tửu lâu này chỉ coi như chuyện cũ để nghe, từ trước đến nay vẫn chưa từng để ý.

"Huynh đài à, câu này ta không đề được, hay là ngươi đổi câu khác đi?"

Hôm nay hàn lộ, đúng lúc trên trấn có tuồng huyết xã hỏa, du khách đến tửu lâu không ít, đều đến để xem trò vui, vì thế mà cũng có thêm người muốn đề quạt. Chỉ có điều phần lớn bọn họ là người phương khác, không biết quy củ của người này—hai chữ "phong," "thủy" sẽ nhất định không viết lên quạt.

Vị khách xin chữ kia cũng không muốn làm khó y, bèn nói, "Thế cũng chịu, phong lưu phóng khoáng không đề được, vậy các hạ xem viết cái gì thì hợp."

Công tử áo trắng gãi đầu đáp, "Hay là, tiền tài vô tận đi?"

Người xin chữ thấy mắc nghẹn trong cổ, rốt cuộc kẻ này đang đề quạt hay viết bùa?

Tiểu cô nương bán nước ngọt ở lan can kêu lên, "Phiến Tử ca ca, đừng viết nữa! Sắp có tuồng huyết xã hỏa rồi, đến xem cùng muội đi!"

Sư Thanh Huyền nghe xong lại nhanh chóng thu dọn đồ đạc, nói, "Ôi các ngươi xem, đến giờ ta phải về rồi."

Tiểu cô nương thấy vậy bèn chạy lại hai ba bước, nhét một vật vào trong lòng y, đáp lời, "Ai chà, thế thì huynh phải mang cái này theo. Tết Trùng Cửu phải ăn bánh hoa quế, đây là mẫu thân muội làm đấy, để huynh mang về ăn với ca ca."

Hàn lộ năm nay rơi vào đúng Trùng Cửu, [1] cũng vì vậy mà những người xây thủy lợi quyết định chọn ngày này để hồi hương. Sư Thanh Huyền tâm địa thiện lương, tính tình ngay thẳng, bình thường được nhiều người yêu mến, mà lớp tiền bối trên trấn đều thương y có ca ca ở ngoài, quanh năm vò võ cô đơn.

Ngoài chuyện đó ra, ai cũng biết thực ra y là một con ma ốm, vậy nên mới nhàn rỗi ở nhà. Trên lưng y đeo hai chiếc bình, một chiếc là rượu, chiếc còn lại chứa thuốc. Mỗi lần y uống say đều nói cái gì mà "Mệnh này đã sớm không phải là của ta, không biết khi nào thì hắn mới đến lấy," người bên ngoài đều cho rằng "hắn" ở đây là Diêm Vương nơi âm tào địa phủ, xót y ngày ngày nói cười, kỳ thực một thân mang bệnh, trong lòng có lẽ cũng cất giấu nhiều buồn thương.

Sư Thanh Huyền chỉ cười trừ, nhận lấy bọc bánh hoa quế kia, mang theo hai chiếc bình mà lầm lũi xuống lầu. Nơi phố xá sau lưng y, gánh hát tuồng huyết xã hỏa đã bắt đầu trở nên ồn ào, nhưng thứ này y không xem được.

Y thật ra đã không còn sợ Hạ Sinh đến lấy mạng. Chi bằng nói là y coi mệnh này như mượn của Hạ Huyền, chính mình không còn có thể làm chủ, bằng không cũng sẽ không uống tiên dược trú hồn mà Linh Văn vẫn cấp cho—đây là chút thỏa hiệp duy nhất mà y thực hiện được với huynh trưởng giữa rất nhiều giằng co vô hình và mệt mỏi giữa hai người. Đôi lúc chính là bởi vì máu mủ tình thâm, mà những người trong cuộc lại không hiểu được cảm giác người đối diện.

Y sợ một mình ở giữa vạn người như kim nơi đáy biển, người nọ tìm không ra, nên mới ở lại nơi trấn Bác Cổ này. Nhưng người ấy lại mãi không tìm đến, e rằng bởi vì chính y vẫn chưa có tư cách trả nợ. Trước cửa ngôi miếu Địa Sư đổ nát, giữa vạn quỷ loạn lưu, câu cuối cùng Hạ Huyền nói với y vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

"Không đời nào ta nhận tình nghĩa của ngươi!"

Trong đám người đang xem tuồng huyết xã hỏa truyền đến một trận hoan hô, có lẽ diễn viên rốt cuộc đã lên sân khấu, khiến Sư Thanh Huyền không khỏi quay đầu nhìn. Đây là tật cũ của y, có chút động tĩnh sẽ không nhịn được mà quay lại.

Y mới rời đi chưa xa, nhưng cũng chẳng thể nhìn rõ trong đám người kia có những gì, chỉ thấy một nửa vòm trời bị những ánh lửa bập bùng đốt sáng. Hồi tưởng lại quãng thời gian người nọ trên Thiên đình làm thần quan, nếu chính y không chuyền rượu cho hắn, hắn liền trở nên gần như không tồn tại, vậy nên chuyện cũ của hắn có khi vài năm cũng không được lên sân khấu kịch Tiên Kinh. Lúc đó có biết bao thần quan dưới trướng Quân Ngô, ai có thể ngờ rằng câu chuyện chân chính của người này hàng năm đều được tái hiện trong tuồng huyết xã hỏa dưới trần.

Quay trở lại, trước mắt y đột nhiên lại dôi ra một người, chính là người trong màn kịch ấy.

Cõi lòng y chợt kinh hoảng không ngừng, không phân biệt nổi máu toàn thân đang nóng hay lạnh.

Từ quãng sinh ly tử biệt ấy đã là mấy độ xuân thu, vậy mà mặt mày quen thuộc của người này lại như vừa gặp gỡ.

Y mở miệng thở gấp, không nói được gì.

Người này tựa như tâm ma của y, không thấy hắn trong lòng sẽ tưởng niệm, những lúc say còn hồ đồ nói rằng thân này đã gửi, còn gì lo sợ, nhưng thấy hắn rồi liền muốn lùi bước, đơn giản bởi vì sợ rằng một khi đã giao tính mạng này đi rồi, có lẽ sẽ chẳng còn khi nào gặp lại.

Người nọ áo quần đen tuyền đứng ngay trước mắt, như một thanh thép kết sương, cất tiếng hỏi, "Sao vậy, lại câm à?"

Sư Thanh Huyền nắm chặt lấy cổ tay áo, cúi đầu đáp, "Ngươi đến lấy mạng của ta sao?"

Người nọ đối diện không đáp, y không chịu nổi sự yên lặng này, chỉ có thể liên miên nói tiếp, "Ta đã sớm nghĩ thông rồi... Khi nào ngươi đến lấy mạng, ta sẽ giao ra, ngươi không đến lấy, ta cũng chỉ coi như đang mượn, mượn để thay ngươi giúp đỡ người ngoài..."

Người nọ lại cất tiếng, "Những gì ngươi nợ ta, một cái mạng là trả đủ à?"

Sư Thanh Huyền cười khổ đáp, "Tất nhiên là không thể, ngươi muốn ra sao, chỉ cần nói..."

"Thân xác phàm nhân, sống chẳng qua cũng chỉ dăm ba mươi năm, ngươi phải như thế nào mới trả được hết nợ?"

Nghe đến đây, Sư Thanh Huyền rốt cuộc nhận ra điểm kỳ lạ, kinh ngạc ngẩng đầu lên. Từ khi Hạ Huyền tự lột vỏ bọc Địa Sư đến nay, hắn đối xử với y vẫn luôn có thái độ dẫn dắt hời hợt như vậy. Xưa kia đáy mắt người nọ giống như hai ngọn u hỏa cháy đến vô cùng, ai cũng không biết đang đốt cái gì, mà nay mặc dù hắn vẫn mặt lạnh như sương, nhưng trong mắt lại như đang có một mảnh trời bát ngát, lấp đầy ánh sáng.

Sư Thanh Huyền run giọng hỏi, "...Ngươi cho phép ta trả chứ?" Y không dám cất cao giọng, chỉ sợ tự đánh thức chính mình, phát hiện ra tất cả chỉ là mộng.

Hạ Huyền không đáp, hai ngón tay chặp lại, dưới chân tràn ra một pháp trận trang nghiêm. Trong trận khói biếc cuồn cuộn, chiếu ra ảnh ngược Tiên Kinh, lấy Dao Trì làm viền, ở giữa lại tuôn ra trăm trượng thanh khí, như mây như mưa cuốn lấy Sư Thanh Huyền. Người trong trận gương mặt lạnh nhạt, phía sau là sao giăng trăng sáng, giữa đôi mày là linh quang tươi thắm, ngón tay lấy mặt đất làm lụa, ánh cầu vồng làm bút, vẽ nên một phù triện.

"Khôn dư làm chứng, trường thiên minh giám. Địa Sư Hạ Huyền, lấy triện này tuyên thệ, điểm người làm tướng." [2]

Hắn chăm chú nhìn về phía Sư Thanh Huyền, đưa một tay ra. "Ngươi bằng lòng chứ?"

Từ trong mây khói, Sư Thanh Huyền cố gắng dằn xuống lệ nóng tràn đầy, vươn một bàn tay run rẩy nắm lấy tay hắn. Có lẽ chỉ có duy nhất Sư Thanh Huyền, sau bao lần trả nợ bị khước từ, chân tình bị vùi dập, hết lần này qua lần khác mình đầy thương tích lảo đảo tiến về phía hắn, mà rốt cuộc vẫn không thể đến gần, mới biết được bàn tay đang đưa ra trước mắt mình đây phải qua bao nhiêu khó khăn mới có được.

"Cùng ta đến Khuynh Tửu Đài uống một chén đi." Hạ Huyền nắm chặt lấy bàn tay đang run rẩy của Sư Thanh Huyền, cất tiếng.

Tuồng huyết xã hỏa trên đường đã hạ màn, du khách trong tửu lâu cũng đã sớm tan. Sau bếp vẫn còn sót lại chút rượu hoa cúc ấm nồng mới nhưỡng, chủ quầy liền chia cho những người làm trong tiệm. Cô gái nhỏ bán nước ngọt tay cầm hai chiếc vò con con, vui vẻ bước lên Khuynh Tửu Đài ngoài quán. Rõ ràng em vừa nhìn thấy Sư Thanh Huyền đi cùng một người lạ mặt lên đài uống rượu, trong lòng liền nhớ đến mà chia cho y một vò. Nhưng đợi đến khi em lên đến lầu cao rồi, hai người nọ lại chẳng còn bóng dáng.

Thu sâu thẳm, sương mênh mang, trên lầu cao trống vắng chỉ còn một mảnh trăng mờ, ngàn dặm tràn gió lộng. [3]

Năm ấy, Tiên Kinh trùng kiến, Địa Sư trở về vị trí cũ, Phong Sư dùng thần cách vá quỷ cốt. Thần cách Thủy Sư vô tình tòng chủ, cho nên vị trí Thủy Sư đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ.

Hồ sơ tiên sử đã mất đi hơn nửa khi Tiên Kinh bị Quân Ngô chiếm đóng, nên bây giờ cứ mỗi lúc cần soạn hồ sơ, thần quan trong điện Linh Văn lại kêu thấu trời.

"Thủy Sư thần cách nguyên chủ, hiện tại không biết ở đâu, cái này phải viết thế nào bây giờ?" Một tiểu thần quan nhức cả đầu, cắn bút hỏi.

Một người tương đối lớn tuổi ở bên cạnh đáp lời gã, "Nghe nói Thủy Sư trước đây đã đọa làm quỷ, hiện còn đang dạo chơi ở Đông Hải tìm thiên kiếp thứ ba của hắn. Nhưng Linh Văn đại nhân cũng nói rồi, những gì xảy ra trong mười năm này cũng coi như đạo thiên kiếp thứ ba của hắn đi."

Tiểu thần quan không hiểu thâm ý trong đó, dứt khoát với tay lấy xuống một quyển khác. "Thôi bỏ đi bỏ đi, đổi cái khác để viết!"

Gã lấy ra hồ sơ của Địa Sư, trong lòng thầm nghĩ cái này dễ viết. Không những chính chủ hiện tại còn trên hàng tiên ban, mọi việc đều có thể tra, mà còn có một thần quan Trung Thiên đình hỏi gì đáp nấy, chỉ cần là có người hỏi đến sự tích ly kỳ của đại nhân nhà y, y liền có thể ngay tức khắc lấy ra một vò rượu, nói năng hoạt bát suốt mấy canh giờ không nghỉ.

Tiểu thần quan kia mở hồ sơ ra, lại phát hiện thấy toàn bộ cuộc đời Địa Sư trước lúc phi thăng đã được một người ghi chép lại. Chuyện kể rằng: Địa Sư người này, sinh tại Bác Cổ, từ trần Bác Cổ, niết bàn thành Tuyệt ở Đồng Lô, phá chấp niệm phi thăng hàn lộ. Cuối cuốn sách kết lại hai hàng chữ nhỏ, ghi là:

Thù hận có bờ, tuệ kiếm đoạn kiếp, đem thế mộng thăng trầm giải khai

Linh quang điểm trán, tạo thế phá phủ, lại một lần gõ cửa Thiên đình.

-end-

Lời tác giả:

Nói mấy câu huyên thuyên—

Hai truyện Song Huyền tui viết là "Phá phủ" và "Trầm chu" [đã đăng trong Tuyển tập truyện ngắn], "Trầm chu" viết về nỗi lòng, "Phá phủ" thiên về tự sự, cho nên "Phá phủ" khó tránh khỏi cảm giác hơi "nhạt" một chút. Hơn nữa ban đầu lên cốt truyện cho "Phá phủ" cũng không hoàn toàn là cốt truyện này, cho nên có những chỗ triển khai ý tưởng chính tui cũng không thực sự vừa lòng.

Hơn nữa tui thấy tui là một người rất thích theo ý mình, cho nên mang tiếng là kể chuyện xưa, nhưng thực ra toàn thích gì kể nấy thôi à. Chẳng qua là muốn viết đồng nhân thôi, đơn giản là muốn thành toàn cho những việc "có thể xảy ra," cho những thứ mà "tôi hy vọng."

Tóm lại, cảm ơn mọi người không ghét bỏ, còn có những người vẫn chia sẻ cùng tui trong quá trình tui update, là những ai thì mọi người đều biết rồi. Vô cùng cảm ơn.

P/s: chỉ cần có người muốn thảo luận nghiêm túc với tui, tui nhất định sẽ không nhịn được mà nói tía lia cho coi... Nhưng thật ra tui vẫn cảm thấy mọi người cứ hiểu theo cách của mình là được rồi! Không cần đợi tui trả lời dưới comment xem phải hiểu thế nào đâu hahaha

Lời dịch giả:

Hôm nay chúng ta đi! Đưa! Dâu!!!

Vậy là đã kết thúc rồi. Nói thật là mình đã muốn giấu chương này đi lâu hơn một chút, dịch nó chậm hơn một chút, ước gì nó đừng chóng vánh thế. Mình đã rất vui vẻ thoải mái khi gấp lại những đồng nhân Song Huyền khác, nhưng riêng đối với thiên truyện này thì mình không nỡ đặt dấu chấm hết cho nó, dù mình biết nó đã kết thúc từ lâu rồi, đã HE rồi, đã viên mãn rồi. Chỉ là, ừm, mình không nỡ thôi.

Nhưng nếu mình có một lý do để không dịch thì lại có cả ngàn lý do để dịch, mà trong số đó, động lực lớn nhất đến từ các bạn độc giả. Tất cả những bạn độc giả đã từng phản hồi, chia sẻ, ủng hộ, hay đơn giản là theo dõi truyện, sự cổ vũ của các bạn là món quà lớn nhất mà một người dịch (quèn) như mình có thể có được. Tác giả cũng rất cảm kích lòng yêu thích các bạn dành cho tác phẩm – thỉnh thoảng mình có nói chuyện với chị, và chị ấy cũng muốn gửi lời cám ơn.

Mà thôi, không dài dòng nữa. Một câu chuyện kết thúc sẽ có câu chuyện khác mở ra: ngày 21/6, đồng nhân chương hồi tiếp theo cho Song Huyền sẽ lên sóng :3 [update: truyện đã đăng hoàn chỉnh, tên là "Chỉ còn hương như xưa"]. Nhìn lại mới thấy mình dịch truyện chủ công nhiều, cho nên truyện tiếp theo sẽ lấy góc nhìn của Sư Thanh Huyền nhé. Truyện kể về quãng thời gian sau khi Sư Thanh Huyền đến Hoàng Thành, cá nhân mình đánh giá là một trong những tác phẩm sâu lắng nhất về Phong Sư nói riêng và Song Huyền nói chung. Cũng không biết nói gì thêm, chỉ mong được mọi người ủng hộ.

(À, vẫn chưa xong đâu, còn chú thích bên dưới...)

Chú thích:

[1] Tết Trùng Cửu: hay còn gọi là Trùng Dương, là dịp tết vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Vào ngày này, nhiều gia đình sẽ hồi hương bái tổ, chăm lo mộ phần tổ tiên, xua đuổi tà ma, giống như thanh minh vậy. Cũng vì thế mà những công nhân thủy lợi ở chương 11 lại chọn về nhà vào ngày này. Vô cùng tâm đắc chi tiết ngày hàn lộ trùng với tết Trùng Dương. Hàn lộ vốn là ngày đánh dấu khởi đầu của bi kịch giữa hai người Hạ Huyền và Sư Thanh Huyền, đến cuối cùng lại rơi vào đúng dịp tết hồi hương mang tính thanh tẩy, để cho hai người họ được "về nhà."

[2] Khôn dư làm chứng, trường thiên minh giám: Khôn là một quẻ trong bát quái, thuộc tính mẫu, đại diện cho đất. Bởi vì đất đai có thể nuôi dưỡng mọi vật sinh sôi "dư" dật, nên "khôn dư" vốn là cách gọi cổ xưa của đất mẹ, đối xứng với trường thiên.

Nói cách khác thì, ờ, đây chính là nhất bái thiên địa... Chỉ thiếu cái bái thôi.

[3] Ngàn dặm tràn gió lộng: nguyên văn là "ngàn dặm gió Khoái Tai." Trích trong câu "một tấc lòng ngay thẳng, ngàn dặm gió [ở đình] Khoái Tai," lấy trong bài từ "Đình Khoái Tai Hoàng Châu tặng Trương Ác Thuyên" của Tô Thức. Ý trong câu thơ gốc là, chỉ cần người quân tử có tấm lòng cương trực thì dù có gặp phải nghịch cảnh cũng có thể thản nhiên đón nhận, như đang sảng khoái hưởng thụ ngàn dặm hùng phong.

Chú thích cuối cùng: các bạn có để ý hai câu kết truyện không :3 Thực ra hai câu đó làm nên một cặp đối rất chỉnh thể với văn án. Từ vế đối đầu đến vế đối sau, chúng ta đã đi một chặng đường dài.