Chương 16: Về quê

Sau khi bà nội qua đời, Chử Tương ở lại quê học xong năm cuối đại học, sau khi tốt nghiệp, cô từ chối công việc do nhà trường phân phối, dựa theo yêu cầu của cha mẹ, thu dọn đồ đạc đến thủ đô.

Trước khi đi, cô lên núi viếng mộ bà nội.

Phần mộ của bà nội hướng về phía thủ đô, bên cạnh là mộ ông nội.

Chử Tương nhổ đống cỏ xanh trên mặt đất, cô quỳ xuống nói: “Bà nội, cháu phải đi rồi, bà yên tâm, cháu sẽ thường xuyên trở về thăm bà, cũng sẽ thường xuyên nhớ đến bà, bà đã đoàn tụ với ông nội rồi chứ? Có phải là bây giờ bà rất hạnh phúc không?”

Mãi đến trước khi bà nội qua đời thì Chử Tương mới biết được vì sao bà nội không muốn rời khỏi quê hương, thì ra lúc còn trẻ bà nội đã phải chịu khổ rất nhiều, suýt chút nữa thì bị người trong nhà bán cho địa chủ làm vợ bé, là ông nội cô bán lương thực trong nhà, lại chạy vạy khắp nơi vay một số tiền sính lễ lớn thì mới hỏi cưới được bà nội về nhà.

Bởi vì bà nội bị bó chân từ nhỏ, không làm được việc nhà nông, người lớn nhà họ Chử rất không hài lòng, ông nội đưa bà nội ra khỏi nhà ở riêng, dựng một mái nhà tranh sống với nhau.

Trong nhà chỉ có bốn bức tường, lại còn nợ tiền, người lớn không hài lòng nhưng cũng không làm quá đáng, chia cho bọn họ hai mẫu đất, cày bừa vụ xuân đến ngày thu hoạch, ông nội ôm đồm tất cả mọi việc, chưa từng để cho bà nội xuống ruộng làm việc.

‘Có tình thì uống nước cũng no bụng’, dù cuộc sống rất vất vả, nhưng trong lòng bà cụ lại rất ngọt ngào, một cái màn thầu hai người chia đôi, mùa đông rét mướt, không có tiền mua bông, hai người ôm nhau chịu đựng qua mùa đông rét căm căm, mãi đến khi cuộc sống ngày một khá hơn.

Đời này bọn họ sinh hai đứa con, một là Chử Quốc Thành, một đứa con khác đã bị bệnh rồi chết yểu từ lúc còn rất nhỏ.

Cả đời này, nói khổ thì quá khổ, nói hạnh phúc cũng rất hạnh phúc, có một người như vậy, biết đông lạnh, biết hạ nóng, dù ăn không no thì trên mặt vẫn có thể nở một nụ cười từ tận đáy lòng.

Trước khi bà nội đi còn cầm tay cô và nói: “Tương Tương, bà nội không đợi được đến ngày cháu lấy chồng, cháu nhớ kỹ, nhất định phải lấy một người thật lòng yêu cháu.”

Chử Tương khóc đồng ý, từ ‘yêu’ này quá nặng nề, ở thế kỷ 22 cô sống đến hai mươi bảy hai mươi tám tuổi cũng không gặp được chân ái một lần nào. Người ở đó có quá nhiều thứ để giải trí, có quá nhiều ham muốn công danh lợi lộc, đã không còn năng lực để yêu nữa.