Chương 9

Cái mặt nó quan không đánh cho là may rồi!

Mẹ con bà Hai bĩu môi bĩu mỏ nhìn cô Ngải:

"Con gái con nứa chưa chồng ngủ qua đêm bên ngoài, ai mà biết nhỡ đâu..."

"Bà im được chưa?" - Cụ Lý giận tím mặt quát.

"Thế... thế tóm lại con gặp phải chuyện gì? Có gặp phải thằng đàn ông nào không? Con Bé bảo con gặp ma có phải không?"

Cô Ngải ngượng ngùng nghĩ đến người kia, nếu bảo gái chưa chồng ngủ qua đêm bên ngoài, rồi còn được một người đàn ông cứu về, có lẽ cô sẽ bị dìm l*иg heo.

"Bẩm thầy, hôm đó con bị cướp, chúng nó cướp hết vàng bạc trang sức rồi thả con đi."

"Làm gì có chuyện? Thế sao quần áo của mày rách nát tả tơi thế kia?" - Bà Hai tru tréo lên.

"Bà im đi! Bà muốn cái nhà này tan nát thì mới vừa lòng đấy phỏng?"

Cụ Lý đuổi mẹ con bà Hai ra ngoài, bà ta vẫn còn lẩm bẩm:

"Tao không bỏ qua chuyện này đâu! Tao phải tìm bằng được chứng cớ!"

Đêm đó cô Ngải gặng hỏi cái Bé có thấy người đàn ông cưỡi ngựa nào không, nó chẳng biết gì, đã thế còn gắt cô:

"Em xin cô đấy! Mai cô phải đi theo quan rồi, đừng hỏi đàn ông này đàn ông nọ nữa!"

Cô Ngải buồn bã, vừa buồn vì số phận của mình vừa buồn vì không có cơ hội gặp lại người kia. Sắp qua canh hai mà cô vẫn chẳng tài nào ngủ được, cô bèn lấy giấy bút ra, theo trí nhớ vẽ lại một người cưỡi ngựa, mặc bộ áo giáp giương cung bắn rất dũng mãnh. Chỉ có điều khuôn mặt để trống vì cô chưa từng nhìn thấy mặt người đó.

Có lẽ người đó là ma, chứ không phải người. Vì mùi hoa sen quen thuộc đó cô không thể nhầm được, người tướng quân đó với người để lại vết bớt trên má cô là một người. Tất cả những việc người này làm chỉ có thần tiên, ma quỷ mới làm được thôi!



Cô Ngải giấu bức tranh dưới gối rồi cố nhắm mắt ngủ, vẫn không tài nào ngủ được. Nằm trằn trọc mãi thì cô nghe thấy có tiếng gõ cửa.

Trong nhà này, trừ người hầu ra thì chẳng có ai coi trọng cô, từ thầy cô cho đến bà Hai, cô em gái cùng cha khác mẹ, ai cũng đập cửa rầm rầm như đòi nợ. Thế nên cô Ngải cũng chẳng buồn ngồi dậy mà nói với ra:

"Chuyện gì đấy Bé?"

Im lặng một khắc không thấy ai trả lời, cô Ngải lấy làm lạ ngồi dậy, chạy ra mở cửa. Bàn tay cô đặt lên cánh cửa toan mở ra thì chợt chết sững.

Qua lớp giấy dán cửa, cô nhìn thấy một bóng người yên lặng đứng ở đó! Một người lạ không giống ai trong cái nhà này cả!

"Ngải ơi, đừng sợ..."

Cái bóng cao lớn mấp máy môi nói chuyện. Hốc mắt cô Ngải ửng đỏ, giọng nói này chẳng phải người cưỡi ngựa cứu cô đây sao?

"C... cảm ơn anh đã cứu tôi! T... tôi không biết lấy gì để báo đáp..."

Cô Ngải lắp bắp nói, vành tai đỏ bừng.

Cái bóng điềm nhiên đáp:

"Dùng cả đời sau này báo đáp là được rồi."

Cô Ngải buồn bã cúi đầu, không nhịn được nức nở bụm miệng khóc. Cô tủi quá, làm sao mà dùng cả đời sau này báo đáp được, ngày mai cô phải đi làm lẽ cho một lão già đáng tuổi cha mình rồi...

"Tôi không làm được..."

Cái bóng khẽ giật mình vì không ngờ cô Ngải lại khóc, mà chính cô cũng không ngờ mình lại khóc trước mặt người này. Uất ức từ bé đến giờ bị mẹ ghẻ đánh mắng bắt nạt, tất cả dồn lại làm cô nức nở mãi chưa dừng lại.



"Ngày mai tôi đi lấy chồng rồi! Thầy tôi gả tôi làm lẽ cho quan huyện! Tôi sợ lắm... Nếu tôi không gả quan sẽ đánh chết thầy tôi..."

Cái bóng giơ tay lên giống như muốn chạm vào cô Ngải nhưng đến giữa chừng lại ngập ngừng rụt tay về.

"Lớn rồi không khóc nhè, để tôi, để tôi lo! Nín đi không khóc nhè!"

Thấy người nọ dỗ mình như trẻ con, cô Ngải nhận ra mình thất thố, vội quệt nước mắt nín lặng.

"Lão là quan huyện, anh làm gì được chứ..."

Nói đến đây, cô Ngải bị suy nghĩ trong đầu doạ chính mình sợ run. Người đàn ông này tám chín phần là thần là quỷ, muốn xử lý một người sống, chẳng phải dễ như trở bàn tay sao?

Cái bóng biến mất tăm, cô Ngải chỉ kịp nghe một giọng nói lẩm bẩm:

"Trần Mẹo, giờ Ngọ ba khắc ngày hai sáu tháng Giêng năm Giáp Tuất."

Sống lưng cô Ngải lạnh toát, ông quan huyện này tên là Trần Mẹo.

"Chết thật, mình chưa hỏi tên người đó!"

Cô Ngải đứng chơ vơ giữa phòng, tiếc nuối vì người kia đã đi mất. Đã mắc nợ người ta ơn cứu mạng, gặp được rồi thì lại không tiếp đãi cho tử tế! Cô không còn lo ngày mai phải đi làm vợ lẽ của quan huyện nữa, mà đang lo người kia sẽ ra tay với ông ta thôi.

Hôm nay đã là ngày hai ba, chỉ còn ba ngày nữa là đến ngày hai sáu...

Sáng hôm sau, dân làng Nghè ùn ùn kéo nhau ra đường từ rất sớm. Người rất đông, còn đông hơn cả ngày phiên chợ. Cô Ngải cũng đi cùng mọi người xem xem có chuyện gì mà huyên náo vậy.

"Ngài ấy chính là trạng nguyên!"

"Thật sao? Làng mình từ lúc nào lại có trạng nguyên vậy?"