Chương 22

“Đã là vải dệt thủ công từ hàng bao nhiêu năm rồi, ngay cả mẹ cũng chê màu sắc hoa văn quá già, có điều mặc lên người em vẫn đẹp. Cái anh Diệp Phong này, chị thấy khá được đấy, tướng ăn cũng tốt, có vẻ như chưa thiếu ăn thiếu mặc bao giờ. Chẳng giống anh rể của em, trông cứ như là ma đói đầu thai í, vừa nhìn đã biết hồi nhỏ thường xuyên bị đói.”

Chị đang nói mỉa, nhưng Phí Nghê có thể nghe ra sự xót xa trong đó.

“Em cũng thấy anh ấy rất được, nhưng mà người ta thì chưa chắc đã ưng em.”

Chị hai cười nói: “Đấy là em không trông thấy ánh mắt anh ấy nhìn em đó thôi, người ta đảm bảo ưng em cực kỳ í chứ.”

Phí Nghê không nói gì, trước khác giờ khác.

Tiễn hai vợ chồng con gái đi rồi, cha Phí lấy cái túi Phương Mục Dương mang đến ra, bảo với Phí Nghê: “Đồ Tiểu Phương cho con này.”

Phí Nghê mở túi ra, liền thấy sữa mạch nha, sữa bột Mỹ, sô cô la và năm quả táo.

“Cha, cha lấy đồ của người ta làm gì? Đâu phải là cha không biết, cậu ấy chẳng có việc làm, bây giờ vẫn còn đang sống nhờ tiền trợ cấp đấy.”

“Cha cũng đâu biết cậu ta hào phóng như thế. Nếu không thì, con nói với cha xem cậu ta ở chỗ nào, cha mang đồ tới đấy trả. Cái thằng bé này cũng thật là, sao lại cầm nhiều quà cáp sang vậy chứ.”

“Thôi, còn chưa đủ loạn hay sao? Cha cứ giữ mà dùng đi.”

Cha Phí hôm nay rất vui, còn lôi cả chiếc máy quay đĩa đã lâu không đυ.ng đến ra sử dụng. Hồi trước ông mua chiếc máy này vốn để nghe Chu Tuyền(*) hát. Hiện giờ không được phép nghe nhạc của Chu Tuyền nữa, ông đành lấy đĩa “Các thành viên công xã đều là những bông hướng dương” trong tủ bếp ra nghe tạm.



(*) Chu Tuyền (1920 – 1957): Người nổi tiếng nhất trong bảy danh ca đứng đầu Thượng Hải những năm 1930 – 1940 (thất đại ca tinh). Trong những ngày đầu cải cách, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích nhạc âm nhạc Thượng Hải thời kỳ này là uể oải, suy đồi và sa đọa, vậy nên người nghe nhạc trữ tình Thượng Hải cũng bị coi là phản động.

Căn nhà tức khắc tràn đầy cảm giác hi vọng cùng với ý chí hăng hái tiến về phía trước.

Trong đống đĩa tạp nham của cha Phí có lẫn một đĩa nhạc ngoại được bọc bằng một tờ báo phát hành những năm sáu mươi, trên mặt đĩa cũng có mấy chữ nước ngoài. Cha Phí nhận ra vài từ, nhưng xếp chúng lại cạnh nhau thì ông không sao hiểu nổi.

Cha Phí hỏi con gái: “Đĩa này đâu ra ấy nhở?”

Phí Nghê cầm lấy đĩa nhạc, nhìn thoáng qua bề mặt đĩa rồi lại lấy báo bọc lại, cầm vào trong phòng, lôi một chiếc hòm khóa kín từ góc phòng ra.

Chiếc hòm này cùng những thứ ở bên trong đều là cô lừa được từ chỗ của Phương Mục Dương, lần mở khóa gần đây nhất đã là tận năm trước rồi.

Sau khi khóa hòm lần nữa, Phí Nghê bưng chậu đến phòng nước, trông thấy cửa phòng đóng chặt, có vẻ như là đang có đàn ông tắm ở bên trong. Khu tập thể này không có phòng tắm, muốn tắm thì phải ra nhà tắm công cộng hoặc lúc đi làm tranh thủ tắm luôn tại xưởng. Cửa mở, ba gã trai bước từ trong phòng nước ra, trong đó có cả một cậu thiếu niên cởi trần. Phí Nghê quay mặt đi, coi như không thấy. Cô mở vòi nước, chà mặt thật mạnh, bóp mãi mới được tí kem đánh răng, xem ra ngày mai phải mua kem đánh răng mới rồi.

Trong phòng nước có một con ruồi, bay qua bay lại trông rất ngứa mắt.

Phí Nghê rất ghét ruồi, nhưng lý do lại khác với phần đa mọi người. Thời tiểu học, môn nào cô cũng đạt điểm cao, song đời sống học đường vẫn có chỗ không như ý. Hồi đó nhà trường kêu gọi diệt trừ bốn hại(**), vậy nên ngày nào học sinh cũng phải nộp ruồi chết cho trường. Trên đường đến trường và từ trường trở về nhà, Phí Nghê thường đeo cặp hoa, tay cầm chiếc chai thủy tinh cùng một cái vỉ đập ruồi để kiếm ruồi bay dọc đường. Thế nhưng cô chẳng bao giờ đập được con ruồi nào cả. Mỗi lần nhà trường liệt kê danh sách diệt trừ bốn hại, cô luôn đội sổ trong lớp.

(**) Diệt trừ bốn hại: Một trong những hành động đầu tiên trong kế hoạch Đại nhảy vọt của Trung Quốc (1958 – 1962). Bốn loài động vật có hại cần diệt trừ trong chiến dịch này là chuột, ruồi, muỗi và chim sẻ.

Mối quan hệ giữa Phí Nghê và Phương Mục Dương cũng được xây dựng nhờ ruồi. Trường của bọn họ cho ăn bán trú tại trường, tuy nhiên mùa màng thất bát ở quê cũng ảnh hưởng rất nhiều đến bữa trưa của học sinh trên thành phố. Thời điểm ấy, bọn trẻ còn đếm được cả số hạt gạo trong cháo lẫn số cọng rau trên đĩa của mình. Đa phần đám nhóc đều mang theo bánh bao cuộn hoặc món gì đấy khác từ nhà, nếu không thì cũng lấy tiền và phiếu lương thực đến trường mua thêm quà vặt lấp bụng.